Sẽ sai lầm nếu bỏ thói quen đọc sách
Sau 8 ngày mở diễn đàn, Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết bày tỏ sự quan tâm, bức xúc... trước việc thói quen đọc sách đang bị mai một. Trong số báo này, Lao Động xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá - Thông tin để khép lại diễn đàn này. Mở đầu cuộc trao đổi, bà Thuần khẳng định:
Thực tế, văn hoá nghe - nhìn đang trở nên thông dụng và tiện dụng trong điều kiện công nghiệp hiện nay, khi con người trở nên bận rộn hơn, đồng thời cũng lười biếng hơn vì đã có phương tiện, máy móc hỗ trợ, cả trong việc hưởng thụ văn hoá. Văn hoá nghe - nhìn khá tiện dụng vì con người có thể vừa được tiếp nhận thông tin, vừa có thể tranh thủ làm việc khác. Mặt khác, văn hoá nghe - nhìn thường cụ thể, trực tiếp và sinh động nên đầu óc con người có thể "nhàn nhã" hơn, ít phải phân tích hay hình dung. Xét về góc độ nào đó, văn hoá nghe - nhìn đang dần chiếm một góc khá lớn trong quỹ thời gian thư dãn của con người. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện và sâu sắc, thì chúng ta có thể khẳng định rằng: Văn hoá nghe - nhìn không thể thay thế cho văn hoá đọc. Văn hoá đọc không thể mất đi!
´ Nhưng một sự thật là con người bây giờ thích đọc báo hơn tiểu thuyết, thích xem phim hành động hơn đọc truyện trinh thám, thích nằm dài trên đivăng xem tivi ở nhà hơn đến các rạp hát...
- Đúng là như vậy, khi họ thiếu thời gian. Nhưng không có nghĩa là họ không đọc tiểu thuyết, không xem phim tại rạp, không thích các tác phẩm thơ ca. Tuy rằng, số lượng này chưa được nhiều. Điều này có thể khẳng định qua lượng bạn đọc đến các thư viện không những không giảm sút, ngược lại năm sau cao hơn năm trước nhiều lần. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, số lượng bạn đọc đến thư viện dành thời gian cho tiểu thuyết hay các sách văn học hầu như rất ít, mà chủ yếu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu.
´ Bà có cho rằng, xã hội càng phát triển, sức ép công việc tăng lên, con người càng bận rộn hơn thì sẽ có ít thời gian hơn cho việc đọc. Họ sẽ chỉ quan tâm đọc những cuốn sách khoa học, tài liệu ứng dụng thiết thực để phục vụ cho công việc của mình mà ít quan tâm đến những cuốn tiểu thuyết lãng mạn?
- Sẽ rất đáng tiếc với những ai cho rằng, đọc tiểu thuyết, sách văn học hay các tác phẩm thơ ca khác là lãng phí thời gian, phi thực tế. Văn học như dòng sông tưới mát và bồi đắp phù sa cho tâm hồn chúng ta, dạy chúng ta biết rung cảm, căm giận, yêu thương, phân biệt tốt xấu, cho ta óc khôi hài và trí tưởng tượng. Những cảm xúc đó, những nhận thức đó, các phương tiện nghe - nhìn cũng có thể cho ta, nhưng không sâu sắc bằng, không lắng đọng bằng và điều đáng nói là vì cụ thể quá, nên không còn chỗ cho trí tưởng tượng bay bổng, chúng ta không thể phát huy được cái "tôi" của mình trong khi thưởng thức. Chính vì thế, tôi cho rằng, càng bị sức ép công việc, càng bận rộn, chúng ta càng nên tìm đến những cuốn tiểu thuyết, sách văn học để giải toả, để biết mơ mộng và lạc quan. Nếu cho rằng, xã hội càng phát triển hiện đại, văn hoá đọc càng bị mai một là không đúng. Tôi đã ra nước ngoài nhiều lần và đã chứng kiến tại các nước phát triển Châu Âu, trên xe buýt, dưới ga tàu điện ngầm, trên máy bay, trong các sảnh chờ... trên tay mỗi người là một tờ báo hoặc một cuốn sách!
´ Nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ bây giờ ít đọc sách, một phần cũng vì ít sách hay?
- Đó chỉ là sự đổ lỗi không công bằng, hay là sự trốn chạy chính bản thân mình! Tôi rất ngạc nhiên và buồn, khi nhìn thấy có những sinh viên năm thứ hai vẫn có thể ngồi ôm truyện tranh đọc say sưa rồi cười khúc khích, nhưng lại chê Truyện Kiều, không thích "Trăm năm cô đơn", thờ ơ với "Hải âu", vô cảm với "Anna Karenina", xa lạ với "Sông Đông êm đềm", không biết Giả Bình Ao là ai và cho rằng Mạc Ngôn là... anh hùng Lương Sơn Bạc! Đối với văn học nước nhà, nếu như họ đổ lỗi cho sách văn học Việt Nam ít có tác phẩm hay, thì đã có hàng trăm đầu tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng thế giới đã được dịch, tái bản và bán đầy các nhà sách, tại sao họ vẫn thờ ơ và cho rằng đọc những cuốn sách đó ngày nay là không hợp? Bồi đắp cái đẹp, bay bổng cùng cái đẹp thì thời nào cũng cần và không bao giờ lỗi thời.
´ Vậy theo bà, cần làm gì để giới trẻ ngày nay có thể say sưa đến độ ôm tiểu thuyết suốt đêm, dùng tiểu thuyết gối đầu giường như các thế hệ trước đây?
- Chúng ta đã quá bận rộn với công việc, với việc nạp thông tin và kiến thức để phát triển chuyên môn mà quên rằng, thế hệ chúng ta đã trưởng thành một phần cũng nhờ những cuốn tiểu thuyết lãng mạn và đầy mơ mộng kia nuôi dưỡng. Sẽ càng sai lầm hơn nếu chúng ta không dạy cho con cái chúng ta lòng ham học hỏi, thói quen đọc sách. Cũng sẽ là sai lầm nếu chúng ta không hướng dẫn con mình những cuốn sách nào nên đọc. Những cuốn truyện tranh "chát, bộp, uỵch, hự" chỉ giúp các cháu giải trí trong chốc lát mà không hề đọng lại trong tâm hồn các cháu bất kỳ thứ gì như tình yêu, lòng trắc ẩn, niềm say mê... Và chính chúng ta, đôi khi cũng hãy tự nhìn lại và... giật mình tự hỏi: Một năm qua, chúng ta đã đọc được những cuốn sách nào đáng gọi là sách!
- Xin cảm ơn bà!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt