“Tham nhũng là một tội lớn”

03:32 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Tư, 2010

Gặp Đại đức Thích Thanh Quyết tại Học viện Phật giáo, tôi đã “cố ý”, mang tất cả những “thị phi ngoài đời” về đạo đức xã hội để mong được “trấn an” từ thầy. Và đúng là, có một nơi nào mà xã hội trở nên thấu đáo và tĩnh lặng nhất thì đó là cửa Phật.

Phật giáo với người có tiền và làm quan

Phải nói thêm rằng người đầu tiên tôi gặp khi đặt chân đến cửa Học viện Phật giáo là sư cô Chơn Tường. Cô dẫn tôi đến phòng cho nghỉ ngơi và xem luận văn tốt nghiệp “Phật giáo với đạo đức xã hội hiện đại”. Đọc những câu chữ trong ấy tôi nhận ra tất cả những băn khoăn của mình trước khi đến học viện là thừa. Bởi ngày nay những đệ tử của Phật giáo đã dành sự quan tâm rất lớn vào đời sống xã hội, và dưới con mắt của họ, Phật đã rất gắn với đời, rất đời nhưng lại thấu đáo và “hòa hảo” biết bao.

Đại đức Thích Thanh Quyết là thầy của sư cô Chơn Tường. Thầy nói về đạo đức bằng suy ngẫm từ rất lâu: Nhiều người bảo đạo đức xã hội sa sút, thế nhưng theo tôi thì không. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học kĩ thuật và những vấn đề khác phát triển quá nhanh thế nhưng thói quen xã hội lại nhìn con người bằng quan niệm cũ, lấy cái cũ để đong đếm cái mới thế nên mới nảy sinh khoảng cách lớn, nhiều khi bởi vậy nên bị quy chụp là tội lỗi.

Đầu năm 2009 có thể nói là một năm có nhiều dấu ấn chứng tỏ sự thành công của Phật giáo. Đầu tiên là đúc tượng đài Thánh Gióng bằng đồng nguyên chất vào ngày 9/9/2009 (âm lịch với khối lượng trên 70 tấn tại Sóc Sơn (Hà Nội), và tượng đài vua Trần Nhân Tông vào ngày 1/11/2009 (âm lịch) với khối lượng 100 tấn tại khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). Thượng tọa Thích Thanh Quyết là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc đứng ra kêu gọi xây dựng. Theo thầy Quyết: Có những người đến xin ủng hộ đến 30 tỉ, họ đều là những người già, ăn uống tiêu pha thì không thể hết, vật chất cho con cái cũng đã đủ đầy. Đôi khi tôi chúc tụng, họ còn cúi đầu không nhận. Họ hiến tặng tiền cho nhà phật chỉ để xin bình yên, hầu như không có một mưu cầu khác.

Bản thân thầy Quyết cũng đưa ra nhận định từ những quan sát những người tìm đến nhà Phật: “Đại đa số người có địa vị và khả năng kinh tế lớn thì lại đến với nhà Phật từ danh hàn vi nhất, từ lợi hàn vi nhất (từ danh và lợi thủa ban đầu có thể nói là khốn khó) của bản thân họ. Cũng có những trường hợp họ tìm đến nhà Phật khi đã có địa vị rồi, hay khi đã có tiền rồi thế nhưng lúc này lại vì ao ước cái tâm mình được cân bằng, được nhà Phật che chở cho những lúc vất vả, lo toan trong công việc”.

Nhà Phật nhìn về vấn nạn “Quan tham”

Trong giáo lý nhà Phật, đức là một phạm trù rất rộng. Thế nhưng khi xét đến một người cụ thể thì đức thể hiện qua công việc của anh ta làm, cách anh ta đối xử trong gia đình với anh em họ hàng và trong việc thờ kính tổ tiên, những người đã khuất.

Về một quan chức có đức theo thầy Quyết là người biết sống vì dân và nước. Người làm quan cũng là một người dân, cũng là cha là mẹ là ông bà vì thế phải hoàn thành nghĩa vụ trên. Điều đáng sợ nhất của người quan chức là khi hành xử không cân nhắc đến lợi ích của dân.

Trong giáo lý nhà Phật không có những điều ghi cụ thể về tham nhũng nhưng có giáo lý nói về Tham, Sân, Si. “Trong đó: Tham là ưa muốn, say mê danh vọng ham mê, say đắm. Sân là chán ghét thù hận, chống chế nóng nảy. Si là ngu dốt, đần độn, lầm lạc... Và cả ba điều này đều bị coi là tội lỗi. Trong nhiều sách nhà phật có nói đến cả 3 yếu tố này, các tội lỗi này xoay vần và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì tham quá hóa dốt, từ dốt dẫn đến chán ghét, thù hận... hoặc ngược lại. Điều này suy ra rằng tham nhũng cũng bị coi là tội, theo tôi nó còn bị coi là một tội lớn trong quan niệm nhà Phật” thầy Quyết phân tích.

Thầy Quyết cho rằng tham nhũng không chỉ là vấn nạn của một quốc gia, nó còn là vấn nạn của toàn nhân loại. Ở những quốc gia phát triển, sự thay đổi của luật pháp theo kịp sự phát triển của xã hội nên không có nhiều kẽ hở cho tham nhũng… Thế nhưng ở nước ta, có thể nói luật pháp đi sau sự phát triển, luật pháp thì chậm trong khi thực tiễn thì thay đổi từng ngày điều nảy sinh những khe hở, điều này tạo ra vấn nạn tham nhũng trầm trọng...

Bớt “định kiến” về quan và người giàu

Tôi đặt Câu hỏi với thầy Quyết: Trên thực tế có rất nhiều quan chức “chứng tỏ thế lực” bằng cách xây chùa chiền, mộ tổ, nhà thờ họ… rất to và tốn kém. Quan điểm của thầy về vấn đề này? Khác hắn cách nhìn thường thấy, thầy Quyết phân trần: Hành vi của họ chứng tỏ họ “uống nước nhớ nguồn” một trong những tiêu chí đánh giá cái đức của người làm quan. Theo tôi chỉ nên phê phán việc chơi bời trác táng của người làm quan chứ không nên phê phán việc họ xây đắp cho tổ tiên cho dòng họ, bởi họ xây như vậy vừa cho quá khứ lại vừa để cho mai sau. Chúng ta hãy nhìn lại những công trình cổ xưa, chẳng hạn như nhà Bá Kiến (một thời bị chê trách vì nó được xây lên là từ xương máu của nhân dân) thế nhưng nay người ta lại đang cố gắng bảo tồn nó. Nhiều khi họ xây dựng bằng tiếng nói từ vị thế của họ (có thể kêu gọi anh em, bạn bè, người trong dòng họ) hoặc tiền do họ kiếm ra mà chúng ta không thể quy kết tiền quan kiếm là tiền tham nhũng.

Về vấn đề người giàu, người nghèo và sự phân biệt giàu nghèo quá rõ rệt tại Việt Nam thầy Quyết cho rằng: Sự giàu nghèo là một giai đoạn cần thiết của sự phát triển. Nó là kết quả của sự phát triển quá nhanh về kinh tế, tài chính. Chúng ta muốn nó cân bằng tức là muốn tất cả mọi người cùng xếp hàng ngang rồi cùng tiến... điều đó là sự sắp xếp không tuân thủ quy luật tự nhiên. Chúng ta chỉ có thể động viên những người giàu làm ra nhiều sản phẩm xã hội để chăm lo phúc lợi xã hội và tạo điều kiện lo cho người nghèo. Cách lo cũng không phải là cho họ miếng cơm manh áo, mà lo những cơ hội, lo môi trường làm việc.

Trong Phật giáo, thì con người ta nhận được điều gì, cũng là do một quá trình tích góp từ trước. Thế nên không quy chụp, không nóng vội... Hãy nhìn mọi thứ đôn hậu nhất để tránh những sai lệch”, lời thầy khi kết thúc buổi trò chuyện và dường như đó cũng là cách mà Phật giáo đang nhìn đời vốn chứa nhiều thị phi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: