Sự bùng nổ của thuyết Âm mưu

08:49 CH @ Thứ Hai - 15 Tháng Hai, 2021

“Tổng thống Donald Trump là một người hùng đang cứu thế giới khỏi một lực lượng tà giáo, dịch Covid-19 là một âm mưu toàn cầu, thế giới này bị điều khiển bởi một nhóm người bí mật...”. Nếu “lướt” mạng xã hội mỗi ngày, chắc chắn rằng bạn đã từng ít nhiều gặp phải những thông tin như thế này, đặc biệt là từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump và nhất là từ khi xuất hiện virus Corona. Người ta gọi những thông tin này là “thuyết âm mưu” - một niềm tin rằng những sự kiện nổi bật trên thế giới là do một lực lượng bí ẩn chi phối, giật dây với mục đích đen tối mà không có phương tiện truyền thông chính thống nào dám đưa tin.

Những người truyền bá các “thuyết âm mưu” thường nói về chủ đề này trên trang mạng đặc thù. Họ có thể úp úp mở mở rằng đây là những thông tin “mật” mà không phải ai cũng có thể tiếp cận, hay cũng có thể khẳng định như định đóng cột với những trích dẫn nguồn dồi dào như một cuốn luận văn tiến sĩ phức tạp nhất. Bạn sẽ rơi vào một ma trận thông tin. Nếu nghi ngờ, bạn sẽ phải đối mặt với việc phân tích một loạt “bằng chứng” khoác lớp vỏ bọc “sự thực” hay “nghiên cứu khoa học” để thuyết phục người đọc, nhưng phần nhiều lại là tin giả (fake news) hay những thông tin không thể kiểm chứng rõ ràng.

Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy rằng những năm gần đây thuyết âm mưu nở rộ không khác gì nấm gặp mưa. Cũng đáng ngạc nhiên, chúng ta đã từng tưởng rằng nhờ sự phát triển của khoa học, tri thức, đã qua rồi những thời kỳ lịch sử đen tối, nơi thuyết âm mưu được sử dụng để hợp lý hóa các cuộc tàn sát, thanh trừng đẫm máu (như đối người bị bệnh hủi, người Do Thái trong thời Trung cổ và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai).

Thế nhưng, thời đại số hóa cũng có mặt trái của nó. Nếu sự bùng nổ thông tin cho phép người ta tiếp cận một lượng kiến thức khổng lồ, thì mạng xã hội, điện thoại thông minh cũng đang tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho thuyết âm mưu phát triển và lan rộng.

Các ví dụ về thuyết Âm mưu

Các ví dụ về thuyết âm mưu khá phong phú, trải dài từ những niềm tin kỳ quặc hay phản khoa học cho đến những sự kiện cụ thể liên quan đến cuộc sống đời thường. Thuyết âm mưu dai dẳng và tồn tại lâu dài nhất có lẽ là niềm tin rằng thế giới bị điều khiển bởi một nhóm người bí mật (Illuminati), luôn giật dây những chính phủ cầm quyền quan trọng nhất, một thuyết tồn tại từ Cách mạng Pháp đến giờ.

 Một thuyết khác thì cho rằng thế giới hiện nay bị điều khiển bởi loài bò sát đội lốt người, mà đó chính là gia tộc Rothschilds, Bush hay gia đình Hoàng gia Anh. Kỳ quái là thế, nhưng theo điều tra của Public Policy Polling năm 2013 có tới 4% người Mỹ (tức hơn 12 triệu người) tin vào điều này. Cũng bất ngờ không kém là cho dù chúng ta đang ở thế kỷ 21 nhưng mỗi năm có thêm hàng trăm người ủng hộ Flat Earth Society - tổ chức cho rằng trái đất phẳng và ảnh chụp vệ tinh đã bị Photoshop đi để che giấu sự thực.

Hay một trong những thuyết âm mưu khác lôi kéo được một số lượng người ủng hộ đáng kể ở Việt Nam, đó là thuyết chống lại tiêm chủng vaccin. Những người theo thuyết này cho rằng vaccin là kết quả của một âm mưu toàn cầu của các công ty dược và giới chính trị gia, chứ thực tế vaccin không chỉ vô hiệu mà còn gây ra bệnh tự kỷ hay bệnh tật khác. Những người theo thuyết này cũng có niềm tin rằng dịch Covid-19 là do một lực lượng đen tối tạo ra với mục đích chi phối thế giới. Ở Pháp, có tới 25% số người được phỏng vấn cho rằng dịch Covid-19 được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Viện Pasteur của Pháp cũng đã từng phải gửi đơn kiện ra tòa vì bị cho là tác giả của virus này. Đối với chủ đề này, điều tra cho thấy một phần ba người Mỹ cũng tin rằng dịch Covid-19 là một âm mưu đen tối, và cho rằng mạng 5G là một trong những nguyên nhân của căn bệnh này.

"Thời đại số hóa cũng có mặt trái của nó. Nếu sự bùng nố thông tin cho phép người ta tiếp cận một lượng kiến thức khổng lồ, thì mạng xã hội, điện thoại thông minh cũng đang tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho thuyết âm mưu phát triển và lan rộng."

Hay như biến đổi khí hậu, một vấn đề cho dù có được đa số các nhà khoa học trên thế giới đồng tình, cũng không tránh khỏi là nạn nhân của thuyết âm mưu. Hiện nay có tới 37% người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa đảo, và chính vì lý do này mà ông Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu. Xin nói thêm rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump các thuyết âm mưu lại càng nở rộ. Bản thân ông cũng cho rằng cựu tổng thống Obama là người Hồi giáo, cũng như không phải sinh ra ở Mỹ.

Dưới thời của ông, Qanon (thuyết do một người có biệt hiệu là Q tung ra) cũng phát triển mạnh, lan tỏa ra cả ngoài nước Mỹ. Đây là một thuyết âm mưu thuộc dạng “truyền thống”, cho rằng có một "chính phủ ngầm” (“deep state”) gồm những kẻ ấu dâm đang điều khiển thế giới và ông Donald Trump đang chiến đấu trong bí mật với nhóm người này để... cứu thế giới. Không thiếu người tham gia vụ đột nhập bất hợp pháp vào Điện Capitol ngày 6-1 vừa qua tại Mỹ là những người tin vào Qanon. Người trở nên nổi tiếng nhất gần đây hẳn chính là... Jake Angeli, kẻ đội mũ lông sừng bò xuất hiện ở Điện Capitol với khẩu hiệu cầm tay “Q gửi tôi đến đây”.

Gia tăng cùng với bầu cử Mỹ và dịch Coid-19, hiện tượng thuyết âm mưu hiện nay đang ở mức báo động đến mức Olivier Babeau, học giả người Pháp, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Institut Sapiens không ngần ngại gọi nó là “căn bệnh” của thế kỷ 21. Nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của thuyết âm mưu sẽ là một cản trở cho nền dân chủ, cho tiến bộ xã hội, bởi vì chúng ta sẽ ngày càng khó có thể tìm được tiếng nói chung khi dựa trên những “thực tế” khác nhau. Không chỉ thế, trong một số trường hợp, thuyết âm mưu có thể dẫn đến những rối loạn xã hội nghiêm trọng, gia tăng thù hằn sắc tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Thế nhưng, những người theo thuyết âm mưu thường tin rằng họ đã dùng tư duy phản biện để đặt câu hỏi, phân tích và đi đến kết luận về âm mưu đang diễn ra. Tuy nhiên, họ hiếm khi thừa nhận rằng chính niềm tin của họ dựa trên những thông tin không chính xác hoặc phản khoa học. Khi tranh luận, họ thường cho rằng người khác “ngây thơ" hay không nắm đủ thông tin.

Vì sao nhiều người tin vào thuyết âm mưu?

Tờ Scientific American trích dẫn một nghiên cứu tâm lý cho thấy những người càng hay bị căng thẳng, lo lắng thì càng dễ tin vào các thuyết âm mưu. Nhiều nghiên cứu tâm lý khác cũng cho thấy những người theo thuyết âm mưu thường có khuynh hướng sống cô độc, hay nghi ngờ và việc tin vào thuyết âm mưu sẽ làm cho họ cảm thấy “đặc biệt” hay thấy “hiểu biết” hơn những người khác. Ngoài ra, khi sống trong một xã hội hiện đại nơi các vấn đề ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát, thì con người cũng có khuynh hướng ưa chuộng các cách giải thích đơn giản, thứ họ tìm thấy ở các thuyết âm mưu.

Ở Pháp, một điều tra của IFOP (Viện Nghiên cứu công luận) cho thấy 55% những người tin vào thuyết âm mưu là dưới 35 tuổi và không có bằng cấp, và có tới 67% trong số họ là những người thu nhập thấp trong xã hội. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp những người có vị trí cao trong xã hội cũng tin vào thuyết âm mưu. Một ví dụ tiêu biểu đó là Georgia Marjorie Taylor Greene, người vận động mạnh mẽ cho Qanon, cũng vừa trúng cử vào Hạ viện Mỹ vào tháng 11-2020 vừa qua.

Khi phân tích hiện tượng xã hội này, nhiều nhà nghiên cứu đã dấy lên lo ngại về sự sụt giảm niềm tin vào khoa học, vào giới chính trị gia cũng như vào các phương tiện truyền thông chính thống. Ví dụ như gần đây, chính phản ứng chậm chạp và thiếu hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới, vụ xì căng đan của tờ báo khoa học hàng đầu thế giới Lancet liên quan tới dịch Covid-19 cùng các vụ bê bối chính trị càng tạo nên khủng hoảng niềm tin và làm người dân càng dễ bị thu hút bởi các luồng thông tin không chính thống. Thêm vào đó, sự lan tràn không thể kiểm soát của fake news chính là một chất xúc tác cho các thuyết âm mưu phát triển.

Theo Rudy Reichstadt, một chuyên gia về thuyết âm mưu người Pháp, tác giả cuốn sách Thuốc phiện cho những kẻ ngốc (Grasset, 2018) thì kiểm duyệt thông tin không phải là biện pháp hữu hiệu chống lại thuyết âm mưu. Ngược lại, cần phải coi đây là một “cuộc chiến” của tri thức, mà vũ khí căn bản chính là sự giáo dục tư duy phản biện, nâng cao khả năng sàng lọc thông tin cho mỗi cá nhân. Nói cho cùng, cuộc chiến chống lại thuyết âm mưu, thực tế, cũng chính là cuộc chiến chống lại fake news mà mọi quốc gia đều đang phải đối đầu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xác minh dữ kiện (fact-checking) trong báo chí

    24/02/2020Khổng LoanCác bước kiểm chứng dữ kiện được tiến hành thế nào trong các tòa soạn?
  • Sống chung với tin đồn thất thiệt thời dịch corona

    03/02/2020Dũng NguyễnCó thể nói, tin tức giả mạo và không đúng sự thật đang cản trở những nỗ lực về phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lan rộng thành đại dịch này...
  • Làm thế nào để phân biệt tin giả (fake news)?

    03/02/2020Lê Anh TuấnChúng ta đang sống trong một kỷ nguyên bùng nổ của fake news, khi mà sự sa sút của báo chí truyền thống phải nhường sân chơi cho mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc, vì những mục tiêu hết sức cá nhân (câu Like/view, bán hàng, kiếm fame.v.v…) mà người ta sẵn sàng bịa ra bất cứ chuyện gì có thể.
  • Lời tự thú của một kẻ viết tin giả kiếm tiền

    17/12/2018Nguyên VũTiễn vợ đi làm, con đi học, Christopher Blair vội vàng vào mạng. Ở đó, một thế giới hoàn toàn khác đang chờ đón anh ta: thế giới tin giả. Tờ Washington Post mở đầu bài viết về một nhân vật chuyên sản xuất tin giả rồi lan truyền chúng trên mạng như thế.
  • Đấu tranh thời Hậu - Sự thật (Post-Truth)

    05/11/2018Lương Thế Huy“Hậu sự thật” được định nghĩa là “liên quan đến những bối cảnh mà các thông tin khách quan trở nên kém mang tính ảnh hưởng lên việc định hình quan điểm công chúng, thay vào đó là viện dẫn tới cảm xúc và niềm tin cá nhân...
  • Giải mã cơn nghiện thuyết tiên tri của nhân loại

    05/03/2018Phi YếnMột số báo chí phương Tây vẫn tiếp tục lưu luyến cái gọi là những lời tiên tri của một phụ nữ Bulgaria mù đã qua đời tên Baba Vanga, và mới nhất là sự kiện trong năm 2018...
  • Âm mưu tận diệt loài người của hội kín khét tiếng nhất thế giới

    20/08/2017Trang LyVới tham vọng "bá chủ toàn cầu", hội kín mang mật danh "Rừng Bohemia" đã nghĩ tới kế hoạch tiêu diệt đến 80% dân số thế giới...
  • 5 hội kín bí ẩn nhất thế giới

    29/09/2016Phong Linh tổng hợpHội Tam điểm, Những hiệp sĩ dòng đền, Đầu lâu và Xương chéo… là những hội kín bí ẩn nhất trong lịch sử...
  • Thuyết âm mưu về chính phủ ngầm thao túng thế giới

    17/08/2015Thụy MiênGiả thuyết về những tổ chức bí mật nắm trong tay vận mệnh toàn cầu luôn thu hút những người ưa thích chuyện giật gân...
  • Hé lộ sự thật về hội kín bí ẩn nhất thế giới

    22/07/2015George Washington, Winston Churchill, Mozart, Henry Ford... là những thành viên của hội kín bí ẩn nhất thế giới- Hội Tam Điểm.
  • Câu lạc bộ Bilderberg – một “chính phủ bí mật của thế giới”?

    15/07/2015Tổng hợpCái gọi là Câu lạc bộ Bilderberg được coi là nơi tập hợp của những nhân vật giàu có và có ảnh hưởng nhất hành tinh – từ lâu nay vẫn được bao phủ trong một lớp màn bí mật. Những ảnh hưởng đặc biệt của CLB này đối với nhiều vấn đề toàn cầu đã khiến nhiều người phải mệnh danh nó là “một chính phủ bí mật của thế giới”.
  • Những giả thuyết quái chiêu về số phận chiếc MH370

    17/03/2014Danh ToạiVụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777-200 đã trở thành “mỏ vàng” cho người thích chuyện giật gân và các “chuyên gia” thuyết âm mưu...
  • Vén màn hội kín và các nguyên thủ thế giới

    16/03/2014Hoài LinhNhiều nhân vật lừng danh, có ảnh hưởng lớn trên thế giới như Goethe, Plato, gia đình Bush và thậm chí là đương kim Tổng thống Mỹ Obama là thành viên các hội kín này...
  • Thuyết âm mưu và Facebook

    03/03/2011Nguyễn Văn PhúThuyết âm mưu (conspiracy theories) là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Ví dụ, giới theo thuyết âm mưu cho rằng Tổng thống Kennedy bị ám sát là do có bàn tay của CIA hay Mafia Mỹ đứng đằng sau. Danh sách những thuyết âm mưu hấp dẫn rất dài...
  • Những âm mưu từ đảo Jekyll

    18/04/2009G. Edward GriffinGiống như cuốn Chiến tranh tiền tệ, bạn trải qua một câu chuyện trinh thám, nhưng tất cả những gì được viết đều là sự thật. Cuốn sách phơi bày những mưu đồ bất lương trong lịch sử tiền tệ và tài chính thế giới: nguyên nhân của chiến tranh, nạn lạm phát và những vòng tròn thịnh - suy... Chắc chắn, khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mình về thế giới này...
  • xem toàn bộ