Sách phong thuỷ ở Sài Gòn

trường đại học Kiến trúc TP.HCM
11:23 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Bảy, 2008

Hiện có ba dòng sách phong thuỷ lưu hành chính hiện nay, tương ứng với các khuynh hướng phong thuỷ trên thế giới

1. Khuynh hướng cổ điển

Các triết gia cổ (chủ yếu Trung Quốc) đã đặt nền tảng lý luận về cách tạo dựng một ngôi nhà, một ngôi làng, một đô thị sao cho hoà hợp. Nhưng ngay các nhà phong thuỷ cổ điển cũng có nhiều phái khác nhau. Khuynh hướng cổ điển chia làm ba phái:

A. Phái Loan đầu: phái này dựa vào hình thể tự nhiên của núi sông. Một cuộc đất tốt đối với các nhà phong thuỷ xưa là phải có sơn, có thuỷ, có cây cối tươi tốt, sản vật dồi dào, khí hậu hiền hoà, dân cư tập trung, ổn định. Thuyết Loan đầu có tính duy vật biện chứng thuần lý chất phác. Cụ Tả Ao của đất Việt ta cũng theo phái này, với nhiều sách vở lưu truyền miêu tả hình thế núi sông cùng các chú giải tỉ mỉ.

B. Phái Lý khí: từ khi nhiều người dùng Dịch lý có mang màu sắc bói toán, thì Dịch lý đã phối với thuyết Ngũ hành để đưa ra nhiều ứng dụng, vừa mang tính thần bí siêu hình, vừa như thực tế sống động. Phái Lý khí viết rất nhiều sách với các luận thuyết có pha trộn chất hoang đường, dễ hợp với óc mê tín của lớp bình dân.

C. Phái Trung dung: nếu xem Loan đầu là xem tướng (hình thế khu đất) còn Lý khí là xem số (tính toán theo cung mệnh, tuổi tác, phương vị…) thì phái Trung dung là sự kết hợp cả hai dạng tướng - số đó. Hiện nay sách về phong thuỷ tương đối công phu lưu hành ở Việt Nam (cả dịch lẫn biên soạn) cũng chủ yếu theo kiểu Trung dung này.

2. Khuynh hướng bán cổ điển

Đó là Huyền Không học phái, lấy Lạc thư làm chuẩn, biến Bát quái ra Bát cung, Bát cung ra Bát tinh, dùng Cung phi làm mực thước cho Dịch khí. Chuyển Dịch khí nhập Cửu cung. Xét từng cung, từng vận và từng niên. Phái này dường như thoát khỏi sự vướng bận của phái Loan đầu. Đứng đầu phái này là Thẩm Trúc Nhưng (đời Thanh mạt). Huyền Không học phái hiện giờ đang thịnh hành ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Nước ta mới đây đã có vài quyển sách dịch đi theo phái này. Bộ sách Trạch vận tân an và Thẩm thị Huyền Không học (NXB Văn hoá Thông tin) cũng được nhiều học giả đánh giá cao, nhưng người dân đọc thì… hầu như không hiểu gì cả.

3. Khuynh hướng hiện thực

Phái này đang hoạt động ở Đông Nam Á như Đài Loan, Hong Kong, Việt Nam, và cũng đang phát triển ở các nước tân tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các khoá học về phong thuỷ ứng dụng tại các trưòng đại học thế giới chủ yếu theo khuynh hướng này. Khuynh hướng hiện thực vẫn lấy các trường phái cổ điển làm nòng cốt, điều chỉnh theo những phương pháp hiện đại, trong gia trạch thấy chỗ nào không ổn thì họ dùng gương, tấm bát quái, ánh điện, khánh nhạc, hoa, tủ cá… để làm giảm đi xung khí, u khí. Sách vở khá nhiều và in ấn công phu như của George Birdsall (Canada), John Michell (Mỹ), P.Blake (Mỹ), Nancilee Wydra (Mỹ), Evelyn Lip (Singapore), Tạ Thuyên Thiên (Hong Kong)… Các sách theo kiểu phong thuỷ doanh nghiệp, phong thuỷ ứng dụng, phong thuỷ trong trang trí nội thất… của khuynh hướng hiện thực khá phổ biến vì gần với thực tế đương đại, ít thuật toán và không sa vào từ ngữ kiểu tiếng Trung Hoa cổ điển nên người dân dễ xem, dễ áp dụng hơn các sách cổ. Tuy nhiên khuynh hướng này hầu như không hệ thống về phong thuỷ một cách toàn diện, mà thuần tuý là các giải pháp sắp xếp, chọn lựa mang tính đối phó những tình huống khó khăn. Vì thế một số sách của khuynh hướng này nhiều khi trái ngược nhau và mang nặng cảm tính của người viết.

Đặc điểm chung là các tác giả soạn sách phong thuỷ thường hay chuyên về một ngành nhất định. Hoặc là những nhà nghiên cứu văn hoá Hán văn, Dịch học (các sách dịch từ Trung quốc, sách cổ), hoặc là thiên về kiểu trang trí, sắp xếp (sách mới). Tác giả là dân mỹ thuật hay kỹ sư thì lại ít nắm vững thuyết phong thuỷ truyền thống. Người rành về Dịch học lại không phải chuyên làm kiến trúc xây dựng. Sự liên thông kiến thức vì thế giảm đi, trong khi người dân lại có trình độ cảm thụ không đồng đều, do vậy hiện nay khó tìm một cuốn sách vừa có học thuật lại vừa dễ hiểu dễ ứng dụng.

Một số sách sau đây theo nhận xét của giới chuyên môn là ít phức tạp, có được tính hệ thống và làm nền tảng tốt cho những ai muốn nghiên cứu và vận dụng phong thuỷ trong đời sống nói chung và xây dựng nhà cửa nói riêng, đó là:

1. Bí ẩn của phong thuỷ – Vương Ngọc Đức – NXB Văn hoá Thông tin 1996: một dạng “lịch sử phong thuỷ Trung Quốc” với nhiều góc nhìn thẳng thắn;

2. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam – Trần Ngọc Thêm – NXB TP.HCM: một cuốn không “chuyên” phong thủy nhưng trình bày rất hệ thống và quy chiếu được các ứng xử phong thuỷ chính là nền tảng văn hoá;

3. Xây dựng nhà ở theo địa lý, thiên văn, dịch lý – Trần Văn Tam - NXB Văn hoá thông tin 2000. Do tác giả là kỹ sư xây dựng nên biên soạn khá thực tế, thực hành dễ hiểu;

4. Trạch vận tân án – Thẩm Trúc Nhưng (Lê Việt Anh dịch) - NXB Văn hoá Thông tin;

5. Phong thuỷ và phong thuỷ Việt Nam – Ngô Nguyên Phi – NXB Văn hoá Thông tin;

6. Một số sách về Lịch pháp như Âm dương đối lịch của Nghiêm Minh Quách, Nguyên lý chọn ngày theo lịch can chi của Hoàng Tuấn.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thăng trầm phong thủy

    07/07/2008Nguyễn Việt HàTrong vô số tinh hoa còn phảng phất mơ hồ do những lớp người đi trước văn minh để lại, thì thuật phong thủy đáng kể là thứ cực kỳ vất vả thăng trầm. “Từ Nguyên” viết “phong thủy là cách xem địa thế phương hướng đất nhà ở hoặc đất phần mộ. Người ta căn cứ vào đó để luận lành dữ tốt xấu về nhân sự”. Xưa cũng như nay, nhân sự quan trọng vào bậc nhất vẫn là danh vọng là tiền tài...
  • Mê phong thủy như… Doanh nhân

    30/05/2008Đức HiềnNói đến phong thủy, người ta nghĩ ngay đến sự huyền bí đậm chất Đông phương, liên quan nhiều đến tâm linh và những yếu tố có vẻ “siêu nhiên” trong đời sống con người. Những tưởng những con người hiện đại như doanh nhân sẽ “miễn nhiễm” với những yếu tố thần bí này, hóa ra không. Thậm chí, không ai tin và áp dụng phong thủy triệt để như doanh nhân...
  • Sự thật về thuật phong thủy?

    07/01/2007Đỗ Hoàng GiangKhổ lắm, nói mãi, nhàm tai... nhưng có vẻ như chẳng mấy ai biết rõ cái bí mật này, mà có biết vẫn... dịđoan mới lạ!Rõ ràng là quan điểm gió- nước của người xưa nặng về mê tín dị đoan, xây dựng theo trí tưởng tượng để tự an ủi về những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và tai hại mà tri thức thời ấy không thể giải thích nổi...