Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

10:23 SA @ Thứ Sáu - 30 Tháng Chín, 2005

Sau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 6.2002, vừa qua là trên www.chungta.com. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vịVấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”.

Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận… của một tác giả. Nói cách khác, muốn trao đổi, cần hiểu tại sao người ta nói như vậy, người ta đã nói gì… và không nên đọc theo lối cảm tính để đưa ra những đánh giá cảm tính. Văn đàn chúng ta đã có quá nhiều những cuộc trao đổi không thể đi tới sự thống nhất chỉ vì chúng diễn ra theo tình huống “ông nói một đàng, bà nói một nẻo”. Theo tôi, tình trạng này là một trong những căn nguyên dễ làm nhiễu loạn các chuẩn mực định giá văn chương, đẩy tới sự “bức tử” các phát kiến khoa học ngay từ lúc mới ra đời. Có thể không đáp ứng được mong muốn của Tòa soạn, tôi vẫn phải sử dụng thước đo đúng - sai để bàn về bài viết của Ngô Tự Lập. Và ở đây, tôi không đánh giá Phan Ngọc đã đúng hay đã sai, chỉ phân tích Ngô Tự Lập đã hiểu đúng hay hiểu sai vấn đề Phan Ngọc đặt ra và giải quyết trong bàiThơ là gì?.

Đọc tiểu luận của Ngô Tự Lập, tôi nhận thấy Thơ hay là cái chết của thời gian chưa được đặt trên nền tảng một năng lực phân biệt sự khác nhau giữa sáng tạo từ ngữ thơ ca với sáng tạo thuật ngữ khoa học. Bằng thói quen của trực giác, anh đánh giá các thuật ngữ khoa học ông Phan Ngọc sử dụng, và anh chưa hiểu Phan Ngọc đã nói gì. Điều này thể hiện ngay trong phần mở đầu, anh viết: “Tiểu luận Thơ là gì?là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “quái đản”, “tính thao tác”, “sự thức nhận”…(Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết như “vượt gộp”, “thao tác luận”… rất nhiều trong các bài viết của ông)…”.

Chúng ta biết trong quá trình sáng tạo, nhiều nhà thơ và nhà khoa học phải đau đầu chỉ vì họ không thỏa mãn với vốn liếng từ ngữ, thuật ngữ đã và đang hiện hữu trong đời sống. Nếu nhà thơ phải mày mò chọn lọc, thậm chí sáng tạo ra từ ngữ mới sao cho có thể diễn tả một cách tốt nhất “cây đàn muôn điệu” của hồn thơ; thì nhà khoa học cũng phải mày mò, thậm chí sáng tạo ra thuật ngữ mới sao cho có thể mô tả chính xác một nội dung, một vấn đề khoa học. Cố gắng của họ góp phần phát triển, làm phong phú ngôn ngữ, góp phần lý giải tại sao trong đời sống thường xuất hiện các từ ngữ mới, thuật ngữ mới. Song tiếp nhận các từ ngữ, thuật ngữ thoạt nghe có vẻ “lạ tai” ấy lại có những yêu cầu khác nhau, tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Đối với sáng tạo từ ngữ của nhà thơ, người đọc thường đánh giá trước hết ở tính biểu cảm, còn tiếp nhận thuật ngữ của nhà khoa học người ta thường đặt ra những tiêu chí lý tính để xem xét thuật ngữ ấy có chính xác, có phù hợp hay không. Ví dụ, Ngô Tự Lập viết “thơ hay là cái chết của thời gian”, người đọc hiểu đó là một liên tưởng “kiểu thi sĩ”, họ không đặt các câu hỏi: Thời gian là cái gì để có thể chết được? Tại sao thời gian chết? Nếu thời gian chết điều gì sẽ xảy ra…?. Còn khi nhà khoa học nói tới “cái chết của thời gian”, các câu hỏi đó lại được đặt ra một cách trực tiếp, nhà khoa học phải chứng minh, dù chỉ bằng lý thuyết. Sáng tạo từ ngữ mới, nhà thơ thường không nhất thiết phải lý giải tại sao tôi sử dụng từ này mà không sử dụng từ kia, còn nhà khoa học bao giờ cũng phải giới thuyết các thuật ngữ mới của mình.

Xưa nay tôi chỉ thấy người ta công nhận hoặc bác bỏ một thuật ngữ căn cứ vào việc nội hàm của nó chứa đựng những nội dung thỏa đáng hoặc chưa thỏa đáng về mặt khoa học, chưa thấy người ta công nhận hoặc bác bỏ một thuật ngữ chỉ vì nó quen tai hoặc lạ tai, gây cảm giác dễ chịu hay gây cảm giác khó chịu! Không có điều kiện đọc kỹ ông Phan Ngọc đến mức tìm ra “đặc trưng cho phong cách của ông” như Ngô Tự Lập đã tìm ra (!), nhưng căn cứ vào một số tác phẩm, tôi thấy Phan Ngọc rất thận trọng, không “cố tình lạ tai” trong việc xây dựng và giới thuyết các thuật ngữ. Chưa bàn tới sự đúng - sai của các thuật ngữ này, chỉ xin dẫn lại giới thuyết của Phan Ngọc giúp bạn đọc tham khảo và hy vọng nếu bạn đọc có bác bỏ, thì cũng xuất phát từ nội hàm của chúng chứ không vì “lạ tai gây cảm giác khó chịu”. Về hai chữ vượt gộp, Phan Ngọc viết: “Tôi dùng chữ “vượt gộp” để dịch khái niệm Aufheben của Đức hay dépassement của Pháp. Vượt gộpcó nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy vượt gộp không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới”(1). Về hai chữ thức nhận, Phan Ngọc viết: “Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận (prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ”(2). Về thao tác luận, đây là thuật ngữ Phan Ngọc dịch từ chữ operationalist, ông giới thuyết khá đầy đủ thuật ngữ này trong cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều xuất bản lần thứ nhất (1985)… Nếu Ngô Tự Lập khảo sát ông Phan Ngọc triệt để hơn, tôi tin anh sẽ rút lại những nhận xét anh đưa ra ở phần đầu bài tiểu luận.

Nhưng câu chuyện không chỉ có thế, tinh thần hăng say phê phán còn đưa Ngô Tự Lập tới những sai chênh khác khi anh chứng minh điều anh cho rằng: “Mặc dù thú vị, bài viết này (Thơ là gì? - N.H), theo tôi, còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học”. Thiết nghĩ, nếu hiểu thao tác khoa học không phải là một món đồ trang sức, Ngô Tự Lập sẽ chú ý bài viết Thơ là gì? được đặt trong cuốn sách Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, vì thế bất cứ người nào muốn thẩm định nó trước hết phải khảo sát từ góc độ Ngôn ngữ học để xem xét các vấn đề đặt ra và giải quyết trong Thơ là gì? có chính xác hay không. Hào hứng phê phán kết quả nghiên cứu của Phan Ngọc, Ngô Tự Lập không quan tâm tới cách ông đặt vấn đề, nói cách khác, anh không quan tâm tới góc độ, phương pháp nghiên cứu và lý do tại sao Phan Ngọc xây dựng một định nghĩa Thơ. Sự trạng này là hệ quả của việc anh không chú ý tới các nguyên tắc của Thao tác luận Phan Ngọc sử dụng trong các công trình của ông, cũng như không chú ý tới việc Phan Ngọc coi mình là người Thức nhận. Không chú ý tới các phẩm chất khoa học này thì dù có thông thái đến đâu, Ngô Tự Lập cũng không hiểu được Phan Ngọc. Mà lẽ thông thường, không hiểu mục đích và cách làm việc của tác giả thì làm sao có thể hiểu tác giả định (muốn) nói gì. Trong Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, Phan Ngọc viết: “Công trình này giới thiệu một cách tiếp cận mới, dùng Ngôn ngữ học để giải thích hình thức nghệ thuật củavăn học… Người viết là một người làm Ngôn ngữ học thiên về mặt nhận thức, tức là chú ý đến mặt triết học của vấn đề. Dĩ nhiên, câu chuyện không đơn giản chút nào, nhưng theo kinh nghiệm, người viết thiên về những biện pháp có thể áp dụng mà tránh đi sâu vào nguyên lý”(tr.3). Trước khi đưa ra hai yêu cầu đối với định nghĩa thơ của mình “1. Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái…; 2. Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả”, Phan Ngọc nói rõ: “Trong quá trình xây dựng bộ “Phong cách học cấu trúc tiếng Việt”, tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về Phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên”(tr.23). Có lẽ do chưa nắm bắt thấu đáo cách thức nghiên cứu của Phan Ngọc, Ngô Tự Lập đã tiến hành những phân tích, so sánh, bắt bẻ… theo lối ông A “định nghĩa về gà”, ông B khăng khăng “đây là định nghĩa về vịt, vì vịt cũng có lông vũ”!.

Theo tôi, một khi không hiểu mục đích định nghĩa thơ của Phan Ngọc, thì những lập luận, chứng minh rối rắm của Ngô Tự Lập thông qua việc dựng lên một loạt những giả vấn đềnhư: tính lý tưởng của định nghĩa, định nghĩa một khái niệm định tính, định nghĩa mộtkhái niệm định lượng… chỉ là những thủ pháp tạo điều kiện cho anh sử dụng tư duy tư biện tỷ thí với chiếc cối xay gió. Định nghĩa - với chức năng làm rõ nghĩa một từ hoặc nội dung của một khái niệm, quả là công việc khó khăn nhưng không nên phức tạp hóa công việc này bằng một tư duy tư biện. Định nghĩa hoặc không định nghĩa, trước hết do con người có hoặc không có nhu cầu nhận biết sự vật hiện tượng, và mỗi định nghĩa trước sau cũng chỉ là một trong những cách nhìn về sự vật hiện tượng. Ngô Tự Lập coi định nghĩa Thơ của Phan Ngọc “vừa máy móc vừa không tưởng” bởi ông đòi hỏi nó phải “tuyệt đối khách quan, phi lịch sử, chính xác và cụ thể”. Theo tôi, từ trong “salông của tư duy”, Ngô Tự Lập đã đưa ra một hư cấu chủ quan, còn trong thực tế đã ra đời và tồn tại vô khối những định nghĩa “tuyệt đối khách quan, phi lịch sử, chính xác và cụ thể”, ví dụ: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”, ví dụ: “Mét là khoảng cách thời gian mà ánh sáng đi được trong 1/299.792.458 giây”, còn với định nghĩa “Sử học là khoa học về cái không lặp lại” thì Herodote hay Tư Mã Thiên, Tư Mã Quang có sống lại cũng không thể bác bỏ. Vấn đề đối với Phan Ngọc - một người thức nhận, là tại sao ông lại xây dựng một định nghĩa Thơ, ông định nghĩa Thơ để làm gì, chứ không phải ở chỗ Thơ có thể định nghĩa một cách phổ quát và mang tính hình thức hay không.

Hãy xem Ngô Tự Lập dùng phép so sánh - loại suy để đánh giá định nghĩa Thơ của Phan Ngọc: “Chẳng cần phải mất nhiều công sức cũng có thể thấy rằng định nghĩa này không chặt chẽ. Không chặt chẽ bởi nếu điều kiện đủ để một văn bản được gọi là thơ là có “tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này” thì một câu đối - mà tổ chức ngôn ngữ còn quái đản hơn nhiều: luôn chỉ có hai câu, đối nhau cả về từ loại, ngữ nghĩa, ngữ âm, điển tích đến những trò chơi chữ, và cũng “bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này” - có phải là thơ không?”. Sau đó ngoài câu đối, để “bức tử” định nghĩa Thơ của Phan Ngọc, anh dẫn ra thơ văn xuôi, văn vần trong truyện Nôm, tiểu thuyết, tiểu thuyết mới…, rồi cho rằng: các tác phẩm văn học loại này cũng có “tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đảncũng bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải tiếp xúc và phải suy nghĩ” nhưng không phải là Thơ. Thì ra, để bác bỏ, Ngô Tự Lập đã quên (?) một phân tích của Phan Ngọc do chính anh dẫn ra: “Trong ngôn ngữ hàng ngày, chẳng ai tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật…”. Bản thân tôi do công việc, cũng có tiếp xúc với câu đối, thơ văn xuôi, văn vần trong truyện Nôm, tiểu thuyết…, tôi cũng thấy hình thức tổ chức ngôn ngữ của chúng không giống với ngôn ngữ giao tiếp, nhưng không thấy chúng được tổ chức với hình thức âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật… Thử hình dung các loại tác phẩm Ngô Tự Lập dẫn ra mà có hình thức tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật… thì chúng sẽ ra sao nhỉ!?

Tình trạng “ông nói một đàng, bà nói một nẻo” còn thể hiện ở mục 3 trong bài viết của Ngô Tự Lập. Dưới tiêu đề Thơ và truyện, anh trình bày những ý kiến còn tư biện hơn cả các phần trước: “Thật ra, cái đối lập của văn xuôi không phải là thơ mà là văn vần, còn cái đối lập của thơtruyện. Sự đối lập của văn xuôivăn vần là dựa trên sự khác nhau về tổ chức ngôn ngữ: âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật…, chính là cái mà ông Phan Ngọc gọi là “cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” còn sự đối lập giữa thơtruyệnmới dựa vào bản chất của chúng”. Đoạn văn có vẻ xác quyết trên đây tiếp tục là một giả vấn đề do Ngô Tự Lập dựng lên để tranh biện với chính mình. Phân loại tương đối và trình bày đơn giản thì Văn vần là loại văn viết bằng những câu văn có vần với nhau và thơ là một hình thái tiêu biểu cho văn vần; tương tự như thế, văn xuôi là loại văn không viết theo vần. Nói cái đối lập với văn xuôivăn vần thì đúng quá, nhưng tại sao Ngô Tự Lập loại thơ ra ngoài phạm vi văn vần? Hay từ khi tuyên bố: “Nhiều người trong chúng ta có một quan niệm hết sức sai lầm cho rằng văn chương là tiếng nói của tình cảm, rằng viết văn chính là cách giải tỏa bức xúc… viết văn thực chất là giải một bài toán tối ưu”(3) anh đã có một bảng phân loại văn học khác nhưng chưa thông báo trên văn đàn! Tóm lại, do không bận tâm đến việc Phan Ngọc khảo sát sự khác nhau giữa hình thức tổ chức ngôn ngữ của thơ - loại văn có vần, với hình thức tổ chức ngôn ngữ của văn xuôi - loại văn không vần, Ngô Tự Lập đã bỏ ra quá nhiều chữ nghĩa để chứng minh một nội dung hoàn toàn không dính dáng với điều Phan Ngọc nghiên cứu. Xem ra bằng cách thiết lập và phân tích sự đối lập giữa thơtruyện, Ngô Tự Lập đã dẫn dắt cuộc trao đổi theo một chiều hướng có phần “hơi bị khôi hài”!

Đến đây, có thể nhận thấy Ngô Tự Lập đã trình tấu câu chuyện “ông nói một đàng, bà nói một nẻo” một cách rất võ đoán và tự tin. Thật đáng tiếc, nếu trước khi trao đổi với Phan Ngọc, Ngô Tự Lập xét đoán cẩn trọng hơn chắc chắn anh sẽ không rơi vào chiếc bẫy “chưa thích đáng, cả trong nhận định lẫn trong thao tác khoa học” do chính anh đã giăng ra trong bài viết của mình. Và tôi tin, nếu Ngô Tự Lập đọc đoạn văn Phan Ngọc viết: “Tôi không có tham vọng giải đáp cái gì hết, tôi chỉ cố gắng nêu vấn đề cho trung thực, nghiêm chỉnh, thử đưa ra một cách giải đáp, mà không hề cho cách giải đáp của mình là tiếng nói duy nhất đúng”(4) hẳn anh sẽ vặn cái volume của mình nhỏ đi một chút!


1. Phan Ngọc, Cách nhìn văn hóa từ góc độ hiện tượng, báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số12 ra ngày 23.3.2002.

2. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, H.1998, tr.28.

3. Ngô Tự Lập, Lời động viên của E.A.Poe, Tạp chí Tia Sáng, số 2.2002.

4. Phan Ngọc, Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1995, tr. 5- 6.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Einstein là nhà văn ?

    19/10/2014Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...
  • Tín điều của một con người

    06/09/2005Ernest HemingwayTôi cảm thấy ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay tôi đã biết số phận về sau của tôi sẽ thế nào. Tôi không bao giờ có mảy may nghi ngờ việc tôi là người đi tiên phong của thời đại mới và tôi hiểu rằng, sau đây mỗi bước đi của tôi sẽ được chăm chút theo dõi, vì vậy tôi quyết định để lại cho hậu thế bản quyết toán chân thực về tất cả các hành vi và suy nghĩ của tôi...
  • Thơ là gì ?

    30/09/2005Phan NgọcTrong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên....
  • Trong những đường hầm của thi ca

    29/08/2005Ngô Tự LậpCòn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã...
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • xem toàn bộ