Tết tây – tình ta

05:43 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Giêng, 2009

Ðêm, xuống xe sau một ngày tự hành mình trên xa lộ để có một buổi ăn tết cùng bè bạn, tê người trước cơn gió lạnh thốc thẳng mặt, cái lạnh khô, buốt, không có ở quê mình. Quê mình ngày này chắc đã rét đậm rồi. Hay mưa phùn nhỉ, như sương, nhẹ và ẩm ướt. Và phố, ngày tết tây này, có bớt bớt người không nhỉ? Hay lúc nào cũng vẫn ào ào nhịp sống sôi giật ấy, tưởng chừng như không còn một nẻo vắng nào, một góc khuất nào, một khoảnh thời gian tĩnh lặng nào để trở lại với mình.

Vợ lụi cụi tay xách đồ tay dắt con nhỏ cười với chủ nhà vừa ra đón. Mừng đã đến nơi, chứ đêm lạnh thế này, trời trong thế này thế nào cũng là bước dọn đường tuyết đổ. Sớm mai ra, nhất quyết không nhìn qua cửa sổ, pha một ấm chè 'cộng', rót cho nhau, rồi sẽ nhìn ra. Tuyết. Tuyết phơi phới bay, như hoa lê, và, thật ra chẳng giống gì đâu, nhưng tôi còn thích ví như ánh sáng chuyển đổi trong mắt nhau đêm nào thành phố bắn pháo hoa mừng quốc khánh.

Du HSVN tại New York đón Tết Mậu Tý cùng phái đoàn VN ở Liên hiệp quốc.

Anh bạn chủ nhà vốn là người dị ứng với tất cả các loại hoa giả. Chị bạn chủ nhà thì dị ứng thêm với hoa bó sẵn bán ở tiệm. Vì hai lý do: Thứ nhất: tây cắm hoa theo kiểu no đủ đến thừa mứa. Cái đẹp phè phỡn thế không còn gợi được cái gì. Thứ hai, ở cái thành phố nhỏ này, khác Berlin chỗ nào cũng hiện diện một tiệm hoa của người Việt mình, hoa tươi mùa này bán đắt. Ði ngoài đường, một hôm ngẩng nhìn ban công một ngôi nhà cổ, thấy mấy nhành hoa thòng xuống, nụ vàng chớm nở, mà trời thì giá, cây cối trơ tược gầy, chẳng cũng sướng sao.

Tiết mục "Mái đình làng biển" rất ấn tượng của nhóm SVVN trong buổi tiệc mừng năm mới tại Stuttgart.

Hay là như hôm nay tuyết bay phơi phới ngoài kia, lơ đãng nhìn góc phòng: Một màu mai vàng rực rỡ. Anh bạn thú vị khoe: 'Cành rào đấy, bẻ cả tháng rồi, nghĩ sớm thế chưa chắc có hoa, thế mà từ hôm cậu gọi điện báo sẽ đến chơi, cứ nụ là nụ thi nhau nở. Cậu mà ở lại được vài ba hôm thì còn được ngắm đào phai nữa. Hoa hạnh nhân ấy mà, hệt sắc đào phai. Ðào bích, đào thật ấy mình cũng có.' Anh khoát tay về phía góc phòng, nơi có đến mấy bình hoa cắm toàn cành khô khỏng mà nụ đã tròn nây cả. Rồi gọi vợ, háo hức như trúng số: 'Mình ơi! Hôm nay lại có thêm lộc rồi kia kìa'. Ừ, đẹp thật. Hoa vàng lộc nõn nảy tự cành khô, giữa ngày sương giá, có sắc và có thế. Rồi thoang thoảng mùi hương đen cùng mùi thơm của những đĩa thức ăn còn bốc hơi nóng chị bạn vừa đặt lên bàn thờ vừa thong thả kể lể: Ngày tết tây, được hôm nghỉ bắc cầu đúng dịp giỗ ông nội các cháu, thật chẳng mấy khi thư thả mà vừa làm giỗ vừa ăn tết. Ôi chao cái tình người Việt, ôi chao là những lo toan trong lòng người đàn bà Việt, dường như bất biến dù đời sống biến đổi không ngừng.

SVVN tại Nhật Bản đón Tết Mậu Tý. Ảnh: website VYSA

Hương tàn, chẳng biết các cụ có phi thân qua được xứ này hưởng lễ con cháu biện không, nhưng cầm đũa nhẩn nha miếng nọ miếng kia, tự dưng cứ ngùi ngùi. Cái mùi hương đen này sao mà tết nhất.

Mà cũng thật tết nhất tới nơi rồi. Mẹ viết thư qua cứ thương con mười mấy năm xa nhà, chẳng được ăn miếng ngon hợp vị. Lại hỏi có thể gửi gì cho con? Chè Thái? Cà phê Trung Nguyên? Ruốc? Mực khô? Bánh đậu xanh, bánh cốm Nguyên Ninh... Mẹ chẳng biết rằng con mẹ bên này không thiếu chút gì, mà lại thành thiếu tất cả. Làm sao có thể có được cái thư thái để ngồi bên mâm cơm ngày tết? Làm sao được nghe tiếng mẹ giục mấy đứa em vừa tha con về ông bà ngoại vào bếp ngay 'Còn thiếu bánh chưng thôi! Mấy chị em mau mau tay bóc cho mẹ ngay một cái! Bố đã thắp hương rồi', rồi bỗng chốc chuyển ngay thành nựng nịu: 'Thằng cún của bà chờ bà một tẹo, đừng có ăn mứt nhiều, của ngọt làm lửng dạ. Thằng cún của bà ngoan chờ hương tàn rồi bà xin các cụ cho ăn...' Làm sao được ngay ngày mai ngày kia về ngồi bên bố, nghe ông kể chiến công ông thửa cành đào ở chợ Hoa về. Ngày trước, bố lên làng Hoa từ trước tết cả tháng, đặt sẵn một cành đào. Nhà chả buôn bán gì, chỉ cầu cho đủ ăn chứ chả dám cầu tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt, nên bố không mua đào bích, bao giờ cũng là đào phai. Nhiều năm, khách tầm hoa với chủ vườn quen nhau, đi mua hoa lại còn có quà tết cho người bán. Nay, thời mở cửa, đất làng hoa có giá, bác chủ vườn cũng chẳng thể ngược dòng đời đang hối hả trôi xuôi, đã bán đất vườn chia tiền cho con cháu có vốn lập nghiệp. Mấy năm trước bố viết thư kể chuyện, buồn rầu: Mua đào ở chợ hoa, cành có hoa thì không lộc, cành nhiều lộc thì thiếu nụ, dáng thì lều nghều. Bác chủ vườn giờ bán đất hết rồi, con cháu làm ăn được, giàu lắm, nhưng cứ như người mất hồn. Vậy đấy, thiếu đói thì tầm áo cơm. Nhưng áo cơm là chuyện quắt quay, thiếu thừa đều là nỗi nặng lòng người cả.

Bữa cơm tất niên thân mật của SVVN tại Oxford.


Thì đấy, như mình ngồi đây, nhấp chén trà mà chẳng thấy thơm, nhìn sắc hoa vàng như mai vùng đất ấm ở quê nhà, lòng lại cứ bừng bừng một sắc đào phai Hà Nội giá sương mưa phùn ẩm ướt. Vợ đảm lắm, con ngoan lắm, thời thế đẩy đưa tới đất này dễ sống bậc nhất bậc nhì thế giới, mà làm sao vẫn không tìm được thư thái cho lòng. Làm sao quên được em, cô bé cùng ngõ ngày xưa vẫn bị mình coi như không có. Mùa nghỉ hè cuối cùng đời sinh viên, về quê thằng bạn, đến lúc gặp lại... nắng vàng làm sao, lá me rơi dịu dàng làm sao, và mắt em, lơ đãng, tươi cười, khiến chân mình bủn rủn. Rồi cuối năm năm ấy, trốn việc nhà đi học gói bánh chưng ở hết nhà thằng bạn nọ đến thằng bạn kia để có thể chiều hai chín qua nhà em thực hiện câu hứa: 'Bác cứ chuẩn bị hết đi, cháu sang thì làm. Bánh cháu gói chắc tay lắm, cứ phải luộc đủ mười hai tiếng'. Mắt em cười, môi em cười, đầy vẻ thông đồng hiểu biết. Em giờ sống ra sao? Em!

Nhưng đã đến giao thừa rồi. Bọn trẻ đang háo hức ra đường đốt pháo. Mấy người đàn bà vừa túm tụm ở đây đã đâu rồi nhỉ? Khéo mấy mẹ đã rủ nhau về lo bữa cơm tất niên đây. Lại nhớ giao thừa năm ngoái cả nhà cùng ra Brandenburger Tor. Ðêm lạnh bừng bừng hơi pháo. Anh bạn Ðức không quen đứng cạnh hồ hởi mời cốc rượu vang. Chúc nhau một năm mới yên lành, lòng bất chợt nhớ những ngày xưa không thể nào trở lại nơi quê nhà. Và lại nhớ, vợ vẫn định ngày mai mở quán tiếp tục bán hàng, không nghỉ ngày nào cả.

Nhưng năm nay, tết người mà lâu rồi cũng thành tết mình, nhất định không làm gì cả. Cả nhà rồng rắn đi chơi. Mà thời gian như nước. Ðã sắp sửa phải ra về. Lại phải ngược mấy trăm cây số trở về với công việc và công việc. Lại thêm một lần chia tay. Chia tay không phải là vĩnh biệt. Chia tay là để gặp lại. Cả nhà thân yêu ơi! Con đã tìm được đường về. Ðường về là lối nhớ. Bạn thân yêu ơi! Chúng mình giờ tóc đã ra màu rạ trên đồng ải, qua mấy mùa sương mưa, nhưng chúng mình còn những mùa sau chưa sống, để hẹn nhau. Và em, người con gái anh chưa từng kể cho vợ anh nghe, chưa một lần được luồn tay vào mái tóc như mây bay nước chảy của em, không thể tưởng được đâu em, anh đã gặp lại em khi dám lần lại miền ký ức.

Sống, không phải để vô tâm, sống là để đam mê và yêu thương, là để thỉnh thoảng như hôm nay đây, trở lại với cõi lòng mình. Tết tây, mà bùi ngùi mãi một tình ta, tình người Việt có nhau. Trong cõi ấy, vĩnh viễn: Một mái yêu thương gia đình, những mùa sương nắng, tay bạn bè cho nhau, và, vĩnh viễn chúng mình, em...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết và những giá trị gia đình thời hội nhập

    22/01/2020Trần Thị TrườngXuân đến Tết về không chỉ là ngày, là mùa đón khí mới mà còn là dịp con người tri ân tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân, bạn bè…
  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Cô đơn đón Tết

    02/02/2014Doãn DũngCó một góc nhìn khác về Tết. Một người trốn chạy những lễ nghĩa của Tết, một người có trạng thái tâm lý dường như mâu thuẫn, không ăn Tết với người thân, mà một mình, giữa những nơi xa lạ… Lớp người trẻ bây giờ cũng vậy đó, họ tranh thủ đi đâu đó vào dịp Tết, không nhất thiết phải quây quần với gia đình theo truyền thống.
  • Nhàn nhã như Tết

    31/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênGiật mình vốn là cảm trạng có thật khi một năm đi qua. Giật mình là để được trở về. Trở về với góc sống, không gian và trạng thái thanh thản của mình. Giật mình là cái buốt nhói trống rỗng hoang lạnh tâm thức sau tháng ngày bươn bả rồi nhận ra cái vô nghĩa của thời gian nhân sinh thường nhật.
  • Để gia đình mãi mãi là nguồn hạnh phúc

    28/11/2007Văn TúCho dù công việc của bạn có bận đến đâu cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình của bạn. Hãy thể hiện tình cảm của bạn đối với mọi người trong gia đình bằng những lời nói, cử chỉ cụ thể...
  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Lời chúc đầu năm

    16/02/2007Tản văn của Tạ Duy AnhMỗi dân tộc có một kho tàng những lời chúc. Với người Việt Nam, lời chúc và lời chúc đầu năm là hai biểu hiện khác nhau về mặt văn hóa. Lời chúc thông thường, ngày thường là ứng xử đặc biệt (đa số chào mà không quen chúc). Trong khi đó, lời chúc đầu năm lại trở thành ứng xử thông thường, trở thành thứ quà tặng không hạn chế nhưng không thể thiếu...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.
  • xem toàn bộ