Đổi mới trước hết là tôn trọng và cũng là bổ sung các nguyên lý của triết học Mác

08:43 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Mười Hai, 2005

Trước đây, người ta đi tìm nguyên nhân của mọi thắng lợi là ở chủ nghĩa Mác bách chiến, bách thắng, khoa học và cánh mạng. Ngày nay, một số người đi tìm nguyên nhân của sự sụp đổ của chế độ XHCN tại Liên xô và Đông Âu cũng ở chủ nghĩa Mác, nhưng không phải là chủ nghĩa Mác bách chiến, bách thắng, khoa học và cách mạng, mà là chủ nghĩa Mác lạc hậu và lỗi thời.Nhân kỷ niệm 175 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất của C.Mác chúng ta cần đánh giá, nhận thức về các nguyên lý của triết học Mác để xem chúng ta đã "trung thành" với các nguyên lý đó như thế nào.

Có thể nói rằng trong những năm qua đã xảy ra nghịch lý: một mặt chúng ta nói rất hay về CNDV, về phép biện chứng của Mác, nhưng mặt khác trong tư tưởng và trong hành động lại biếu hiện rất rõ CNDT và phép siêu hình.

Mác viết: "Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, trái lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ"(l).Ấy thế nhưng có lúc chúng ta đã cho rằng chúng ta có thể xây dựng sớm con người mới không phải chờ đến sau khi đã có sự phát triển cao của nền sản xuất lớn XHCN, rằng trong chặng đường đầu tiên này vẫn có thể bước đầu tạo ra một xã hội đẹp đẽ về lối sống, về quan hệ giữa người và người, một xã hội trong đó nhân dân lao động cảm thấy sống hạnh phúc, tuy mức sống vật chất vẫn chưa cao.

Mác viết: "Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên" và ông nhấn mạnh rằng không thể dùng sắc lệnh để xoá bỏ các giai đoạn phát triển tự nhiên của nó. Trong thực tế, những người mácxít có "trung thành tuyệt đối" với những lời căn dặn đó không?Không, ngược lại họ đã phạm rất nhiều sai lầm từ việc đánh giá tình hình đến việc xác định mục tiêu và bước đi trong xây dựng CNXH. Họ đã cường điệu tính tự giác và vai trò của nhân tố chủ quan, của kiến trúc thượng tầng và của ý thức xã hội đến mức xa rời các nguyên tắc của CNDV. Trong quá trình cải tổ, cải cách và đổi mới, hầu hết các đảng cộng sản đều đã phải thừa nhận mắc sai lầm chủ quan, duy ý chí.

Mác nói rằng con người làm ra lịch sử của mình, nhưng không thể hành động tùy tiện, bất chấp quy luật. Ở các nước XHCN người ta thường nói rất nhiều đến đủ các loại quy luật, phát hiện ra rất nhiều quy luật hoặc những vấn đề có tính quy luật, những sai lầm nghiêm trọng và phổ biến lại là không tôn trọng và hành động không theo quy luật khách quan. Cái gọi là những tính quy luật phổ biển của cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ngày nay ít được nhắc đến. Cái gọi là những quy luật kinh tế của CNXH chẳng qua chỉ là sản phẩm của ý muốn chủ quan.

Mác nói tư tưởng mà không gắn với lợi ích thì tư tưởng đó tự bôi nhọ mình. Thế nhưng ở các nước XHCN, tư tưởng thường được quan tâm nhiều hơn so với lợi ích nhất là lợi ích cá nhân. Ai nói đến lợi ích cá nhân có thể bị coi là mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân xấu xa. Chính vì thế mà trước đây chúng ta bàn nhiều vê động lực của sự phát triển xã hội, nhưng xã hội tiến rất chậm vì bỏ quên mất động lực mạnh nhất là lợi ích và cũng do đó không phát huy được tính tích cực cá nhân. Thật là sai lầm nếu tưởng rằng CNXH có thể được xây dựng chỉ cần dựa trên nhiệt tình của quần chúng, mà không cần quan tâm đến lợi ích của họ.

Mác đã có công phát hiện ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, nhưng một số nước XHCN đã lâm vào tình trạng sùng bái cá nhân, thần thánh hóa cá nhân người lãnh đạo, coi nhẹ vai trò của quần chúng nhân dân. Một điều gần như nghịch lý là có nhà lãnh đạo hay nói những điều cao siêu về đạo đức, ba hoa về lối sống XHCN cao đẹp nhưng trong thực tế lại vi phạm thô bạo những tiêu chuẩn tối thiểu của đạo đức và do đó bị mất uy tín đối với quần chúng nhân dân.

Mác viết: "Vấn đề tìm hiểu xem tư tưởng con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không, không phải là một vấn đề lý luận, mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý "(2). Nhưng có điều lạ lùng là có những người đem tuyệt đối hóa một lý thuyết nào đó, rồi lấy nó làm thước đo để đánh giá đúng sai của các lý thuyết khác. Chính do sự tuyệt đối hóa như vậy nên mới có hiện tượng "tiếp tục bám lấy cái lý luận ngày hôm qua", ít chú trọng đến cuộc sống sinh động. Cũng chính do không lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý, thêm vào đó là do sự sùng bái cá nhân lãnh tụ nên mới nảy sinh hiện tượng "phàm là".

F. Engen viết: "Phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến"(3). Người ta thường nói về phép biện chứng nhưng lại không thừa nhận mối liên hệ biện chứng giữa CNTB và CNXH, đặt hàng rào ngăn cách giữa hai hình thái kinh tế-xã hội đó, phủ định sạch trơn những thành tựu của CNTB và phê pháp những người có ý định học tập CNTB.

Theo chủ nghĩa Mác thì mâu thuẫn là hiện tượng khách quan và phổ biến, không có sự vật, hiện tượng nào không có mâu thuẫn, không có lúc nào không có mâu thuẫn nhưng nhiều năm chúng ta lại chỉ phân tích những mâu thuẫn của CNTB, còn hầu như không đề cập đến những mâu thuẫn của CNXH, hoặc nếu có cập đến thì lại cường điệu mặt thống nhất.

Ngày nay, chúng ta nói đến đổi mới thì trước hết là phải tôn trọng các nguyên lý cơ bản của triết học Mác mà trong nhiều năm chúng ta đã nhận thức không đúng, không thật sự tôn trọng và do đó không suy nghĩ và hành động theo các nguyên lý đó. Đồng thời, chúng ta kiên quyết chống lại việc biến học thuyết của Mác thành giáo điều, thành một thứ tôn giáo. Để tránh tuyệt đối hóa và giáo điều hoà chúng ta luôn luôn phải đặt những luận điểm của Mác trong những điều kiện lịch sử - cụ thể khi ông nêu ra các luận điểm đó.Cũng phải nói rằng trong hệ thống lý luận của Mác có nhiều vần đề còn để ngỏ, vì lúc đó chưa có đủ điều kiện để Mác có thể nghiên cứu đầy đủ và đi đến những kết luận cuối cùng. Có những vấn đề Mác mới chỉ nêu ra những suy nghĩ ban đầu, những gợi ý, những dự đoán đòi hỏi các thế hệ sau phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Chủ nghĩa Mác phải được bổ sung và có khi phải tự phủ định điểm này hay điểm khác, và chỉ có như thế nó mới có sức sống. Ngay từ khi Mác và Engen còn sống, các ông đã luôn luôn tự phê phán, vạch rõ những sai lầm đưa ra trước đó và nhấn mạnh sự cần thiết phải thay thế bằng những luận điểm mới cho phù hợp với sự biến đổi của tình hình.

Có lúc Mác và Engen đã dự đoán rằng cách mạng vô sản ở Châu Âu nhất định sẽ nổ ra nhanh chóng. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Vì thế Engen đã thừa nhận: "Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi và tất cả những ai nghĩ giống như chúng tôi đều sai lầm. Lịch sử đã chỉ rõ rằng trạng thái phát triển kinh tế trên lục địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xoá bỏ phương thức sản xuất TBCN"(4). Lê nin cũng nhận xét: "Đúng, Mác và Engen đã lầm nhiều và thường lầm khi phán đoán cách mạng sắp nổ ra trong khi hai ông hy vọng cách mạng sẽ thắng lợi (chẳng hạn năm 1848 ở Đức)"(5).

Sự cần thiết phải bổ sung các nguyên lý của triết học Mác không chỉ vì trong hệ thống lý luận của Mác có nhiều vấn đề còn để ngỏ, mà còn vì thế giới ngày nay đang có những biến đổi to lớn và sâu sắc đặt ra những thách thức mới đối với triết học Mác. Cuộc khủng hoảng toàn diện ở hàng loạt nước XHCN dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên xô và Đông Âu đặt ra yêu cầu phải nhận thức lại cơ sở lý luận của CNXH. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi triết học phải lý giải. Cuộc cách mạng đó đã dẫn đến sự phát triển to lớn của lực lượng sản xuất, làm thay đổi phương hướng phát triển kinh tế và cơ cấu tiêu dùng đồng thời thúc đẩy mọi nền kinh tế cơ cấu lại. Việc giải quyết những vấn đề toàn cầu của thời đại như vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề sinh thái và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vấn đề dân số và bệnh tật, cũng đòi hỏi sự tham gia của triết học. Những hiện tượng mới trong lĩnh vực kinh tế và xã hội như: xu thế hợp tác giữa các nước ngày càng tăng, sự hình thành các công ty xuyên quốc gia, sự xung đột về tôn giáo và dân tộc cùng với nhiều vấn đề quan trọng khác nữa đang đòi hỏi phải được lý giải về mặt triết học. Sự phát triển mạnh mẽ của các môn khoa học cụ thể cùng những thành tựu mới mẻ và to lớn của chúng cũng đòi hỏi triết học phải tiếp thu, làm phong phú thêm cho bản thân mình, mật khác cũng phải xác định ranh giới và mối quan hệ giữa các môn khoa học ấy với triết học. Sự nghiệp đổi mới ờ nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần có sự lý giải về mặt triết học.

Đứng trước những thách thức nói trên, nhiệm vụ của các nhà triết học không phải là đi tìm câu trả lời có sẵn trong các tác phẩm kinh điển, mà chính là vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác để trả lời những vấn đề mới mà thời đại hiện nay đặt ra, xác định rõ vai trò triết học Mác trong đời sống xã hội, đánh giá ví trí của nó trong hệ thống triết học nói riêng và khoa học xã hội nói chung, nêu những giá trị cần bảo vệ và phát triển sáng tạo, những khiếm khuyết cần được sửa đổi hoặc bổ sung, những điều sai lầm cần loại bỏ.

Trật tự thế giới mới đang hình thành thay thế cho trật tự cũ. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những biến đổi an ninh - chính trị hiện nay là sự mất đi của trật tự cũ hai cực Xô Mỹ và đồi đầu Đông-Tây với ý thức hệ là giới tuyến. Tính chất hòa hoãn, hòa dịu và hợp tác ngày càng chiếm ưu thế trong quan hệ quốc tế. Trật tự cũ mất đi đẻ ra yêu cầu phải lập lại trật tự mới. Do đó, đang diễn ra cuộc cạnh tranh giành vị trí trên bàn cờ quyền lực quốc tế mới. Nguy cơ hủy diệt của vũ khí hạt nhân, kinh nghiệm đau xót của hai cuộc thế chiến và những trả giá trong những tháng năm đối đầu đã khiến chúng ta ngày càng tiến đến nhận thức hòa bình chính là an ninh trong một thế giới đầy rẫy cạnh tranh. Có lẽ trong lịch sử loài người, chưa có khoảng thời gian nào mà lại tập trung nhiều biến đổi to lớn, đa dạng, phức tạp và có ảnh hưởng sáu sắc tới đời sống nhân loại như mấy năm gần đây. Chúng ta đang sống ờ một thời điểm dồn dập các sự kiện, cái cũ chưa kịp mất đi trong khi cái mới chưa kịp định hình. Có thể nói nhiều biến đổi đã diễn ra mà khi sinh thời Mác không thể nào hình dung nổi. Chúng ta là những người được chứng kiến và sống trong những sự kiện đó, vì thế chính chúng ta phải nghiên cứu và rút ra những kết luận cho mình.

Chính trên cơ sở nghiên cứu hàng loạt những vấn đề mới mẻ mà làm chính xác các phạm trù, quy luật và nguyên lý triết học biện chứng duy vật, rút ra những luận cứ khoa học để xây dựng giáo trình quốc gia về triết học nhằm rèn luyện và nâng cao tư duy lý luận, bồi dưỡng thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn cho người Việt Nam.


(1) C.Mác, F.Engen. Tuyển tập, t.1. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 576 – 577.

(2) C.Mác, F.Engen. Tuyển tập, t.2. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 656.

(3) F.Engen. Biện chứng của tự nhiện, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 8

(4) C.Mác, F.Engen. Tuyển tập, t.6. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 603 - 604

(5) V.I. Lênin. Toàn tập, t.15. Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tr. 293 – 294.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiến tới một triết học về hợp tác vì sự giải phóng con người

    22/09/2015Nguyễn Trần BạtVượt thời gian là một khả năng tuyệt vời của nhận thức. Khả năng vượt thời gian cho phép người ta có thể truy đuổi, suy ngẫm về tương lai, hay ít nhất là chuẩn bị tiền đề tâm lý để đi đến với nó. Và ngay cả những người hôm nay đã tìm ra công nghệ để đi đến tương lai nếu trong quá trình tiến đến tương lai tiếp theo, tương lai cấp hai, vẫn khư khư giữ lấy bản đồ án của tương lai thứ nhất thì cũng sẽ trở thành kẻ bảo thủ trong giai đoạn thứ hai này. Cơ sở của công nghệ đi đến tương lai là tư duy không ngừng, lựa chọn không ngừng và loại bỏ không ngừng...
  • Kết hợp giáo dục lý luận với giáo dục lý tưởng đạo đức, cho sinh viên hiện nay

    18/11/2005TS. Nguyễn Ngọc ThuXác định đạo đức là "gốc" của người cách mạng, nó không chỉ là nền tảng nhân cách trong sự thống nhất với tri thức, mà còn là điều kiện tiên quyết để trau dồi tri thức nói chung, nâng cao trình độ lý luận nói riêng...
  • Triết lý môi trường

    01/11/2005Trần Quốc Vượng, Trần Thúy AnhĐịnh nghĩa hay nhất về con người xưa nay vẫn là câu nói của cổ nhân: Nhân thân: tiểu vũ trụ. Không gian Euclide là không gia ba chiều. A.Einstein đã “cắm” thêm vào không gian Euclide một chiều nữa là “chiều thời gian” (cũng là chiều lịch sử) và hình thành nên quan niệm triết học - khoa học “không gian - thời gian liên tục”. Quan niệm “Vũ trụ”, “Không gian thời gian liên tục” như thế thì con người là một “Tiểu vũ trụ” đã thống nhất, hòa đồng với “Đại vũ trụ”, thống nhất hòa đồng thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Đấy chính là tiền đề để ta triết lý về môi trường thời hiện đại...
  • Về nguồn gốc triết học Việt Nam

    28/10/2005TS. Trần Văn KhánhMặc dù một số tài liệu cả trong nước và ở nước ngoài đã nói về triết học Việt Nam(1), song một câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có sự trả lời thống nhất trong giới lý luận - đó là: Việt Nam có triết học không? Nếu có thì đó là triết học gì? Nguồn gốc ra đời, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của nó đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc ta như thế nào?
  • Triết học và cuộc sống

    07/09/2005Lê ThiTrước đây, C.Mác đã nói: "Vũ khí vật chất của triết học là giai cấp vô sản cũng giống như vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản là triết học" (1). Vấn đề đặt ra cho chúng ta ngày nay là làm sao cho triết học Mác - Lênin thật sự trở thành vũ khí tinh thần của nhân dân...
  • Về chức năng dự báo triết học

    24/08/2005Nguyễn Tiến DũngSự đối chiếu lịch sử triết học với lịch sử khoa học tự nhiên cho phép khắng định rằng triết học có những khả năng dự báo trong nghiên cứu khoa học bởi vì nó có thể đưa ra trước những cấu trúc phạm trù sẽ là cần thiết cho sự phát triển không ngừng của khoa học...
  • xem toàn bộ