Tết cũ Hà Nội, còn gì hôm nay?

01:53 CH @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2014
Cái Tết của mới mấy chục năm về trước, vừa mới hôm qua đây, đã như vô cùng xa lạ với cái Tết hôm nay... Con người mình đã đổi thay? Cảm xúc của mình đã đổi thay? Bản thân cái Tết đã đổi thay? Hay là tất cả mấy cái đó?

Ngày trước dù sống ở giữa phố phường Hà Nội, nhiều người cả năm hiếm khi có lấy bức ảnh chụp. Chỉ ngày Tết đến, cả gia đình mới diện cho nhau bộ quần áo đẹp nhất, hơi ngượng một tí vì chợt quá diện hơn hẳn ngày thường, trịnh trọng bách bộ ra phố hướng đến hiệu ảnh ở phố Tràng Tiền, hay ở phố Hàng Khay, để chụp lấy mấy kiểu ảnh gia đình, mấy kiểu chân dung. Một khoản ngân sách đáng kể. Phố phường yên vắng, lặng thinh, nghe thấy rõ cả tiếng của xích xe đã rã đang cà vào cái líp xe đã cùn, “kịch-cà-rà-kịch”, mỗi khi có bác xích-lô đạp xe ngang qua. Mở cuốn album, duy nhất, của một gia đình ngày ấy ra, mỗi trang là một bộ ảnh của ngày Tết của mỗi năm. Trừ phi có thêm sự kiện gì đặc biệt lắm, thì mới thấy có thêm vài chiếc ảnh khác. Ảnh đen trắng, hoặc nâu trắng, giấy bóng, giấy lụa, đôi khi có chiếc được tô tí màu bằng bút lông. Chúng được cắt riềm dentelle như những chiếc bánh biscuit, và có khi bị gián mối nhấm mất toi một góc. Hôm nay các bạn tuổi teen ngồi rảnh rỗi năm phút là đã giơ điện thoại ra chụp cho mình lấy vài chục kiểu ảnh, rồi lập tức tống chúng lên Facebook, và chém gió bình loạn nhau hả hê được liền...

Con người, đời sống đổi thay đến như thế. Tết không thay đổi được chăng?

Cảm xúc

Thời Hà Nội còn trong chiến tranh, các trường học phải tản cư ra khỏi thành phố, thường về các tỉnh. Trường nhạc họa của thành phố được ưu tiên tản cư ra ở... ngay Quảng Bá, bên Hồ Tây! Hà Nội cỏn con, hết đường Cổ Ngư đã là hết nội thành, đường xe điện cũng kết thúc ở đó, bến Yên Phụ. Ăn ở tại trường, chiều thứ bảy bọn trẻ trường này được về nhà trong phố, nếu bố mẹ không dặn đón thì chúng tự cuốc bộ với nhau ra đến tận Yên Phụ để lấy tàu điện chạy về Cửa Nam, về Bờ Hồ... Trường đặt ở chỗ “dốc phi lao” của đường đê, cái dốc duy nhất có hàng cây phi lao của Quảng Bá, và trong những cây phi lao ấy có loài châu chấu voi đặc biệt, to bằng bàn tay trẻ con, rất đáng kính nể. Nay thì con dốc này đã thành ra một con phố nội đô, giá mà nó được đặt tên thật giản dị, ví dụ như lấy tên đường làng cũ của nơi đó, hoặc là “Dốc phi lao”, thì sẽ gợi cảm, gợi nhớ biết bao nhiêu. Sao người ta cứ mải mê dán hết tên người này với tên người nọ vào những chỗ như thế, để mà làm gì, để làm hỏng hết các kỉ niệm của đời sống? Đường đi trên đê trước khi xuống con dốc ấy rậm rịt những ổi là ổi, ngút ngát, thơm tho, thời đó chưa có đường đê ngoài như bây giờ. Những làng quanh đó thì tuyệt đẹp, các ao ngòi, vườn hoa, vườn quả thông nối sang nhau, tha hồ lang thang. Muốn mua hoa quả, khách mua nhiều khi phải đánh thức chủ nhà đang ngủ trưa thức dậy, để họ mang sào ra vặn trẩy quả. Đi quá Quảng Bá thì đã là những cánh đồng làng quê Nhật Tân, Phú Thượng, Chèm Vẽ đìu hiu yên ả. Trường văn hóa thể thao của thành phố thì ở chỗ Quần Ngựa, cuối đường Đội Cấn, đã là đủ tiêu chuẩn tản cư. Dọc đường Đội Cấn đi từ trung tâm thành phố đến Quần Ngựa, chỉ thấy các làng, hồ nước, ruộng rau, và các đầm sen thơm ngát. Nay thì cả vùng này đã lọt thỏm trong “trung tâm nội đô mới” của Hà Nội.  

Phố phường Hà Nội còn rất vắng dân cư, còn chưa chuyển sang “làm việc thông tầm”. Buổi trưa tan tầm người đi làm còn kịp đạp xe về nhà, đắp lò mùn cưa, dóm lửa bếp củi, vo gạo thổi cơm, dọn mâm ăn uống, cả ngủ trưa chớp nhoáng nữa, để rồi mới lại đạp xe đi làm buổi chiều. Trẻ con thường mê đắp lò mùn cưa cho bố mẹ: đặt cái chai thủy tinh vào giữa cái lò tôn sắt, như một cái xô nhỏ, nhồi lèn mùn cưa xung quanh cái lọ, trích mở lấy bớt mùn cưa qua “cửa lò” ở phía dưới cho thông khí vào tới tận cái thân chai, rồi nhẹ rút cái chai ra. Cả một tác phẩm nghệ thuật !


Thiếu nữ bên hoa ngày Xuân

Thời đó cả Hà Nội, mà cũng là cả phía Bắc, chỉ có đúng ba tờ báo hằng ngày, mỗi tờ bốn trang, các trang nhất giống hệt nhau, các nửa trên của trang thứ tư “Tin thế giới” cũng giống hệt nhau luôn, nhiều chỗ ở trên các trang hai, trang ba là những đoạn đăng “tiếp theo…” của các bài của trang nhất và trang bốn… Nội dung bản sắc của mỗi tờ báo chỉ còn đặt cược được ở những chỗ trống còn lại. Tờ báo tuy giá 5 xu, một đồng là mười hào, là một trăm xu, nhưng người nghèo muốn đọc báo không mất tiền thì… đạp xe hay cuốc bộ ra chỗ tòa báo!

Các ngày thứ hai liền sau ngày chủ nhật có trận bóng đá, dân nghèo nghiện bóng chen nhau ở trước cửa của tòa báo thành phố để đọc trang cuối của tờ báo thành phố, dán ở trong cái hộp gỗ có mái che, phía trước có cửa bọc lưới sắt mắt cáo, toét cả mắt để đọc xuyên thủng qua được cái lưới này. Hồi đầu cửa hộp gỗ này lắp kính, nhưng hay bị vỡ, nên rồi mới chuyển sang lưới mắt cáo thông minh. Số báo ngày thứ hai này sẽ có mẩu bài, may mắn thêm nữa thì có tấm ảnh, tường thuật lại trận bóng đá buổi chiều chủ nhật trước đó, từng lời lẽ rất căn đo để lường trước các cơn ganh tị của các fan của hai đội tham đấu. Sáng ngày chủ nhật nếu bạn rỗi rãi thì có gì thả bộ ghé vào sân Câu lạc bộ ở ven Bờ Hồ cạnh nhà hàng Phú Gia, ngồi ở các bậc khán giả ngoài sân có cây cao tỏa bóng mát, dự trận đấu giải cờ tướng. “Bên trắng, tốt ba tiến một”, tiếng loa phát ra, người phụ trách bàn cờ lớn loay hoay dịch con “Tốt” vĩ đại trên cái bảng cờ treo chỗ sân khấu. Một ván cờ đi luôn cả một buổi sáng trong cơn thảo luận mưu tướng mẹo sĩ say sưa của khán giả, chả ai thấy sốt ruột.

Hôm nay, còn tìm ra được ai có cái tinh thần “không chống cự lại thời gian” như thế ở Hànội được nữa không? Không thể còn được.

Cảm xúc con người đã đổi thay, vũ bão. Tết không thay đổi được chăng?

Cuốn phim Tết xưa


Hồi nhỏ mỗi khi đi đâu, dẫu chỉ trong vài ngày, rồi trở về Hà Nội qua cây cầu Long Biên lượn khúc thanh thoát trên những con sóng sông Hồng ngậm đỏ phù sa đang nghì ngoạp mãi sâu tít dưới kia, lòng tôi thoắt se lại, thiêng liêng, tự nhủ mình rằng, không bao giờ, không bao giờ tôi sẽ xa được Hà Nội. Nơi yêu thương này, có xóm giềng, có bè bạn, từ thuở lọt lòng. Vẫn chuyện năm nọ cái trường tản cư ở Quảng Bá rồi bị ngập mưa lớn kéo dài, mà đã sang nửa sau của năm học, tình thế Hànội thì đã yên ổn hết lo đạn bom, trường này thế nào được đặc cách về giảng dạy học tập tạm ngay tại… bên trong khu Văn Miếu ! Dãy nhà này, tổ violon, tổ violoncelle, dãy nhà kia, tổ sáo, tổ nhị, dãy nhà nữa, tổ hội họa, tổ piano… Ngẫu nhiên vô cùng được làm “những học sinh cuối cùng của Văn Miếu”, trong nửa năm trời! Lúc này các trường học bình thường khác vẫn chưa được mở trở lại ở Hà Nội. Thật là một Hà Nội vô cùng “của ta”.

Hà Nội trở về thanh bình, sau nhiều năm thời chiến trống vắng. Trong éo le thời cuộc cũng có cả may mắn, suốt mấy chục năm trời thành phố này hầu như không có chút thay đổi gì về kiến trúc nhà cửa, phố xá, chúng chỉ bị cũ kĩ đi, cổ kính thêm đi, và cư dân thì “ở đâu ở đó”, không được xáo trộn. Tất cả điều này cho những người trong cuộc có một không gian - thời gian vô cùng đặc biệt, đầy định hình, định sắc, định tâm của một thành phố rất “của mình”.

Nhiều buổi trưa tan học về, bạn bè mấy đứa kéo nhau ra thuê thuyền đôi ở Hồ Gươm, chèo bơi say nắng, leo cả lên đảo Tháp Rùa cho thỏa lòng hiếu kì. Hà Nội bé bỏng, con đường mình đi học không bao giờ cần phải có mũ nón áo mưa, nhờ những mái hiên rộng rãi tuyệt vời chạy suốt từ Khách sạn Métropole, rồi dọc Tràng Tiền, rồi lượn sang Hàng Bài cho đến ngay gần cổng trường. Mấy tấm pano vẽ quảng cáo phim ở ba cái rạp chiếu phim trên đoạn đường này luôn thời sự hóa cho mình tình hình phim ảnh, mê phim gì quá thì khi tan học ghé qua mua vé luôn. Mấy tiệm sách “Quốc Văn”, “Ngoại Văn” trên đoạn đường này cho mình rành rọt các đầu sách vở mới, cứ như thành trí thức đến nơi. Hà Nội quen chân, cảm như thuộc từng viên gạch lát ở các vỉa hè, từng cây sấu mùa về quả chín vàng đỏ trên các con phố. Hànội quen tai, từng âm thanh bánh xe điện rít lên những cung điệu rất riêng biệt ở mỗi cung đường, ngồi trên xe điện nhắm mắt lơ mơ mà mình cũng đã biết rõ ràng là mình đang phố nào, chỗ nào… Thế mà rồi cũng như bao nhiêu người, tôi phải đi xa khỏi Hà Nội... Để cho lòng mình càng ắp đầy thương nhớ.

***

Bây giờ nếu Tết về gặp lại người xưa mà họ đã quá khác trong Tết xưa, nhỡ họ lại cảm xúc xa lạ với cái cách mà họ vẫn cảm xúc khi xưa? Bây giờ nếu Tết về gặp lại bức tranh phố phường ngày Tết đã quá khác khi xưa ?

Mà chính tôi đây, có gì để bảo đảm được đâu rằng tôi vẫn như xưa, vẫn xúc cảm như xưa khi Tết Hà Nội về ?

Nên vấn vương vừa nãy là thực tế hơn hết, trước khi thành quá muộn.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giữ Tết cổ truyền - Tết xưa, tết nay….

    21/01/2017G.SLê Văn LanNgày xuân con én đưa thoi. Chỉ có 6 chữ thơ Xuân thôi mà thấy đủ sự vần vũ chuyển động của đất trời và lòng người. Có sự nhịp nhàng vui vẻ của con thoi và tiếng thoi. Cả những thoăn thoắt sinh động của cánh én trên lồng lộng mây trời… Tết xuân là như thế. Không hề và không thể “nhất thành bất biến”. Nhưng nếu biến động chuệnh choạng hoặc thậm chí đứt gẫy thì “ còn gì là xuân”?
  • Tết xưa và nay

    25/01/2012Ngân HuyềnTết như cái bản lề, khép lại một năm này và mở ra một năm khác. Tết là thời điểm đặc biệt mà chỉ trừ những đứa nhỏ, bộ nhớ còn rất nhiều khoảng trống, còn lại phàm những người có ký ức đều bắt đầu hồi tưởng và so sánh: “Tết giờ sao nhạt, chẳng giống ngày xưa!”.