"Sáng kiến" cho giáo dục giới tính?

11:29 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Tư, 2008

Ngày 8 tháng 2 năm 2008, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Hiểu biết và nhận thức của học sinh phổ thông về giáo dục giới tính và một số biện pháp đổi mới giáo dục giới tính” mã số: D2005-52-54 do TS. Đặng Văn Sinh làm chủ nhiệm.

Giáo dục giới tính và Sức khỏe sinh sản, theo các chuyên gia, cần được tăng cường hơn nữa trong trường phổ thông

Sinh con từ... nách và lỗ rốn!

Nhóm nghiên cứu của đề tài dành thời gian hơn 3 năm khảo sát tất cả 37.304 mẫu, trong đó có 16.376 nam (43,9%) và 20.928 nữ (55,5%). Tất cả các mẫu nghiên cứu đều nằm trong lứa tuổi từ 14-17 tuổi. Trong số đó, các học sinh hiện đang ở với gia đình chiếm đến 94,2% chủ yếu ở các tp. HCM, Hà Nội và thành phố lớn.

Trong những câu hỏi được đặt ra trong bản nghiên cứu này, đáng chú ý nhất là câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: “Phụ nữ sinh con theo đường nào?”.

Kết quả như sau:
- 16.078 học sinh (43,1%) của các trường THPT cho rằng trẻ con được sinh ra từ hậu môn.
- 8.318 học sinh (22.3%) cho rằng trẻ con được sinh ra từ rốn.
- 2.350 học sinh (6,3%) cho rằng trẻ em được sinh ra từ …nách
- 1.678 học sinh (4,5%) hoàn toàn không biết.

Đặt những câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân của những suy nghĩ này, nhóm nghiên cứu liên tục nhận được các câu trả lời rất ngô nghê.

Tiêu biểu như: “Em nghĩ là người phụ nữ sinh con qua đường hậu môn, vì… âm đạo quá nhỏ làm sao mà em bé chui lọt được” (biên bản thảo luận nhóm nữ trường THPT Nguyễn Huệ, TP. HCM).

Nhiều học sinh khác còn trả lời hết sức thật thà: “Hồi nhỏ mẹ em nói trẻ con được sinh ra từ nách! Ngay đến bây giờ em cũng không biết trẻ con sinh ra bằng đường nào. Mẹ em nói khi nào lớn sẽ biết” (biên bản thảo luận nhóm nữ trường THPT Nguyễn Huệ).

Liên quan đến sự hiểu biết về các biện pháp tránh thai, kết quả cho thấy vẫn còn khá nhiều học sinh không biết gì về việc này.

Như lời nhận xét khá thẳng thắn của một học sinh nữ: “Theo em biết thì có thể dùng kẹo cao su, thuốc khánh sinh để tránh thai, bao cao su...

Lúc trước em cũng không biết sử dụng thế nào, sau này biết cách sử dụng là nhờ được tập huấn để đi tuyên truyền, phát bao cao su cho nhà dân một lần, còn các phương pháp khác em chỉ nghe nói thôi chứ không biết thế nào?"

Vì đâu nên nỗi?

Các tác giả của đề tài nghiên cứu cũng đưa ra một quan điểm về việc những học sinh được khảo sát trên còn quá lơ mơ về sức khỏe sinh sản: Thực tế nước ta chỉ mới tập trung trang bị kiến thức cho đối tượng là những người đã kết hôn.

Các học sinh vị thành niên chưa kết hôn không được tiếp xúc rộng rãi với những thông tin về sức khỏe sinh sản cũng như có điều kiện tiếp cận với những người tư vấn về sức khỏe sinh sản.

Bởi thế, hậu quả của việc thiếu hiểu biết như phá thai, bị lạm dụng tình dục hay các bệnh lây qua đường tình dục… ngày càng tăng. Chỉ tính riêng hai tuần đầu của tháng 1/2007, ở Việt Nam đã có tất cả 248 ca nạo phá thai, trong đó có 21% dưới 18 tuổi.

Trả lời về vấn đề này, một giáo viên trường THPT Gia Định cho biết: “Các em biết về sức khỏe sinh sản không nhiều, theo tôi là vì chương trình học trên nhà trường quá ít. Trong khi đó, phương tiện truyền thông đại chúng rất ít khi được học sinh tìm đến ngoại trừ khi gặp rắc rối”.

Nhiều giáo viên khác đều cho rằng: “Các em học sinh bây giờ đa phần đều tìm hiểu trên sách báo. Nhưng đôi khi việc tìm hiểu của các em không chính xác lắm nên các em thường mắc phải những sai lầm đáng tiếc”.

Các tác giả đề tài cũng đã đi tìm câu trả lời từ rất nhiều khía cạnh. Kết quả: Có 40,5% học sinh tìm câu trả lời từ các báo và tạp chí; 39,3% học sinh tìm hiểu thông tin qua trao đổi với bạn bè.

Theo các tác giả, điều này cho thấy việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em từ phía gia đình và nhà trường còn quá lỏng lẻo và ít ỏi. Các buổi học ở nhà trường không gây được chú ý, hứng thú cho các em, chủ yếu là do các em phải tự tìm tòi, khám phá dựa trên phim ảnh, tranh ảnh màu sắc và do mất tập trung rất dễ dẫn đến những hiểu biết sai lệch.

Cụ thể, trong tất cả các đối tượng học sinh được hỏi, có 55% chưa bao giờ hỏi nhà thuốc, 45,1% chưa bao giờ tìm câu trả lời từ các trung tâm y tế, 35,8% chưa bao giờ hỏi thầy cô giáo, 34,2% chưa bao giờ hỏi anh chị em và có đến 26% cho sinh không bao giờ chia sẻ điều này với chính cha mẹ mình.

Nghiên cứu cho thấy với tâm lý người Á Đông, đa số các em học sinh đều cho rằng mình rất ngại ngùng khi chia sẻ điều này với gia đình. Ngay cả nhiều phụ huynh cũng cho biết sẽ quản con cái thật chặt, chuyện sức khỏe sinh sản để tự con mình lớn lên sẽ hiểu!

Thậm chí, có phụ huynh còn thẳng thắn phát biểu: “Tôi hoàn toàn bác bỏ việc đưa giáo dục giới tính vào trường học. Tôi nghĩ nên để cho lớp trẻ tập trung học văn hóa trước đã, sau lớp 12 giáo dục cũng không muộn.

Nếu đem giáo dục giới tính vào trường ngay lúc này là hoàn toàn vô lý, nó sẽ tạo cho bọn trẻ hư đốn, khác gì “vẽ đường cho hươu chạy (?!)”.

Đã phải dùng đến "nghệ thuật" trợ giảng

Giảng viên Vũ Toản - khoa Xã hội học - ĐH KHXH&NV TPHCM là người đã trực tiếp tham gia nhóm đề tài nghiên cứu khoa học đã có đề xuất “Chúng ta nên dạy môn Sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính có chiều sâu hơn, cuốn hút các em hơn để các em điều chỉnh được nhận thức”. Ông cho biết: Tôi thấy một mâu thuẫn là trong thời đại bùng nổ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất kỹ vấn đề sức khoẻ sinh sản, nhưng hàng năm các ca nạo phá thai tuổi vị thành niên tiếp tục tăng và dường như không thể kiểm soát nổi.

Vì thế, tôi đề xuất Bộ giáo dục nên phối kết hợp các tiết dạy Giáo dục giới tính bằng cách biểu diễn trực quan. Khi các em thấy được tính “nghệ thuật” của vấn đề thông qua kịch, phim sẽ rất tập trung và hiểu rõ hơn về quan hệ nam – nữ. Chỉ có bằng chứng kiến trực tiếp các em mới ghi nhớ và hiểu hết mọi điều chúng ta khó nói.

Có nhiều trẻ sinh ra trong môi trường bị áp lực rất thụ động, cha mẹ không quan tâm và các em cũng không quan tâm đến vấn đề này. Khi đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” như quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản…, cha mẹ chỉ biết cấm đoán các con một cách máy móc.

Ngay trong thành phố hiện đại, tràn ngập thông tin, vậy mà nhiều học sinh trung học mang bầu mà không biết là mình mang bầu, đến khi cái thai quá lớn thì không thể làm gì được nữa. Ngộ nhận đến thế là cùng!

Bộ giáo dục cho rằng nội dung nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục là rất cần thiết và đã đến lúc cả xã hội phải thay đổi quan điểm, nhìn thẳng vào vấn đề này. Một quan chức Bộ Giáo dục cho biết Bộ trưởng đang xem xét cụ thể đề xuất của dự án và chuẩn bị bàn bạc với các nhà hát, đoàn ca múa nghệ thuật của trung ương, địa phương tiến hành biểu diễn lồng ghép trong các buổi học Giáo dục giới tính ở nhà trường phổ thông.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: