Sự bảo vệ của Mill đối với tự do cá nhân

10:46 SA @ Chủ Nhật - 22 Tháng Năm, 2022

Bối cảnh chính trị và tư tưởng

Tiểu luận Bàn về tự do (1859) của John Stuart Mill, cùng với  tác phẩm Areopagitica của Milton được nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị, George Sabine, miêu tả như là một trong những sự bảo vệ kinh điển nhất đối với sự tự do trong ngôn ngữ Anh. Chắc chắn nó cung cấp một trong những sự trình bày hùng hồn nhất và trứ danh nhất đối với tự do cá nhân trong toàn bộ truyền thống tự do của Phương tây. Do đó, không ngạc nhiên khi từ lúc xuất bản vào năm 1859, tác phẩm của Mill trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu trong cái buổi thảo luận về bản chất và phạm vi của tự do cá nhân trong lĩnh vực lịch sử tư tưởng chính trị.

Mối quan tâm chính trong tác phẩm Bàn về tự do là sự đe dọa đối với tự do cá nhân nhưng không phải xuất phát từ chính quyền, hay các chế độ chính trị độc tài mà từ môi trường công luận không khoan dung và có tính áp đặt ở Anh vào giữa thời Victoria. Do đó, theo lời của Sabine, tiểu luận của Mill là:

“…một yêu sách không phải cho một sự giảm bớt sự đàn đáp chính trị hay cho sự thay đổi trong cách thức tổ chức chính trị, mà cho một môi trường công luận thực sự khoan dung…”

Mối bận tâm này, vốn thấm đẫm trong tác phẩm Bàn về tự do, cần được xem xét trong bối cảnh của các ảnh hưởng trí tuệ định hình tiểu luận đó và của các tác phẩm khác của Mill. Nó cũng cần được xem xét dựa vào bối cảnh của các mối quan tâm chính trị lớn trong thời đại ông sống.

Khi còn là một đứa trẻ, John Stuart Mill đã trải qua một chế độ giáo giục rất khắt khe của cha ông, Jame Mill. Sự giáo dục nghiêm ngặt này, chẳng hạn như Mill phải học tiếng Hilap cổ lúc ba tuổi, vốn được thiết kế bởi cha ông nhằm đào tạo để ông trở thành lãnh đạo tư tưởng không chỉ của trương phái triết học công lợi mà còn của phong trào chính trị cấp tiến mà sau này được gọi là Phong trào cấp tiến triết học, vốn bắt nguồn từ trường phái này. Thuyết công lợi là một trường phái trong triết học đạo đức mà Jeremy Bentham (1748 – 1832), một người bạn và đồng nghiệp của Jame Mill, là người biện hộ chính. Được phát triển vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19, và nổi bật nhất trong tác phẩm Các nguyên tắc của đạo đức và lập pháp (1789) của Bentham, thuyết công lợi là học thuyết cho rằng, thứ nhất, các cá nhân là các tồn tại tư lợi và duy lý, bị thúc đẩy bởi các ước muốn đạt được hạnh phúc hay sự hài lòng và tránh xa sự không hạnh phúc hay sự đau đớn; và thứ hai, “tính đúng đắn” về mặt đạo đức của một hành động của con người phải được đo bằng xu hướng gia tăng hạnh phúc hay sự hài lòng. Ngoài ra, khi áp dụng ở cấp độ xã hội, thuyết công lợi cho rằng con người, ngoài các động cơ như lòng khoan dung hay sự đồng cảm, phải hướng đến việc thúc đẩy hạnh phúc chung, hay là “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất”, như ông gọi nó. Do đó, các thiết chế, luật pháp, và chính sách của xã hội, trên tất cả, được đánh giá trên cơ sở xu hướng thúc đẩy các mục tiêu đáng mong muốn đó.

Trên cơ sở triết học công lợi này, nhóm chính trị sau này được biết đến như là Trường phái cấp tiến triết học đã lấy cảm hứng trí tuệ từ Bentham và Jame Mill. Họ tin rằng, theo các nguyên tắc công lợi, không chỉ tất cả mọi cá nhân phải tối đa hóa hạnh phúc và sự thịnh vượng riêng của mình, mà mục đích cao nhất của chính quyền là thúc đẩy hạnh phúc chung. Do đó, mối quan tâm chính của Trường phái cấp tiến triết học là phản đối chế độ chính trị quý tộc, và ủng hộ các thay đổi thể chế và các cải cách luật pháp và xã hội một cách cấp tiến. Tất cả những điều này đòi hỏi thiết lập một hệ thống dân chủ đại diện dựa trên các bầu cử rộng rãi, định kì (và cuối cùng là bầu cử phổ thông). Do đó Trường phái cấp tiến triết học đề nghị một sự biện minh cho các phong trào cải cách diễn ra vào đầu thế kỉ 19 vốn tìm kiếm thúc đẩy sự chuyển tiếp từ các chế độ cai trị quý tộc truyền thống tới các hệ thống dân chủ hiện đại vận hành cùng với nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, khoảng những năm 1830, John Stuart Mill ngày càng trở nên nghi ngờ về khả năng của bầu cử phổ thông và cai trị đa số như là phương tiện hữu hiệu đảm bảo cho một chính quyền tốt. Tuy nhiên, ông vẫn cam kết với ý tưởng về nền dân chủ đại diện, dẫn đầu một nhóm nhỏ gồm các chính trị gia và nhà báo cấp tiến theo đuổi mục tiêu đó thông qua các phương pháp nghị viện.

Cùng thời gian đó, ông trải qua một sự mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa lối giáo dục theo kiểu công lợi của cha ông và sự ảnh hưởng của các truyền thống tư tưởng khác đối với ông. Điều này làm cho ông bị suy nhược thần kinh vào năm 1826, lúc ông 20 tuổi. Tuy nhiên, theo sau sự hồi phục của ông, và cái chết của cha ông mười năm sau đó, cuối cùng Mill bắt đầu phát triển một cách tiếp cận của riêng ông đối với các vấn đề đạo đức và chính trị. Điều này liên quan đến việc ông xem xét lại các giả định trung tâm của tư tưởng công lợi. Thứ nhất, ông xem việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân là một tiêu chuẩn chứ không phải là mục đích trung tâm của các hành động đạo đức, tức xem nó là kết quả của việc theo đuổi một số lý tưởng khác. Do vậy, ông đặt lại vấn đề đối với niềm tin công lợi của Bentham, niềm tin cho rằng việc tìm kiếm sự hài lòng vị kỉ là động cơ phổ quát của con người, hay là nguyên tắc giải thích đầy đủ hành vi của cá nhân và xã hội. Thứ hai, Mill cũng điều chỉnh tư tưởng công lợi bằng cách gắn một tầm quan trọng lớn hơn Bentham đã làm không chỉ đối với các động cơ vị tha mà còn với các ý tưởng khác, chứ không chỉ đơn thuần tối đa sự hài lòng trực tiếp.

Khi điều chỉnh lại thuyết công lợi trong những ngày này, Mill đã phát triển một khái niệm rộng rãi hơn và tiến bộ hơn về bản chất và động cơ của con người. Khi làm như vậy, ông bị ảnh hưởng bởi các nhà văn lãng mạn như Samuel Coleridge (1772-1834), người đã thách thức thuyết duy lý hạn hẹp của nhiều nhà tư tưởng khai sáng thế kỉ 18, khi khẳng định các ý tưởng về sự tự phát triển và tự hiện thực hóa. Ngoài ra, Mill cũng chịu ảnh hưởng từ tư tưởng xã hội học của Auguste Comte (1789 – 1857), và các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Anh và Pháp thời kì đầu. Tuy nhiên, ông tiếp tục tán thành chủ nghĩa cá nhân của Locke và Bentham, xem cá nhân có trước xã hội, và tin rằng chức năng cơ bản của chính quyền là bảo vệ các mục tiêu và lợi ích của cá nhân.

Trong một trừng mực nào đó, kết cấu của tác phẩm Bàn về tự do của Mill, và sau đó là tác phẩm Sự lệ thuộc của Phụ nữ (1869), chịu ảnh hưởng quan trọng từ mối quan hệ của ông với Harriet Taylor, một phụ nữ có chồng mà Mill bắt đầu yêu từ những năm 1830, và cuối cùng họ đã kết hôn hai mươi năm sau đó, ngay sau khi chồng bà qua đời.

Ở vào tuổi năm mươi, Mill đã có một sự chi phối tư tưởng vô song trong đời sống cộng đồng ở Anh – như là một triết gia đạo đức, một nhà kinh tế học, và một nhà tư tưởng chính trị. Trước khi xuất bản tác phẩm Bàn về tự do (1859), các tác phẩm khác của ông như Các hệ thống Logic (1843) và Các nguyên tắc của kinh tế chính trị(1848) đã là sách giáo khoa được sử dụng trong các trường Đại học ở Anh. Tiểu luận Các nghiên cứu về chính thể đại diện(1861) chúng tỏ nó là một tác phẩm có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng dân chủ của các thế hệ kế tiếp, trong khi tiểu luận ngắn Thuyết công lợi (1863) có ảnh hưởng quan trọng đối với các tranh luận trong triết học đạo đức cho tới tận ngày nay.

Quan tâm chính của Mill trong tác phẩm Bàn về tự do

Mở đầu tác phẩm Bàn về tự do Mill nhận xét rằng trong suốt lịch sử tư tưởng chính trị ý tưởng về tự do thường được giải thích như có nghĩa là “bảo vệ chống lại sự chuyên chế của tầng lớp cai trị”. Sự bảo vệ đó thông qua hai công cụ đặc biệt: hoặc với sự khẳng định một số quyền tự do nào đó của cá nhân mà chính quyền không thể xâm phạm; hoặc với cơ chế kiểm soát về mặt thể chế đối với chính quyền bởi người dân hoặc người đại diện của họ. Tuy nhiên, trong Bàn về tự do, Mill nói rõ rằng mối bận tâm chính của ông trong tiểu luận là sự đe dọa của sự chuyên chế của đa số, không được thực hành bởi các thiết chế của chính quyền, mà được thi hành bởi chính xã hội.

Do đó, trong Bàn về tự do Mill quan tâm đến việc bảo vệ cá nhân khỏi cái mà ông gọi là “sự chuyên chế của quan điểm và tình cảm đang thịnh hành”. Theo quan điểm của Mill, dạng chuyên chế đó, được thực hành bởi “xã hội đối với các cá nhân của nó” thậm chí còn áp bức hơn nhiều dạng áp bức chính trị khác. Vì không có sự bảo vệ về mặt thể chế chống lại sự áp bức của tập tục xã hội vốn hiện diện khắp nơi. Do đó, Mill tuyên bố là “sự chuyên chế của xã hội để lại rất ít phương tiện để thoát khỏi, nó đi sâu hơn vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, và nô lệ chính tâm hồn”.

Ngoài ra, sự chuyên chế này của công luận được Mill thấy là quá nguy hiểm cũng như có phạm vi quá rộng bởi vì nó đè nén cá tính của mọi người, bóp chết tính năng động và khả năng để phát triển sở thích và tiềm năng riêng của họ. Kết quả là, như Mill nhận xét:

“…Hiện tại cá nhân biến mất vào đám đông. Trong chính trị, việc nói rằng hiện nay công luận cai trị thế giới là điều quá thừa thãi…”

Theo ông, một sức mạnh như vậy sẽ thúc đẩy sự tuân thủ một cách ngu dốt và các định kiến xã hội.

Đối diện với tính nghiêm trọng của mối nguy hại này, Mill kết luận rằng:

“Do đó, sự bảo vệ chống lại sự chuyên chế của người cai trị là không đủ; mà cũng cần có sự bảo vệ chống lại sự chuyên chế của các quan điểm và tình cảm đang thịnh hành; chống lại xu hướng xã hội áp đặt các ý tưởng như là quy tắc của hành vi đối với những ai bất đồng với nó thông qua các phương tiện khác ngoài các hình phạt dân sự…”

Vào giữa thời đại Victoria ở Anh, khoảng những năm 1850 và 1860, Mill thấy rằng nhu cầu bảo vệ những cá nhân chống đối hoặc không theo khuân mẫu khỏi môi trường không khoan dung và áp bức là vấn đề cấp thiết nhất của thời ông. Bên cạnh việc phê phán các thái độ quý tộc, Mill cũng phê phán quan điểm của lực lượng trung lưu đang lên mà ông xem như thô lỗ, nửa vời, thường được nhân cách hóa bởi các nhà công nghiệp, mục sư, và các chủ đất, vốn có xu hướng khủng bố các cá nhân có các quan điểm và sở thích khác thường và ngăn cản các cải cách xã hội nhạy cảm.

Do đó để bảo vệ các cá nhân không theo khuân mẫu khỏi sự chuyên chế của công luận, trong Bàn vệ tự do Mill tìm cách thiết lập các nguyên tắc duy lý phổ quát mà sẽ phân chia lĩnh vực của các hành vi cá nhân trong đó cá nhân được tự do hành động như họ lựa chọn mà không chịu sự can thiệp của nhà nước hay xã hội. Các nguyên tắc như vậy sẽ được sử dụng, thứ nhất, để xác định các ranh giới thích hợp giữa sự tự do cá nhân và sự can thiệp của tập thể và, thứ hai, bảo vệ cá nhân, trong một số lĩnh vực của hành vi, khỏi sự đè nén của xã hội và sự kiểm soát của chính quyền.

Với những mục đích cơ bản này, Mill trình bày trong Chương 1 của tác phẩm Bàn về tự do như sau:

“Mục đích của tiểu luận này là khẳng định một nguyên lý hết sức đơn giản …đó là mục đích duy nhất mà con người được phép, cả trên phương diện cá nhân lẫn tập thể, can thiệp vào sự tự do hành động của bất cứ thành viên nào của nó là sự tự bảo vệ. Đó là mục đích duy nhất mà quyền lực có thể thi hành hợp pháp đối với bất cứ thành viên nào của một cộng đồng văn minh, chống lại ý chí của anh ta, để ngăn chặn sự tổn hại của người khác. Lợi ích của riêng anh ta, cả về thể xác lẫn đạo đức, là không đủ để bảo chữa cho sự can thiệp như vậy.”

Mill quan tâm tới việc xem xét lại và mở rộng quan điểm về tự do vốn nằm ở trung tâm của học thuyết tự do cổ điển của thế kỉ 19. Ông làm điều này bằng cách mở rộng lĩnh vực tự do lựa chọn của cá nhân trên phạm vi xã hôi, đi ra ngoài những sự dàn xếp đơn thuần về kinh tế và chính trị để bảo vệ cá nhân khỏi các chế độ độc tài hoặc khỏi sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế tư nhân.

Quan điểm của Mill về tự do

Khi phát triển định nghĩa riêng của mình về tự do, Mill bắt đầu với khái niệm tiêu cực về tự do như sau: sự tự do của cá nhân để làm những gì mình muốn mà không chịu sự can thiệp của người khác. Quan điểm này về tự do có cơ sở trong niềm tin là con người cá nhân có khả năng tự do lựa chọn. Con người là một tác nhân tự trị, tự do thực hành sự kiểm soát tối cao đối cuộc sống của anh ta.

Tuy nhiên, từ quan điểm tự do cổ điển này, Mill đi đến một quan niệm tích cực hơn về tự do, tự do là sự tự phát triển của con người. Vì theo ông, tự do không đơn thuần bao gồm khả năng không bị cản trở để làm điều gì mình muốn. Mà ông thấy tự do là điều kiện không thể thiếu cho sự tự phát triển về mặt đạo đức, trí tuệ và văn hóa của con người và từ đó hiện thực hóa tính cách của mình.

Nhà nghiên cứu lịch sử của các ý tưởng, Isaiah Berlin, miêu tả quan điểm hai mặt về tự do của ông như sau:

“Mill tin vào tự do, tức là, các giới hạn nghiêm ngặt đối với quyền cưỡng ép, bởi vì ông chắc chắn rằng con người không thể phát triển và thịnh vượng, và trở thành con người hoàn thiện nếu họ không được tự do trong một lĩnh vực tối thiểu nào đó trong cuộc sống của họ khỏi sự can thiệp của người khác, lĩnh vực mà ông xem như là không thể xâm phạm.”

Hơn nữa, khi đi trình bày tỉ mỉ sự bảo vệ của ông đối với tự do cá nhân, Mill không dựa vào lý thuyết của Locke về quyền tự nhiên. Thực vậy, ông bác bỏ ý tưởng về các quyền trừu tượng như là một thứ gì đó độc lập với ý tưởng công lợi. Ông chỉ ra trong các từ ngữ mà ông nhấn mạnh khi ông xem xét lại tư tưởng công lợi như sau:

“Tôi xem công lợi là tiêu chuẩn phân xử cuối cùng đối với mọi vấn đề đạo đức; nhưng nó phải là công lợi theo nghĩa rộng nhất, làm cơ sở cho lợi ích lâu dài của con người như một sinh thể tiến bộ.”

Mill phát triển các lập luận về tự do của ông trên nền tảng công lợi theo nghĩa rộng và đã được điều chỉnh chứ không phải theo nghĩa hẹp và chính thống của Bentham. Đó là một lý tưởng mà nếu được thực hiện đầy đủ trong thực tiễn sẽ mang lại các kết quả có lợi cho cá nhân cũng như cho xã hội. Theo ông, tự do được yêu mến như một thứ gì đó cao cả, như là phương tiện cho sự tự phát triển – về mặt đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ – và tự thực hiện thông qua việc đưa ra những lựa chọn tự do trong cuộc sống. Tự do phải được bảo vệ và thúc đẩy như là phương tiện cho sự tiến bộ của xã hội văn minh. Ông khẳng định, điều này bắt nguồn từ sự tăng tiến của tri thức và chân lý mà sự tự do thảo luận và phát biểu có thể tạo ra.

Ngoài ra, quan điểm của Mill về tự do như là một phương tiện sống còn cho cả sự phát triển của cá nhân và sự tiến bộ của tư tưởng và xã hội có liên quan chặt chẽ với quan niệm của ông về cá tính con người và về sự đóng góp mà sự tự do tạo ra đối với sự tiến bộ đó. Quan niệm này, vốn là một trong những điểm nổi bật của tư tưởng tự do của thời kì Victoria vào giữa thế kỉ 18, tập trung vào các ý tưởng cao quý như sự tự trị, sự đa dạng, thực nghiệm, độc lập tư tưởng, và sự tiến bộ của cá nhân và xã hội.

Chính từ tầm nhìn đạo đức tinh tế này, Mill đi đến lập luận trong Bàn về tự do là sự biện minh duy nhất mà xã hội có cho sự can thiệp với sự tự do hành động của cá nhân, chống lại ý chí của anh ta, là “ngăn chặn sự tổn hại cho người khác” - cụ thể hơn, là ngăn chặn những tổn hại vật chất trực tiếp đối với người khác.

Mill phát triển nguyên tắc “tổn hại” này hơn nữa dựa vào sự phân biệt giữa các hành động tự liên quan, tức các hành động chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và đối với các hành động đó người đó sẽ có quyền kiểm soát tối cao, và các hành động liên quan đến người khác, tức các hành động ảnh hưởng bất lợi tới lợi ích của người khác. Tuy nhiên, Mill giải thích rằng cả nguyên tắc “tổn hại” và sự phân biệt này chỉ áp dụng tới các thành viên của một “cộng đồng văn minh”, tới những người trưởng thành, tức những người có “khả năng tự hướng dẫn cho sự phát triển của họ bằng sự thương thảo và thuyết phục” Theo ông, nguyên tắc và sự phân biệt này không thể áp dụng cho trẻ em, hoặc cho các thành viên của các dân tộc lạc hậu, vì hành vi của họ cần sự hướng dẫn của người khác.

Mill tiếp tục phát triển lập luận của mình bằng cách minh định ba lĩnh vực của hành vi tự liên quan, trong đó sự thực hành tự do không gây hại cho người khác ngoài cá nhân người đó, và do đó sẽ hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của xã hội và nhà nước. 

Thứ nhất là tự do tư tưởng, thảo luận và bày tỏ trong các dạng thức khác nhau của nó. Theo lời ông, lĩnh vực này thuộc về “phạm vi bên trong của ý thức”, bao gồm “tự do ý thức theo nghĩa toàn diện nhất; tự do tư tưởng và cảm nhận; và tự do tuyệt đối của các quan điểm và tình cảm đối với mọi chủ đề, trên các mặt thực tiễn hay tự biện, khoa học, đạo đức hay thần học.

Lĩnh vực thứ hai và thứ ba của các hành vi tự liên quan được Mill nêu ra là “tự do sở thích và theo đuổi nghề nghiệp” - nghĩa là, tự do theo đuổi lối sống mà bạn lựa chọn; và “tự do ….hội họp” – nói cách khác, sự tự do kết hợp của các cá nhân, những người liên kết vì các mục đích mà không gây hại cho người khác. Liên quan đến ba phạm vi của các hành động cá nhân này, Mill phát biểu một cách dứt khoát là:

“Không xã hội nào được coi là tự do mà những sự tự do này không được tôn trọng, dù cho bất cứ dạng chính quyền nào mà nó có, và không xã hội nào được coi là hoàn toàn tự do mà những sự tự do này không tồn tại một cách tuyệt đối và vô điều kiện”.

Trong chương 2 của Bàn về tự do Mill phát triển các lập luận hết sức chặt chẽ - chiếm một phần ba cuốn tiểu luận của ông – cho sự tự do thứ nhất trong ba sự tự do của các hành vi tự liên quan này – tự do tư tưởng và thảo luận. Ông bắt đầu bằng khẳng định niềm tin của ông vào sự tự do tuyệt đối của chính kiến và bằng cách tố giác tất cả sự đàn áp đối với tự do thảo luận với các lời lẽ hùng hồn sau:

“Nếu tất cả nhân loại trừ một người, có chung một quan điểm, và chỉ một người có quan điểm trái ngược, thì việc nhân loại bắt người đó phải im lặng cũng không chính đáng hơn việc anh ta bắt cả nhân loại phải im lặng nếu anh ta có quyền lực.”

Ngoài ra, Mill chỉ ra rằng, tự do tư tưởng và “tự do bày tỏ và xuất bản các quan điểm trong thực tiễn là không thể tách rời”. Bảo vệ tự do tư tưởng và do vậy cũng liên quan đến việc bảo vệ tự do bày tỏ trong mọi hình thức – bao gồm tự do ngôn luận và xuất bản. Theo Mill, tính cấp thiết của nhiệm vụ này được nhấn mạnh không chỉ bởi kinh nghiệm lịch sử về sự truy tố và đàn áp tư tưởng dị giáo, khác thường, đi ra ngoài khuân khổ, mà cũng bởi mối đe dọa hiện tại được đề ra bởi sự chuyên chế của các ý kiến và tình cảm đang thịnh hành ở Anh vào giữa thế kỉ 19.

Sự bảo vệ tự do tư tưởng và thảo luận của Mill dựa vào niềm tin là, những sự tự do này là phương tiện cần thiết để khám phá ra chân lý và sự tiến bộ của tri thức và sự hiểu biết – các mục tiêu có giái trị và lợi ích nội tại cho xã hội. Niềm tin này dẫn ông đi đến trình bày ba luận điểm cụ thể chống lại sự áp bức, và ủng hộ sự khoan dung đối với các quan điểm mà có thể xung đột với các quan điểm của đa số phổ biến. Thứ nhất, quan điểm của thiểu số mà đang bị đàn áp có thể là đúng, trong khi quan điểm đa số có thể là sai lầm. Mill thấy rằng, mọi thời đại có nhiều quan điểm mà các thời đại sau thấy không chỉ sai lầm mà còn vô lý – chẳng hạn, như niềm tin cho rằng trái đất phẳng. Trái lại, nhiều ý tưởng bị lên án là nguy hiểm hay dị giáo sau đó được chấp nhận nồng nhiệt bởi các thế hệ kế tiếp. Ví dụ về Socrates và Jesus bị kết án và xử tử vì các quan điểm được cho là dị giáo và báng bổ, tuy nhiên sau đó được tôn kính là những người thầy đạo đức vĩ đại. Lịch sử của các tư tưởng và các phát kiến của con người cung cấp cho chúng ra những cảnh báo rõ ràng chống lại việc đưa ra bất cứ giả định về tính không thể sai lầm liên quan đến các quan điểm chính thống. Mill tuyên bố rằng, “làm im miệng mọi sự thảo luận” là “một giả định về tính không thể sai lầm”.

Luận điểm thứ hai mà Mill phát triển để bảo vệ tự do tư tưởng và thảo luận như là phương tiện để khám phá chân lý là, nếu quan điểm thiểu số bị đàn áp là sai lầm, thì chân lý thực sự được củng cố thông qua một quá trình bác bỏ có tính trí tuệ đối với quan điểm sai lầm đó. Vì sự đàn áp quan điểm thiểu số đó sẽ chỉ lấy đi khỏi những người có quan điểm đúng, phổ biến phương tiện để hiểu rõ lý do về tính đúng đắn của nó. Thực vậy, Mill nhấn mạnh, việc nắm giữ một quan điểm có thể đúng nhưng không hiểu được tại sao lại như vậy có một giá trị rất nhỏ.

Ngoài ra, quá trình khảo sát và thảo luận, một cách đầy đủ và thường xuyên, ngay cả một quan điểm đúng cũng sẽ ngăn chặn nó khỏi suy thoái theo thời gian thành “một chân lý giáo điều chết cứng”. Với sự không tồn tại của một môi trường phê phán như vậy, Mill thấy rằng “cả thầy và trò sẽ ngủ quên trên ghế của họ, ngay khi không có một đối thủ trong lớp”.

Luận điểm thứ ba và là luận điểm cuối cùng dựa trên sự thừa nhận là một quan điểm có thể sai lầm một phần, và có thể chứa đựng một phần chân lý. Nói cách khác, nó có thể rơi vào trường hợp, là có cả đúng và sai. Quá trình khảo sát một cách phê phán đối với quan điểm như vậy sẽ giúp tách biệt phần đúng đắn của nó ra khỏi phần sai lầm, củng cố cho cái trước, và loại bỏ cái sau. Mill thừa nhận, chỉ có sự tự do thảo luận và tranh luận mới làm cho điều này có thể, tức là sửa chữa cho các quan điểm, niềm tin chỉ đúng một phần.

Tuy nhiên, dù cho sự mạnh mẽ và hùng hồn trong lời biện hộ của Mill đối với tự do thảo luận, ông không tin rằng sự tiến bộ của chân lý sẽ là kết cục tất yếu. Ông viết, “Lời quả quyết cho rằng chân lý luân luôn chiến thắng sự áp bức, là một trong những sai lầm dễ thương mà con người lặp đi lặp lại cho đến khi trở nên cũ rích, nhưng tất cả kinh nghiệm đã bác bỏ điều này”. Vì ông nhận thấy, “Lịch sử tràn ngập với các ví dụ về việc chân lý bị hạ bệ bởi sự đàn áp”. Vì vậy ông bảo vệ nhiệt thành cho sự khoan dung liên quan đến các quan điểm và niềm tin mới lạ hay không theo khuân khổ và cho một thái độ phê phán cởi mở đối với các quan điểm chính thống hiện hành, vốn được tin tưởng và phổ biến rộng rãi. Ông khẳng định, chỉ thông qua quá trình liên tục thảo luận và tranh luận tự do thì “các quan điểm và các thực tiễn sai lầm sẽ dần dần bộ lộ”. Một kết quả như vậy, được Mill bảo vệ từ lập trường công lợi đã được điều chỉnh bởi ông, sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển đạo đức và trí tuệ của cá nhân và cho sự tiến bộ văn hóa và tư tưởng của xã hội.

Mill bàn về tầm quan trọng của cá tính


Phần còn lại của Chương 3 trong Bàn về tự do liên quan tới điều mà Mill trình bày là một vấn đề quan trọng sống còn, đó là sự tự do sở thích và theo đuổi ước mơ, hay ngắn gọn, là cá tính. Vì ông cho rằng “sự phát triển tự do của cá tính” là “một trong những điểm thiết yếu của sự thịnh vượng”. Sự tự do này thực chất là sự tự do của cá nhân để hành động theo các quan điểm và niềm tin của họ, “mà không bị cản trở, dù là trên phương diện vật chất hay đạo đức, từ những người xung quanh, bao lâu chỉ gây nguy hiểm cho chính họ”. Do đó, nó tạo thành lĩnh vực thứ hai của hành vi tự liên quan mà Mill dự định bảo vệ khỏi sự can thiệp của tập thể.

Cũng giống như tự do tư tưởng và thảo luận, Mill xem sự tự do theo đuổi sở thích và ước mơ là có lợi cho cả cá nhân và cho xã hội. Vì một sự đa dạng trong lối sống, cũng như sự đa dạng về các quan điểm và niền tin, mang lại cơ hội cho sự khám phá các cách thức tốt hơn, đầy đủ hơn của cuộc sống. Do vậy Mill khẳng định rằng:

“Vì con người là không hoàn hảo nên sẽ rất hữu ích khi có các quan điểm khác nhau, tương tự như vậy sẽ là hữu ích khi có các kinh nghiệm sống khác nhau; tự do sẽ mang lại một sự đa dạng cá tính, mà không gây hại cho người khác; và giá trị của các lối sống khác nhau sẽ được chứng tỏ trong thực tế … [Đây là] thành phần chính cho sự tiến bộ của cá nhân và xã hội”.

Ngoài ra, Mill lập luận rằng, “tỷ lệ với sự phát triển của cá tính” “ mỗi cá nhân trở nên có giá trị hơn với chính anh ta, và do đó có khả năng trở nên có giá trị hơn đối với người khác”. Vì thông qua việc khám phá ra sở thích và ước mơ của mình, cá nhân đang thực hành khả năng tự do lựa chọn và phán đoán độc lập của mình. Do đó, anh ta đang thúc đẩy sự tự phát triển về mặt đạo đức, trí tuệ, và thẩm mỹ của mình.

Mill nhấn mạnh, một tính cách như vậy là có lợi cho phần còn lại của xã hội, vì các cá nhân tự do và trưởng thành, bằng cách đưa ra cái nhìn mới và phát triển cách thức ứng xử mới, có thể trở thành một ví dụ về một sự ứng xử được khai sáng hơn, và một cá tính tốt hơn trong cuộc sống của con người”. Ngoài ra, ngay cả các thành viên chưa trưởng thành và các thành viên ban đầu không thuộc về xã hội đó sẽ được lợi dán tiếp từ sự có mặt và hoạt động tích cực của nhóm thiểu số năng động và sáng tạo, mà nếu không có họ xã hội sẽ trở thành “một cái bể tù đọng”.

Dù cho quan tâm chính của Mill ở đây là bảo vệ sự phát triển tự do của các cá nhân cá biệt trong nhóm người nêu trên, song rõ ràng rằng đây là một dạng tự do đáng giá sẽ được yêu thích bởi tất cả những người trưởng thành. Mill bị thuyết phục rằng xã hội Anh giữa thế kỉ 18, như ông cảm thấy, làn tràn với “sự chuyên chế của các quan điểm và tình cảm đang thịnh hành”, có xu hướng đè nén cá tính của cá nhân và các phẩm chất mà cá tính bao gồm và diễn đạt – cụ thể là, tính sáng tạo, tính khác biệt, tính đa dạng, tính chủ động và sự động lập của tinh thần. Ông tin rằng, xã hội đương đại có xu hướng tạo ra những con người tuân thủ mù quáng không có “các năng lực tri giác, phán đoán, sáng suốt, tinh thần năng động và thậm chí yêu mến đạo đức”. Ông sợ rằng, những người như vậy “không mong muốn tự do, và chính họ sẽ không tận dụng được nó”.

Do vậy, theo Mill, cá tính là một sự bảo vệ đầy uy lực chống lại sức mạnh ngột ngạt của sự tuân thủ xã hội và “sự tầm thường của tập thể”, một sức mạnh đã tạo ra moi trường công luận mà trong đó các phẩm chất đi cùng với cá tính bị đe dọa hoặc bị xem như có hại. Chẳng hạn, thực tế là “sự tự phát cá nhân hầu như không bao giờ được thừa nhận bởi kiểu tư duy thông thường như có một giá trị nội tại … nhưng thay vào đó được nhìn vào với sự ghen ghét”. Mill viết, kết quả của sự áp bức tuân thủ này là “sự chuyên chế của tập tục có ở mọi nơi, và vì vậy là một sự cản trở lâu dài cho sự tiến bộ của con người”.

Thông qua việc thảo luận về tính cách, Mill vạch ra một sự phân biệt rõ ràng giữa sự bị động, ù lì của tập tục và sự tuân thủ ở mặt này, và sự năng động, đày nghị lực của sự đổi mới và sáng tạo ở mặt kia. Ông nhấn mạnh, cá nhân là một tồn tại sống, không phải là một vật thể ù lì được khuân đúc bởi thói quen hay tập quán. Anh ta không được hình thành một cách máy móc mà được phát triển một cách hữu cơ, giống như cái cây, “theo xu hướng các sức mạnh nội tại làm cho nó trở thành một tồn tại sống động”.

Đối với Mill, thì tự do theo đuổi sở thích và ước mơ – tự do lựa chọn cuộc sống của mình – là một điều kiện sống còn cho sự phát triển đầy đủ của con người – về mặt đạo đức, trí tuệ, và thẩm mỹ. Đó là một lý tưởng phù hợp với nguyên tắc công lợi được hiệu chỉnh bởi Mill, với “công lợi được hiểu theo nghĩa rộng, đặt nền tảng cho lợi ích lâu dài của con người như một sinh thể tiến bộ”.

Các giới hạn đối với tự do ngôn luận và hành động

Mill dành phần còn lại của Bàn về tự do – tức là, phần còn lại của Chương 3 cũng như Chương 2 và 5 – để khảo sát câu hỏi về phạm vi và các giới hạn hợp pháp của sự tự do hành động. Như chúng ta đã thấy, trong Chương 1 ông phân biệt rất thận trọng giữa, thứ nhất là các hành động tự liên quan, chỉ ảnh hưởng đến chính tác nhân, và vì vậy sẽ miễn khỏi mọi sự can thiệp của xã hội hay nhà nước, và thứ hai, các hành động liên quan đến người khác, qua đó một số tổn hại trực tiếp, có thể được cảm thấy bởi người khác. Mill tin rằng xã hội hay nhà nước có quyền để can thiệp, ngay khi hành vi của ai đó ảnh hưởng có hại đến lợi ích của người khác,và  xã hội có quyền phán xét đối với nó.

Trong khi ông nhiệt thành bảo vệ chống lại bất cứ sự can thiệp tập thể đối với sự tự do tư tưởng và thảo luận, thì ở đầu Chương 2, Mill trích dẫn một ví dụ về một hoàn cảnh trong đó chắc chắn việc bày tỏ tự do một quan điểm nào đó có một ảnh hưởng có hại và do đó phải bị giới hạn về mặt pháp lý. Ông nhận thấy rằng:

“Một quan điểm cho rằng những người buôn ngũ cốc là những người làm cho người nghèo chết đói, hay tài sản tư nhân là tài sản ăn trộm sẽ không bị ngăn cấm khi đơn giản được lưu hành trên báo chí, nhưng có thể bị trừng phạt chính đáng khi đưa ra một phát ngôn như vậy cho một đám đông bị kích động tụ tập trước nhà người buôn ngũ cốc….”

Mill lập luận, xã hội được bảo chữa khi can thiệp vào sự tự do hành động của cá nhân để bảo vệ các thành viên khác của nó khỏi các hành vi gây hại cho lợi ích của họ. Đối với các cá nhân như vậy trong xã hội:

“phải tuân theo một lối ứng xử nào đó đối với phần còn lại. Sự ứng xử này bao gồm ….không gây tổn thương lợi ích của người khác; hay các lợi ích nào đó, mà hoặc bởi một điều khoản pháp lý công khai hoặc bởi sự hiểu ngầm, được xem như là các quyền.”

Ở đây Mill đang đề cập đến các lợi ích dựa trên các quyền, tập trung vào điều kiện an ninh và sự an toàn của cá nhân, vốn được bảo vệ bởi pháp luật, hoặc ít nhất được thừa nhận bởi xã hội. Những lợi ích như vậy bao gồm, chẳng hạn, quyền nắm giữ tài sản của mình khi đối mặt với nỗ lực của người khác để giành lấy nó bằng vũ lực. Tổng quát hơn, chúng liên quan đến quyền được bảo vệ không chỉ khỏi kẻ trộm mà còn khỏi sự tấn công và đe dọa của kẻ giết người, cũng như khỏi gian lận và lừa dối.

Ở điểm quan trọng này trong lập luận của ông, quan điểm của Mill là một sự bác bỏ đối với khái niệm của Locke về quyền tự nhiên, đồng thời trung thành quan điểm của Bentham về quyền là:

“Quyền … quyền cơ bản …là sản phẩm của luật ….từ luật thực tế đến quyền thực tế.”

Tuy nhiên, quan niệm về quyền pháp lý mà Mill đang khẳng định, như ở một giai đoạn khác trong sự bảo vệ của ông đối với tự do cá nhân, dựa trên một thuyết công lợi xét lại hơn là thuyết công lợi chính thống, và một lần nữa viện dẫn tới nguyên tắc “công lợi theo nghĩa rộng làm nền tảng cho lợi ích lâu dài của con người như một sinh thể tiến bộ”. Do vậy từ điểm nhìn đó ông lập luận rằng những lợi ích như vậy được thúc đẩy tốt nhất bằng cách bảo vệ lĩnh vực hoạt động riêng tư, tự do khỏi sự can thiệp xã hôi, trong khi đồng thời thừa nhận khả năng của sự can thiệp hợp pháp trong một lĩnh vực công vì các lý do công lợi thuần túy – nghĩa là, ngăn chặn tổn hại trực tiếp cho người khác.

Mill nhấn mạnh và tóm tắt điểm quyết định này trong Chương 5 của Bàn về tự do bằng cách tái diễn đạt “nguyên tắc hết sức đơn giản của ông” trong hình thức “hai châm ngôn mà cùng nhau hình thành toàn bộ học thuyết của tiểu luận”. Đó là như ông viết: “thứ nhất, cá nhân không chịu trách nhiệm với xã hội các hành động của anh ta, trong trừng mực mà chúng không liên quan đến lợi ích của ai khác ngoài anh ta …”; và “thứ hai, đối với các hành động gây tổn hại tới lợi ích của người khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm, và có thể chịu sự trừng phạt của xã hội hoặc luật pháp, nếu xã hội thấy điều đó là cần thiết để bảo vệ nó.”

Khi khảo sát về sự phân biệt này, Mill trích dẫn một số ví dụ về những“cảnh sát đạo đức” trong xã hội, những người xem họ có quyền để giới hạn sự tự do hành động của người khác trên cơ sở họ tìm thấy rằng hành vi của người đó là không vừa ý, chướng tai. Đặc biệt, ông đề cập đến, đa số Hồi giáo trong một số xã hội, những người cấm người Ki tô giáo ăn thịt lợn; hay những người thanh giáo, những người chỉ trích các trò giải trí cộng đồng; người Sabbataria, những người tìm cách áp đặt lên người khác sự phản đối của họ đối với sự làm việc vào các ngày chủ nhật; và những người kiêng rượu, những người tìm cách để cấm việc buôn bán và tiêu thụ các thức uống có cồn.

Mill cho rằng, từ thực tế là các cá nhân hay các nhóm nào đó tìm thấy ở hành vi của người khác sự đáng ghét về mặt đạo đức, tuy nhiên không trường hợp nào trong số những trường hợp này có cơ sở cho sự đàn áp hay hạn chế những thực hành này. Đằng sau luận điểm này là sự tương phản rõ ràng mà ông vạch ra giữa sự tổn thương khách quan và sự xúc phạm chủ quan do các hành động tự liên quan gây ra. Trong trường hợp sau, tác nhân cá nhân liên quan “không phải chịu trách nhiệm cho các hành động của anh ta”, vì ảnh hưởng chỉ đối với lợi ích riêng của anh ta, và do đó không bị giới hạn hay ép buộc bởi xã hội hay luật pháp.

Khi bảo vệ trên các cơ sở này, tức là sự phân biệt quan trọng của ông giữa các hành động tự liên quan và các hành động liên quan đến người khác, và do đó tái khẳng định nguyên tắc tổn hại nằm bên dưới nó, Mill chắc chắn loại trừ bất cứ sự can thiệp tập thể đối với sự tự do hành động của cá nhân trên các cơ sở gia trưởng – nghĩa là, trên cơ sở của ý tưởng cho rằng xã hội hay luật pháp phải can thiệp để thúc đẩy điều mà xã hội hay nhà nước xem như là lợi ích tốt nhất của cá nhân, về mặt đạo đức, hay thể xác. Ông cũng loại trừ bất cứ sự can thiệp tập thể trên các cơ sở đạo đức – nghĩa là, trên cơ sở của ý tưởng cho rằng một số hành động là sai trái tự thân và do đó phải bị cấm hoặc trừng phạt, bất chấp chúng có ảnh hưởng gây hại tới ai không.

Chắc chắn là rất khó để bảo vệ nhiều bộ pháp của các xã hội hiện đại ở cuối thể kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 trên cơ sở sự phân biệt của Mill và nguyên tắc tổn hại. Vì những luật như vậy được ban hành trên cơ sở của các luận điểm đạo đức hay thậm chí là các luận điểm gia trưởng. Ví dụ, chúng bao gồm các luật chống lại sự làm chết không đau đớn, sự quan hệ giữa anh em ruột, hay một số khía cạnh nào đó của việc nạo phá thai, cũng như một số luật ủng hộ một số dạng kiểm duyệt.

Kết luận

Ngoài sự phê phán được trích dẫn ở trên liên quan đến sự liên hệ giữa luật, sự tự do và đạo đức, nhiều cuộc tranh luận theo sau liên quan đến sự phân biệt của Mill giữa các hành động tự liên quan và các hành động liên quan đến người khác tập trung vào hai câu hỏi sau: thứ nhất, liệu trong thực tế có các hành động thuần túy chỉ tự liên quan không; và thứ hai, điều gì thực sự tạo thành sự “tổn hại” cho người khác. Về điểm thứ nhất, nó bị bác bỏ rằng, vì có rất ít hành động mà nằm trong phạm vi của các hành động thuần túy tự liên quan, nên nguyên tắc “tổn hại” của Mill có một phạm vi áp dụng quá hẹp trong thực tế. Ngoài ra, nó bị bác bỏ rằng các hành động có vẻ ngoài như là tự liên quan – chẳng hạn, các hành động liên quan đến một cá nhân làm điều mạo hiểm, hoặc thậm chí lạm dụng với sức khỏe của mình như hút thuốc, sử dụng mà túy – trong thực tế ảnh hưởng đến người phụ thuộc hoặc bạn bè thân thiết của người đó, và do đó có các ảnh hưởng xã hội. Ngoài ra, nó còn bị bác bỏ rằng, tất cả mọi hành động của con người, thậm chí ngay các hành động có vẻ ngoài là tự liên quan, thực ra là có ảnh hưởng đến người khác.

Với sự trung thực trí tuệ đặc trưng, Mill thừa nhận thực tế là sự phân biệt của ông giữa các hành vi cá nhân và các hành vi xã hội sẽ bị nhiều người từ chối thừa nhận. Do đó ông đề ra một vấn đề tranh cãi khác như sau:

“Làm sao mà bất cứ hành vi nào của một thành viên của một xã hội là một vấn đề dửng dưng đối với các thành viên khác? Không người nào hoàn toàn biệt lập; và đó là không thể cho một người làm bất cứ điều gì có hại lâu dài hoặc nghiên trọng cho chính anh ta, mà không gây tổn chút tổn hại nào, tới những người thân cận.”

Như chúng ta đã thấy, sự bảo vệ của Mill đối với sự phân biệt này phụ thuộc vào sự nhấn mạnh của ông là có một sự khác biệt rõ ràng giữa các hành động gây, và không gây tổn hại trực tiếp cho người khác, được định nghĩa dựa vào an ninh và sự an toàn cá nhân. Về điểm thứ hai, tranh cãi – liên quan đến cái gì thực sự tạo thành “sự tổn hại” cho người khác – Mill nỗ lực làm sáng tỏ với một sự phân biệt tương ứng giữa sự tổn hại khách quan và sự tổn hại chủ quan. Chắc chắn, sự phân biệt này là mơ hồ hoặc gây tranh cãi, tuy nhiên cũng chặt chẽ và có thể bảo vệ được về mặt triết học. Vì như John Plamenatz nhận thấy, nếu tiêu chuẩn “tổn hại” trực tiếp của Mill, và cùng với nó nguyên tắc tự do đối với các hành vi tự liên quan là hoàn toàn vô ích hoặc không có cơ sở, thì sẽ không bao giờ có thể có lý do tốt để nói rằng một người đang bận tâm tới công việc riêng của anh ta. Sự phân biệt giữa các hành động tự liên quan và các hành động liên quan đến người khác là một trong những sự phân biệt phổ biến nhất mà chúng ta vẫn làm.

Bên cạnh đó, điểm mấu chốt bắt nguồn từ những lĩnh vực tranh luận này, như Stefan Collini nói, không phải là nguyên tắc “tổn hại” của Mill cho phép chúng ta luôn luôn vạch ra một ranh giới cứng nhắc giữa các hành động khác nhau của con người, nhưng thay vào đó là “nó đặt gánh nặng chứng minh nên những ai mà đề nghị sự giới hạn đối với sự tự do của người khác”. Ngoài ra, liên quan tới câu hỏi gây tranh cãi tương tự về điều gì tạo thành “sự tổn hại” trong một trường hợp cụ thể, một lần nữa nguyên tắc của Mill “đặt nhiệm vụ của việc chứng minh về “tổn hại” đối với những người đề xuất sự can thiệp, và, thậm chí quan trọng hơn, nó loại trừ sự can thiệp trên bất cứ cơ sở nào.”

Do đó, sử dụng những ý tưởng nằm ở trong tái tim lập luận của ông, Mill điều chỉnh lại lý thuyết tự do cổ điển bằng cách mở rộng sự biện hộ đối với sự tự do lựa chọn và hành động ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế và chính trị tới nhiều lĩnh vực khác của hành vi cá nhân và xã hội, đặc biệt là tới các lĩnh vực mà lợi ích của người khác không bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi làm như vậy, Mill để lại cho truyền thống tự do Phương tây một trong những sự bảo vệ nghiêm ngặt và giàu ảnh hưởng về mặt trí tuệ và mãnh liệt nhất về giá trị lâu dài của tự do cá nhân.

Nguồn: “Moderm Political Thinhkers and Ideas”, Routledge

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Độc Lập và Tự Do

    25/09/2016Nguyễn Tất ThịnhĐộc Lập và Tự Do – hai khái niệm thiêng liêng, cao quý của toàn Nhân Loại, dần đang được hiện thực thuộc về đời sống của mỗi Con Người trưởng thành, trong xã hội văn minh tiến bộ. Tôi viết đối thoại dưới đây như tri ân về Độc Lập và Tự Do, không phải là khái niệm nữa với tư cách thực thể sống, như bậc sinh thành ra chính mình vậy!
  • Những dịch phẩm của tự do

    14/06/2019Nguyễn Thị Từ HuyNguyên Ngọc là một nhà văn nhưng đồng thời ông cũng thực hiện công việc dịch thuật. Ông đã dịch một số tác phẩm văn học nước ngoài và một số sách về phê bình văn học. Nếu như tác phẩm cho ta hiểu tư tưởng của nhà văn, thì dịch phẩm cũng có thể cho ta thấy phần nào con người của dịch giả...
  • Tự chủ - Tự do - Công bình

    30/03/2018Nguyễn Tất ThịnhTự Chủ phải là nhân tố cần có trước Tự Do! Thậm chí quý nhất! Gam Chủ phải là Tự Chủ hiện thực đến từng cá nhân : chúng ta thuộc về quy luật của Thiên nhiên theo cách Con người...
  • Tự do Tư tưởng - Tự do Ngôn luận

    01/03/2016Hoàng ĐạoTự do cá nhân là tự do của thân thể con người. Nhưng ngoài thân thể, còn có tinh thần. Tự do tư tưởng chính là sự tự do của người ta về mặt tinh thần vậy. Người đã được tôn trọng, thì linh hồn, tư tưởng của người, là phần tôn quý nhất trong con người,..
  • Tự do và Tự do cá nhân

    10/02/2016Hoàng ĐạoTự do là một chữ bao hàm rất nhiều ý nghĩa, có thể gợi những tình cảm mãnh liệt và sự nhiệt thành hăng hái của quần chúng, cả những lúc họ chưa rõ nghĩa. Chữ ấy đã được bao nhiêu dân tộc cương cường nêu cao: ‘’sống tự do hay là chết’’, đó là lời thề của chiến sĩ cuộc cách mạng Pháp, đó là lời thề chung của những tâm hồn khí khái mong thoát ly ra ngoài vòng áp chế, nô lệ...
  • Triết học của tự do

    10/02/2016Triết học của tự do ở đây không có nghĩa là nghiên cứu vấn đề về tự do như một trong các vấn đề của triết học, tự do ở đây không có nghĩa là khách thể. Triết học của tự do ở đây có nghĩa là triết học của những người tự do, là triết học xuất phát từ tự do, trái ngược với triết học của nô lệ, với triết học xuất phát từ tính tất yếu, tự do có nghĩa là trạng thái của chủ thể đang triết lí...
  • Chính thể đại diện

    20/06/2011Nguyễn Văn TrọngChính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • 150 năm "Bàn về tự do"

    18/10/2009Nguyễn Trang NhungBàn về tự do của J. S. Mill đã phần nào tạo nên lực đẩy cho bước tiến ấy, khi góp phần không nhỏ vào những chuyển biến xã hội mang sắc màu dân chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước Tây phương. Toàn bộ tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do của con người đối với sự phát triển của toàn xã hội. Một xã hội thực sự tự do là một xã hội đảm bảo không gian cho tính đa dạng của ý kiến, hành vi, và lối sống. Nhận thức đầy đủ về tự do là nhân tố căn bản để mỗi người đạt được cho mình sự tự do thực sự. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, cho quốc gia, và cho cả thế giới.
  • Đạo đức học & triết lý nhân sinh

    10/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchÝ nghĩa triết học của thuật ngữ "Đạo đức học" (Ethics) bao quát một phạm vi rộng hơn nhiều so với nghĩa hạn hẹp của nó trong câu “đạo làm người trong đời” (man on the street) - đạo đức được xét đến trong khuôn khổ chọn lựa cung cách ứng xử....
  • xem toàn bộ