Thi cử: Có dám chấp nhận sự thật?

09:35 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Bảy, 2005

Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh đều nhìn nhận tỉ lệ đó phản ánh khách quan chất lượng dạy và học ở địa phương mình, nhưng chuyện lại trở nên khôi hài và ý nghĩa đánh giá, đo lường của kỳ thi cũng không còn tác dụng khi nhiều người chợt giật mình trước sự thật ấy vì đã quá quen với những con số “đẹp” 99, 100%!

Ngoại trừ Cần Thơ và Cà Mau tuyên bố chấp nhận những con số “bất thường mà bình thường” này, rõ ràng không phải nơi nào cũng sẵn sàng dũng cảm như thế...

Thứ trưởng bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai:

Không nên xem tỉ lệ thấp là điều bất thường!

Thứ trưởng bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai

* Có ý kiến cho rằng địa phương nào tổ chức thi càng nghiêm túc thì kết quả càng thấp. Đây có phải là một nghịch lý của ngành GD-ĐT hiện nay không, thưa bà?

- Chủ trương của Bộ GD-ĐT là kỳ thi nào, ở đâu cũng phải được tổ chức một cách nghiêm túc. Tổ chức thi càng nghiêm túc thì chất lượng phản ánh càng thực và khách quan. Khi chất lượng thực thì con số tỉ lệ phần trăm nào cũng có thể chấp nhận được. Một trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp với chất lượng thực tế thì cần phải tôn trọng chứ không nên mỉa mai là do thiếu nghiêm túc.

Ngược lại, những địa phương có tỉ lệ thấp thì cần phải xem lại. Về nguyên tắc, kiến thức đề thi nằm trong chương trình, không vượt chương trình và đã lượng đoán một học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm. Như vậy cán bộ quản lý, người giáo viên phải xem lại mình vì sao có học sinh không đạt được mức điểm trung bình.

* Như vậy quan điểm của thứ trưởng như thế nào trước việc một số địa phương xin tổ chức thi tốt nghiệp lần 2?

- Chủ trương chung của bộ là kỳ thi quốc gia chỉ có một kỳ, bộ đã quyết định không tổ chức lần hai. Chiều 24-6, Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng đã có công văn chính thức trả lời UBND tỉnh Khánh Hòa: không chấp thuận cho tỉnh này tổ chức thi tốt nghiệp THCS lần hai.

* Thưa thứ trưởng, có phải điều lo lắng chính của các địa phương có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp thấp là sợ ảnh hưởng đến thành tích của ngành?

- Lo là đúng. Ai không lo không phải là nhà giáo. Nhưng cái lo đó không phải vì bệnh thành tích mà phải xem lại trách nhiệm của mình đối với công việc như thế nào. Ở đây, nó thể hiện trách nhiệm của người quản lý và đội ngũ giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thật ra tỉ lệ 100% học sinh tốt nghiệp không có gì là ghê gớm, đó là 100% em học sinh đã đạt được mức điểm trung bình trở lên. Nếu chưa đạt 100%, tức còn học sinh yếu kém không đạt mức trung bình, theo tôi cái đó mới đáng xem lại.

* Nhưng thưa bà, làm thế nào để giải tỏa dư luận và tâm lý phụ huynh học sinh về hiện tượng một số địa phương có kết quả tốt nghiệp thấp?

- Theo tôi, với những địa phương có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp thấp, chẳng hạn với trường chỉ có 20%, không nên vội xem đó là điều bất thường. Vấn đề là bây giờ phải ngồi lại với nhau, kiểm tra lại tất cả, đánh giá lại việc dạy và học của từng môn một. Vì sao sau ba, bốn năm học, học sinh không làm bài được điểm 5. Các nhà quản lý phải đến từng địa phương, từng trường đó để xem lỗi là gì để tìm ra nguyên nhân.

TẤN LỘC thực hiện

Giám đốc sở GD-ĐT Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh:

Giám đốc sở GD-ĐT Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh

Chúng tôi chấp nhận kết quả tốt nghiệp

* Thưa bà, vì sao năm nay tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP Cần Thơ lại chỉ đạt 65,7% so với năm trước là 80,32%?

- Tỉ lệ thấp do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất: do chúng tôi tổ chức kỳ thi nghiêm túc (tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là những năm trước không nghiêm túc). Qui chế của bộ năm nay qui định tương đối gắt gao so với các năm trước. Ví dụ, thí sinh vi phạm qui chế sẽ bị đình chỉ thi ngay, nghĩa là xem như bỏ 12 năm đèn sách.

Giám thị coi thi không nghiêm túc sẽ bị kỷ luật. Chúng tôi đã cho phổ biến rộng rãi qui chế này đến tất cả giám thị và học sinh trước khi kỳ thi diễn ra. Thứ hai: đề thi năm nay khá dài, nhất là các môn xã hội: văn, lịch sử. Với đề thi này, nhiều thí sinh đã tỏ ra lúng túng, cập rập...

* Với tỉ lệ tốt nghiệp không phải là “đẹp” như vậy, bà có bị áp lực gì từ phía chính quyền, người dân?

- Tôi chưa bị áp lực gì từ kết quả này. Nhưng những phụ huynh có con em không đạt trong kỳ thi hẳn có buồn lòng.

* Bà có ý định xin nâng điểm hay tổ chức thi lần 2 như kỳ thi THCS ở Khánh Hòa vừa qua?

- Chúng tôi chấp nhận kết quả đã công bố. Chúng tôi không tổ chức chấm lại hay tìm cách nào khác để nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp lên. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn vì gia đình và xã hội nắm được khả năng thực của học sinh và sẽ cùng giúp ngành nâng cao chất lượng giáo dục. Đương nhiên, chúng tôi là người nhận lãnh trách nhiệm đầu tiên về tỉ lệ này, nhất là những nơi có tỉ lệ tốt nghiệp thấp như Trường THPT bán công Thốt Nốt (chỉ đạt 16,56%).

PHẠM DIỄM thực hiện

Tiến sĩ Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau:

Những con số dưới 70%

- Khánh Hòa: 64,15% tốt nghiệp THCS
Đắc Lắc: 69,91% tốt nghiệp bổ túc THPT
- TP Cần Thơ: 65,7% tốt nghiệp THPT, trong đó trường có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất là THPT bán công Thốt Nốt chỉ với 16,56%
- Cà Mau: 64,22% tốt nghiệp THPT; 12,5% tốt nghiệp bổ túc THPT (414/3.304 thí sinh dự thi đủ điều kiện tốt nghiệp).

Kết quả phản ánh đúng chất lượng dạy và học

* Thưa ông, ông nhận xét thế nào về kết quả tốt nghiệp của tỉnh nhà?

- Năm nay chúng tôi tổ chức thi nghiêm túc theo đúng qui chế. Trong đó, khâu coi thi đã được thực hiện rất nghiêm túc.

* Tỉ lệ như thế có phản ánh đúng chất lượng giáo dục tại địa phương không, thưa ông?

- Nó phản ánh tương đối chính xác điều kiện giảng dạy và học tập.

* Trách nhiệm ngành GD-ĐT như thế nào, thưa ông? Từ kết quả này, đặc biệt là đối với kỳ thi bổ túc THPT, ông có kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép thi lần 2 hoặc hạ điểm chuẩn?

- Điều đó là rất khó! Tốt nhất là chúng ta phải nhìn lại chính mình và đi tới...

LinkedInPinterestCập nhật lúc: