Sống chậm ơi...

05:24 CH @ Chủ Nhật - 20 Tháng Năm, 2012
Mấy năm nay người ta thường hỏi nhau: sống chậm là thế nào? Ai được coi là sống chậm? Bạn nghĩ gì về sống chậm? Mình cũng đã từng được phỏng vấn như thế…

Và thế là tự hỏi: mình đã được gọi là sống chậm chưa nhỉ? Và nhìn ngó xung quanh bạn bè…Chỉ thấy những gương mặt mệt mỏi, căng thẳng, cau có là chính…Sao vậy?

Bao giờ thì con người đang sống quanh mình biết sống chậm? Nhìn họ mình phát sốt…Quanh họ bủa vây chỉ toàn ảo tưởng; sức ép thành công; đòi hỏi bất tận về vật chất, sự xa hoa hưởng thụ và vô vàn những cạnh tranh…Tất cả bị ném vào “cối xay tham vọng” khổng lồ và bị nặn thành món băm viên tròn trĩnh. Chả còn mấy ai đủ sức và tìm được cơ hội thưởng thức cuộc đời. Sáng sắp ngửa đến công sở làm việc với những yêu cầu bất tận của thành công. Cả ngày, đủ tháng, quanh năm lo âu đồng tiền nhận được có đủ đầy cho chi tiêu và những thú vui ngày càng leo thang. Bạn bè, đồng nghiệp yêu ghét mình thế nào, cần gì cho mình cũng đủ điên đầu. Cuối năm đón năm mới, vừa quay đầu mấy cái đã gặp nắng hè đổ lửa. Qua hè là thu, rồi sang đông và lại tết. Soi gương chợt thấy những nếp nhăn nơi khoé mắt, cái nhìn uể oải cúi xuống…Rồi sẽ có những chiều chợt lo lắng, thế là mình đang bước gấp về hướng nghĩa trang, nơi ấy không ai chờ mình hết, chỉ mình với mình thôi…Và sợ hãi. Và hốt hoảng. Điên cuồng chống đỡ, vùng vẫy. Từ lúc đó đâu còn thấy cuộc đời tươi đẹp nữa. Chỉ còn là sự chịu đựng đau khổ, dày vò. Thấy tụi trẻ quanh mình lao xao, vui vẻ bỗng xa lánh, ghét bỏ, nghiệt ngã. Ai may mắn không bị bệnh tật thì còn thấy đời đỡ hiu hắt. Ai mang trọng bệnh thì sống mà như chết. Tự biến mình thành cái xác biết đi lại, ăn uống nhưng vô cảm. Một bóng ma giữa những người sống nhiệt huyết. Đáng sợ nhất là không còn biết yêu thương, biết sống vì người khác. Không lẽ phần lớn đời người là như thế này sao? Có triết gia ví cuộc đời là một bữa tiệc lớn, nhưng trớ trêu thay rất nhiều người lại đang chết đói. Hầu hết chúng ta không nhận biết những gì tốt đẹp, vui tươi, hạnh phúc…ở quanh mình.

Không phải vô cớ trong thông điệp của Bill Gates gửi thanh niên Vịêt Nam cách đây mấy năm, điều đầu tiên ông nhắc nhở là “Hãy thư dãn cho tốt”. Thư dãn bằng cách nào khi trẻ con nứt mắt đã lao vào cạnh tranh học hành, thi cử để dành trường tốt nhất, học giỏi nhất, được nhiều bằng khen nhất? Ra trường thì chọn được công việc tốt nhất, kiếm được tiền nhiều nhất? Công chức thì dành nhau từng cái ghế chức quyền, để mắt chiến đấu với đối thủ không cho họ vượt qua mình, hơn mình và đè bẹp mình? Dân đen thì giành giật từng đồng bạc, miếng ăn? Nhìn ra xã hội chuyện xấu xa là chính, chuyện tốt đẹp quá hiếm hoi, xấu từ trên xấu xuống, lúc nhúc như “bầy sâu” trong một bát canh nhạt nhẽo, đục lờ. Cả xã hội đảo điên, mất phương hướng, lòng tin cạn dần tựa vết thương bị chảy máu không cầm được. Người với người chỉ còn nỗi căm giận và oán hận sẵn sàng trút vào nhau…


Một xã hội như thế mà khuyên sống chậm ư? Việc này quả là rất khó…Bởi sống chậm đòi hỏi sự thức tỉnh của con người để tìm thấy chính mình và lắng nghe cuộc đời. Nếu còn bị lệ thuộc vào ai đó, vào nỗi sợ hãi nào đó thì người ta sẽ bị nó cuốn đi, chôn vùi, không thể dừng lại suy nghĩ và sống cho riêng mình. Kể cả khi bạn lệ thuộc vào chồng, con cái bạn thì cũng không thể có hạnh phúc đích thực khi ở trong chính ngôi nhà của bạn. Mối nhân duyên khác với sự lệ thuộc này. Trước khi để sống chậm, bạn cần tẩy rửa bản thân bằng cách trút bỏ mọi “nhãn hiệu” dán trên người như tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, danh tiếng, những tấm huân huy chương, tiền bạc đang có, sẽ có, mối quan hệ khiến bạn bị lệ thuộc…Cái đó chỉ làm tăng thêm "cái tôi", mà "cái tôi" vốn không có đâu. Không dễ luyện được cái Vô ngã, nhưng cố gắng để "bản ngã" đừng dày lên theo năm tháng. Bản ngã ấy vốn bị cuộc sống huyễn hoặc và bồi đắp bởi nhiều cái không có thật. Hàng ngày lao vào cuộc mưu sinh, giành giật, tranh đua, bạn luôn dùng các nhãn hiệu này để mưu cầu mục đích của mình. Nhưng bạn không biết rằng, sâu thẳm trong kia, nơi góc sâu lắng, thanh tao, hoát nhiên của tâm thức, không có cái tôi nào hết. Nó chỉ là một miền bao la trong sáng, tĩnh lặng...Nơi ấy không có nỗi sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, chỉ có sự an lành, không tên gọi…Có triết gia khuyên rằng, thành công của đời người đó là sống hạnh phúc, không lo lắng. Bạn không cần làm gì cả để đạt đến hạnh phúc, vì hạnh phúc không phải là cái cố gắng mà có thể đạt được. Để có hạnh phúc, bạn không phải thêm thắt bất cứ thứ gì, chỉ cần bỏ bớt từng ngày một, từng cái một đã và đang chất chồng lên bạn qua năm tháng…Trút bỏ dần những thứ bủa vây quanh bạn là đang sống chậm rồi đấy. Nếu không sống chậm thì con người rất khó biết yêu thương, chia sẻ, biết chăm sóc bản thân và những người xung quanh…

Thế hệ trẻ (còn gọi là thế hệ X) đã bị cuộc sống hiện đại và toàn cầu hoá giam giữ trong, sau tuổi đến trường bằng đủ mọi thứ kiến thức, thi cử, các trò chơi địên tử, thời trang, âm nhạc, thể thao, phim ảnh…Họ hầu như ít quan tâm đến tin tức, thời sự thế giới. Những cuộc chiến tranh ở châu Phi với cảnh chém giết, máu chảy; sự tuyệt vọng vì đói của con người không làm họ giật mình. Gần hơn là những tấm băng rôn khiếu kiện của người dân mất đất giăng đầy trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn lâu nay; hay cảnh nông dân Văn Giang tuyệt vọng, đau khổ, bất lực tụ thành đám đông tay không chống trả với hàng ngàn cảnh sát đến cướp đất của cha ông họ; hoặc tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ vang càng tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến tham vọng kiếm một chỗ làm tốt, lương cao, mua nhà, sự thăng tiến trong công việc, thú vui, đam mê…

Người ta đã tổng kết, hầu như giới trẻ trên thế giới đều đuổi theo công thức sống: “Kiếm việc ở bất cứ đâu có nhiều tiền - Mở công ty riêng – Mua nhà – Mua nhà cho thuê - Về hưu non – Làm từ thiện”. Tuổi trẻ Việt Nam có lẽ còn tệ hơn thế vì mấy ai nghĩ đến chuyện làm từ thiện khi còn trẻ? Gia đình, tình yêu, hôn nhân, trái tim dành cho đồng bào, to tát hơn là nhân lọai chỉ như món kem tráng miệng sau bữa ăn no nê nữa là. Và tất nhiên với họ, thời sự sẽ là sự lên xuống giá bất động sản, thị trường tài chứng khoán và giá trị các cổ tức. Nỗi đau của họ bị châm chích khi mất thẻ tín dụng, thị trường chứng khoán sụt giá, bất động sản nổ như bong bóng…Họ rất dễ hoài nghi chuyện đời và hoài nghi lẫn nhau. Họ không quan tâm đến môi trường, bảo vệ thiên nhiên, mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng của tầng ozone trong không gian, nạn đói ở các nước chậm phát triển…Họ cho đó là việc vĩ mô, quá tầm tay của họ. Tất cả thú vui cũng như các chuyến du lịch của họ là để hưởng thụ chứ không phải là khám phá, tìm hiểu…Trí tưởng tượng của họ bị thui chột, nghèo nàn và hoàn toàn lệ thuộc vào các loại hình giải trí nghe nhìn. Sách là món ăn không hợp gu và bị loại ra khỏi menu các món ăn tinh thần. Vài thế hệ khá thành công nhưng hời hợt, nông nổi, nhạt nhẽo...Các chuyên gia tìm hiểu thế hệ trẻ ngày nay đã đặt ra một câu hỏi: làm thế nào để thế hệ trẻ giỏi giang ngày nay trở nên tình nghĩa hơn và biết quan tâm đến người khác?
Bạn có thể điều khiển một cuộc sống gấp gáp như thế để sống chậm được không? Vẫn có thể đấy nếu bạn ý thức về điều đó. Sống chậm luôn là một cách sống đúng đắn. Nó là nghệ thuật sống mà con người cần phải học tập, tu luỵên để đạt được một năng lực nhất định thì mới thấu cảm và mong muốn có được nó. Bạn sẽ không thể sống chậm nếu bạn bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc tâm lý vào người khác, cuộc sống khác. Cuộc sống của con người ngày nay rất gấp gáp và có quá nhiều vấn đề cá nhân, gia đình mà họ phải đương đầu giải quyết. Họ tốn rất nhiều thời gian, công sức để dán nhãn mác cho bản thân, rồi sau đó tìm mọi cách để giữ gìn, củng cố trong suốt cuộc đời, đến mức mất hết tự chủ, độc lập và luôn đặt mình sống trong nỗi sợ hãi, mà nỗi sợ hãi nhất là sẽ mất những gì họ đã và đang có. Cuối cùng là đánh mất tự do. Vì sợ hãi nên bám víu, họ không dám thám hiểm cuộc đời với một tấm lòng trong trẻo, vô lo, vô uý, không dựa dẫm…Sự minh triết cần làm là: “Hãy lăn xả vào khói lửa của chiến trận và hãy giữ cõi lòng mình nơi toà sen của Thần Minh”. Khó thay!

Trong cõi sống chậm, bạn sẽ sống như một người không tên tuổi, không hình hài, mất mọi khái niệm, định kiến và sống không vì cái gì cả…Khi không bị tính mục đích bủa vây, tham vọng làm hao mòn, những định kiến làm thui chột khả năng tiếp nhận cái mới thì chính lúc đó bạn phát huy tối đa khả năng của mình. Bạn sẽ đầy ắp năng lượng sống vì bạn được trống rỗng và tự do. Khi ấy bạn đã cai được nghiện: nghiện danh tiếng, uy quyền, tiền bạc, tham vọng, đam mê…Nếu làm được như vậy thì cuộc sống của bạn có khác gì với ông vua hay bà hoàng? Nhiều người cùng làm được như vậy thì xã hội có sự cộng hưởng năng lượng tốt nhất, trong sạch nhất. Cứ mơ như vậy nhé...

Người xưa khuyên chúng ta: Con người có bốn chặng đường khôn ngoan nên đi: Hãy đào bới những cảm nghĩ tiêu cực, những cảm nghĩ ngay cả mình không ý thức – Hãy hiểu những cảm nghĩ tiêu cực này nằm ở bạn chứ không phải thực tại - Đừng hoà đồng mình với cảm nghĩ đó – Hãy thay đổi chính mình thì người khác cũng sẽ thay đổi.Bạn yên tâm đi, sống chậm chỉ sẽ càng giúp bạn trở nên dễ thương, hấp dẫn hơn. Nếu nhiều người như bạn thì xã hội hoàn thiện và phát triển nhanh hơn...Lại mơ tiếp bạn nhé...

Và mình sẽ bắt đầu cuộc sống này đây, từ bây giờ…Ai cùng mình nào? Tự do muôn năm...Hihi...

(Kỷ niệm ngày Tự do báo chí - Ngày Tự do của mình)
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sống chậm giữa đời nhanh

    02/07/2010Lê Thiếu NhơnMột người cuống cuồng với miếng ăn chỉ là một người chuẩn bị sống chứ không phải một người đang sống...
  • Sống chậm thời @

    10/07/2010Quyền Hồ"Những buổi tối thứ Năm không còn nữa vì Face-book đã giúp cập nhật mọi thứ, từ đĩa nhạc đang nghe, cái áo mới mua, một chuyến đi Thái - Sing, một buổi tiệc tại nhà...
  • Sống chậm

    05/02/2010KTS Nguyễn Trường LưuTrong cuộc sống, mọi người đua nhau phải nhanh hơn. Từ làm nhanh, đi nhanh, ăn nhanh… đến “sống nhanh”, tất cả đều bị tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thúc giục và gây sức ép. Và, cái gì chậm lâu nay vẫn mang một nghĩa xấu như: chậm hiểu, chậm chạp, chậm tiêu…
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...