Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam

08:58 CH @ Thứ Ba - 20 Tháng Sáu, 2006

Hôm nay, chúng ta ít nói đến nhà báo Phan Khôi (1887-1959) - một nhà báo tài năng, một người cổ vũ cho tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới lạ, đa văn hóa từ Hongkong, Trung hoa dân quốc, Nhật bản, Pháp...

1. Tiểu sử nhà báo Phan Khôi

2. Tác phẩm nói về Phan Khôi

3. Bài báo của Phan Khôi về nghề báo: Cái ác ý bởi Nghề nghiệp

4. Thanh niên với tổ quốc: Kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc phải làm thế nào?


Phan Khôi (1887-1959) là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại cổ vũ cho phong trào Thơ mới.

Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con cụPhan Trân, (Tri phủ Điện Khánh), cháu Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.Ông học chữ nho rất giỏi và mới 19 tuổi đã đỗ Tú Tài (1905). Sau đó ông được gặp cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh nên bị ảnh hưởng của hai nhà cách mạng nàỵ

Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm, ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.

Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 16/1/1959 (8/12/ năm Mậu Tuất), thọ 73 tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng: ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.

>>Xem trang tác giả...

Kể từ đó, ông góp mặt vào làng văn, làng báo Việt Nam và trở nên một cây bút, một trong các nhân vật nổi tiếng nhất trên văn đàn Việt Nam với ngọn bút sắc sảo có một không hai.

Ông về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, báo Thực Nghiệp Dân BáoHữu Thanhbị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần ChungPhụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.

Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng Anvà xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, báo Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Suốt 9 năm kháng chiến ông công tác ở Hà Nội, rồi chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại (1954), Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Năm 1956 ông cùng một số văn nghệ sĩ, trí thức lập báo Nhân Văn. Năm 1959 ông mất tại Hà Nội.

Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, ông từng làm giám khảo trong các giải văn học của hội nhà văn Việt Nam.

Thơ văn Phan Khôi mang dấu ấn con người và tâm thức ông, người đọc không thể nào có sự ngộ nhận đối với các tác giả khác. Các tác phẩm chính của ông đã in thành sách:

  • Chương Dân thi thoại (1936)
  • Trở vỏ lửa ra (1939)
  • Việt ngữ nghiên cứu (1955)
  • Tình già (thơ mới - 1932)
  • Bàn về tế giao (1918)....
  • Ngẫu cảm (thơ chữ Hán)
  • Viếng mộ ông Lê Chấu (thơ chữ Hán)
  • Ông Năm chuột (truyện ngắn)

Ngoài một nhà văn, nhà báo, Phan Khôi còn là một nhà nghiên cứu sắc nét.Phần lớn bài khảo luận chuyên ngành của ông đều đăng trên các báo ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội từ 1915 - 1945.

Để tìm hiểu về Phan Khôi, các bạn có thể tìm đọc cuốn Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo Chí Và Thơ Mới của tác giả Vũ Gia. Cuốn sách này sẽ giới thiệu đến bạn đọc những nội dung chính như sau:

1. Phan Khôi - Huyền thoại của một thời.
2. Phan Khôi - Người làm chủ được bản ngã.
3. Phan Khôi - Vấn đề đấu tranh nữ quyền.
4. Phan Khôi - Cuộc tranh luận về Nho giáo.
5. Phan Khôi - Vụ án Truyện Kiều.
6. Phan Khôi - Người đi nhặt những niềm vui.
7. Phan Khôi - Cuộc tranh luận về Duy tâm - Duy vật.
8. Phan Khôi - Cuộc tranh luận về Quốc học.
9. Phan Khôi - Thi sĩ có tài năng vững chãi.
10. Phan Khôi - Truyện ngắn.
11. Phan Khôi - Dịch thuật.
12. Phan Khôi - Vấn đề Nhân văn - Giai phẩm.
13. Phan Khôi - Người bảo vệ ngôn ngữ dân tộc.
14. Phan Khôi - Truyện dài.
15. Phan Khôi - Người tạo dấu ấn rõ nét trong lòng bạn đọc.

Tìm hiểu Phan Khôi như một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX, ta không thể bỏ qua tìm hiểu những điều Phan Khôi đã viết ra, đã đăng báo, in sách suốt hơn nửa thế kỷ sống và hoạt động của ông.

Để giúp bạn tìm được những tác phẩm này, một tác giả khác - Lại Nguyên Ân đã dày công sưu tầm và biên soạn bộ sách “Phan Khôi Tác phẩm đăng báo”. Các tác phẩm được tập hợp bài vở theo năm công bố lần đầu. Các tác phẩm từng được tác giả đăng trong một đề mục chung ở sưu tập này sẽ được gom lại tạo thành một tác phẩm lớn hơn, ví dụ: theo tục ngữ phong dao xét về sự sinh hoạt của phụ nữ nước ta, Phép làm văn, Hán văn độc tu, …

Hầu như lần đầu tiên ở VN các chuyện “tơ hồng nguyệt lão với hôn nhân tự do”, “chữ trinh: cái tiết và cái nết”, “về việc phụ nữ tự sát”, “phụ nữ với chữ quốc ngữ”... được một ký giả xuất thân Nho giáo tiếp cận theo lối mới, hợp thời hơn, cận nhân tình hơn, cho thấy công cuộc duy tân đang đi vào các vấn đề cụ thể của đời sống cộng đồng người Việt.
Có một thể tài mà Phan Khôi là một trong những người mở đầu trong báo chí tiếng Việt: thể tài hài đàm. Viết mỗi ngày một cột báo dưới một đề mục cố định, với giọng khi châm biếm khi hài hước cợt đùa về đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, ấy là công việc mà Phan Khôi làm liên tục nhiều năm, dưới bút danh ký giả Tân Việt.

Cái ác ý Bởi nghề Nghiệp

Phan Khôi (Hà Nội Báo, số 23, 10-6-1936)

Nói "ác" với nói "ác ý" khác nhau. Người ta làm ra một điều ác có thể bởi vô ý. Nhưng đến nói "ác ý" thì cái ấy rõ ràng bởi người ta hữu ý mà làm hay thậm chí cố ý mà làm.

Trong các nghề nghiệp, nhất là nghề buôn, thường hay có sự ác ý.

Có câu chuyện một hiệu thuốc lá toan chuyện cạnh tranh với một bạn đồng nghiệp mình mà giở đến cái thủ đoạn tàn khốc, thật không ai nghĩ đến.

Số là hiệu X, thuốc lá ngon có tiếng, vẫn bán chạy lâu nay. Ra để tranh với hiệu X, hiệu Y bèn dùng một kế rất hiểm độc.

Hiệu Y bỏ vốn ra hàng vạn mua lấy thật nhiều thuốc lá của hiệu X rồi dìm lại một vài năm mới bí mật đem ra bán. Trong lúc ấy, hiệu Y cố làm cho thuốc lá của mình ngon lên và quảng cáo thật riết. Tự nhiên công chúng thấy thuốc X quá dở - thuốc để đến hàng năm tài gì chả dở? - rồi đổ xô nhau mua thuốc lá Y mà hút nên nó bán rất chạy. Hiệu X sau cũng biết mình thiệt hại vì hiệu Y, nhưng không kiện được, bởi không đủ tang chứng.

Lại chuyện hai hãng tàu thuỷ tranh nhau nữa. Hãng Giáp cố cướp quyền lợi của hãng Ất, bèn quyết kế đụng cho chìm tàu hãng Ất trong khi hai chiếc gặp nhau. Vả tàu này đụng chìm tàu kia là một sự có tội trước pháp luật. Nhưng hãng Giáp không kể điều ấy, tính rằng dù có kiện nhau cho ra lẽ cũng phải mất một vài năm mới xong, bây giờ cứ hẵng triệt nó đi để chuyển cái lợi chạy tàu con đường ấy về phần mình.

Quả nhiên sau đó vụ kiện cứ dây dưa hoài cho đến ba bốn năm mới xong. Hãng Giáp có bị bồi thường cho hãng Ất ít nhiều, nhưng nhờ sự độc quyền trong bấy nhiêu năm, nó vẫn còn lời chán.

Ấy là tôi cử ra một vài ví dụ để chỉ rõ cái ác ý bởi nghề nghiệp.

Đối với những cái ác ý ấy, pháp luật vẫn không bao giờ dung thứ. Nhưng tại lòng dạ con người quỉ quái đến điều thành thử pháp luật cũng phải có chỗ cùng.

Làm báo cũng là một nghề nghiệp. Một nửa nghề làm báo hàm có những cái tính chất văn học, xã hội v.v... nhưng một nửa là buôn bán.

Có người lại nói rằng làm báo là chỉ có độc một tính chất buôn bán cũng như các nghề nghiệp buôn bán khác. Bởi vì theo thương luật, hễ việc gì đem tiền ra kinh doanh tức là việc buôn bán. Thế thì làm báo cũng kinh doanh bằng tiền nên nó cũng là việc buôn bán.

Người ta đã coi nghề làm báo là việc buôn bán thì tất nhiên người ta cũng dùng ác ý để đối phó với nhau, và cái ý ấy người ta cũng cho là cái ác ý bởi nghề nghiệp.

Ngày nay, sự giành nhau mà sống phải coi là sự nghiêm trọng giữa loài người. Đã thế thì những cái thuyết đạo đức vu vơ không còn là thế lực để địch với những cái quan niệm về quyền lợi hiện tại. Biết vậy nên tôi cũng đã phải nhận cho làm báo là một nghề nghiệp buôn bán và trong đó ai không giữ sự thật thà mà dùng đến ác ý thì dùng.

Tuy vậy, theo lẽ thường việc gì cũng có giới hạn mới được.

Giữa làng báo Sài Gòn, có lần tôi đã thấy báo này dùng chước quyến rũ, cướp chủ báo của báo kia. Lại có lần, hai báo cùng ra số Tết, mà báo này lập thế làm cho báo kia trục trặc để mình ra trước.

Những việc như thế kể cũng đều là ác ý cả. Nhưng lạ sao, khi nghe những câu chuyện ấy, ai nấy chẳng lấy làm đáng phi nghị cho lắm; mà có kẻ lại cho là ngộ nghĩnh, buồn cười?

Thì ra, nghề làm báo có cho đứt đi việc buôn bán nữa, cũng chỉ một phần về ty quản lý mà thôi. Những việc trên đó là việc thuộc về ty quản lý, nên dù nó đeo cái tính chất lém lỉnh xỏ xiên của nghề buôn bán, chúng ta cũng còn bỏ qua được. Trong tiếng Việt Nam chưa ai xoá bỏ được bốn chữ "thương nhân đa trá" thì con nhà buôn cứ trổ ra các thứ mánh khoé sau lưng pháp luật.

Tôi chỉ muốn nhắc người ta nhớ rằng trong nghề làm báo còn một phần nữa về toà soạn, phần này thì quả không dính dấp gì với việc buôn bán, cho nên nó chẳng dung được cái ác ý nào cả.

Ai có ác ý trong việc biên tập như đặt điều nói xấu cho kẻ khác, thì có thể bị toà án truy tố mà mắc vào tội phỉ báng. Còn ai không làm hại đến kẻ khác, chỉ lấy phải làm trái, lấy đen làm trắng, dù pháp luật không có quyền hỏi đến chớ cũng bị dư luận khinh rẻ hay là hình phạt bởi lương tâm.

Như thế thì về việc biên tập, chúng ta nên không hề có ác ý mới phải. Cớ sao trên báo lại thấy có sự ấy hoài?

Việc rất nhỏ nhặt "hột đậu nhọn" hay "chữa văn", cũng thường hay làm cho kẻ khác thấy cái ác ý của mình, là làm chi vậy?

Đại khái như một bài ở tờ báo này trước đây có câu "Bà ấy quên hết ít nhiều tiếng ta", vốn là câu chúng ta có thể nói được "hết ít hay hết nhiều" sao lại chẳng được? Thế mà cũng có người cãi, bảo rằng đã "hết" sao còn "ít nhiều" gì? Rõ thật là cãi bướng chỉ có cái ác ý muốn dìm ếm nhau thì mới cãi như thế mà thôi.

Nay đến cuộc chữa văn cũng chỉ thấy cái ác ý người này muốn mạt sát người kia mà bày ra, chứ không có chút thực tình nào về văn cả.

Thế chẳng biết tại người ta tin sự dìm ếm mạt sát ấy là có lợi cho mình nên mới làm như thế, hay là không tin, nhưng cứ nghĩ cho cái ác ý đó là bởi nghề nghiệp, làm như thế không hại chi nên cứ làm.

Nếu nghĩ cho đó là cái ác ý bởi nghề nghiệp thì lầm lắm, vì trong việc đó không còn phải là nghề nghiệp nữa.

Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo.

Thanh niên với tổ quốc: Kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc phải làm thế nào?

Phan Khôi (Phụ Nữ tân văn, bộ 4, số 172, ngày 13-10-1932, tr. 5)

Hiện nay ở nước ta, nhất ban dân chúng đối với kẻ thanh niên tân học đương có một lời trách bị. Kẻ thanh niên tân học khi nghe được lời trách bị ấy, hình như cũng làm thinh mà thừa nhận đi. Đại khái họ vì cực chẳng đã mà thừa nhận, chớ chẳng phải vui lòng; họ muốn tránh cho khỏi lời trách bị ấy lắm chớ, có điều chẳng biết cách nào tránh khỏi, thôi thì phải thừa nhận.

Lời trách bị như vầy: Các ông thanh niên đi du học về, lãnh những bằng cấp nọ, bằng cấp kia, học đến bực cao như thế, mà chẳng thấy làm ra được cái gì gọi là giúp ích cho ai, cho xã hội cho đồng bào!

Kẻ thanh niên tân học nghe lời ấy rồi tự nghĩ lại mình thì quả thật như vậy. Một người học ở bổn quốc độ 20 tuổi, sức học đã khá rồi, bắt đầu xuất dương sang Pháp. Ở đất Pháp mau thì đôi ba năm, lâu thì sáu bảy năm, nếu là người thông minh có chí, ít nữa cũng lấy được vài ba cái bằng cấp vừa cử nhân vừa tấn sĩ rồi về. Về rồi, kẻ thì làm việc nhà nước, kẻ thì làm việc tư, lương mỗi tháng từ hai trăm đồng cho đến bốn trăm năm mươi đồng chẳng hạn. Trong khi đó, cưới vợ giàu sắm xe hơi, anh học sanh ngày xưa thì hôm nay đã nhảy lên cái địa vị sang trọng danh tiếng. Kể về dương danh hiển thân, như thế cũng đã được lắm. Song le, nói về sự đối với xã hội, đồng bào, tổ quốc, thì làm như vậy đó, có thể gọi được rằng giúp ích gì đâu ?

Trong đám thanh niên tân học hoặc giả cũng có người nghĩ như vầy: Ủa hay! Hồi mình đi học, cha mẹ mình cho tiền, còn mình thì ra công thức khuya dậy sớm, ngày nay là ngày trồng cây đã có trái, thì mình và cha mẹ mình hái mà ăn, chớ lại có giúp ai? Tổ quốc, đồng bào hồi đó có thí cho thằng này đồng nào đâu mà bây giờ hòng kể lể?

Người nào nghĩ như vậy thì thôi, chúng ta cũng đừng nói tới họ nữa. Nhưng, không phải là không có người nghĩ khác.

Mục đích của sự học có phải là để hiển thân dương danh, vinh thế ấm tử mà thôi chăng ? Hẳn không phải thế. Sanh ra làm người trong xã hội, ai cũng có một phần trách nhiệm đối với xã hội hết, mà những người có học thức cao chừng nào, lại càng có trách nhiệm nặng chừng ấy. Xã hội đương ở vào lúc thua sút tổ quốc đương ở vào lúc khó khăn, nhất ban dân chúng ở trong đó thấy không biết làm thế nào, thì cái lòng trông cậy ở hạng học thức lại càng nhiều. Trông cậy nhiều mà chẳng thấy được gì thì họ phải thất vọng; thất vọng thì hẳn có những lời trách bị theo sau.

Vị thanh niên nào đã nghĩ như tôi mới vừa nói thì cũng đã thừa nhận những lời trách. Có kẻ đã phàn nàn riêng về phần mình trong khi đàm đạo với chúng bạn:"Tôi nghĩ mà xấu hổ quá, hồi bước chân ra đi, định học về rồi làm thế nọ thế kia, té ra bây giờ cũng"một ngày hai buổi" như người ta!"

Biết thừa nhận lời trách và biết trách mình như vậy, con người ấy, ta phải nhìn nhận là người có lòng với tổ quốc đồng bào lắm. Thế thì ta thử nói với họ rằng: "Ông đã biết vậy, sao ông không làm gì đi ?"- coi thử họ nói ra sao.

Tôi đã nghe người ta nói nhiều lần rồi. Người thì đổ cho thời thế khó khăn; người thì bực mình không có địa vị, không có quyền hành động; người khác nói mình có trí tài mà không có tiền; người khác nói nữa trình độ quốc dân ta còn thấp kém quá, hoá một vài tay học thức cũng chẳng đủ làm gì. Còn nữa, nhưng hẵng kể bốn cái thuyết đó thôi, bốn cái cũng đều có lý hết.

Tuy vậy chúng ta nên rủ nhau trở lại ban đầu, hỏi thử hai chữ "giúp ích" trong lời trách bị trên kia là muốn chỉ về điều gì, thế nào là giúp ích ? Có phải người ta mong cho các ông đi du học về một cái, tức thì rinh cái nước Việt Nam này mà để lên một cái địa vị sang trọng chăng ? Có phải họ mong mấy người đậu tấn sĩ luật về thì hãy thay đổi những cái luật pháp cũ đi chăng? Có phải họ mong mấy ông kỹ sư về thì lập ra rất nhiều xưởng máy để chế tạo quốc hoá chăng? - Có lẽ dân chúng không mong những điều đó. Không phải là họ không thích mà không mong; có điều họ biết chắc là mong như vậy không được, nên họ mong thế khác, họ nói "giúp ích" là nói cách khác.

Ai nấy đều biết rằng các nước phương Đông ta từ hồi gặp người phương Tây đến giờ thì tâm sự gì cũng thua kém họ hết. Lần lần lại hiểu thêm rằng người phương Tây sở dĩ họ hơn ta như thế là tại cái học của họ hơn ta. Duy có biết vậy mới rủ nhau qua Tây mà học; bằng không thì sự du học chẳng đã thành ra vô nghĩa ?

Nguời Nhật Bổn và người Trung Hoa lại còn du học trước ta nữa. Cũng một ý ấy, họ biết cái học của Tây là hay, nên mới lặn lội đi tìm cho được để mang về xứ sở mình. Thì quả nhiên họ đã làm đạt đến mục đích rồi: bao nhiêu du học sanh của Nhật và Tầu từ trước đến giờ đã đem cái học sở đắc ở bên Tây ra mà truyền bá cho người trong nước. Nước của họ đã bỏ cũ theo mới, và đã tấn bộ gần bằng các nước phương Tây, cũng là nhờ đó.

Phải, một nước mà tấn bộ được, là nhờ ở phần đông dân chúng. Mà lũ dân chúng ấy, họ có thể kéo nhau hết đi ngoại quốc để tìm lấy sự khôn ngoan đâu. Thế thì cái sự nhờ ở mấy người đi học về rồi truyền bá lại cho họ, là sự đương nhiên lắm.

Nói đến đây đã rõ nghĩa hai chữ "giúp ích" là thế nào rồi. À! Dân chúng Việt Nam không mong các ông thanh niên đổi pháp luật hay lập xưởng máy, nhưng họ chỉ mong các ông bày biểu cho họ biết pháp luật là gì, xưởng máy là gì đó thôi. Nói tóm lại đại ý như vầy. mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài phần mười của cái mình đã lấy được ở ngoại quốc ra mà truyền bá cho dân chúng, để nâng cao cái tầng trí thức của họ lên, như thế gọi là giúp ích.

Nếu vậy thì thời thế có khó khăn mấy mà ngại chi? Ai có địa vị và có quyền, như nhũng người làm đốc học làm giáo sư, thì giúp ích được rồi; còn kẻ không có địa vị và quyền, há phải là không phương làm được? Tiền vẫn là vật cần nhưng trong việc truyền bá tư tưởng học thuật cho đồng bào, tưởng nó cũng chưa phải là vật cần nhất. Còn nói chi trình độ quốc dân thấp kém thì hẳn là thấp kém rồi ; chính vì sự thấp kém đó mà họ mới mong các ông giúp ích cho.

Nói rõ ra như vậy rồi cái cớ kẻ thanh niên tân học xứ ta không làm gì được, không giúp ích được cho đồng bào tổ quốc, không phải ở bốn cái thuyết cho rằng có trên kia, mà ở nơi khác.

Đã nhiều lần thấy người ta viết lên trên báo mà phân bì rồi. Họ phân bì thanh niên ta với thanh niên Nhật, thanh niên Tầu: Sao thanh niên hai nước ấy đi du học về có nhiều kẻ đã làm sách làm vở ra, lấy tư tưởng của mình mà day động cả xã hội, còn thanh niên của ta, sau khi du học đã thành tài, lại không làm được như thế ?

Tôi biết tại sao rồi. Không phải tại thời thế và địa vị, không phải tại không tiền, nhưng tại chỗ khác. Cái chỗ ấy, trong khi đem thanh niên ta so sánh với thanh niên của Nhật của Tầu thì nó lòi ra. Đại phàm muốn thâu thái một cái văn hoá khác để bồi bổ cho cái văn hoá sẵn có của mình, thì một điều cần yếu trước hết là phải biết rõ cái văn hoá sẵn có ấy ra sao, phải ngấm ngầm trong cái văn hoá ấy, phải lấy chính mình dính dấp với nó mới được. Nói ví mà nghe, cũng như ta muốn sửa sang một cái nhà cũ, thì tất nhiên ta phải thấy rõ trong cái nhà ấy, chỗ nào nên để, chỗ nào nên thay. Người Nhật người Tầu họ hiểu cái lẽ đó, cho nên trước khi bọn thanh niên xuất dương, họ đã lấy giáo dục bổn quốc mà tạo cho mỗi người một cái tư cách đúng đắn rồi.

Nói riêng về nước Tầu: Ở trong nước, từ ấu học nhẫn lên cho tới đại học, đều dạy bằng chữ bổn quốc, từ trung học trở lên mới có dạy tiếng ngoại quốc, nhưng chỉ là phần phụ. Địa dư, sử ký, phong tục, chế độ của nước mình từ xưa đến nay ra sao, đại khái một trò cao đẳng tiểu học trở lên đều biết hết, và lên đến trung học, đại học lại còn phải biết nhiều hơn. Thường thường là một người đã tốt nghiệp đại học ở nước nhà mới xuất dương du học. Trong khi họ học được điều gì ở ngoại quốc, có thể đem mà so sánh với điều đã học ở bổn quốc mà thấy hơn thua lợi hại thế nào; chớ không phải là học tới đâu biết tới đó mà cho rằng đủ.

Bọn ấy, khi về nước rồi, làm gì thì làm, nhưng cốt nhất là họ không quên sự dịch sách và làm sách. Việc dịch thuật của họ là việc làm có ý thức, cho nên cũng thâu được nhiều hiệu quả rất lớn.

Nguyên người Tầu thuở xưa chỉ chịu kém người Tây về sự đóng tàu đúc súng, chớ còn về văn học triết học thì họ khinh đứt đi. Ấy là một sự lầm. Từ Nghiêm Phục dịch những sách triết lý của người Anh người Pháp ra, Lâm Thư (người này không du học, không biết chữ Tây, nhờ kẻ khác cắt nghĩa cho mà dịch) dịch những sách văn học ra, đến đó mới mở mắt thấy rõ sự tình trong thế giới và địa vị nước mình hơn hồi trước. Nội một cái thấy rõ được như vậy đã là quan hệ cho nước Tầu chẳng vừa, cho nên công trạng của hai người ấy cũng chẳng vừa.

Nước Tầu từ trước vẫn có triết học, song chưa có ai làm triết học sử. Không có triết học sử thì cái trí thức của quốc dân về đường ấy lộn xộn lắm, cũng là một sự thua người ta và bất lợi cho mình. Hồ Thích, sau khi đậu bác sĩ triết học ở ngoại quốc rồi, thông thạo những triết học của ông Descartes, ông Kant rồi về nước dạy khoa triết học, còn làm ra bộ Trung Quốc triết học sử đại cương. Từ đấy bên Tầu mới có triết học sử như bên Tây.

Ấy là kể những sự lớn lao mà nghe. Còn nói cho hết thì không biết thế nào cho hết được. Cho đến những người đi học khoa nuôi gà, về cũng làm sách dạy nuôi gà ; người đi học nuôi thỏ, về cũng làm sách dạy nuôi thỏ. Đại để mỗi một người du học sanh Tầu không lớn thì nhỏ, cũng có làm ra một việc chi ảnh hưởng đến đồng bào tổ quốc mình. Mà sở dĩ như vậy là nhờ ở cái giáo dục của nước họ, trước khi du học, đã làm cho họ dính dấp với đồng bào tổ quốc mình vậy.

Nước ta thì khác hẳn. Giáo dục của nước ta chưa hề cho thanh niên ta ngấm ngầm trong văn hoá cũ của xứ mình. Một người học sanh từ ấu học lên đến cao đẳng (chỉ trường cao đẳng Hà Nội) vẫn có đọc sử ký bổn quốc; địa dư bổn quốc; vẫn có làm bài luận bằng chữ quốc ngữ; nhưng đó là một môn chương trình ở lớp học mà thôi. Một ngưòi học sanh tốt nghiệp ở trường cao đẳng Hà Nội ra, đố ai dám bảo đó là một người Việt Nam đúng đắn; có đủ tri thức về văn hoá Việt Nam đúng đắn.

Không, không đâu. Ở dưới cái chế dộ giáo dục này, họ dầu muốn làm một người Việt Nam đúng đắn, muốn có đủ tri thức văn hoá Việt Nam đúng đắn, cũng không được nữa.

Cũng thì là danh nhân trong chánh giới, nhưng về ông Richelieu, tể tướng của vua Louis XIII ở hồi thế kỷ XVII thì một người học sanh Việt Nam biết rõ hơn ông Nguyễn Tri Phương hay ông Phan Thanh Giản là đại thần của vua Tự Đức ở thế kỷ XIX, về thời gian và không gian đều gần hơn. Cũng thì đường xe hoả, mà hỏi ở ga lớn Paris có tẽ ra mấy nhánh thì họ nói mau hơn là cũng một câu hỏi ấy mà hỏi về ga lớn Hà Nội.

Cho những người tốt nghiệp ở cao đẳng Hà Nội đó đi du học rồi về cũng còn chưa chắc giúp ích cho đồng bào được gì thay; huống hồ nữa là thứ trẻ con mười, mười hai tuổi, sang Pháp ở luôn đến ba chục tuổi rồi về, thì bảo còn thiết gì với cái xứ sở này mà mong họ ?

Có nhiều kẻ lúc về đây rồi, cho đến cái tiếng An Nam cũng không muốn nói, là phải lắm, ta cũng chẳng nên phiền trách họ làm chi.

Thật quả là không được. Một người Việt Nam dầu du học hay chẳng du học cũng vậy, họ chữ Pháp giỏi mấy mặc lòng, mà nếu chẳng ngấm ngầm trong văn hoá Việt Nam, thì quyết là không làm gì cho xã hội này nhờ được hết. Người ấy nếu trời phó cho một cái lòng ái quốc, muốn cung cúc tận tuỵ với nước với nòi, là cũng chẳng biết làm cách nào cho có ảnh hưởng mảy may đến anh em chị em con nhà Hồng Lạc. Lẽ ấy sờ sờ ra; không còn hồ nghi gì nũa. Những người không biết gì về văn hoá bổn quốc hết mà học Pháp văn giỏi, thì họ có mặt trong xứ này cũng như một người ngoại quốc có mặt mà thôi, ta không khi nào mong người ngoại quốc ấy giúp ích cho ta, thì ta quê gì lại đi mong những người vốn là đồng bào với ta ấy ?

Thật, ai đã tự cắt đứt cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng loại rồi thì khó lòng mà mong rằng một ngày kia sẽ lấy sự quan hệ. Thanh niên ta bây giờ hầu hết không coi được cái phó ý của nhà mình; thói tục trong họ trong làng nhất giai không biết tới, trở về tổ quốc mà lại như chim chích vào rừng, thì còn nói chuyện giúp ích gì cho ai!

Nghĩ như vậy rồi thì không nảy ra câu hỏi. Câu hỏi ấy tức là câu nêu lên làm cái phó đề trên kia :Kẻ thanh niên tân học nước ta, muốn giúp ích cho tổ quốc, nên làm thế nào ?

Theo sự lý trong bài này, tôi tưởng, trước hết phải nhờ ở sự tu dưỡng riêng. Mục đích của sự tu dưỡng riêng này cốt ở nối lại cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng bào ... Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người Việt Nam đúng đắn, nghĩa là ngấm ngầm trong văn hoá cũ Việt Nam, có đủ tri thức về văn hoá ấy. Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người có quan hệ với dân chúng, đi đến làng nào trong nước cũng như đi buồng học hay là phòng thí nghiệm của ta, không có ngớ nghếch chút nào. Kẻ thanh niên tân học nên lưu tâm ở chỗ đó trước rồi sau mới nói chuyện đến giúp ích cho tổ quốc đồng bào được.

Một bài sau tôi sẽ nói thêm.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: