Tiểu thương làm giám đốc

03:51 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Giêng, 2004

Tại nhiều chợ ở TP. HCM, sạp chợ không còn là hình ảnh của một nơi mua bán thông thường. Chỉ với mấy mét vuông sạp là cả một văn phòng doanh nghiệp năng động, vừa trưng bày hàng hoá, vừa là nơi giao dịch mua bán. Cũng trong mấy mét vuông sạp chợ ấy đang diễn ra một xu hướng lột xác, tiểu thương "lên đời" làm giám đốc.

Nở rộ doanh nghiệp tư nhân của tiểu thương

Tại thương xá Đồng Khánh, những năm 1997-1998 có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, năm 1999 do khủng hoảng kinh tế khu vực và phá sản vì hụi nên số hộ trong thương xá chỉ còn 800. Đến năm 2.000 chỉ còn 680 hộ. Từ đầu năm 2001 đến đầu 2002 lại giảm gần 100 hộ. Từ mấy tháng nay, tại đây lại rộ lên tình trạng nhiều tiểu thương đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... Ghi nhận của ban quản lý thương xá Đồng Khánh, số tiểu thương bỏ chợ để ra ngoài thành lập công ty hiện đã lên đến con số 150 hộ. Tháng cao điểm có tới 30 tiểu thương được cấp phép thành lập doanh nghiệp. Đa số họ thuê mặt bằng ở xung quanh thương xá để kinh doanh. Có khoảng 10 hộ thành lập công ty, doanh nghiệp tư nhân nhưngvẫn tiếp tục kinh doanh ở chợ.

Không kể đến hàng trăm hộ kinh doanh trang sức, vàng ở các chợ Bà Chiểu, chợ Thiếc, Tân Bình... đều là những doanh nghiệp tư nhân (DNTN), tính từ đầu năm đến nay khá nhiều hộ kinh doanh thực phẩm, hoá mỹ phẩm, vải sợi quần áo, giày dép ở các chợ Bến Thành, An Đông, Tân Định, Bình Tây... đã thành lập DNTN (nhưng phần lớn các ban quản lý chợ không nắm được con số cụ thể). Họ để cho chồng, vợ hay người thân trong gia đình đứng tên làm giám đốc, sau đó một thời gian thấy phát triển DNTN ổn định thì mới trả sạp, nhưng có người vẫn duy trì kinh doanh cả sạp lẫn công ty. Có DNTN là do nhiều tiểu thương hùn vốn thành lập. Quan sát thấy điều này tại một số cửa hàng bán vải treo bảng DNTN tại đường Trần Hưng Đạo, bên trong được chia thành từng ô như những sạp chợ, mỗi ô một người bán riêng.

Tại chợ Kim Biên, gần đây có khoảng 6 hộ kinh doanh đã thành lập doanh nghiệp. Họ mở văn phòng ở ngoài và trả lại sạp hoặc chuyển sạp cho người khác đứng tên kinh doanh. Tuy vậy, trong trường hợp chuyển tên sạp cho người trong gia đình kinh doanh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và sạp rất chặt chẽ. Như doanh nghiệp T.Ký kinh doanh hoá chất có văn phòng doanh nghiệp ở đường Hùng Vương và một sạp cũng mang tên T. Ký ở chợ Kim Biên thì chính sạp chợ của doanh nghiệp này là nơi phân phối độc quyền một số hương liệu cho các tiểu thương khác trong chợ và phân phối đi các tỉnh.

Thành lập DNTN là nhu cầu phát triển

Theo lý giải của ban quản lý các chợ, việc kinh doanh dưới dạng hộ cá thể như hiện nay buộc tiểu thương phải đóng thuế tài định quá cao và có nhiều sự chênh lệch. Ở khu vực chợ Trần Chánh Chiếu, trên cùng địa bàn, cùng kinh doanh một mặt hàng nhưng mức thuế ở ngoài chợ chỉ bằng 1/4 mức thuế trong chợ. Cụ thể tiểu thương ngành hàng đường đóng khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng các hộ kinh doanh không thuộc chợ quản lý chỉ đóng khoảng 1,2 triệu/tháng. Ở thương xá Đồng Khánh, tiểu thương phải đóng thuế tài định hàng tháng ít nhất là từ 3 triệu đồng/sạp và mức cao là 15 triệu đồng/sạp.

Bà Minh Huệ, chủ sạp bán quần áo may sẵn chợ An Đông cho biết, một trong các lý do bà ra kinh doanh bên ngoài là tình trạng khách vào chợ ngày càng vắng, trong khi đó thì mức thuế vẫn không giảm. Kinh doanh theo kiểu doanh nghiệp dù phải tuân thủ những quy định về hoá đơn, thanh toán, thu chi nhưng được đóng thuế tuỳ theo thực tế kinh doanh nên phù hợp hơn.

Một yếu tố khác buộc nhiều sạp mở DNTN là do tầm vóc ngày càng lớn mạnh, họ không còn là "tiểu thương" nữa. Bà Dung, một tiểu thương chợ An Đông đã mở DNTN xuất phát từ nhu cầu mở rộng mạng lưới bán hàng để phù hợp với quy mô kinh doanh ngày càng phát triển. Sạp mỹ phẩm tại chợ của bà khá nổi tiếng với đủ loại kem dưỡng, mặt nạ, dầu gội mua từ nguồn hàng riêng ở Hongkong, Trung Quốc, Pháp... Và để có tư cách pháp nhân, điều kiện thanh toán tốt hơn khi bán rộng rãi vào các siêu thị, bỏ hàng cho các tỉnh, sạp chợ này đã phát triển thành DNTN. Tương tự như vậy là sạp P.K, sau khi cô con lớn lấy chồng người Hàn Quốc và tìm được các cơ hội kinh doanh vải tồn kho, vải dư xuất khẩu từ Hàn Quốc thì sạp P.K trở thành đầu mối giao dịch bán hàng và dần dần phát triển thành DNTN vươn tầm hoạt đồng ra khắp các tỉnh.

Những bối rối của giám đốc tiểu thương

Bà Hương Nhân, một chủ sạp quần áo may sẵn có thâm niên buôn bán gần 25 năm ở chợ An Đông, đã mở DNTN từ đầu năm 2000. Nhưng chỉ sau vài tháng DNTN phải trả lại giấy phép, dù nguồn vốn và chủng loại, số lượng hàng hoá của bà đủ sức để mở thêm hai DNTN nữa. Theo bà Hương Nhân có hai lý do: một là nguồn hàng thu vào đa phần của các hộ gia đình sản xuất, hoặc của những người buôn chuyến... nên đầu vào không có hoá đơn rõ ràng, việc tính toán sổ sách gặp khá nhiều phiền phức. Hai là việc bán hàng từ trước đến nay quen với kiểu trả chậm, mỗi năm thanh toán một lần vào trước tết nên duy trì DNTN trở nên rắc rối hơn. Khá nhiều giám đốc DNTN có kinh nghiệm dày dặn trong kinh doanh nhưng không có kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp, kế toán...

Theo ghi nhận từ ban quản lý thương xá Đồng Khánh, hầu hết các tiểu thương khi lập doanh nghiệp đều sử dụng các dịch vụ tư vấn. Từ cách lập hồ sơ, chọn loại hình doanh nghiệp nào cho đến việc làm sổ sách tính thuế... của các doanh nghiệp này phần lớn đều được các công ty tư vấn, các công ty luật tham gia và nhận thù lao hàng tháng.

Hiện nay khi các cơ quan chức năng như thuế vụ, quản lý thị trường... đến làm việc với các doanh nghiệp tiểu thương thì đều được họ sử dụng “luật sư” riêng của mình để đón tiếp. Đó được xem như bước tiến của tiểu thương các chợ. Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý giúp những doanh nghiệp thương mại này nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành để trở thành những nhà "buôn", nhà phân phối chuyên nghiệp thật sự là nhu cầu lớn tại TP.HCM.

Bích Nga - Vĩnh Phương

LinkedInPinterestCập nhật lúc: