Thiên đường của sáng tạo

Theo Spiegel 21.10
11:37 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Hai, 2009

Nước Mỹ có những phát minh thành công nhất, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố nhất, nhiều trường đại học danh tiếng nhất và không phải chỉ từ khi đặt được chân lên Mặt trăng, từ thời có Monsanto hay Microsoft người Mỹ mới coi phát minh, phát huy sáng kiến cải tiến là một môn thể thao đại chúng. Để giải thích hiện tượng khao khát hướng tới tương lai này, hãy lần theo dấu vết từ phòng nghiên cứu của Benjamin Franklin.

Những đám mây đen vần vũ trên bầu trời Pennsylvania, sấm sét rền vang xé toạc bầu trời. Bất chấp sự hung dữ của tự nhiên một người đàn ông lặng lẽ điều khiển một cái diều bay lên giữa vùng trời dông bão. Một cái chìa khóa buộc vào sợi dây diều. Người đàn ông chạm tay vào mẩu kim loại, một tia lửa điện nhỏ hiện lên trên đầu ngón tay ông. Thí nghiệm thành công: người đàn ông này đã tóm được sét trên trời cao.

Benjamin Franklin tiến hành thí nghiệm này năm 1752 và từ đó tên tuổi ông nổi tiếng như cồn. Cuộc “Thử nghiệm - Philadelphia” đã trở thành một huyền thoại mang tầm cỡ quốc gia ở Mỹ. Nhà triết học người Đức Immanuel Kant ca ngợi Franklin như một “Prometheus thời hiện đại”.

Cho đến nay thiên hạ thường dùng huyền thoại phi thường này để lý giải câu hỏi: vì sao nước Mỹ vốn là một xứ thuộc địa lạc hậu lại có thể vươn lên trở thành một quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới? Và bài học gì được rút ra từ nước Mỹ?

Nguyên nhân dẫn đến sự thành công to lớn

Nước Mỹ hiện có 38/50 cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới. 1/3 các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín bậc nhất thế giới, có sự tham gia của các tác giả người Mỹ. Tuy chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển của Mỹ chiếm 40%, gần 1/3 các nhà khoa học tự nhiên và các nhà kỹ thuật trên thế giới là người Mỹ.
Người Mỹ thường được coi là những “yankee ingenuity” (người Mỹ ngây thơ) nhưng có đầu óc sáng tạo, luôn nỗ lực tìm tòi cái mới, không ngừng tạo ra những sản phẩm mới hết sức nổi bật từ thang máy, bom nguyên tử, máy chụp ảnh lấy ngay, dây kẽm gai, máy tính cho đến súng ngắn?

Có thể nêu lên nhiều nguyên nhân khác nhau cho thành tựu này. Phải chăng người Mỹ có gene di truyền về tính năng nổ, tinh thần khai phá, tìm tòi cái mới; phải chăng hậu duệ của những người theo Thanh giáo và những người khác muốn chứng minh sự hăng say làm việc theo giáo lý Tin lành và họ là những người được Chúa trời đặc biệt ân sủng; phải chăng người Mỹ đã vô tình tạo dựng được hình thức sơ khai về một xã hội tri thức khi nước Mỹ ban hành luật giáo dục bắt buộc từ năm 1647? Và cũng có thể sự thần kỳ về khoa học của nước Mỹ đơn giản chỉ vì hiệu ứng Robinson-Crusoe, nghĩa là người Mỹ buộc phải vượt qua những khó khăn, trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển bằng những công cụ đơn giản mà họ có trong tay. Điều này đúng đối với phương pháp mà Franklin áp dụng, vì thực ra ông cũng không thể có một lựa chọn nào khác.

Benjamin Franklin sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo khó với 17 người con. Ông chỉ được đi học 2 năm sau đó học nghề và bị bóc lột tàn nhẫn như một nô lệ. Đến tuổi 17 ông thay tên đổi họ trốn xuống tàu kiếm kế sinh nhai và ông đã được một chủ nhà in ở Philadelphia nhận vào làm việc.

Là người luôn nung nấu ý chí tự lực, tự cường quyết chí vươn lên, quyết tâm thay đổi cuộc sống nghèo khổ của mình. Mới 24 tuổi ông đã trở thành chủ một cơ sở in ấn. Cuốn “Poor Richard’s Almanack” của ông trở thành một cuốn sách bán chạy nhất thời bấy giờ. Cuốn sách như một nhà tư vấn, giúp con người vượt qua những cảnh ngộ khó khăn của mình. Với phương châm “hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu’’, ông thường xuyên đổi mới bản thân mình, số lượng sách của ông phát hành ngày càng nhiều với nhiều bút danh khác nhau. Khi gần đến tuổi 30 Franklin khao khát bổ sung, hoàn thiện vốn kiến thức còn khá lỗ mỗ của mình. Ông thành lập câu lạc bộ bạn đọc sách, lập thư viện và chỉ sau ít năm ông bắt tay vào việc làm sáng tỏ một vấn đề về vật lý được coi là hóc búa nhất thời đó: Điện năng là gì?

Những bộ óc siêu việt nhất thời đó như các thành viên danh tiếng thuộc “Royal Society’’ ở Anh đều thất bại khi tìm lời giải cho câu hỏi này. Còn các nhà nghiên cứu tự nhiên người Đức như Albrecht von Haller và Johann Heinrich Winkler thì đưa ra một mớ lý thuyết về điện còn phức tạp, rối rắm.

Franklin hoàn toàn không hiểu mô tê gì về các vấn đề lý thuyết đó vì thế ông tự mày mò tìm lời giải cho mình. Ông mua các thiết bị nghiên cứu từ châu Âu cũng như tự tạo những dụng cụ hết sức thô sơ, đơn giản để làm thí nghiệm.

Lý thuyết của ông về “american electricity” vô cùng đơn giản. Dựa trên cơ sở làm sổ sách của cô gái bán sữa: có khoản thu và chi, cộng và trừ, ông mô tả dòng chảy của các điện cực mà cho đến tận ngày nay cách giải thích này vẫn còn có giá trị, mặc dù phải rất lâu sau đó điều này mới được chứng minh một cách cụ thể.

Franklin luôn có xu hướng đơn giản hóa mọi sự việc và có ý thức rất cao về việc áp dụng những ý tưởng của mình vào thực tiễn. Với ông một khi điện có sức mạnh toàn năng thì người ta ắt có thể lấy được điện từ các cơn dông đầy sấm sét thông qua cái diều. Ông quan sát thấy không ít nhà kho bốc cháy vì sét đánh, từ đó ông sáng kiến dùng một thanh kim loại để chống sét. Từ ý tưởng này ông đề cập đến cột thu lôi trong cuốn sách “Poor Richard’s Almanack” và vận động mọi người cùng làm theo.

Cuộc thử nghiệm bằng cái diều là một kết quả nghiên cứu ứng dụng: Franklin đã làm cho bầu trời không còn là một sự bí ẩn. Vị “triết gia điện” trở nên nổi tiếng, nhà văn Pháp Honoré de Balzac tấm tắc ca ngợi : “Benjamin Franklin người phát minh cột thu lôi, kẻ có những câu chuyện cổ tích trí trá và là người dựng xây nền Cộng hòa.”

Franklin và sự liên quan đến nền Cộng hòa

Đi lên tầng cao mà không cần cầu thang: Năm 1854 Elisha Otis trình diễn tại Crystal Palace ở New York trước công chúng cách phanh khẩn cấp ở chiếc thang máy của ông.

Khi mảnh đất thuộc địa ở châu Mỹ phát động cuộc chiến tranh giành độc lập chống lại đế quốc Anh thì đế chế Anh đang là một thế lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Franklin tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập. Khi đó ở Anh lan truyền tin đồn “thần Prometheus thời hiện đại” đang nghiên cứu một loại vũ khí có sức công phá kinh khủng, “kích cỡ chỉ bằng hộp diêm nhưng có những loại nhiên liệu có thể biến nhà thờ St. Paul’s thành tro bụi”.
Benjamin Franklin cần những tin đồn phóng đại đó. Thời đó lực lượng nổi dậy đang đứng trước tình cảnh hết sức khó khăn, nguồn tài chính của họ đang bị cạn dần. Năm 1776 dù đã ngoài 70 tuổi nhưng Franklin vẫn cất công sang Pháp để cầu viện nhà vua Pháp.

Nước Pháp hạ cố đón tiếp Franklin, một mặt triều đình Pháp chỉ coi ông là một gã nhà quê lên tỉnh nhưng không giấu nổi sự khâm phục đối với ông, kẻ dám cả gan thâu tóm cả sấm sét trên bầu trời. Giới có học trong triều đình Pháp thì coi Benjamin Franklin là một “kẻ man rợ cao quý”. Franklin chấp nhận hình ảnh này và tìm mọi cách thuyết phục nhà vua Pháp ủng hộ phong trào nổi dậy ở quê nhà. Cuối cùng nước Pháp đã dành cho quân đội nổi dậy một khoản tiền khá lớn vì dù sao nước Anh cũng bị coi là kẻ thù chung. Sự hợp tác này đã ảnh hưởng rất lớn đến cả hai bờ Đại Tây Dương : chỉ ít năm sau nước Pháp lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất và một cuộc cách mạng đã bùng nổ ngay trong lòng nước Pháp trong khi một Nhà nước độc lập non trẻ hình thành ở Mỹ. Một Nhà nước được tạo dựng bởi huyền thoại về nhà phát minh lỗi lạc: thần Prometheus châu Mỹ.

Các thế hệ tiếp theo noi gương “thần Prometheus thời hiện đại” và những nhà sáng chế phát minh thời kỳ này là những người đã có công biến sáng chế, phát minh thành một môn thể thao đại chúng được cả nước ngưỡng mộ. Công nghệ cao đã góp phần chinh phục vùng viễn tây xa xôi, hoang vu: Robert Fulton là người đã đóng con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên (1807), Samuel Colt là cha đẻ của khẩu súng lục hiện đại (1836), Samuel Morse phát minh máy đánh moóc (1838), Lucien Smith chế tạo dây kẽm gai (1867) và Alexander Bell là người đã làm ra loại máy điện thoại được phổ cập rộng rãi (1876).

Nhiều nhà sáng chế, phát minh cho rằng nguyên nhân dẫn đến thành công của Franklin chính là sự đơn giản, tính nhanh nhạy với thị trường kể cả sự áp dụng linh hoạt các mẹo vặt ở chợ phiên. Thí dụ nhà sáng chế thang máy Elisha Otis đã phải dùng kiếm chặt đứt dây cáp kéo thang máy làm cho thang máy rơi tự do trước sự chứng kiến của mọi người cho đến khi thiết bị an toàn hoạt động. Nhờ chiêu quảng cáo này ngành kinh doanh của ông trở nên rất phát đạt. Garrett Morgan lúc đầu cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mới của mình - loại mặt nạ lọc khí. Ông bèn ăn mặc như một tù trưởng Da đỏ, đeo mặt nạ, ngồi thu lu gần 30 phút trong căn lều mù mịt khói. Sau chiêu quảng cáo này sản phẩm của ông bán chạy như tôm tươi.

Trong khi đó châu Âu già nua, không khỏi ghen ăn tức ở khi thấy nước Mỹ đầy sức sáng tạo liên tục gặt hái vô vàn thành công, vì thế châu Âu không thể không thán phục nhưng cũng không giấu vẻ coi thường những kẻ vô học ở bên kia đại dương. Năm 1810 Wilhelm von Humboldt xây dựng ở Đức hệ thống trường đại học tổng hợp trên cơ sở một nền giáo dục kinh điển và coi các ngành kỹ thuật chỉ thuộc diện bách nghệ. Trong khi đó quan niệm của người Mỹ lại hoàn toàn trái ngược, họ khát khao xây dựng tương lai bằng sự “lãng mạn sắt thép” rung động thực sự trước những công trình kỹ thuật hoành tráng.

Người Mỹ không đề cao những bậc hiền triết hay các nhà văn, nhà thơ, mà tôn vinh các nhà sáng chế, phát minh, coi họ mới thực sự là những tấm gương sáng đáng noi theo. Đối với người Mỹ thì chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước cũng là một bản anh hùng ca có khi còn hấp dẫn hơn cả trường ca ‘Ilias’.

Rất nhiều người Mỹ noi gương Benjamin Franklin mày mò nghiên cứu, họ thích cặm cụi ngày đêm trong những căn phòng chật hẹp, trong nhà kho, nhà để xe để thiết kế, phát triển một cái gì đó hơn là rung đùi nghiền ngẫm tác phẩm của nhà thơ vĩ đại Horaz. Hồi giữa thế kỷ 19 Tạp chí Scientific American từng viết “những người đàn ông cặm cụi làm việc trong các nhà xưởng đã làm đảo lộn thế giới thông qua những sáng chế phát minh của họ. Trong khi đó các bậc trí giả ở Oxford và Cambridge quá lắm cũng chỉ nêu lên được vài ba học thuyết mới để bổ sung cho những “nguyên tắc“ nào đó.”

Năm 1807 xuất hiện tàu thủy chạy bằng máy hơi nước đầu tiên trên sông Hudson. Robert Fulton kỹ sư người Mỹ là cha đẻ của con tàu này và cũng là người phát triển tàu ngầm “Nautilus”.

Ở một đất nước mà tàu thủy chạy bằng hơi nước có thể thay thế “Ilias”, đương nhiên đất nước đó phải có một Homer cho ngành cơ khí chế tạo máy; vị anh hùng dân tộc này chính là Thomas Alva Edison. Ông là người sáng chế máy hát (Phonografen) (1877), đèn điện có sợi đốt bằng than (1879) và máy Kinetografen, một dạng máy quay phim (1891). Hằng năm người Mỹ lấy ngày sinh của Edison, ngày 11. 2, làm ngày quốc lễ để “tôn vinh các nhà sáng chế phát minh”. Edison trước tiên cũng phải tự phát hiện chính mình. Khi còn là một cậu bé, ông từng phải bán báo trên những chuyến tàu hỏa để kiếm sống, khi rảnh rỗi ông làm thí nghiệm hóa học ngay trong toa tàu chở hành lý. Ông là người hay xem thường cấp lãnh đạo nên liên tục bị đuổi việc. Ngay từ năm 1869, ông đã sáng chế một bảng thông báo chứng khoán mới. Ở tuổi 23, ông đã trở thành một người khá giàu có.

Thay vì hưởng thụ sự giàu sang của mình Edison lại đầu tư toàn bộ tiền bạc vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: “nhà máy phát minh sáng chế”, sản phẩm của nhà máy này là các ý tưởng. Ông tuyển mộ những người thích mày mò, nghiên cứu tài ba nhất ở khắp nơi trên thế giới, cộng sự thân cận nhất của ông là một nhà kỹ thuật người Anh và một người thợ làm đồng hồ người Thụy Sỹ. Edison làm việc miệt mài không biết mệt mỏi, ông đã có tới hàng nghìn bằng sáng chế và là người tham gia xây dựng khoảng 200 doanh nghiệp khác nhau.

Không ít lần ông ngủ luôn trong xưởng thí nghiệm sau khi làm việc gần như thâu đêm. Ông thường nói: “thiên tài là 99% đổ mồ hôi sôi nước mắt và 1% cảm hứng.”

Nhưng Edison cố tình quên một thành phần quan trọng của công thức này, đó là sự ăn cắp ý tưởng, một việc làm rất phổ biến thời bấy giờ. Edison là một trong những tay ăn cắp ý tưởng nhanh nhậy nhất và bản thân ông cũng thừa nhận: “Tôi biết phải ăn cắp như thế nào.”

Một nguyên tắc nữa mà ông thường đề cập là: “trial and error”, thử nghiệm và nhầm lẫn. Trong những ghi chép của ông người ta thấy đầy rẫy ghi chú “T. A.”-“Try Again”, thử lại một lần nữa. Năm 1877 khi thử chiếc máy quay đĩa và nghe thấy giọng nói của mình, ông tỏ ra lúng túng, lo lắng: “Tôi luôn thấy sợ khi công việc diễn ra quá trôi chảy”.

Edison thường có thái độ coi thường, miệt thị các nhà trí thức, thậm chí ông không ngần ngại chế giễu ngay cả những nhà toán học làm việc cho mình. Hồi đó mọi người gọi ông là “The wizard of Menlo Park”: gã phù thủy ở New Jersey.

***

Jules Verne được coi là cha đẻ của khoa học viễn tưởng hiện đại, nhưng chỉ có ở Mỹ thì những câu chuyện cổ tích tương lai của ông xuất phát từ châu Âu mới có thể trở thành một ngành công nghiệp tiền tỉ dựa trên nguyên tắc khoa học không phải là tháp ngà mà là một sân chơi đầy mạo hiểm.

Tương tự như Franklin đánh cắp sét trên bầu trời, nay các vị giáo sư, các nhà kỹ nghệ châu Âu cũng bị “nẫng tay trên ” các show diễn. Viên kỹ sư người Đức Konrad Zuse có thể là người đầu tiên làm ra máy vi tính có khả năng lập trình từ năm 1936, nhưng người đặt nền móng cho Silicon Valley lại là Bill Hewlett và Dave Packard, từ năm 1939 họ từng mày mò nghiên cứu một công trình nổi tiếng trong nhà để xe ở California; Karlheinz Brandenburg, người Đức, có thể là người đầu tiên làm ra máy nghe nhạc MP3 vào năm 1990, nhưng người thu được thành công trên thương trường lại là một nhà nghiên cứu người Mỹ từng mày mò trong gara ô tô có tên là Steve Jobs, ông ta là người có năng khiếu tổ chức các show diễn và từng giới thiệu với công chúng loại máy iPod của hãng Apple.

Người Mỹ rút ra bài học gì từ những thành công?

Ngày nay trong điều kiện xã hội trí thức toàn cầu hóa có sự phân công lao động rất cao thì huyền thoại về người hùng phát minh Prometheus liệu có còn mang lại lợi thế cho nước Mỹ? Sự thực là hiện nay quốc gia phát minh sáng chế hàng đầu thế giới đang trải qua một thời kỳ bi đát chưa từng có: đó là nỗi lo sợ trước một tương lai ảm đạm.

Những nước như Ấn Độ đang nỗ lực bành trướng bằng chính những công thức mà Franklin và Edison từng áp dụng rất thành công, đó là sự thực dụng, cần cù chăm chỉ, ăn cắp ý tưởng, khao khát quyết tâm xây dựng một tương lai huy hoàng.

Ngay từ năm 2005 báo “New York Times” đã đặt câu hỏi “Phải chăng các nhà sáng chế phát minh Mỹ đang bị tụt hậu ?”. Một bản báo cáo của National Academies từng cảnh báo : “Ủy ban rất lấy làm lo lắng vì nền tảng khoa học và công nghệ đang bị xói mòn, những nền tảng đó không thể thiếu một khi nước Mỹ muốn duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế trên toàn thế giới.” Bản báo cáo “Rising Above the Gathering Storm” - dịch nôm na là: làm sao để có thể thoát khỏi cơn dông tố đang đe dọa chúng ta, cho rằng hiện đang có nhiều dấu hiệu về cơn bão đó: Thí dụ từ lâu Nhật Bản đã vượt nước Mỹ về số lượng bằng sáng chế phát minh và số tiền mà ngành công nghiệp Mỹ phải chi cho các vụ kiện tụng đòi bồi thường tổn thất đã cao hơn số tiền mà nước này đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển. Gần đây Trung Quốc xuất khẩu ngày càng nhiều công nghệ cao. Trong khi đó, các công thức cũ của nước Mỹ, quốc gia luôn đi tiên phong dường như không còn phát huy hiệu lực. Khoảng 1/3 kỹ sư và các nhà tin học ở các trường đại học Mỹ đều có xuất xứ nước ngoài, đây là nguồn bổ sung nhân tài mới rất quan trọng, tuy nhiên dòng người nhập cư này ngày một giảm, một phần do điều kiện xin thị thực nhập cảnh vào nước Mỹ ngày càng khó hơn sau khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11.9. 2001.

Thậm chí Bill Gates, người đồng sáng lập hãng Microsoft, trong một bài báo đăng trên tờ “Washington Post” cũng phải thừa nhận “vấn đề này đang có biểu hiện của một cuộc khủng hoảng “. Ông yêu cầu “chúng ta phải gây dựng một bầu không khí giúp thế hệ mới dám mơ ước sáng tạo, bất chấp họ sinh ra ở đâu. Đất nước ta không thiếu người tài - cái thiếu chính là sự quyết tâm về chính trị”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách mạng khoa học - sự thay đổi khuôn mẫu (Paradigm)

    03/02/2015Đặng Mộng LânCuốn sách "The Structure of Scientific Revolutions” của Thomas S. Kuhn ra đời năm 1962 làm rõ bản chất của khái niệm “cách mạng khoa học" mà những cách hiểu trước đó chưa thể xem là thích hợp. Công trình này đã đưa ra một hình ảnh rõ ràng và đơn giản về sự phát triển của khoa học: Một khuôn mẫu (paradigm) (một cấu trúc cơ bản ổn định nảy sinh từ một số khám phá được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học) xuất hiện rồi bị thay thế bởi một khuôn mẫu mới...
  • Tiềm năng con người qua nhãn quang khoa học - khai mở tiềm năng bằng tri thức

    30/01/2008Hồ Văn Khánh"Tiềm năng" có nghĩa là năng lực tiềm tàng trong cuộc sống, những nguồn năng lượng tiềm ẩn trong cơ thể. Chúng có thể đã, đang và sẽ biểu hiện qua muôn hình vạn trạng của tạo vật trên mọi khía cạnh, sắc thái của vạn hữu tùy theo thiên chức nhân duyên hay sự điều tâm rèn luyện mãnh liệt...
  • Các giới hạn khoa học

    09/01/2006Đặng Xuân Lạng (dịch)...tác giả bào chữa cho việc khoa học hoàn toàn không trả lời được các câu hỏi cuối cùng – Mọi vật đã bắt đầu ra sao? Chúng ta ở đây nhằm mục đích gì? Ý nghĩa của cuộc sống là gì?, những câu hỏi là vượt ra ngoài năng lực giải thích của khoa học. Dầu vậy, khoa học là một hoạt động vĩ đại và vinh quang – hoạt động thành công nhất từ xưa đến nay và mãi mãi về sau mà con người đã tham dự...
  • Chương I. Tinh thần khoa học

    14/07/2005
  • Khoa học sáng tạo và Phương pháp luận sáng tạo

    12/02/2003Trên con đường phát triển và hoàn thiện, KHOA HỌC SÁNG TẠO (Heuristics, Creatology) tách ra thành một khoa học riêng, trong mối tương tác hữu cơ với các khoa học khác (có đối tượng nghiên cứu, hệ thống các khái niệm kiến thức riêng, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu riêng...)