Thực trạng cấp phép và quản lý nội dung website tại Việt Nam

05:22 SA @ Chủ Nhật - 18 Tháng Bảy, 2004

Những biện pháp quản lý, cấp phép thiết lập website và hoạt động Internet hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến sự nhiêu khê, rối rắm khiến rất nhiều doanh nghiệp ngán ngại khi muốn ứng dụng các tiện ích Internet vào hoạt động thương mại...

Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thông tin là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cấp giấy phép cung cấp thông tin, thiết lập trang tin điện tử trên Internet. Trang tin điện tử (website) được định nghĩa là loại hình bản tin thực hiện trên mạng Internet.

Mọi cá nhân hay pháp nhân đều phải chấp hành các quy định về hoạt động Internet và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của website (theo Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23-8-2001 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet” và “Quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet” (QCQL), ban hành theo Quyết định 27/2002/QĐ-BVHTT ngày 10-10-2002 - NĐ 55). Nhưng các đối tượng ghi trong khoản 1, điều 3 của QCQL lại là “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, các pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet chịu sự điều chỉnh của quy chế này”. Quy chế không đề cập đến trường hợp cá nhân và nhóm cá nhân. Như vậy, mọi cá nhân có thể thiết lập website mà không buộc phải được cấp phép?

Điều kiện cấp phép cũng có sự khác nhau về thủ tục giữa pháp nhân Việt Nam và nước ngoài. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, cần có các điều kiện sau: văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản; phải xác định rõ loại hình thông tin cung cấp, nội dung, các chuyên mục, tần số cập nhật thông tin; có người đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm về nội dung và có nghiệp vụ quản lý thông tin; có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ. Cần hiểu địa chỉ miền trên Internet hợp lệ là tên miền Việt Nam do Trung tâm Internet Việt Nam cấp (theo “Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet” ban hành kèm Quyết định số 92/2003/QĐ-BBCVT ngày 26-5-2003 của Bộ Bưu chính - Viễn thông). Nói cách khác, các tên miền quốc tế - không có đuôi .vn - đều không được cấp phép.

Vướng víu lối vào hội nhập

Như vừa nêu, QCQL không buộc các website cá nhân xin phép nhưng lại đưa ra những đòi hỏi không cần thiết, phi thực tế - nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH - khi xin cấp phép thiết lập website, như : phải có “Văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản”

(khoản 1, điều 6), “Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản” (khoản 1, điều 7); hoặc những quy định thừa như : “Có người đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, có nghiệp vụ quản lý thông tin. Có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ”. Việc QCQL buộc doanh nghiệp xác định tần số cập nhật thông tin (dường như nhằm quản lý định kỳ xuất bản của báo chí) không cần thiết cho các nhà quản lý mà chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì việc cập nhật phải được thực hiện theo yêu cầu thực tiễn. Việc chỉ cấp phép cho các địa chỉ tên miền có đuôi .vn cũng hạn chế tính phổ biến, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nhu cầu hướng giao dịch thương mại ra thị trường quốc tế.

Để đối phó với quy định này, các doanh nghiệp thường sử dụng hai tên miền cho cùng một website; một tên miền hợp lệ để xin cấp phép và một tên miền quốc tế để tiện giao dịch. Lướt qua một loạt các website mang tên miền Việt Nam, không thể chắc là tất cả đều đã có giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Việc cấp phép và quản lý đối với hoạt động xuất bản, phát hành các ấn phẩm và thiết lập, điều hành website là hai việc hoàn toàn khác nhau. Các doanh nghiệp thiết kế, xây dựng website chỉ nhận thực hiện phần kỹ thuật, còn thủ tục xin cấp phép, chủ website phải tự lo. Vì thế, khá nhiều doanh nghiệp muốn lập trang web nhưng lại e ngại thủ tục xin cấp phép. Thế là cánh cửa đi vào xa lộ thông tin khép lại trước mặt họ, những dự định làm quen với thị trường thương mại điện tử phải gác lại...

Mặt khác, có lẽ cũng nên có cái nhìn rộng hơn về khái niệm website. Định nghĩa website là một trang tin điện tử, là loại hình bản tin thực hiện trên mạng Internet chỉ đúng khi hiểu ở nghĩa rất rộng. Nhưng dùng định nghĩa này để đánh đồng website với một ấn phẩm báo chí, xuất bản để quản lý thì sẽ hạn chế tác dụng chia sẻ (mặt tích cực) của Internet. Thực tế, một website có thể là một tờ báo điện tử, có thể là một thư viện điện tử, một diễn đàn sôi động, có thể đơn giản là một brochure, catalogue không cần cập nhật thường xuyên, cũng có thể là một siêu thị điện tử... Tất cả mọi hình thức website đều được xem xét để cấp phép bởi một thủ tục, hồ sơ mẫu như nhau e sẽ gây phiền toái và sự ngại ngần cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn khai thác các tiện ích của thời đại công nghệ thông tin.

Thực tế, không ai có thể đưa ra con số website hiện có của cá nhân và tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp (trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam). Một nguồn tin từ cơ quan cấp giấy phép thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết, cho đến nay chỉ có khoảng hơn hai trăm website đã được cấp giấy phép hoạt động. Đó là một con số quá nhỏ so với thực tế.

Mở rộng cửa và cùng nhau giữ sạch môi trường Internet

Điều 5 của Nghị định 55 ghi: “Có chính sách khuyến khích tăng cường đưa thông tin tiếng Việt, đặc biệt là thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lên Internet. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thông qua Internet giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của mình”. Nhưng trên thực tế, số website tiếng Việt của cá nhân, nhóm cá nhân trong và ngoài nước mọc lên như nấm, tự do, nhộn nhịp với đa dạng loại hình, thông tin, dữ liệu phong phú và nhiều diễn đàn hữu ích (nhảm nhí cũng không ít).

“Khá nhiều doanh nghiệp muốn lập trang web nhưng lại e ngại thủ tục xin cấp phép; vì thế, những dự định làm quen với thị trường thương mại điện tử đành phải gác lại”.

Website cá nhân không thuộc diện phải xin cấp phép không có nghĩa là không chịu sự quản lý, điều chỉnh theo luật pháp. Trên thực tế, số lượng website của các cá nhân, nhóm cá nhân (không có tư cách pháp nhân) luôn chiếm số lượng lớn và biến động liên tục, cần sự giám sát nội dung chặt chẽ hơn các website có pháp nhân chịu trách nhiệm cụ thể trước pháp luật. Vấn đề cần quan tâm là phải có biện pháp hữu hiệu để quản lý.

Theo lời kể của một doanh nhân, trong mẫu hồ sơ đăng ký kinh doanh, khi một doanh nghiệp mới thành lập do sở kế hoạch và đầu tư phát hành, ngoài các thông tin khác còn có mục ghi địa chỉ e-mail và website của doanh nghiệp. Tất nhiên, thông tin này không bắt buộc phải ghi nhưng qua đó cho thấy quan điểm của cơ quan này là các doanh nghiệp mới thành lập được phép làm website trước khi đăng ký. Ngược lại, theo thủ tục xin làm website, doanh nghiệp phải nộp bản sao quyết định thành lập có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền và văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản.

Thành lập một doanh nghiệp chỉ cần đăng ký - và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - chứ không phải xin phép; tại sao làm trang web lại phải xin phép mà không cho đăng ký? Website là phương tiện tiếp thị, xúc tiến thương mại hay nói cách khác là một phần trong những hoạt động kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp. Các giám đốc doanh nghiệp được chủ động điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh thì việc họ chịu trách nhiệm về nội dung trên trang web của họ đâu phải là chuyện không thể.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác