Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
>> Mời xem thêm
- Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam
- Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX
- Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo
- Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên
- Sự chuyển pha mấy nét còn dang dở
- Các hệ tư tưởng và môi trường văn hóa, xã hội
- Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX
- Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng
- Người tạo nên vụ Big Bang 80 năm trước ở Sài Gòn
Gần đây, do những chuyển động mới trong đời sống xã hội và hoạt động tích cực của những người tâm huyết, một số tác phẩm của nhiều người trước đây từng bị coi là “có vấn đề” đã được in và giới thiệu lại, đáng chú ý chẳng hạn những bài viết phong phú, sắc sảo và sinh động, cả cập nhật ngay đối với hôm nay nữa của Phan Khôi, hay những tác phẩm uyên thâm, thống thiết, và lạ thế, cũng cập nhật không kém của Phạm Quỳnh- một tập tiểu luận dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của ông đang gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Một nhân vật đặc biệt khác cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhiều giới: Nguyễn Văn Vĩnh. Theo chỗ tôi được biết một bộ phim tài liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của ông đang được chuẩn bị. Tôi có được xem một phần bản thảo phim ấy. Mở đầu là một người cháu gái của Nguyễn Văn Vĩnh, nay chắc cũng đã quá tuổi tứ tuần, kể chuyện cách đây mấy mươi năm một hôm đi học về tủi thân và khóc ròng, lại gặp cơn mưa lớn, phải vào trú dưới mái hiên một nhà bên đường. Bà cụ chủ nhà thấy có cô học trò đứng dưới hiên nhà mình mà khóc, liền ra hỏi: “Sao cháu khóc nhiều thế?”. Cô bé sụt sùi: “Sáng nay ở lớp cô giáo dạy rằng ông nội cháu là một tên đại Việt gian, tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp, cháu buồn, cháu nhục quá…”. “Vậy ông nội cháu là ai?”. “Dạ, ông cháu là Nguyễn Văn Vĩnh ạ...”. Bà cụ ôm chầm lấy cô bé: “Trời ơi, cháu là cháu nội Tân Nam Tử ư? Ôi, cháu vào ngay đây với bà, cháu không việc gì phải khóc cả, Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất vĩ đại, mặc ai nói gì thì nói, cháu phải rất tự hào. Cháu có một người ông từng có công lớn lắm với đất nước này... Rồi xã hội cũng sẽ phải công bằng thôi, cháu ạ...”. Quả thật ngày nay cuộc sống đã bắt đầu trả lại sự công bằng- muộn mằn và chậm chạp - cho nhân vật cao lớn đến kỳ lạ ấy của đất nước: một nhà văn, một nhà báo, một dịch giả, một nhà văn hóa lớn, hầu như lĩnh vực nào cũng là người khai phá và luôn ở hàng đầu, người sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, ông tổ của ngành in hiện đại ở nước ta, người đầu tiên thiết lập nền sân khấu hiện đại ở Việt Nam, và bằng những bài thơ dịch La Fontaine tuyệt vời, cũng là người đầu tiên phá vỡ thể thơ truyền thống, giải phóng thơ Việt ra khỏi khuôn khổ cổ cứng nhắc hàng nghìn năm, mở đường cho thơ mới ra đời, hiện đại hoá thơ Việt, cũng lại là một trong những người tiên phong sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục: một nhà khai sáng chói lọi của đất nước đầu thế kỷ XX…
Cuộc sống cũng đã và đang dần dần trả lại công bằng cho một số tên tuổi lớn từng bị soi rọi nhiều chục năm dưới những nguồn sáng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, và không ít người khác nữa, những tài năng xuất chúng, những nhà khai sáng lớn trong một thời kỳ chuyển động lịch sử quan trọng. Một số nhân vật khác, ít gay cấn hơn, nhưng cũng từng bị hiểu sai, công khai hay lập lờ, bị gán cho những danh hiệu tuỳ tiện và quy chụp, hoặc bị quên lãng, đẩy xuống những hàng khuất lấp bất công, những Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lợi, Huỳnh Tá Bang, Nguyễn Bá Trác..., nay người ít người nhiều, người sớm người muộn, người đã tương đối rõ ràng người còn phải tiếp tục làm sáng rõ, đã dần dần được đánh giá lại theo đúng tầm cỡ, vị trí và cống hiến của họ trong lịch sử cận đại và hiện đại... Thời gian đang làm công việc lâu dài mà sòng phẳng của nó, không thế lực, cường quyền nào ngăn chặn được, bất chấp những tiếng la ó ngày càng lạc lõng của ai đó. Đời sống tinh thần, văn hóa, cả chính trị của đất nước vì thế ngày mỗi giàu thêm lên. Và được thụ hưởng là tất cả chúng ta, là nhân dân. Có lẽ còn hơn thế nữa, đây không chỉ là một sự khôi phục công bằng lịch sử lành mạnh. Còn có thể là một đóng góp không hề nhỏ cho chính sự phát triển nhiều triển vọng mà cũng đầy thách thức hôm nay. Bởi những thế hệ quá khứ không chỉ đã đóng trọn vai trò hoá ra là hết sức to lớn của họ, họ còn có thể tham gia trực tiếp vào cuộc đi tới hôm nay của chúng ta, bằng những bài học còn nóng hổi, nếu ta biết từ họ mà đối chiếu và ngẫm nghĩ, từ đó tính lại bao nhiêu công việc của chúng ta bây giờ.
Riêng tôi, từ ít lâu nay, tôi vẫn thường trở đi trở lại với một câu hỏi: Tại sao hồi đầu thế kỷ XX chúng ta lại có được một thế hệ những người khổng lồ như vậy, trong văn hóa, tức là ở cái nền tảng cơ bản nhất của tất cả, mà hình như ngày nay chúng ta lại không có, không còn có được? Những điều kiện lịch sử nào và những nỗ lực cá nhân nào đã tạo nên “thế hệ vàng” ấy của văn hóa Việt Nam vào đúng thời điểm vô cùng quan trọng mà chắc rồi chúng ta còn phải nhiều lần trở lại công phu tìm hiểu, nghiên cứu?
Trong nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân, phải chăng có một nguyên nhân hết sức quan trọng, thậm chí quyết định này: thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt, họ là một thế hệ đa văn hóa. Đặc điểm quan trọng nhất của họ là từ Hán học chuyển sang Tây học. Một nền Hán học rất uyên thâm, mà trước nay ta quá dễ hời hợt coi thường, khinh miệt, chế giễu, cả lên án nữa. Về điều này, lâu nay tôi nghĩ có hơi khác một chút. Tôi đã thử đặt câu hỏi: nền đại học nào đã tạo nên những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Đào Nguyên Phổ, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn…, cả những Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu…? Chính là nền đại học “phong kiến” vào một thời kỳ mạt vận nhất của chế độ ấy tức nhà Nguyễn. Vậy hoá ra nền đại học ấy không hề tầm thường chút nào, ít ra cũng không tầm thường hơn nền đại học ta đang có hiện nay. Họ học gì? Tứ Thư, Ngũ Kinh. Và Tứ Thư, Ngũ Kinh là gì? Đấy là trí tuệ cao nhất, tập trung, cô đúc nhất của thời trung đại phương Đông. Họ không học tràn lan như chúng ta bây giờ, vơ cho kỳ hết đủ thứ, bỏ cái gì cũng sợ thiếu, đến nỗi học trò lớp một phổ thông đã phải vẹo cả cột sống với chiếc cặp sách khốn khổ của bộ Giáo dục trên lưng! Họ chỉ học rất ít, chắt lọc lấy cái cơ bản nhất mà học, học cho đến nhuần nhuyễn, để rồi từ cái cơ bản đó mà đủ sức tự mình vận dụng hành xử trong mọi tình huống suốt đời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà có một điểm rất đáng chú ý: chính những người giỏi nhất trong số họ, những nhà Hán học uyên thâm nhất lại là những người được nền học vấn ấy tạo nên trí tuệ và ý chí độc lập hết sức mạnh mẽ để dám và biết cách từ bỏ thầy, từ bỏ sách, đạp đổ cái cũ, chống lại chính cái đã học, đi trên cái mới, tự giải phóng cho trí tuệ của mình và cho đất nước, dân tộc. Nghĩa là họ học để trở thành người độc lập, tự chủ, chứ không phải thành người nô lệ, nô lệ cho những giáo điều bất khả xâm phạm, như ta từng lầm tưởng. Người nổi bật nhất trong số đó và xu hướng đó là Phan Châu Trinh, mà Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá xác đáng là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Vậy thì, nghịch lý thay, nền giáo dục đó rất hiện đại: nó tạo nên không phải những đầu óc được nhồi sọ u tối mà là những nhân cách độc lập, tất nhiên, như bao giờ cũng vậy, ở bộ phận ưu tú nhất của nó…
Những con người đó lại gặp một chuyển đổi thời đại hết sức quan trọng, khi Việt Nam, và cả phương Đông đối mặt với phương Tây, khi diễn ra sự gặp gỡ và va chạm quyết định giữa hai nền văn hóa, văn minh lớn của nhân loại. Những phần tử sáng suốt nhất trong Hán học đã chuyển sang Tây học, dũng cảm, quyết liệt. Có điều thoạt thấy rất lạ: chính thế hệ Tây học đầu tiên đó lại là những nhà Tây học rất sâu. Vì sao? Phải chăng chính là vì họ xuất phát từ Hán học cũng rất sâu. Đây là sự gặp gỡ giữa hai đỉnh cao, từ đỉnh cao này họ nhìn ngắm đỉnh cao kia, từ đỉnh cao này họ đến với đỉnh cao kia. Trong họ là sự kết nối hai nền văn hóa lớn nhất của nhân loại, vấn đề của họ luôn là vấn đề của sự kết nối đó, những khả năng, những khó khăn, thách thức, những lời giải cố tìm cho sự kết nối đó.
Hãy đọc kỹ lại chẳng hạn Phan Khôi. Thật đáng kinh ngạc vì tri thức bác học cả Đông lẫn Tây của ông, hầu như không có lĩnh vực nào bị ông bỏ qua, không vấn đề lớn nhỏ nào không được ông quan tâm, đề cập và dù chỉ một bài báo nhỏ của ông cũng là một công trình nghiên cứu công phu, trung thực, thậm chí khá cơ bản. Ông cũng là người đầu tiên dịch Kinh Thánh. Vì sao ông bỏ công sức lớn để làm công việc khó khăn và thoạt trông rất lạ đó, dầu ông không hề là người Công giáo? Có thể, một là ông dịch để học, hai là, và điều này còn quan trọng hơn, ông hiểu rất sâu rằng đấy là một tác phẩm lớn, cội nguồn của văn hóa phương Tây. Ông muốn tìm đến văn hóa phương Tây ở tận cội nguồn của nó…
Tôi cũng thường chú ý đến Huỳnh Thúc Kháng, một nhân vật có lẽ chúng ta cũng chưa để tâm nghiên cứu đầy đủ và đánh giá thật xác đáng. Thường được nhắc đến giai thoại về việc Huỳnh Thúc Kháng học tiếng Pháp: ông học trong nhà tù Côn Đảo, bằng cách học thuộc lòng từ đầu đến cuối toàn bộ cuốn từ điển Larousse! Có điều đáng ngạc nhiên: văn quốc ngữ của Huỳnh Thúc Kháng rất hay, tôi đọc đi đọc lại ông và cuối cùng nhận ra điều này: hoá ra đấy là lối viết văn quốc ngữ mà chỉ có những người thông thạo Hán học chuyển sang Tây học mới có được; một lối tư duy khúc chiết, chặt chẽ, sáng sủa của lý tính phương Tây mà họ quyết chiếm lĩnh, kết hợp với một lối suy tư và diễn đạt súc tích đến không thừa một chữ, nghĩa ẩn trong chữ, sau chữ, giữa các dòng của người phương Đông. Nói về tính cách độc lập vô cùng mạnh mẽ của Phan Châu Trinh và việc Phan Châu Trinh sáng suốt tìm ra con đường mới từ Tân thư chẳng hạn, Huỳnh Thúc Kháng viết, cực gọn mà sắc, lại đầy hình ảnh: “Tiên sinh đọc sách có con mắt riêng”. Và đây là tuyên ngôn dõng dạc của ông trên số báo Tiếng Dân đầu tiên trong điều kiện làm báo dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Khí tiết và văn phong, cô lại đến đậm đặc và sắc tựa gươm chỉ trong một dòng!...
Cũng không thể không nhắc đến Phạm Quỳnh. Sau nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, cuốn tiểu luận viết bằng tiếng Pháp từ năm 1922 đến năm 1932 của ông vừa được dịch và in là một hiện tượng xuất bản năm qua. Mối ưu tư thống thiết của ông cố đi trên một con đường cho dân tộc trong cuộc va chạm dữ dội và chấn động giữa hai thế giới Đông Tây, lạ thế, đọc cứ như đang nghe ông nói về chính những vấn đề của hôm nay. Sức nghĩ của con người có thể vượt thời gian đến thế, thật khó ngờ!...
Và về Nguyễn Văn Vĩnh, chỉ xin nói một khía cạnh “nhỏ” này: sự nghiệp dịch thuật, cũng như tất cả các hoạt động sôi nổi của ông trong mọi lĩnh vực khác, đều có tính tiên phong và ngay từ đầu đã rất đặc sắc Nguyễn Văn Vĩnh có một quan niệm thâm thuý về dịch thuật. Ông dịch là để đem về cho đồng bào mình những giá trị văn hóa lớn của nhân loại, điều vô cùng cần thiết, thậm chí khẩn cấp trong công cuộc khai hoá dân tộc mà ông thống thiết theo đuổi suốt đời. Nhưng không chỉ có thế: ông chủ trương đẩy mạnh dịch thuật một mặt là để chứng minh khả năng giàu có của tiếng Việt đồng thời cũng còn là để góp phần hiện đại hoá ngôn ngữ dân tộc, làm cho ngôn ngữ ấy - và qua đó, tất nhiên, cả người Việt, dân tộc Việt - được tăng cường thêm các khả năng chiếm lĩnh những thành quả văn hóa, văn minh cao nhất và cập nhật nhất của nhân loại. Hiện đại biết bao quan niệm và tư duy đó, và tha thiết, sâu đậm biết bao tấm lòng yêu nước của thế hệ dân tộc ta từng có được thời bấy giờ…
Quả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi. Thế hệ ưu tú đó đã đi qua. Cần tiếp tục sự minh định công bằng của lịch sử đối với họ. Nhưng điều còn quan trọng hơn, cần tìm biết vì sao thời ấy đất nước khó khăn hơn bây giờ biết bao nhiêu lần, mà lại xuất hiện được thế hệ đặc sắc ấy. Và bây giờ thì chưa có lại được. Vì sao? Có quy luật gì ở đây chăng? Tôi tin rằng có. Có một quy luật: nhất thiết phải đa văn hóa. Phải tìm mọi cách để, như cha ông ta cách đây đúng một thế kỷ, làm chủ được những đỉnh cao của văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây. Không thể, như do cạn cợt và thiển cận suốt một thời gian khá dài, chúng ta đã làm thế nào đó để mà cuối cùng đánh mất cả Đông lẫn Tây, Đông không còn mà Tây cũng vứt đi hết, Đông không ra Đông - Tây không ra Tây. Chỉ còn trơ khất cái được gọi là “dân tộc” kỳ thực là tước đi hết của dân tộc tất cả những tiếp thụ phong phú và cần thiết cho chính cái “dân tộc” đó là một dân tộc giàu có vì liên thông với những đỉnh cao nhất của tinh thần và trí tuệ nhân loại. Cải cách giáo dục, cả cải cách xã hội nữa, phải được đặt trên nền tảng của một tầm nhìn lớn, rất xa và rất rộng, những lạ thay và kỳ diệu thay, những người khổng lồ đầu thế kỷ XX của chúng ta đã thật anh minh nhìn ra và thiết kế cho đất nước này.
Mùa xuân này, hãy thử cùng nhau nhớ lại, ngẫm lại, và nghĩ tới.
Nội dung khác
Nói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành