Thư gửi học sinh

10:30 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Năm, 2010
Một mùa hè mới lại về, đánh dấu một bước chuyển giao giữa hai niên học trong cuộc đời học sinh với biết bao kỳ vọng, lo lắng của giao đình, nhà trường và xã hội về một chặng đường đã qua và một sự khởi đầu sắp tới. Nhân ngày 01-06, Chungta.com mời độc giả cùng suy ngẫm về những lời tâm huyết của bốn con người, ở các cương vị, thời đại, dân tộc khác nhau, gửi gắm tới các thế hệ tương lai của nhân loại.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân năm học đầu tiên khi nước ta độc lập.


Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ được tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ được tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.

Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn,ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Đối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.

Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu

Hồ Chí Minh

2. Phát biểu đầu năm học mới của tổng thống Obama - Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ

Chào các em - các em ra sao hôm nay? Tôi đang có mặt cùng với các học sinh trường Trung học Wakefield ở Arlington, Virginia. Và các học sinh trên toàn nước Mỹ, từ mẫu giáo đến lớp 12 cũng đang lắng nghe. Tôi rất vui là các em có thể tham gia cùng chúng tôi hôm nay.


Tôi biết rằng với đa số các em, hôm nay là ngày đầu tiên đến trường. Và với các em mẫu giáo, hoặc vừa bắt đầu tiểu học, trung học, đây là ngày đầu tiên ở trường mới, vì thế nếu các em hơi hồi hộp cũng là điều dễ hiểu. Tôi mường tượng những em học sinh lớp 12 chắc đang cảm thấy rất vui, chỉ còn một năm nữa mà thôi. Và bất kể các em đang học lớp mấy, một số chắc đang mong muốn mùa hè vẫn còn để sáng nay các em có thể ngủ nướng thêm một tí.

Tôi biết cảm giác đó. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống tại Indonesia được vài năm, và mẹ tôi đã không có đủ tiền để cho tôi theo học tại trường dành riêng cho các trẻ người Mỹ. Bà bèn quyết định tự dạy cho tôi một số lớp, Thứ Hai đến Thứ Sáu - vào 4:30 mỗi sáng.

Tôi đã không vui mấy khi phải thức dậy sớm như thế. Rất nhiều lần tôi đã ngủ gục ngay tại bàn ăn. Nhưng mỗi khi tôi than vãn, mẹ tôi lại nhìn tôi theo kiểu của bà và nói "Mẹ cũng chẳng sung sướng gì đâu, nhóc ạ."

Vì thế tôi biết rằng một số trong các em vẫn đang hoà nhập vào việc quay lại trường. Nhưng hôm nay tôi có mặt ở đây vì tôi có vài điều quan trọng cần nói với các em. Tôi có mặt ở đây vì tôi muốn nói với các em về sự học của các em và những gì đang chờ đợi các em trong năm học mới này.

Tôi đã từng diễn thuyết rất nhiều về giáo dục. Và tôi cũng từng nói rất nhiều về trách nhiệm.
Tôi đã nói về trách nhiệm của thầy cô giáo trong việc khuyến khích và thúc đẩy các em học.

Tôi đã nói về trách nhiệm của cha mẹ các em trong việc giúp các em đi đúng hướng, hoàn tất các bài tập về nhà thay vì dành mỗi giờ trong ngày trước tivi hay cái Xbox.

Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc thiết lập một chuẩn cao trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên và các vị hiệu trưởng ở những trường còn đang đi sau – nơi mà các em chưa có được cơ hội mà đáng lẽ các em phải có.

Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học. [...]

Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay sở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng.

Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng.

Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình. [...]
Đó là lý do tại sao hôm nay, tôi kêu gọi mỗi em cần tự ác định cho mình một mục tiêu và làm mọi thứ để đạt được nó. Mục tiêu đó có thể đơn giản chỉ là hoàn thành tất cả các bài tập về nhà, tập trung trong lớp hay dành thời gian mỗi ngày để đọc một cuốn sách. Có thể các em quyết định rằng mình sẽ tham gia vào một hoạt động ngoại khóa nào đó hoặc tham gia tình nguyện trong khu vực mình sinh sống.

Cho dù mục tiêu đó là gì đi nữa, tôi muốn các em đặt hết quyết tâm vào nó. [...]

Đó là câu chuyện của những học sinh từng ngồi đây cách đây 250 năm và tiếp tục phát động cuộc cách mạng xây dựng nên đất nước này. Đó là những học sinh từng ngồi đây 75 năm trước và vượt qua cuộc khủng hoảng lớn để rồi dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, đấu tranh cho quyền bình đẳng và đưa con người lên mặt trăng. Đó là những học sinh từng ngồi đây cách đây 20 năm và sau này sáng lập ra Google, Twitter, Facebook và thay đổi cách chúng ta liên lạc với mọi người.

Hôm nay tôi muốn hỏi các em, các em sẽ có thể đóng góp điều gì? Các em sẽ phát minh ra những gì? Một vị tổng thống trong 20 hoặc 50 năm nữa khi quay lại đây sẽ nói như thế nào về những đóng góp của các em cho đất nước này? [...]

Tôi hi vọng các em sẽ nỗ lực hết sức trong tất cả những gì mình làm. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong mỗi cá nhân các em. Đừng để tôi thất vọng. Đừng để cha mẹ, đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm chúng tôi tự hào về các em. Tôi biết các em có thể làm được điều đó.

3. Thư gửi của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân ngày khai giảng

“Nhân dịp khai giảng năm học 2007-2008 và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tôi thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm 2006-2007, toàn ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, là năm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” bước đầu đạt kết quả tốt, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ.

Năm học vừa qua còn đánh dấu sự chuyển biến rộng rãi trong việc tổ chức các kỳ thi ở các cấp học, bậc học một cách an toàn, nghiêm túc, quyết tâm khắc phục những yếu kém về chất lượng; là năm có những đổi mới tích cực trong việc tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở đào tạo… Tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của toàn ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đã đi đầu trong các cuộc vận động lớn của ngành.

Trong năm học mới, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục, đặc biệt là cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”… Đất nước đang cần có nhiều hơn nữa những trí thức và lao động có tay nghề, có kỹ năng, có bản lĩnh và hoài bão cống hiến vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, ngành giáo dục giữ vai trò nòng cốt.

Tôi mong các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, toàn thể nhân dân và các thày, cô giáo, các em học sinh, sinh viên cùng đồng lòng, tâm huyết vì một năm học mới thắng lợi”.


4. Thư của một thầy giáo nhân dịp năm học mới

1.Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Đó là lý lẽ của đạo đức tưởng chừng như hiển nhiên. Vậy mà một lần, có trò đã thực sự bối rối hỏi tôi: Thưa thầy, dạy người một chữ cũng là thầy thì đúng rồi, nhưng nửa chữ thì sao lại là thầy được ạ? Vì nửa chữ thì vô nghĩa hoàn toàn ạ! Chợt giật mình vì những điều tưởng chừng là "hiển nhiên" hoá ra lại không hẳn là hiển nhiên. Hoá ra câu nói ấy trong nghĩa đen chỉ đúng với văn tự cổ, chữ tượng hình, ghi ý. Hai (hoặc nhiều) bộ phận ghép lại thành chữ, thành từ. Xé đôi chữ ra vẫn còn chữ, còn nghĩa. Như chữ minh (sáng) nếu cắt thành hai nửa chữ thì sẽ có chữ nhật (Mặt Trời) và nguyệt (Mặt Trăng).

2. Nhiều trường hợp tương tự như vậy. Một chữ bẻ đôi không biết, thành ngữ này chỉ hiện tượng mù chữ. Cũng một lần có em học sinh ngơ ngác rất hồn nhiên: Thưa thầy kể cả người thông minh, học cao, thì một chữ bẻ đôi cũng không biết thì đâu có gì lạ. Để nguyên chữ thì mới biết chứ. Hoá ra thế. Chữ nhất (một) trong cổ tự bẻ đôi thành chữ nhị (hai). Còn chữ nhất trong quốc ngữ bẻ đôi sẽ thành chữ gì đây?


3. Có lần một học sinh bé bảo tôi, thưa thầy cá không ăn muối cá ươn, chưa chắc thế đâu thầy ạ! Cá không ăn muối nhưng cho vào tủ lạnh thì đâu có ươn ạ!

4. Một lần tôi giảng câu lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Kiềng ba chân là kiềng vững nhất. Một bé học sinh thắc mắc, thưa thầy em chưa thấy kiềng ba chân ạ. Một học sinh khác, lớn hơn, "thông tin" thêm, thưa thầy kiềng ba chân chỉ vững trên một mặt phẳng tương đối hoặc trên nền bếp đất có lồi lõm. Còn trên một mặt phẳng gần như tuyệt đối của mặt đá thì kiềng bốn chân vững hơn thầy ạ. Bếp củi mới dùng kiềng ba chân, còn bếp ga dùng kiềng bốn chân.

5. Sách là ấn phẩm dùng để học, đọc, tham khảo. Vở dùng để ghi chép. Ngày nay, các em học sinh cấp 1 làm bài tập ngay trên trang sách, chép luôn vào sách. Do vậy, khái niệm sách, vở cũng cần phải được hiểu mới.

6. Thế đấy, thời gian đi qua và cuộc sống nhiều đổi thay. Sự bảo thủ của từ ngữ đôi khi chỉ là lưu lại ký ức và không còn chính xác với nghĩa đương đại nữa. Học hỏi là vô cùng. Tiếp cận cái mới là một kỹ năng sống tích cực. Nhất là từ thập niên cuối của thế kỷ 20, công nghệ thông tin mà thành quả cụ thể là chiếc máy tính cá nhân nối mạng đã làm nên những đổi thay vô cùng to lớn trong tiến trình lịch sử nhân loại.

7 . Buổi sáng thầy mua nắm xôi phải gói trong tấm lá dong, thầy biết là mùa đã sang cuối thu, sen đã thực sự tàn úa. Thầy không thể gói kiến thức của mình trong tấm lá sen héo khô của mùa hạ đã qua. Cho nên thầy đã cố, và thầy đã theo kịp. Nhưng, có nhiều lúc vẫn bối rối trước các em. Nhân danh sự bao dung của chữ "lễ" truyền thống, nhân danh sự phát triển biện chứng, các em hãy cùng thầy xây đắp kiến thức trên tinh thần xây đắp chung một mái trường các em nhé! Đó cũng là một tặng phẩm quý giá của các em gửi đến thầy nhân ngày 20-11. Cảm ơn các em!
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: