Tiền... bạc

01:33 CH @ Thứ Năm - 25 Tháng Sáu, 2009

Tiền bạc là phương tiện của người thông minh, là mục đích của những kẻ ngu ngốc.

Tiền vốn là vật đúc bằng kim loại (đồng, kẽm, nhôm, nikel, bạc) hay in bằng giấy tổng hợp (giấy vải, polime) do một ngân hàng Nhà nước phát hành dùng làm đơn vị tiền tệ của một quốc gia (hoặc như nhiều quốc gia thống nhất dùng chung một loại tiền như đồng Euro). Tiền được sinh ra nhờ sự phát triển của kinh tế xã hội loài người. Hơn 3.000 năm trước, thời Hạ Vũ ở nước Trung Hoa người ta đã dùng vỏ sò như tiền để giao dịch. Từ đời nhà Chu thì xuất hiện những đồng tiền đúc thành hình con dao, cái cuốc (giống như vật dụng cần trao đổi) rồi người ta làm những đồng hình tròn có lỗ để tiện xâu lại cho khỏi rơi. Một số vùng khác trên thế giới còn đẽo những viên đá to, đục lỗ rồi chở đi mua bán, đổi hàng tiêu dùng cần thiết như vật dụng, lương thực, da thú, vũ khí... Cho đến thời đại điện tử, tin học của thế kỷ XX, tiền trở nên đa dạng, hiện đại hơn, không chỉ là xu, giấy nữa mà là tài khoản ngân hàng, chuyển khoản, thẻ từ ATM nhưng dân ta vẫn khoái dùng tiền thật loạt xoạt trong túi hơn là tiền ảo trong miếng plastic. Lại có địa phương ở nước Anh muốn quay lại thời kỳ sơ khai bằng cách tính công điểm lao động lẫn cho nhau rồi đổi lấy đồ ăn, thức uống, vật dụng thông thường! Chính hiện tượng cá biệt này làm nảy sinh sự nghi ngờ về bản chất đông tiền, ngoài giá trị tiêu dùng, tích lũy ra liệu nó còn ý nghĩa gì khác đối với xã hội và con người không?

Bất kỳ việc to nhỏ lớn bé, quan trọng hay tầm thường, tâm lý hay sinh lý, vật chất hay tinh thần, nam hay nữ, già hay trẻ nhất nhất phải liên quan đến tiền, bởi đơn giản là không có cái đầu tiên thì không thể làm gì được và làm được nhiều thứ mà không thấy tiền đâu thì coi như công cốc. Chi tiết hơn một chút, tiền bây giờ bao hàm nghĩa rộng rãi, đa năng, phong phú và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tiền là danh từ chung bao hàm cả: Vàng, ngoại tệ, séc, tín phiếu, cổ phiếu, nhà, đất, ô tô… miễn là thứ đó có thể quy đổi ra tiền hoặc những thứ ấy có thể thay mặt tiền giải quyết được công việc. Bản chất kinh tế thương mại chỉ có một, trái lại tính chất của tiền thì vô số. Từ những loại tiền sạch luôn được công khai thật lòng như tiền lương, tiền thưởng, tiền công, tiền boa, tiền thừa kế, tiền trúng số cho đến tiền bẩn cần phải rửa như tiền cò mồi, tiền môi giới, tiền lót tay, tiền phong bì, tiền hối lộ, tiền tham ô, tiền máu... những loại tiền này vô cùng bí mật, không rõ tông tích và tuyệt nhiên không chủ sở hữu nào khoe khoang nửa lời, thậm chí còn thực hành tam không: Không nghe, không thấy, không biết! Có thể vì lý do trên mà có rất nhiều định nghĩa, quan điểm khác nhau về tiền và sức mạnh của nó trong xã hội nhân văn.

Các tác gia, triết gia, nhân vật nổi tiếng nhận xét tiền bạc bằng trải nghiệm thực tế hoặc kết quả mà tiền mang lại cho đời sống con người. Shakespeare nói: Nếu tiền đi trước, tất cả các con đường đều rộng mở, Horace cho rằng: tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu; Franklin chua chát: Muốn biết giá trị của tiền bạc, bạn hãy đi hỏi vay xem; Dante khẳng định: Kẻ nào tin rằng tiền bạc làm được mọi việc thì kẻ ấy dám làm mọi điều để có được tiền bạc; Bacon lại mỉa mai: Tiền bạc như đống phân, chẳng ích lợi gì nếu không được vãi ra; Bourket thì triết lý: tiền bạc cũng như đàn bà, muốn giữ được nó thì phải săn sóc, bằng không nó sẽ đi tạo hạnh phúc cho kẻ khác; Dân gian cũng kết luận về giá trị của tiền bạc như nén bạc đâm toạc tờ giấy nên mới khuyên rằng: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Thậm chí hội chứng yêu tiền thời kinh tế thị trường còn tâng bốc: Tiền là tiên là phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền là hết ý cuộc đời! Mỗi tờ giấy in hình hoa văn chìm nổi mà phức tạp quá, bảo sai cũng đúng, đúng cũng chưa chắc, có khi vừa sai, vừa đúng có vẻ ổn? Trên thực tế thì mọi suy nghĩ, hành động xấu xa xảy ra trong xã hội chủ yếu là vì tiền, nhưng khả năng, ảnh hưởng của đồng tiền cũng chỉ có giới hạn tương đối.

Ví như Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không tạo nên tổ ấm! Điều đó được thực tế chứng minh: Khi ở nhà tập thể chen chúc chật chội thì nhiều đại gia đình quây quần vui vẻ; khi có nhà cao cửa rộng thì mỗi người một phòng, việc ai nấy làm, gặp nhau theo giờ nên trở thành những con người độc lập; đến khi có càng nhiều tiền, sắm vài ba nhà thì cái tổ ấm bị xé lẻ ra lạnh lẽo, thậm chí chia ly tứ tán. Tiền mua được giường tốt nhưng không mua được giấc ngủ! Bây giờ người ta trở nên đa nghi hơn vì có nhiều mối lợi không dễ chia sẻ, nhưng đôi khi cả tin quảng cáo: Giường êm, chất lượng cao đem đến giấc ngủ ngon mà quên lời các cụ: ăn cơm với mắm nằm ngáy o o, ăn cơm thịt bò đêm lo ngay ngáy, vậy ăn thịt đặc sản thú rừng tôi chắc chắn sẽ càng mất ngủ vì vô số lý do.

Tiền mua được đồng hồ đắt giá nhưng không mua được thời gian!Chẳng cần bàn đến thời gian vàng bạc của các nhà kinh doanh, người bình thường cũng không bao giờ lấy lại được quãng tuổi xuân đã qua, điều này thể hiện rõ nhất ở các quý bà giàu có luôn phải đối mặt với kẻ thù lớn nhất này vì nó làm suy tàn nhan sắc với tốc độ ghê gớm. Tuy nhờ cậy nhiều vào các salon beauty, thẩm mỹ viện, mát xa dược liệu nhưng thành công lớn nhất vẫn là tự an ủi tâm lý.

Tiền mua được nhiều sách vở nhưng không mua được tri thức! Sự hiểu biết uyên bác không phụ thuộc vào số lượng sách báo. Có vị trí thức mua vô số sách về bày trong nhà, đợi ngày nắng đem ra phơi khoe, có người tuy trí ngủ cũng trải chiếu hong nắng rồi vỗ bụng, xoa đầu nói sách ở trong đó cả! Cách nhìn trí thức như thế nên đời sống đang đi lên nhưng văn hóa lại đi ngược chiều xuống. Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự tôn trọng! Tệ nạn mua chức tậu quyền vẫn có, nhưng sự tôn trọng của người phải phục tùng đối với chức quyền kiểu này là sự im lặng, đôi khi khẩu phục vì thế phải thế nhưng tâm không phục, thậm chí còn nói xấu, bình chọn xếp thành nhân vật tiếu lâm hiện đại. Đây cũng là nguyên nhân trên bảo dưới không nghe.

Tiền mua được thuốc quý nhưng không mua được sức khỏe!Một trong những nỗi cay đắng nhất của những quý ông giàu có tiền nhiều bây giờ là yếu sức khỏe, không hưởng thụ được phần cứng và phần mềm xung khắc nhau thì vô duyên quá. Đành phải sưu tầm các loại bổ dưỡng đặc biệt như sừng tê, mật gấu, bìm bịp, đông trùng hạ thảo, nhân sâm... lợi bất cập hại, thành công đến đâu còn phải đợi thống kê, nhưng sức khỏe thì khó hồi phục như xưa.

Tiền mua được máu và các cơ quan nội tạng nhưng không mua được sự sống! Mọi thú vui trên đời hoặc kể cả hỉ nộ ái ố cũng chỉ có tác dung với người sống, chứ người chết thì vô nghĩa, cho nên cho dù thay thận, ghép gan, cấy tủy, lọc máu, tim nhân tạo cũng chỉ phần nào làm chậm bước chứ không đẩy lùi được thần chết, không thể thay được não và cũng chưa thể chữa được SIDA, ung thư... Thầy thuốc có thể chữa bệnh chứ không chữa được mệnh, tiền núi đổ vào cũng không đem lại cuộc sống nếu hết mệnh.

Tiền mua được tài sản và mua được cả tự do nhưng không mua được hạnh phúc!Đành rằng, hạnh phúc là một khái niệm vô hình và khó nắm bắt, thậm chí nhiều khi hình thức đánh lừa nội dung khiến hạnh phúc trở thành một viên kim cương đa diện. Nhiều người bình thường thèm khát trở thành triệu phú, tỷ phú, coi đó là đỉnh điểm sung sướng, ngược lại những nhà đại phú chẳng ai tuyên bố mình là người hạnh phúc nhất? Thậm chí họ còn thèm muốn nhiều điều bình thường trong cuộc sống và lấy đó làm nguồn hạnh phúc.

Tiền mua được tình dục chứ không mua được tình yêu! Càng ngày, người ta càng muốn nhập tình dục với tình yêu do ảnh hưởng của lối sống mua bán đổi chác, coi trọng đồng tiền, làm rơi vãi dần những giá trị tình yêu, sa vào cái vòng tình - tiền luẩn quẩn. Khi có nhiều tiền, người ta khao khát tình yêu chân thật, còn khi yêu chân thật mãi mà vẫn nghèo đói, người ta lại thèm muốn có thật nhiều tiền, rồi khi nhiều tiền thì tình yêu lại có hương vị phi chân thật, thế là lại khát...

Cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đều chung quan điểm: Chữ Tình là thủ phạm gây ra nhiều ân oán, oan trái, khổ đau, chết chóc, trầm luân bể khổ trên đời! Nhưng giờ đây cần phải khẳng định thêm đồng phạm Tiền cũng gây ra tội lỗi thảm khốc không hề thua kém, nếu không muốn nói là vượt xa. Cuộc đời không thể không có tình và hiếm có yếu tố nào có thể dứt bỏ được tình, nhưng Tiền làm cho con người trở thành vô tình và cũng chỉ Tiền mới đủ sức mạnh ma quái làm được điều đó? Cho nên tình yêu, tình trường ai oán chẳng dứt, còn tiền tuy quan trọng, có thể nuôi được nhiều cuộc đời nhưng Tiền tệ, Tiền bạc lắm, người ơi!..

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Suy nghĩ về giàu nghèo và hãy thay đổi mình

    14/01/2016Nguyễn Tất ThịnhUh... Biển lớn WTO đây rồi !!! Ah... Nguy cơ và thách thức !!! Oh...Khủng hoảng kinh tế toàn cầu !!! Ih... Đổ vỡ hệ thống Tài chính Toàn câu !!! Eh... Phá sản và thất nghiệp tràn lan!!! Hm... Khẩn cấp cứu trợ cả gói!!! Rm... Các Chính phủ hãy đoàn kết lại!!!
  • Chỉ nghĩ đến tiền cũng làm người ta ích kỷ

    14/12/2017Chỉ cần một ý nghĩ về tiền bạc cũng biến một con người trở nên ích kỷ, làm cho người đó ít sẵn lòng giúp đỡ người khác hơn và chỉ thích "độc lập tác chiến"...
  • Ý nghĩa của tiền bạc

    20/09/2016Minh Huệ & AlphabooksTrong tiểu thuyết Atlas Shrugged xuất bản năm 1957 với đề tài là "vai trò của trí tuệ trong sự tồn tại của con người", Ayn Rand đã đưa ra những khái niệm mới mẻ về giá trị của tiền bạc. Rằng ham mê tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi. "Sự ham mê tiền bạc tức là nhận thức được rằng tiền được làm ra nhờ năng lực của con người và là phương tiện để đổi lấy những gì xứng đáng nhất"...
  • Suy ngẫm về giá trị sống

    02/03/2015Matsushita KonosukeNếu ngồi ngẫm nghĩ tại sao chúng ta phải làm việc, có người cho rằng nếu không làm việc sẽ không có gì để ăn, nhưng tôi nghĩ không chỉ là như vậy. Không chỉ vì miếng cơm, mà để cho cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy, con người phải lao động.
  • Khi nào tiền bạc làm nên hạnh phúc?

    01/07/2014Đức LêĐúng là tiền bạc có thể làm người ta hạnh phúc. Nhưng với điều kiện ta phải có nhiều tiền hơn là những người xung quanh ta. Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu mới đây nhất về hạnh phúc của nhà khoa học.
  • Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực

    03/05/2009Cuốn sách khắc họa toàn cảnh lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ - cuộc giao tranh giành quyền lực và sự giàu có xung quanh vấn đề dầu mỏ. Cuộc chiến này đã làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, phản ánh hậu quả của các cuộc chiến tranh đồng thời thay đổi vận mệnh nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng. Dầu mỏ, Tiền bạc & Quyền lực là một bức tranh về lịch sử thế kỷ XX, cũng là về ngành công nghiệp dầu mỏ...
  • Tình yêu, hôn nhân và tiền bạc

    20/04/2006Bội Bội1. Anh không mua được tình yêu. Nhưng anh phải trả giả đắt cho nó.
    2. Nếu anh không muốn đọc để hiểu biết về tình yêu và hôn nhân, anh phải đọc hai cuốn sách hoàn toàn khác nhau.
    3. Anh không thể gắn giá cả vào tình yêu, nhưng anh có thể gắn tất cả trang sức bao quanh nó...
  • Tiền bạc

    26/02/2006Dù cho tình hình tài chính hiện tại của bạn như thế nào thì bạn cũng có thể quản lý được nó. Việc quản lý tiền bạc đòi hỏi 2 trong số những nguyên tắc hành động có tính quyết định nhất, đó là tính kiên trì và quyết đoán....
  • Tiền bạc có mua được hạnh phúc

    16/01/2006Trần Cao Dũng trích dịch từ bài của tác giả Mark SkousenĐồng tiền có thể cung cấp cho mọi người rất nhiều lợi ích: điều kiện sống tốt hơn, địa vị xã hội, du lịch, hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe, giải trí vv..vv.. Cảm giác được sống trong sung túc, có một tài chính cá nhân vững chắc luôn mang lại sự toại nguyện vô bờ...
  • Tiền bạc và đời sống vợ chồng

    29/11/2005Theo ý kiến của một nhà tư vấn tài chính Mỹ, từ xa xưa, đàn ông và đàn bà đã có những quan niệm rất khác nhau về tiền bạc. Qua nghiên cứu và thảo luận những vấn đề chi phối cuộc sống, họ đã đưa ra 5 vấn đề then chốt liên quan đến tiền bạc, tác động đến đời sống vợ chồng.
  • Tiền

    26/11/2005Bội Bội“Tiền bạc không mua được hạnh phúc”. Nhưng nó được dùng để trả lương cho một lượng nhân viên khổng lồ đang làm công việc nghiên cứu này.
  • Về chuyện tiền bạc

    18/07/2005Tiền bạc là vị sứ giả làm trung gian trao đổi các vật iùm cho mọi người, đó là ý nghĩa ban sơ của nó.
    Khi loài người phát triển sinh hoạt về mọi mặt thì ý nghĩa của tiền bạc thay đổi theo một cách tích cực hơn, tinh vi hơn.
  • Hạnh phúc = Giàu có?

    07/07/2005Phương ĐôngTheo nghiên cứu của các nhà kinh tế và các chuyên gia về gia đình thì tiền bạc, tài sản và những yếu tố tài chính khác chỉ đem lại cho con người khoảng 15% hạnh phúc, phần còn lại bắt nguồn từ những nhân tố khác như thái độ sống, khả năng làm chủ cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh...
  • Tôn vinh thầy cô bằng... tiền bạc?

    20/11/2003Nguyễn Anh DânGần đây, cứ đến tháng 11, nhiều cửa hàng lại tung ra những món quà độc đáo. Có những món quà mà người thu nhập thấp không bao giờ dám mua vì giá của chúng bằng cả tháng lương. Vậy thì ai là người mua những món ấy? Chắc chắn là những phụ huynh hoặc học sinh giàu có. Họ mua để tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN 20-11.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác