Toàn dân hiến kế chống tham nhũng

08:06 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Bảy, 2005

Hôm nay (ngày 20.7), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể quần chúng... Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XI thì tình hình tham nhũng hiện nay của nước ta đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây nên sự bất bình trong nhân dân, làm ảnh hưởng tới nền tảng đạo đức xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Diễn biến phức tạp của nạn tham nhũng được thể hiện ở chỗ, nạn tham nhũng đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và cả cơ chế chính sách. Đối tượng tham nhũng cũng diễn biến phức tạp, nó không chỉ dừng lại ở những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan quản lý kinh tế, doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 1993 đến nay, đối tượng tham nhũng là những cán bộ, công chức, những người đang giữ chức vụ rất cao trong cơ quan quản lý nhà nước (theo báo cáo của Bộ Công an, đã có 1 bộ trưởng, 5 thứ trưởng, 14 chủ tịch và phó chủ tịch UBND các cấp và hàng trăm vụ trưởng, tổng giám đốc... đã bị xử lý hình sự về tội tham nhũng). Vì lẽ đó mà dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đã không dừng lại ở việc quy định hành vi tham nhũng của những người có chức vụ quyền hạn mà mở rộng ra ở hành vi của những người không có chức vụ quyền hạn, nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của người khác để trục lợi.

Một thực tế minh chứng cho nạn tham nhũng diễn ra trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng: Trong 4 năm thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng, đã phát hiện, xử lý 140 vụ với số tiền vi phạm hơn 400 tỉ đồng, hầu hết do có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước; hầu hết các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát do tham ô, cố ý làm trái... Chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng bị lợi dụng để tham nhũng, điển hình là chương trình 1 triệu tấn đường để xảy ra tiêu cực dẫn đến nợ quá hạn không có khả năng trả 10.000 tỉ đồng; vụ Lã Thị Kim Oanh làm thất thoát 100 tỉ đồng, có liên quan đến 2 nguyên thứ trưởng và 2 nguyên vụ trưởng... Thực tế đó đã không thể không ra đời một đạo luật phòng chống tham nhũng, với những quy định nghiêm ngặt về công khai, minh bạch tài sản, sung công tài sản bất minh... của cán bộ công chức. Để sớm phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, dự luật còn quy định cho công dân, cơ quan báo chí được quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng... Đó cũng chính là biện pháp đảm bảo cho nhân dân được giám sát hoạt động của cán bộ công chức, kịp thời phát hiện những tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức tha hoá biến chất.

Trước kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XI, ông Vũ Đức Khiển (Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội) đã thẳng thắn nói: Không phải chúng ta không thể biết và không thể không biết ai có hành vi tham nhũng. Vấn đề là chống tham nhũng như thế nào. Việc đưa dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ra lấy ý kiến là mong muốn được mọi tầng lớp nhân dân hiến kế, thể hiện ý chí, nguyện vọng và thể hiện quyết tâm cao độ, triệt để đẩy lùi nạn tham nhũng.

Nội dung khác