Toàn cầu hóa và xã hội tri thức
Trong phần một, chúng ta đã đề cập một cách khái lược xu thế toàn cầu hoá và những ảnh hưởng của nó về mặt văn hoá. Ở đây chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, không chỉ để có được một cái nhìn toàn diện mang tính lịch sử mà còn nhằm đưa ra những kiến giải về nguyên nhân xuất hiện, cơ chế biến đổi và những hậu quả nhiều mặt của nó.
Toàn cầu hoá được đề cập từ nhiều góc độ khác nhau, và do đó hiện ra với nhiều bộ mặt : một mặt là sự bùng nổ thương mại quốc tế, những dòng vốn khổng lồ, mặt khác, những luồng thông tin cực kỳ phong phú với giá khá rẻ từng giờ từng phút đang xuyên thủng biên giới các quốc gia; và mặt khác nữa là một thị trường cao cấp để mua bán chất xám mà hình thức trực quan nhất là các hợp đồng chuyển giao công nghệ ngày càng nhộn nhịp. Đó là chưa kể những làn sóng di cư, những xu hướng hoà trộn văn hoá và chủng tộc.
Đối mặt với toàn cầu hoá cũng có vô số hình thức và thái độ khác nhau. Những người nhiệt thành cổ vũ thật đông đảo cũng không thể ngăn cản chúng ta chứng kiến trên màn ảnh vô tuyến truyền hình và qua báo chí những cuộc biểu tình chống đối của những người chịu thiệt thòi trong cuộc chạy đua khốc liệt. Nhưng những nông dân Hy Lạp đang giơ nắm đấm gào thết chửi rủa Coca-cola khiến nước cam của họ ế ẩm, những chủ trại ở miền Nam nước Pháp đòi đập phá mẹ Donald và ngay cả Mahathir, người vẫn đang lớn tiếng chỉ trích phương Tây, đều không thể phủ nhận một điều: toàn cầu hoá không còn là vấn đề của riêng một quốc gia nào, một dân tộc nào. Nó đã đến gõ cửa từng gia đình. Nó thậm chí tác động hàng ngày đến mỗi con người. Bối cảnh kinh tế, xã hội, chính tả và điều kiện kỹ thuật ngày nay tạo nên một tình thế mới, trong đó mọi quốc gia bất kể dù muốn hay không đều buộc phải tham gia cuộc đua phát triển để tồn tại Thật là sai lầm khi người ta cho rằng toàn cầu hoá là mục đích của các cường quốc kinh tế hay của các lực lượng đa quốc gia. Ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất như Hoa Kỳ cũng không thể làm chủ được toàn cầu hoá, mà chỉ có thể tìm kiếm lợi ích của mình trong đó mà thôi.
Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu của lịch sử, nó mang đến cho tất cả các dân tộc những cơ hội, lợi ích lớn lao và những rủi ro, bi kịch mới. Từ nay, thật khó có quốc gia nào có thể trục lợi cho riêng mình bằng cách làm hại đến quốc gia khác mà lại không chịu ảnh hưởng. Môi trường, chẳng hạn, là một bằng chứng để con người hiểu rằng từ nay họ phụ thuộc lẫn nhau, rằng nếu không có một cơ thế thích hợp, chính họ cũng có thể phải gánh chịu những rủi ro về môi trường sinh thái, dịch bệnh từ các dân tộc khác. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, các học giả mới chỉ nhìn nhận toàn cầu hoá như là một quá trình vận động quốc tế của các nguồn tài chính trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà tầm ảnh hưởng và hoạt động đã thoát khỏi biên giới quốc gia hoặc lợi ích dân tộc. Thực ra, toàn cầu hoá diễn ra sâu sắc hơn nhiều và đã đến lúc chúng ta phải nói đến sự toàn cầu hoá về mặt văn hoá. Toàn cầu hoá đã trải qua nhiều thế kỷ, nhưng nó đặc biệt trở nên mạnh mẽ kể từ đầu thế kỷ XX và có thể tóm tắt thành bốn giai đoạn chính:
Giai đoạn thứ nhất (Từ thời cổ đại đến cách mạng công nghiệp): Quá trình toàn cầu hoá diễn ra chậm chạp, trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá. Những tác nhân chính là chiến tranh, thương mại và sự truyền bá về tôn giáo.
Giai đoạn thứ hai (Từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp đến sau chiến tranh thế giới lần thứ hai): Toàn cầu hoá như yêu cầu tất yếu của thời đại công nghiệp. Ngay từ khi xuất hiện thời đại công nghiệp thì song song với nó là sư quốc tê hoá mạnh mẽ của kinh tế thế giới. Yêu cầu khách quan là cần làm cho không gian kinh tế giữa nơi cung cấp nguyên liệu thô, sản xuất và thị trường thế giới gắn bó và gần gũi với nhau hơn. Người ta phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt, tàu thuỷ chạy máy hơi nước, đào kênh Suez, kênh Panama và đặc biệt là sự xuất hiện của hệ thống điện báo quốc tế. Đặc trưng của giai đoạn này là sản xuất được tập trung trong nội bộ. Một số nước, toàn cầu hoá về kinh tế diễn ra với sự xung đột gay gắt với quyền lợi dân tộc cùng với các chính sách thương mại luôn đi kèm với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự để giải quyết sự xung đột về quyền lợi, đỉnh cao của nó là hai cuộc đại chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Giai đoạn thứ ba (Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến những năm 80 của thế kỷ trước): Toàn cầu hoá được điều chỉnh bởi các định chế quốc tế. Trong bối cảnh sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa, đây là giai đoạn tăng trưởng chưa từng thấy của các nước công nghiệp. Đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, các hàng rào thương mại bắt đầu bị dỡ bỏ hoặc thu hẹp, các công ty đa quốc gia ngày càng lớn mạnh và trở thành những thế lực chủ chốt trên vũ đài kinh tế, chính trị thế giới mà các chính phủ dù là của các quốc gia giàu có nhất cũng không thể xem thường họ. Từ những bài học xương máu và để tránh những rủi ro của thời kỳ trước, trong giai đoạn này đã xuất hiện các định chế quốc tế để điều chỉnh quá trình toàn cầu hoá diễn ra một cách suôn sẻ, tránh nguy cơ xung đột giữa các dân tộc. Các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xử lý các công việc mang tính toàn cầu, những tổ chức này đã bao trùm sức mạnh lên mọi khía cạnh của đời sống nhân loại và đã thúc đẩy thành công quá trình toàn cầu hoá.
Giai đoạn thứ tư (Từ 1990 đến nay): Toàn cầu hoá diễn ra sâu sắc và triệt để nhất trên mọi mặt kinh tế và xã hội. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đồng nghĩa với sự kết thúc chiến tranh lạnh, đồng thời với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin làm mờ nhạt biên giới giữa các quốc gia. Máy tính điện tử và Internet đã thành công trong việc thu hẹp những hạn chế về không gian và thời gian. Sự ra đời của những lực lượng đa quốc gia (bao gồm các định chế quốc tế và các công ty đa quốc gia) với sức mạnh hùng hậu làm thay đối nhiều mặt về quan hệ giữa các quốc gia theo quan niệm cổ điển. Ngày nay trào lưu toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại ngày càng diễn ra sâu rộng và quyết liệt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nhân loại Cho dù nơi này hay nơi kia người ta lên tiếng phản đối hoặc công kích nhưng mọi người buộc phải thừa nhận rằng toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại là xu thế không thể cưỡng lại đối với mọi quốc gia. Toàn cầu hoá về bản chất là các nền kinh tế quôc gia không những ràng buộc lẫn. nhau ngày một chặt chẽ hơn, mà còn thâm nhập lẫn nhau, do đó mỗi quốc gia có cơ hội nhiều hơn để tiếp nhận những thành quả của sự phát triển nhưng cũng dễ bi tổn thương hơn do các yếu tố bên ngoài.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh