Toàn Cầu Hoá như một xu thế văn hoá
Toàn cầu hoá về kinh tế đã và vẫn đang là đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới. Những cuộc họp của WTO luôn luôn kéo theo những cuộc biểu tình chống đối. Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các chính sách quốc gia mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách đời sống toàn nhân loại.
Tuy vậy, quá trình này chủ yếu vẫn chỉ được nhìn nhận trên khía cạnh kinh tế. Người ta quên rằng một trào lưu toàn cầu hoá thậm chí còn diễn ra sớm hơn và quyết liệt hơn, đó là toàn cầu hoá về văn hoá.
Xin nói về các đường biên giới, chẳng hạn. Chúng đang đần đần bị mất đi. Biên giới không phải tự hình thành một cách tự nhiên mà do sự chiếm hữu của các cộng đồng con người. Khi cộng đồng con người thấy sự chiếm hữu ấy không cần thiết nữa thì nó sẽ bị xóa bỏ. Nói rộng ra, mọi thứ mà con người không cần thiết sẽ bị xoá bỏ, ít nhất là trong hệ thống giá trị của nhân loại. Còn văn hóa, như chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách này, là kết quả sự tương tác giữa các cộng đồng con người. Những giá trị văn hoá khác nhau sẽ tự hình thành, tương thích với những tính chất khác nhau của sự sống. Lúc ấy thì thiên nhiên, ẩm thực, âm nhạc, con người...thuộc mọi dân tộc sẽ thay thế biên giới. Tại sao con người không thể quên đi ý thức về việc họ đang sống tại một nơi nào đó hay sẽ đến một nơi nào đó? Những giá trị hạn chế trong sự phân loại chắc chắn sẽ mất dần đi. Nhưng con người, chủ thể của Trái đất, con người thuộc đủ các dân tộc sẽ không mất đi. Nó sẽ thay đổi nhưng không mất đi. Con người sinh ra và phát triển cùng với các quy luật tự nhiên chứ không phải chỉ có các quy luật hành chính.
Một câu hỏi gần đây rất hay được đặt ra: toàn cầu hoá có dẫn đến sự hình thành các giá trị văn hoá toàn cầu không? Nói cách khác, toàn cầu hoá có xoá nhòa các ranh giới về văn hoá hay không?
Theo tôi, các cộng đồng bao giờ cũng có bản sắc của mình và qua đó người ta có thể phân biệt cộng đồng văn hoá này với cộng đồng văn hoá khác. Nhưng đồng thời cũng có những môi trường văn hoá để người ta sống chung với nhau. Hệ giá trị cũng thế, hệ giá trị là khái niệm khó xây dựng hơn vì văn hoá là hiện tượng tự nhiên. Nhưng hệ giá trị là hiện tượng nhân tạo, nghĩa là người ta buộc phải xây dựng hệ giá trị. Cộng đồng nào cũng có những hệ giá trị đưa vào kinh nghiệm của mình. Người ta không thể sáng tạo ra hệ giá trị, người ta phải chắt lọc ra từ cái tinh tuý của đời sống văn hoá để tạo ra hệ giá trị, để viết ra những tiêu chuẩn cơ bản của lý tưởng của xã hội đó. Sự riêng biệt cũng như sự chung sống của văn hoá cũng tương thích với trật tự của hệ thống giá trị.
Có một điều đáng kinh ngạc là một số người, thậm chí là những người tự coi hay được coi là những "nhà văn hoá", nói về nước Mỹ như là một quốc gia không có tư tưởng, không có văn hoá. ở một nước nhỏ và lạc hậu như Việt Nam, điều này nghe thật nực cười. Nó giống như việc con kiến chế nhạo con người quá to lớn kềnh càng.
Liệu nước Mỹ có văn hoá không? Câu hỏi này nhất là ngớ ngẩn, thậm chí lố bịch. Một quốc gia đã làm cách mạng thế giới thông qua sự sáng tạo đối với công nghệ tin học không thể không có giá trị văn hoá được. Chúng ta cần phải quan niệm văn hoá tự do
hơn. Cần phải quan niệm văn hoá là những sản vật quí giá mà chúng ta tích luỹ được trên đời chứ không phải là những gì người ta cố tình tạo ra. Nói cách khác, chính sự nhận ra những giá trị tốt đẹp đã trở thành giá trị. Giá trị thực ra là sự nhận biết mà thôi. Con người phải tự rèn luyện mình để nhận ra giá trị. Ai nhận ra giá trị thì kẻ đó có giá trị: Hệ giá trị không phải là tiêu chuẩn áp đặt, nó là sự nhận biết, dù là sự nhận biết cá nhân hoặc sự nhận biết có tính cộng đồng.
Giá trị là sự nhận biết, cho dù nó có nguồn gốc như thế nào, và chúng ta không được nấn ná với những tư duy cũ kỹ, thậm chí quê mùa, với những câu hỏi lố bịch đang kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Người dân những nước nông nghiệp bao giờ cũng gắn liền với đất, gắn liền với lãnh thổ và do đó có một đặc điểm văn hoá rất quan trọng là yêu tất cả những gì ở dưới chân mình đồng thời thèm khát những cái ở ngoài tầm với . Sự thèm khát những cái ở ngoài tầm với của mình để dẫn đến hai thái cực trái ngược nhau: khó chịu và đố kỵ với những thành tựu của người khác, trong khi đó lại khư khư bảo vệ những cái đã lạc hậu mà mình có, kết quả là vừa tự kéo mình lại, vừa đẩy mình ra xa người khác. Đặc điểm văn hoá của nhiều quốc gia chậm phát triển là dị ứng với cái mới, dị ứng với cái khác, dị ứng với nhau, dị ứng với thời gian, dị ứng với tương lai và dị ứng cả với quá khứ nữa. Nền văn hoá hiện đại phải là văn hoá tương thích với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Trong xu thế hội nhập, chúng ta phải có thái độ đúng đắn để giải quyết mâu thuẫn giữa các cộng đồng nhỏ và các cộng đồng lớn hơn. Mâu thuẫn giữa cộng đồng và cá nhân luôn luôn tồn tại, cũng như luôn luôn tồn tại mâu thuẫn giữa cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn, giữa quyền lợi địa phương với quyền lợi quốc gia, quyền lợi quốc gia với quyền lợi quốc tế.
Quá trình hình thành các nền văn hoá với qui mô toàn cầu là quá trình vừa tạo ra những mâu thuẫn, vừa điều chỉnh các mâu thuẫn để con người hướng tới một hệ giá trị phổ quát. Con người tạo ra văn hoá, con người sẽ uốn nắn cả các giá trị bên ngoài mình để tạo ra sự hoà hợp.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nhân loại là tính hữu hạn của nguồn tài nguyên. Và con người bắt đầu phải nghĩ đến một mặt khác, quan trọng hơn mặt đối lập, đó là mặt hoà hợp. Nếu chúng ta không tin rằng con người sẽ tạo ra được những giá trị mang tính văn hoá toàn cầu thì chúng ta sẽ phạm phải lỗi lầm lớn nhất của nhận thức. Con người phải và chắc chắn sẽ xây dựng được những giá trị chung đó và chỉ có như vậy con người mới có thể chung sống được.
Chúng ta, cả người phương Tây lẫn người phương Đông, thực ra đã chịu ảnh hưởng nặng nề của tư duy lưỡng cực, luôn có xu hướng quy thế giới về những mặt đối lập và mâu thuẫn. Trong khi đó, con người buộc phải xây dựng những hệ tư tưởng toàn cầu, những tiêu chuẩn toàn cầu và do đó có cả tiêu chuẩn văn hóa toàn cầu. Khi hệ tiêu chuẩn được
thừa nhận một cách tự nhiên, nó sẽ trở thành các giá trị văn hoá.
Tôi cho rằng luôn luôn tồn tại bản sắc của cộng đồng nhỏ bên cạnh những tiêu chuẩn phổ biến để con người có thể chung sống. Trên thực tế, ở chừng mực nào đó, chúng ta đã có những tiêu chuẩn văn hoá toàn cầu, đó trước đây nó không đủ rõ, chưa được thảo luận một cách thấu đáo để con người có thể nhận thức và áp dụng một cách tự nhiên. Theo tôi, một khi con người đã sống được với nhau thì tức là con người có những nền văn hoá chung, có sự chung sống về văn hoá.
Sự chung sống của các nền văn hoá, các giá trị Văn hoá tất yếu sinh ra một nền văn hoá mới. Và các nền văn hoá ấy tồn tại song song, không đối kháng nhau, không tiêu diệt lẫn nhau. Văn hoá là kết quả của chung sống hoà bình chứ không phải là kết quả của xung đột.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân