Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?
Tri thức, đặc biệt là tri thức triết học có tầm bao quát nhiều thời đại, liên kết toàn bộ lịch sử loài người tới từng vấn đề thời sự của mọi nơi, mọi lúc trên hành tinh. Một tiểu luận "Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?" của Immanuel Kant, triết gia Đức viết năm 1783, đặt nền móng cho kỷ nguyên Khai Sáng của nhân loại, vẫn mang những giá trị hết sức thời sự với người Việt chúng ta. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông, nhiều dịch giả đã gửi đăng tại trang web Talawas những bản dịch khác nhau của bài tiểu luận như một sự cố gắng chuyển tải tư tưởng cách mạng này của I. Kant sang tiếng Việt, dành cho người Việt.
Chúng tôi chọn ra 03 bản dịch hay nhất theo nhận định của chúng tôi, đó là bản dịch và chú thích của nhà nghiên cứu Thái Kim Lan, bản dịch của nhà văn Châu Diên và bản dịch của dịch giả Phạm Minh Ngọc.
Xin trân trọng cảm ơn các dịch giả và trang web Talawas. Xin được giới thiệu lại với bạn đọc.
Immanuel Kant (1724-1804)
Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?
(Thái Kim Lan dịch và chú thích)
Immanuel Kant (sinh ngày 22.04.1724 tại Königsberg- Preussen - mất ngày 12. 02. 1804 tại Königsberg-Preussen) thường được xem là triết gia Ðức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến (moderne Kultur) và của nhiều lãnh vực khoa học nhân văn khác. Học thuyết ""Triết học siêu việt" (Transzendental-philosophie) của ông đã đưa triết học Ðức bước vào một kỷ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J.Hirschberger. Trong tương quan với triết học thế giới của thời khai sáng, triết học của ông đã cống hiến những lý thuyết cơ bản cho tư tưởng khai sáng của thời cận đại.
Nhân dịp 200 năm ngày mất của triết gia lỗi lạc này xin giới thiệu tiểu luận "Beantwortung der Frage: Was ist die Aufklärung?" (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Bản tiếng Ðức trong "KANT, WERKE IN XII BAENDEN, XI, THEORIE - WERKAUSGABE, SUHRKAMP 1968, tr 53- 61.Trong bài dịch, những chữ in lớn viết hoa là của chính tác giả, những chữ in đậm do người dịch thêm vào hầu giúp người đọc dễ theo dõi nội dung.
(5. 12. 1783 trang 516 [1] )
KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RA. VỊ THÀNH NIÊN [2]là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude [3] ! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai Sáng.
Lười biếng và hèn nhát là những nguyên nhân, tại sao một phần lớn số người như thế của nhân loại, sau khi thiên nhiên đã giải phóng họ ra khỏi sự chỉ đạo ngoại lai (naturaliter maiorennes) mà suốt đời lại vẫn thích lưu lại trong tình trạng vị thành niên; và là nguyên nhân tại sao thật là dễ dàng cho một số người khác, tự ném mình giao phó mình cho người đỡ đầu. Ở trong tình trạng vị thành niên thì thật là khỏe khoắn. Tôi có một cuốn sách, quyển sách ấy có trí tuệ thay tôi, có một người đỡ đầu linh hồn, người ấy có lương tâm giùm tôi, có một người thầy thuốc, vị ấy chẩn định sự ăn kiêng cho tôi, vv và vv: như thế tôi khỏi phải lo lắng cho chính mình. Tôi không cần phải suy nghĩ bận tâm, nếu tôi chỉ có thể trả tiền; người khác sẽ chu tất cho tôi mọi công việc phiền não. Sự kiện một phần lớn nhất của nhân loại (trong đó có phái rất đẹp) còn cho rằng bước tiến đến trưởng thành, ngoài việc bước ấy rất khó khăn, còn là rất nguy hiểm; điều ấy những người đỡ đầu kia đã lo chu tất, những người đã hết lòng nhận lãnh cho mình trách nhiệm giám thị tối cao trên những kẻ vị thành niên. Sau khi họ đã làm cho đàn gia súc của họ trước hết ngu đần đi, và chăn giữ một cách cẩn thận không cho những sinh vật yên lặng này được phép dám mạo hiểm một bước ra khỏi chiếc xe kéo, trong đó họ giam những sinh vật ấy; sau đó họ chỉ cho những kẻ ấy sự hiểm nguy đang đe doạ, nếu những người này tìm cách đi một mình. Thật ra thì chính sự nguy hiểm này cũng không to tát chi cho lắm, bởi lẽ những kẻ ấy rốt cùng cũng sẽ học đi trong một vài trường hợp; tuy nhiên chỉ một thí dụ theo cách ấy cũng có thể làm rụt rè nhũn lòng, và thường làm nhát sợ xa lánh tất cả những bước thăm dò khác.
Như thế thật là khó khăn cho mỗi một người, tự mình gắng sức vươn lên để thoát ra khỏi tính vị thành niên hầu như đã trở thành một bản tính tự nhiên cho mình. Người ấy lại còn đâm ra yêu thích tính ấy và thật sự không còn khả năng để tự sử dụng trí tuệ của chính mình, bởi vì người ta đã không bao giờ để cho người ấy làm thử. Những nội qui và những công thức, loại dụng cụ máy móc cho công dụng hợp lý hay đúng hơn cho sự lạm dụng năng khiếu tự nhiên ấy, đều là những xích chân của một tình trạng vị thành niên dai dẳng vĩnh viễn. Kẻ nào vất bỏ nó đi, kẻ ấy cũng sẽ chỉ làm một bước nhảy không chắc chắn qua cái hố nhỏ hẹp, bởi vì kẻ ấy không quen làm động tác tự do theo kiểu ấy. Cho nên chỉ có một số ít thành công trong việc tự giải tỏa mình ra khỏi tình trạng vị thành niên qua sự thao luyện tinh thần, và tạo ra một bước đi vững chãi.
Nhưng sự kiện một QUẦN CHÚNG (Publikum) tự mình khai sáng cho mình, điều ấy có triển vọng; vâng điều ấy, nếu người ta chỉ để cho công chúng ấy TỰ DO thôi, hầu như chắc chắn có thể thực hiện được. Bởi vì trong trường hợp ấy sẽ luôn luôn tìm ra được một vài nhà tư tưởng độc lập, ngay cả trong nhóm những người đỡ đầu có nhiệm vụ canh chừng đống gia súc lớn kia, những người sau khi đã tự tay vất bỏ cái gông vị thành niên, họ sẽ quảng bá quanh mình tinh thần biết đánh giá hợp lý về giá trị thực sự và khuynh hướng thiên phú của mỗi con người nằm ở tư duy tự lập. Ðặc biệt ở đây là: nhóm công chúng trước đó bị những người đỡ đầu đưa vào gông cùm, chính công chúng này sau đó lại bắt buộc những người kia ở lại trong gông, nếu họ bị khiêu khích phải hành động như thế do một vài kẻ trong những người đỡ đầu ấy tự mình không có khả năng khai sáng; gieo trồng những định kiến thật tai hại đến như thế, bởi vì chúng sẽ trả thù lại chính những kẻ đã gây ra qua nhiều thế hệ. Do đấy quần chúng có thể chỉ nên dần dần đạt đến khai sáng mà thôi. Khai sáng bằng một cuộc cách mạng có lẽ sẽ chỉ đem đến sự truất phế một chế độ chuyên chế độc tài và sự đàn áp đầy tham muốn hưởng lợi và cai trị người khác của cá nhân độc tài, nhưng không bao giờ đem đến một sự sửa đổi chân chính thật sự cho cách thế tư duy cả; ngược lại những định kiến mới lại sẽ được sử dụng giống hệt như những cái cũ dùng để làm đường lối chỉ đạo cho đám lau nhau vô đầu óc kia.
Thực hiện khai sáng này không đòi hỏi gì hơn ngoài TỰ DO và là một tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, đó là: hoàn toàn có thể SỬ DỤNG CÔNG KHAI LÝ TRÍ CỦA CHÍNH MÌNH. Thế nhưng giờ đây tôi nghe khắp mọi phiá đều kêu lên: ÐỪNG CÓ LÝ LUẬN! Ông sĩ quan nói: đừng lý luận, hãy thực hành! Ông cố vấn tài chánh: đừng lý luận! Hãy móc túi trả tiền! Nhà tôn giáo: đừng lý luận, hãy tin tưởng! (chỉ có một Ngài trên thế giới nói: HÃY LÝ LUẬN nhiều như các người muốn và về những gì các người thích; nhưng HÃY VÂNG LỜI!) Theo trên sự giới hạn tự do xảy ra ở tất cả các lãnh vực. Nhưng giới hạn nào sẽ cản trở sự khai sáng? giới hạn nào không cản trở mà ngược lại còn hỗ trợ nó? - Tôi trả lời: sự sử dụng CÔNG KHAI của lý trí phải được TỰ DO bất cứ lúc nào, và chỉ có nó mới có thể đem lại khai sáng đến với con người; còn sự sử dụng RIÊNG TƯ của lý trí thì có thể nhiều khi nên được giới hạn rất chặt chẽ mà không làm cản trở đặc biệt bước tiến của khai sáng. Nhưng tôi hiểu dưới sự sử dụng công khai lý trí của chính mình là sự sử dụng mà một người với tư cách là HỌC GIẢ có thể vận dụng lý trí trước tòan thể công chúng của THẾ GIỚI ÐỘC GIẢ. Tôi gọi sự sử dụng là riêng tư để chỉ sự sử dụng mà người học giả trong CHỨC VỊ công dân hay nhiệm sở mà người ấy được tín nhiệm giao cho. Ta nhận rằng, một số công việc có liên hệ đến quyền lợi cộng đồng cần có một guồng máy phục vụ, nhờ phương tiện đó một vài phần tử của cộng đồng chỉ cần hành sự một cách thụ động, để tạo nên một sự nhất trí giả tạo nào đó cho chính quyền nhằm phục vụ cho những mục đích công khai hay ít nhất để tránh sự phá hoại những mục đích ấy. Dĩ nhiên ở đây không được phép lý luận; mà phải tuân lời. Nhưng bao lâu phần tử của guồng máy đồng thời cũng là phần tử của cả cộng đồng, và hơn nữa của cả xã hội công dân thế giới, với phẩm cách của một người học giả, đang hướng về độc giả với những tác phẩm văn học trong tinh thần tự lập: trong trường hợp này nhất thiết người ấy có thể lý luận, mà không vì thế công vụ bị phiền nhiễu, công vụ này ông được ủy nhiệm phần nào với tư cách một hội viên thụ động. Cho nên trong trường hợp của vị sĩ quan, sẽ rất có hại, nếu người ấy đang được lệnh của cấp trên phải thi hành một lệnh để phục vụ cho mục đích và ích lợi của lệnh ấy mà lại muốn lý luận oang oang; người ấy phải vâng lời. Nhưng với tư cách là học giả thì khả dĩ có thể dành cho người ấy quyền nhận xét về những lỗi lầm trong công tác phục vụ chiến tranh và trình bày những nhận xét ấy trước công chúng để họ phán đoán. Người công dân không thể cưỡng lại không làm những việc mà anh ta được giao phó trách nhiệm; ngay cả một lời trách cứ vui vui về những công việc, khi chúng được giao phó cho anh ta có bổn phận phải hoàn thành, một lời trách cứ nhẹ thôi cũng có thể bị trừng phạt như một một điều bêu riếu (có thể gây nên những trường hợp bất tuân lệnh tổng quát). Nhưng chính người ấy sẽ không hành động ngược lại với bổn phận của một người công dân, nếu người ấy với tư cách của một học giả công khai dám phát biểu tư tưởng của mình chống lại sự vụng về hay sự bất công của những điều luật đưa ra. Cũng thế một người linh mục có bổn phận phải diễn giải cho môn sinh thụ giáo lý và giáo xứ của ông biểu tượng của nhà thờ mà ông ta phục vụ; bởi vì ông đã được thâu nhận với những điều kiện trên. Nhưng với tư cách học giả ông không những có đầy đủ tự do, vâng mà còn thấy đó là một nhiệm vụ hợp lý trong việc thông tin cho quần chúng tất cả những tư tưởng đã được kiểm điểm chặt chẽ và đầy thiện ý về tính cách sai lầm của biểu tượng kia, cũng như những đề nghị cho sự xây dựng tốt hơn thực thể tôn giáo và nhà thờ. Nơi đây không có gì có thể gây phiền toái cho lương tâm cả. Bởi vì những gì ông truyền dạy tuân theo chức vụ nhiệm sở của mình với tư cách là người thi hành công việc của nhà thờ, điều đó ông đã thuyết giảng trong giới hạn của bổn phận, trong đó ông không có chủ lực tự do để giảng dạy theo tư tưởng của riêng ông, và được chỉ định phải diễn giải theo với các điều lệ và nhân danh của một cá nhân khác. Ông ta sẽ nói rằng: nhà thờ của chúng ta dạy điều này hay điều nọ; đây là những dẫn chứng mà nhà thờ sử dụng... Sau đó ông ta rút ra tất cả những ích lợi cho giáo đồ từ những nội qui, mà chính ông sẽ không ký tên với tất cả sự thuyết phục, mặc dù ông có thể làm một vài diễn văn về đề tài đó, bởi lẽ có thể trong đó cũng có một phần nào chân lý, trong đó hoàn toàn không bao hàm điều gì mâu thuẫn với tôn giáo nội tâm của ông. Bởi vì nếu ông ta tìm thấy trong đó điều gì mâu thuẫn với tôn giáo nội tâm thì ông ta sẽ không thể điều hành chức vụ của mình với lương tâm yên ổn được, ông ta phải từ chức. Như thế sự sử dụng lý trí mà một vị Thầy giáo nhậm chức thực hiện trước nhóm quần chúng của ông chỉ là một SỰ SỬ DỤNG RIÊNG TƯ, vì nhóm quần chúng này vẫn chỉ là một cuộc tập họp nội gia, dù cho có lớn đến bao nhiêu; và trong tương quan với nó ông ta với tư cách là nhà giảng đạo, không tự do, cũng không được phép tự do, bởi vì ông ta đang thực hiện một công việc ngoại lai. Ngược lại với tư cách một học giả nói với công chúng thực sự, công chúng ấy là toàn thế giới, qua các tác phẩm của mình, và do đó là vị linh mục trong việc SỬ DỤNG CÔNG KHAI lý trí của mình, vị ấy phải được hưởng một tự do không hạn chế dùng lý trí của chính mình và phát ngôn trong nhân cách của riêng mình. Bởi lẽ sự kiện chính các người đỡ đầu của nhân dân (trong những việc tinh thần) lại cũng vị thành niên, là một sự lạc vần, chạy dài đến vô cực của sự lạc điệu.
Nhưng một tập đoàn của những vị linh mục, ví dụ một đại hội nhà thờ, hay giai cấp (Classis) đáng kính (như họ tự mệnh danh như thế giữa người Hoà Lan) có nên được có thẩm quyền tuyên thệ với nhau tự cho mình có bổn phận đối với một biểu tượng nào đó bất di bất dịch, để thực hành càng mạnh hơn một chính sách đỡ đầu tối cao trên đầu mỗi người trong hội viên của họ và qua đó trên đầu nhân dân, và từ đó vĩnh viễn hoá chính sách ấy không?
Tôi nói: điều ấy hoàn toàn không thể được. Một thoả ước hầu chận đứng vĩnh viễn tất cả những khai sáng lâu dài hơn của loài người, được ký kết như thế, là tuyệt đối không được và không thể có được; và ngay cả trong trường hợp nó được xác nhận bởi một quyền lực tối cao, bởi hội đồng nhà nước và những hiệp ước hoà bình trọng thể nhất. Một thời đại không thể tự cấu kết với nhau và thề nguyền đặt thời đại kế tiếp trong một tình trạng, mà trong đó đối với thời đại đi sau mọi khả năng mở rộng những tri thức còn nhất thời, để tẩy sạch những sai lầm, và có thể tiến xa hơn trong sự khai sáng đều bị tiêu diệt. Ðiều đó sẽ là một tội ác nghịch lại bản chất con người, mà định nghiã nguyên thủy của nó nằm chính trong sự tiến bộ ấy; và như thế những kẻ hậu sinh hoàn toàn có quyền bác bỏ những quyết định đã được chấp nhận một cách vô thẩm quyền và càn bậy. Viên đá thử của tất cả những gì được xem là luật pháp quyết định trên nhân dân, đều nằm trong câu hỏi: rằng người dân có thể tự mình bó buộc vào một thứ pháp luật như thế không? Ðiều này có thể có trong một giai đoạn ngắn, trong khi chờ đợi một luật pháp tốt hơn, hầu tạo ra một trật tự nhất định nào đó; đồng thời người ta dành cho mỗi một người công dân, nhất là người linh mục được tự do, với tư cách của một nhà học giả, công khai, có nghĩa là qua những tác phẩm văn học, trình bày những nhận xét của ông về sự sai lầm của tổ chức ngày trước, trong lúc ấy trật tự đã được thiết lập vẫn còn luôn luôn tồn tại, cho đến khi nhận thức về sự hình thành của các tổ chức ấy đạt đến mức kiện toàn và được xác nhận rằng nhận thức ấy qua sự thống nhất của các tiếng nói (nếu không phải là của tất cả) có thể đưa ra trước ngai vàng một đề nghị, để bảo vệ cho những giáo xứ đã đồng ý với nhau sau khi nắm vững tri thức toàn thiện hơn về một cơ sở tôn giáo được thay đổi, mà không cản trở những giáo xứ vẫn còn bằng lòng với hình thức cũ. Nhưng thỏa thuận với nhau về một hiến chương tôn giáo cố định bất di bất dịch, không ai được quyền nghi ngờ một cách công khai, dù chỉ trong vòng thời gian của một đời người, và qua đấy đồng thời tiêu hủy một khoảng thời gian về sau dành cho sự tiến hoá của nhân loại trong hướng cải thiện, và làm cho vô hiệu quả, từ đó làm thiệt hại cho thế hệ sau, là một điều nhất thiết không được phép. Cho cá nhân mình, và cũng chỉ trong một thời gian ngắn, trong lúc phải tìm hiểu học hỏi, một người có thể hoãn lại sự khai sáng; nhưng triệt tiêu sự khai sáng, dù cho một cá nhân, mà hơn nữa còn cho cả thế hệ hậu sinh, điều ấy có nghiã vi phạm và chà đạp quyền thiêng liêng của nhân loại.
Vả chăng điều gì mà một dân tộc không bao giờ được phép quyết định cho chính mình, điều ấy một vị quân vương càng ít được quyền quyết định trên đầu của dân tộc hơn nữa; bởi vì uy tín ban hành luật pháp của ông thật sự nằm ở điểm ông là người hợp nhất toàn thể ý muốn của nhân dân. Nếu ông chỉ chú ý đến điều này: tất cả sự cải thiện chân thật hay sai lạc đều tồn tại chung với trật tự công dân: như thế ông chỉ cần để cho những kẻ bề tôi của ông tự ý làm những điều mà họ thấy cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn của họ; điều đó không can dự gì đến ông, nhưng có lẽ để đề phòng người này ngăn cản kẻ khác một cách bạo động, không cho kẻ ấy xây dựng số phận và sự thăng tiến của mình theo với khả năng riêng của người ấy. Vị quân chủ ấy sẽ làm thiệt hại uy thế đế vương, nếu ông ta cũng xen vào việc ấy, bằng cách đánh giá những tác phẩm theo sự giám thị của chính quyền ông, những tác phẩm mà nhờ đó kẻ thần dân của ông tìm cách thâu lượm những nhận thức trung thực, cũng như nếu ông phán xét từ nhận thức cao siêu nhất của chính riêng ông, chính ở đó ông sẽ bị người ta trách thán theo thành ngữ: ông vua không đứng trên những nhà văn phạm (Caesar non est supra grammaticos); cũng như thế trong những trường hợp kế tiếp, nếu ông hạ thấp quyền lực tối cao nhất của mình đến mức độ hỗ trợ chính thể chuyên chế tôn giáo của vài kẻ độc tài trong quốc gia của ông đối với những thần dân khác của ông.
Bây giờ nếu có câu hỏi đặt ra: Có phải chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai sáng không? Câu trả lời sẽ là: Không, nhưng chúng ta đang ở trong một thời đại của sự khai sáng!
Trong tình hình hiện tại, nói chung sự kiện con người có khả năng hay có thể được hướng dẫn vào trong khả năng ấy để tự vận dụng một cách vững chắc và thuần thục trí tuệ của mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác trong những vấn đề tôn giáo, chính nơi đây vẫn còn thiếu sót rầt nhiều. Có điều bây giờ một cánh đồng đã được khai hoá cho con người có thể tự thân bồi đắp một cách tự do và những trở ngại ngăn cản sự khai sáng tổng quát hay sự thoát ly ra khỏi tình trạng vị thành niên do tự mình gây ra dần dần trở nên ít hơn, về những điều ấy chúng ta thấy có những dấu hiệu thật rõ rệ. Trong nhận xét ấy, thời đại này là thời đại của khai sánghay thế kỷ của FRIEDRICH [4] .
Một vị lãnh chúa, đã không thấy điều ấy là không xứng đáng cho mình, khi nói rằng, ông xem đó là BỔN PHẬN của ông, trong vấn đề tôn giáo không truyền lệnh cho con người, mà để họ hoàn toàn tự do trong việc ấy, cũng là người từ chối không nhận cho mình danh hiệu cao ngạo là BAO DUNG (Toleranz): chính vị lãnh chuá này đã được khai sáng và xứng đáng được cả thế giới hôm nay và thế giới mai sau đầy biết ơn ca ngợi là người đã giải phóng lần đầu tiên loài người ra khỏi tình trạng vị thành niên, ít nhất là từ phía chính quyền, và để cho mỗi người tự do, tự sử dụng lý trí của chính mình trong tất cả những gì thuộc vấn đề lương tâm. Dưới quyền ông, với tư cách của người học giả, những nhà linh mục đáng kính được quyền trình bày một cách tự do và công khai cho thế giới kiểm thảo những phán đoán và nhận thức của họ về những điểm vượt ra ngoài biểu tượng nhà thờ đã được công nhận; nhưng còn hơn thế nữa, dưới trướng của ông, mỗi một người không bị giới hạn vì bổn phận nhiệm sở đều được hành động như thế. Tinh thần tự do này cũng lan rộng ra ngoài giới hạn, ngay ở nơi mà nó phải tranh đấu với những chướng ngại bên ngoài của một chính phủ tự ngộ nhận mình. Bởi vì một thí dụ sẽ làm gương giác ngộ cho chính quyền ấy: rằng với tự do sẽ không có điều gì đáng lo sợ cho sự an dân công khai và sự nhất trí của cộng đồng cả. Con người tự mình dần dần sẽ rèn luyện mình vươn lên khỏi tính thô sơ, nếu người ta không cố ý nắn nót giả tạo để giữ con người lại trong trạng thái thô sơ ấy.
Tôi đã đặt điểm chính của sự khai sáng, trong nghiã sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra, chủ yếu trong tương quan với những vấn đề tôn giáo: bởi vì đối với nghệ thuật và các ngành khoa học những người lãnh đạo của chúng ta không quan tâm đóng vai người đỡ đầu trên đầu kẻ tôi tớ của họ. Hơn nữa, cũng chính vì tình trạng vị thành niên trong tôn giáo không những là tình trạng tai hại nhất mà còn là tình trạng làm ô nhục nhất. Nhưng đường lối tư duy của một vị nguyên thủ quốc gia, nhân vật ưu việt cho trường hợp trên đây, còn đi xa hơn nữa và nhận chân được rằng: ngay cả trong tương quan với sự BAN HÀNH LUẬT PHÁP của ông thật sự không có gì nguy hiểm, khi cho phép người dân được quyền SỬ DỤNG CÔNG KHAI lý trí của mình, cũng như trình bày cho thế giới biết những tư tưởng của họ về sự biên soạn hoàn hảo hơn cho bộ luật kia, ngay cả với một sự phê bình khoáng đạt tự do về những điều đã có sẵn; chúng ta đã có một thí dụ sáng ngời về cách suy nghĩ trên, thí dụ cho thấy chưa có một vị quân chủ nào đi trước người mà chúng ta ngưỡng kính.
Nhưng cũng chỉ có người nào - chính mình đã được khai sáng,- không sợ bóng tối, và đồng thời có trong tay một đội quân đông đảo, có tinh thần kỷ luật nhằm bảo đảm sự an bình công khai, chỉ có người ấy mới có thể nói điều mà một quốc gia tự do (Freistaat) không dám mạo hiểm: HÃY LÝ LUẬN, NHIỀU NHƯ CÁC NGƯỜI MUỐN, VÀ VỀ NHỮNG GÌ CÁC NGƯỜI THÍCH; CHỈ NÊN VÂNG LỜI! Lời tuyên bố cho thấy một đường lối nhân sinh bất ngờ đáng kinh ngạc, hơn nữa nếu quan sát nó trong đại thể, thì hầu như tất cả mâu thuẫn đều bao hàm trong đó. Một cường độ khá lớn cho TỰ DO công dân có vẻ thuận lợi cho TỰ DO của tinh thần dân tộc nhưng đồng thời cũng đặt cho TỰ DO (dân tộc) này những giới hạn không thể vượt qua: một cường độ ít hơn của thứ tự do kia ngược lại có thể tạo ra cho tự do này khoảng không gian, có thể phóng rộng khả năng của nó ra tất cả mọi hướng. Bởi vì một khi thiên nhiên đã bóc ra hạt nhân nằm dưới cái vỏ cứng mà thiên nhiên đã chăm lo cho nó một cách nâng niu nhất, hạt nhân của lòng yêu TƯ DUY TỰ DO và chức năng thiên phú TƯ DUY TỰ DO: như thế dần dần hạt nhân này sẽ tác động trở lại trên cách thế cảm tính của nhân dân (nhờ đó nhân dân từ từ trở nên có khả năng TỰ DO để HÀNH ÐỘNG) và cuối cùng tác động ngay lên cả những nguyên tắc của chính quyền, một chính quyền bấy giờ nhận ra được rằng, đối xử con người theo đúng với phẩm cách của con người, con người như một thực thể hơn máy móc, thật là ích lợi cho chính thể.
I. Kant, Königsberg tại Preussen, ngày 30 tháng 9 năm 1784
[1]Chú thích của người dịch: tiểu luận này I. Kant đã viết để trả lời câu hỏi "Khai sáng là gì?"mà Linh muc Zoellner đặt ra trong bài viết của ông đăng trong tờ Nguyệt san Bá linh ngày 5. 12. 1783 trang 516, như chính Kant đã chú thích sau tựa đề: * Ghi chú trên về số trang (516) của tờ nguyệt san "Berlinische Monatsschrift" (Nguyệt san Bá linh) liên quan đến lời nhận xét sau đây trong bài viết đã đăng trong tờ báo ấy của ông linh mục Zoellner "Lành mạnh hoá sự kết hôn theo nhà thờ có thuận lợi hay không?", ông ta viết: "KHAI SÁNG LÀ GÌ? Câu hỏi này hầu như cũng quan trọng không kém câu hỏi: CHÂN LÝ là gì, cần phải được trả lời thoả đáng trước khi người ta khởi công khai sáng! Tuy nhiên tôi đã không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ấy ở đâu cả!"
[2]Vị thành niên: dịch nghĩa từ tiếng Ðức "Unmündigkeit". Ở đây tưởng nên nêu ra sự khác biệt tư tưởng nằm trong cách dùng chữ chỉ trạng thái "trưởng thành hay "không trưởng thành" của con người. Trong lúc thành ngữ "vị thành niên" theo tiếng Hán Việt dùng để chỉ tình trạng chưa trưởng thành của một con người tính theo năm tháng trên phương diện sinh vật lý thiên nhiên, trong ngôn ngữ Ðức có hai cụm từ: "volljährig" = thành niên theo năm tháng và "mündig" = trưởng thành trong tư tưởng và hành động. Từ ngữ Ðức "Unmündigkeit" được tạo thành từ chữ gốc"MUND" có nghiã là MỒM, MIỆNG, từ đó tĩnh từ "mündig" dùng để chỉ những gì thuộc về lãnh vực MỒM MIỆNG, hay nói cách khác thuộc về lãnh vực TIẾNG NÓI, PHÁT NGÔN, theo nghiã bóng một người là "mündig" có nghiã là người ấy trưởng thành, hay nói khác đi người ấy biết "ăn nói" vững vàng và có tiếng nói trong xã hội như một người công dân. Ðiều lý thú là trong ngôn ngữ dân gian Việt nam chúng ta cũng có một thành ngữ để chỉ thái độ ứng xử của một người chứng tỏ đã trở nên khôn ngoan trưởng thành tương tự như tiếng Ðức: người ấy biết "ĂN NÓI" hay "biết ăn biết nói biết gói biết mở". Danh từ "MÜNDIGKEIT" được tạo thành từ tĩnh từ "mündig" có nghiã là TRƯỞNG THÀNH (trong NGÔN TỰ, trong cách ĂN NÓI), cho thấy quan niệm của người Ðức về sự trưởng thành, hay sự thành NHÂN nằm ở cung cách ĂN NÓI, PHÁT NGÔN của mỗi con người, xa hơn nữa trên phương diện chính trị là người được quyền có tiếng nói (Stimme) trong việc bầu cử. Tình trạng ngược lại là "Unmündigkeit", không trưởng thành. Một người chưa trưởng thành về cách ĂN NÓI cần phải có một nguời đỡ đầu trước pháp luật, tiếng Ðức gọi là "VORMUND ", "VOR" là trạng từ chỉ nơi chốn hay thời gian có nghiã là: Ở TRƯỚC, ÐẰNG TRƯỚC, TRƯỚC ÐẤY. Người "Ở TRƯỚC MIỆNG" được gọi là ngưòi đỡ đầu, theo đó chức vụ của người đỡ đầu là nói thay cho những người chưa trưởng thành.
Kant đã xử dụng chữ "UNMÜNDIGKEIT" trong lúc lý giải tinh thần khai sáng, bởi vì theo ông yếu tính của KHAI SÁNG nằm ở KHẢ NĂNG, Ý CHÍ (CAN ÐẢM CƯƠNG QUYẾT) và QUYỀN ĂN NÓI của mỗi con người khi đã rời khỏi tình trạng NÓI THEO vị thành niên - để có thể TỰ MÌNH PHÁT NGÔN ÐỘC LẬP khởi từ sự suy nghĩ tự lập của mỗi người. Từ đó theo Kant phương tiện thích hợp để khai sáng đại đa số quần chúng là sự quảng bá công khai và rộng rãi các tác phẩm văn chương văn học của những học giả trong quần chúng để giúp quần chúng tự khai sáng thay vì đại đa số quần chúng phải có những vị "VORMUND" nói thay cho họ.
Tiểu luận của Kant cho thấy lập luận suy diễn rất chặt chẽ đi từ ý nghĩa của từng khái niệm, bởi vì chính ngôn ngữ là căn nhà của tư tưởng. Từ đó cũng có thể thấy được nét đặc thù của tư duy và triết học Ðức.
[3]Sapere aude: thành ngữ La tinh: sapere: biết, tri thức. Aude: dám, mạo hiểm: sapere aude: có cam đảm dám biết, dám tri thức.
[4]FRIEDRICH: Vị vua mà Kant nói ở đây là Friedrich II, der Grosse (1712 - 1786), vua nước Ðức- Phổ (Preussen) thời bấy giờ, người đã bảo trợ tinh thần khai sáng trong thời cận đại tại nước Ðức. Ông đã cho phép phong trào khai sáng Pháp (Voltaire, Maupertuis, Lametrie) thành lập một diễn đàn trong viện Hàn Lâm Khoa Học Bá Linh để quảng bá tư tưởng khai sáng, ngay cả những tư tưởng duy vật cực đoan nhất.
Trả lời câu hỏi: Thế nào là giác ngộ?
(Bản dịch của Phạm Toàn)
Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Không trưởng thành là không có khả năng tự mình dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người đỡ đầu. Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán cũng như thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho. Tiếng Latin nói: Sapere aude! có nghĩa "Hãy dũng cảm đem trí năng mình ra dùng!"- thì đó cũng là phương châm của giác ngộ.
Lười và hèn là nguyên nhân khiến cho vô số con người ngay cả khi đã thoát từ lâu khỏi những dắt dẫn tự bên ngoài mà rồi cả đời vẫn cứ cam chịu cảnh lệ thuộc, và đó cũng là nguyên nhân để kẻ khác dễ dàng tự phong cho họ chức lính canh. Sống phụ thuộc như vậy bao giờ cũng thật dễ chịu. Có sách để sách hiểu biết hộ mình, có mục sư để mục sư lo ý thức cho mình, có thầy thuốc để thầy thuốc quyết định cách ăn cách nhịn cho mình, cứ như thế, và chẳng có gì đáng lo sợ hết. Chẳng cần suy nghĩ, chỉ cần bỏ tiền ra, mọi người sẽ làm mọi điều vớ vẩn hộ ta.
Những ông bảo vệ vốn đã ưu ái nẫng lấy cho mình công việc đỡ đầu sớm muộn sẽ thấy rằng phần đông con người (kể cả chị em phái đẹp) thường coi sự trưởng thành là một con đường không những khó khăn mà còn vô cùng nguy hiểm. Mới đầu các ông bảo vệ làm cho đàn gia súc biết ngoan ngoãn nghe lời và đoan chắc rằng chúng chẳng dám làm một điều cỏn con nào mà lại thiếu cái ách kéo xe chòng cổ, sau đó các ông bảo vệ sẽ chỉ cho họ thấy mối hiểm nguy một khi chúng định tìm cách thoát ra để một mình đi đó đi đây. Song thực ra thì mối hiểm nguy đâu có lớn, vì chỉ cần họ thoát ra vài bận là họ liền học đựoc ngay cách tự đi một mình. Nhưng chỉ cần một lần sảy chân là sẽ khiến họ trở nên nhút nhát và thường làm cho họ tránh xa mọi lần thử sức sau này.
Vậy là, thật vô cùng khó khăn cho một cá nhân khi định thoát ra khỏi cách sống không có người đỡ đầu, cái cung cách hầu như đã thành bản chất của họ. Anh ta đã quen đến mức đem lòng yêu tình trạng của mình, và giờ đây anh ta thực sự không có khả năng đem dùng trí năng của mình, vì chưa từng có một ai cho phép anh ta thử làm điều ấy. Những xiềng xích của một sự bảo trợ mãi mãi kéo dài đó là các lệ luật và công thức, những thứ công cụ cứng quèo của cách sử dụng hợp lý (hoặc đúng hơn là cách không biết sử dụng) các năng lực thiên bẩm của mình. Có ai xua đuổi anh ta thì cũng chỉ khiến anh ngỡ ngàng nhảy qua một cái rãnh, vì anh ta chưa bao giờ quen với cách chuyển động tự do như thế. Thế là, có thật ít người thành công khi tự mình suy nghĩ để giải phòng mình khỏi sự bất lực và có được một bước đường chắc chắn.
Có nhiều khả năng mọi người tự giác ngộ được chính mình. Điều này thực ra gần như không tránh khỏi nếu con người được tự do. Bởi vì bao giờ thì cũng vẫn còn một nhóm người ít ỏi suy nghĩ cho chính mình, thậm chí đó là những người nằm ngay trong đám bảo vệ canh giữ đám đông. Những ông bảo vệ đó, một khi chính họ quăng đi được cái ách của sự không trưởng thành, sẽ truyền bá cái tinh thần kính trọng hợp lý đối với giá trị cá nhân và với cái nhiệm vụ mỗi con người phải tư duy cho chính mình. Điều đáng chú ý ở đây là, nếu như quần chúng, những người trước đây đã bị bọn lính gác chòng cái ách lên vai họ, nay lại đủ sức bị khuấy động bởi vài ba ông lính canh không có khả năng giác ngộ, khi ấy hệ quả sẽ là họ sẽ cầm giữ được các ông lính gác dưới chòng ách. Vì truyền bá các định kiến thật rất tai hại, cuối cùng chúng sẽ quật lại vào đầu chính những con người đã khuyến khích các định kiến (hoặc những kẻ trước đó đã từng làm như vậy). Và thế là mọi người chỉ có thể được giác ngộ từ từ. Một cuộc cách mạng rất có thể lật đổ một nền chuyên chế cá nhân hoặc một sự áp bức tham lam hoặc bạo hành, nhưng sự thay đổi như vậy không khi nào tạo ra một sự đổi mới đích thực về cung cách tư duy. Hơn nữa, những định kiến mới sẽ lại được dùng như cũ để đóng ách lên đám đông quần chúng chẳng có tư duy gì hết.
Để thực sự được giác ngộ thì chẳng đòi hỏi gì ngoài sự tự do, và đó là cái tự do vô hại nhất trong những thứ có thể công khai đem dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề. Nhưng tôi đang nghe thấy khắp bốn phương đang la lên "Không lý sự gì hết!" Ông sĩ quan nói: "Không lý sự gì hết, luyện kỹ năng đi!" Ông thu thuế nói: "Không lý sự gì hết, nộp tiền đi!" Ông thầy tu nói: "Không lý sự gì hết, hãy tin đi!" Chỉ có một ông hoàng trên thế giới này nói rằng "Tha hồ mà lý sự đi, hãy lý sự đủ mọi chuyện đi, nhưng hãy phục tòng!"
Khắp nơi nơi, đâu đâu tự do cũng bị bớt xén. Nhưng đâu là chỗ bớt xén làm cản trở sự giác ngộ và đâu là chỗ bớt xén nhưng không cản trở mà lại còn thúc đẩy sự giác ngộ? Tôi cho rằng, bao giờ cũng phải tự do công khai đem dùng trí năng, và chỉ riêng điều đó cũng đem lại được sự giác ngộ đến cho con người. Còn nếu trí năng được đem dùng riêng tư thường khi có thể rất hạn hẹp song cũng chẳng cản trở tiến trình giác ngộ. Tôi quan niệm rằng, công khai đem dùng trí năng là như trong trường hợp người có học đối với những người biết đọc sách. Còn tôi quan niệm dùng trí năng riêng tư là khi dùng trên cương vị riêng của mình hoặc trong văn phòng của mình.
Có nhiều vụ việc tiến hành vì quyền lợi của cộng đồng đòi hỏi phải có một cơ chế để những thành viên cộng đồng chỉ cần thực thi thụ động với một bề ngoài nhất trí, sao cho chính phủ có thể dắt dẫn tất cả đến cái đích cuối cùng, hoặc chí ít là ngăn cản để không làm tổn hại những mục đích tối hậu kia. Trong những trường hợp này, hẳn là không được phép lý sự - mọi người ai cũng phải phục tùng. Thế nhưng chừng nào một cá nhân còn vận hành như một bộ phận của cỗ máy lại cũng tự coi mình như một thành viên của cả khối cộng đồng hoặc thậm chí của một xã hội công dân thế giới, và khi ấy, với tư cách người có học, qua các bài viết của mình anh ta sẽ hướng tới quần chúng (theo ý nghĩa đúng đắn nhất), khi đó anh ta có thể bàn bạc lý sự mà không làm tổn thương gì đến công việc anh ta được thuê làm trong cái thời gian anh ta hoạt động trong tư cách thành viên thụ động của mình.
Vậy là sẽ có tác hại khi một viên sĩ quan đang hành nhiệm mà khi nhận mệnh lệnh của cấp trên lại bàn tán lý sự về tính đúng đắn hoặc tính hữu ích của mệnh lệnh ấy; ông ta chỉ có quyền phục tùng thôi. Nhưng thật hợp lý khi không cấm anh ta với tư cách con người có học được đưa ra những nhận xét về những sai lầm trong việc quân và đưa những chuyện đó ra cho quần chúng phán xét. Người công dân cũng không thể từ chối nghĩa vụ đóng thuế; những lời phê phán táo tợn về các khoản thuế má mà anh ta phải nộp có thể bị trừng trị vì coi như là sự xúc phạm khả dĩ dẫn tới sự bất phục tòng của đông đảo mọi người. Song cũng con người ấy vẫn làm đúng nghĩa vụ công dân của mình một khi trong tư cách con người có học anh ta nói công khai các tư tưởng của mình về sự không đúng đắn hoặc thậm chí về sự bất công của những biện pháp thu thuế ấy.
Tương tự như vậy, người giáo sĩ có bổn phận rao giảng trước học trò và giáo dân của mình theo đúng những giáo thuyết Nhà thờ ông ta phụng sự, bởi vì ông ta được thuê làm việc đó theo những điều khoản đó. Thế nhưng, với tư cách người có học, ông ta hoàn toàn tự do và cũng hoàn toàn bị buộc phải chia sẻ với quần chúng mọi suy tư chín chắn và thiện chí về những điều còn lệch lạc trong các giáo thuyết kia nhằm tổ chức tốt hơn việc đạo và giáo dân. Và làm như vậy thì chẳng có gì khiến lương tâm ông ta áy náy hết. Vì những điều ông ta rao giảng được xem như là hệ quả của công việc với tư cách là đại diện của Nhà thờ, và ông không có quyền muốn rao giảng ra sao mặc lòng; đó là công việc ông được thuê làm theo cách được quy định sẵn và tiến hành nhân danh một ai khác. Ông ta sẽ nói: "Nhà thờ của ta dạy điều này điều nọ, và đây là những lý lẽ được dùng để biện hộ chúng." Sau đó, ông ta sẽ trình ra càng nhiều giá trị thực tiễn càng tốt cho dân xứ đạo mình theo, nhưng lại là những tín điều ông hoàn toàn không thực lòng tin nhưng lại chưa khi nào trình bày ra cho rành rẽ rằng thực sự những điều đó khó có thể chứa đựng chút chân lý nào. Xét cho cùng thì chẳng thấy có gì là ngược lại với bản chất của tôn giáo trong các giáo thuyết đó. Vì nếu viên giáo sĩ nhận ra trong đó chút gì nghịch lại như vậy, thì hẳn ông ta chẳng thể nào yên lòng chịu chức và hành nghề, và hẳn sẽ xin từ nhiệm. Do đó, nếu có ai dùng cách của ông giáo sĩ để bàn cãi lý sự trước các giáo dân thì đó cũng chỉ là thuần tuý riêng tư, vì dù có đông đúc tới đâu thì đám giáo dân cũng chẳng khi nào khác một cuộc tập hợp kiểu gặp gỡ trong nhà. Nhìn nhận theo cách đó, vị giáo sĩ không hề và không thể tự do với tư cách giáo sĩ, chỉ vì ông ta hoạt động theo quy định tự bên ngoài. Ngược lại, với tư cách người trí thức qua các bài viết của mình mà nói với đám quần chúng thực thụ (tức là với toàn thể mọi người), người giáo sĩ phô bầy công khai trí năng của mình, và khi đó ông ta có được sự tự do vô hạn độ đem trí năng của riêng mình lên tiếng nhân danh chính mình. Thật là một điều ngu xuẩn nếu giữ rịt các ông lính gác tâm linh nhân dân trong tình trạng không trưởng thành, điều đó rốt cuộc lại làm cho những điều ngu xuẩn được thường xuyên tồn tại.
Thế nhưng liệu có chăng một cộng đồng giáo sĩ, chẳng hạn như hội đồng nhà thờ hoặc một chủng viện danh tiếng (kiểu như ở Hà Lan) có quyền đứng tên tuyên thệ trước một hệ giáo lý vững chãi nhằm giữ cho thời nào cũng có được quyền bề trên đỡ đầu mọi thành viên của mình và thông qua đó duy trì quyền lực bảo hộ đến tất cả mọi người? Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không thể có được. Một hợp đồng dạng đó nhằm vĩnh viễn ngăn chặn mọi khả năng giác ngộ mai sau của nhân loại, đó là điều tuyệt đối không có giá trị ngay cả khi nó được thông qua bởi các cơ quan quyền lực tối cao, các nghị viện, hoặc các hoà ước ký kết trịnh trọng nhất. Một thế hệ này không thể tuyên thệ gia nhập một liên minh để rồi một thế hệ khác bị rơi vào tình trạng không có khả năng mở rộng hoặc điều chỉnh sự hiểu biết của mình, sửa chữa sai lầm và đi con đường tiến dần đến giác ngộ. Làm như vậy có thể coi là một tội ác chống lại bản chất con người, cái bản chất ngay từ khởi nguyên đã chỉ có một nhiệm vụ là tiến đến sự giác ngộ. Những thế hệ mai sau do đó hoàn toàn có quyền khước từ những thoả thuận coi như là không được phép hoặc như là tội ác.
Muốn đo xem liệu một giải pháp riêng biệt nào đó có thể thành luật đem áp dụng cho mọi người, chúng ta chỉ cần nêu câu hỏi là liệu nhân dân có định áp đặt chính giải pháp đó cho họ hay không. Nếu đó là nhằm cho một giai đoạn ngắn định đưa ra một trật tự nào đó trong lúc chờ đợi có một giải pháp tốt hơn, thì rất có thể đưa ra giải pháp áp đặt lắm. Điều này cũng hàm nghĩa là từng công dân, nhất là người giáo sĩ, với tư cách người có học, cần được quyền tự do nêu ý kiến công khai, thí dụ như trong các bài viết, nói lên những điều bất cập của các thiết chế đang tồn tại. Đồng thời, cái trật tự mới xác lập cũng phải được tiếp tục cho tới khi có sự thức tỉnh của quần chúng về bản chất các vấn đề đang diễn tiến đó và đủ độ để chứng minh được là có sự tán đồng rộng rãi (nếu không phải là đồng ý trăm phần trăm), khi đó một kiến nghị có thể được trình lên nhà vua. Làm như vậy thì sẽ bảo vệ được những cộng đồng giáo dân đã đồng ý chẳng hạn như thay đổi thiết chế tôn giáo của họ theo các quan điểm nhận thức cao hơn của họ, đồng thời cũng vẫn không ngăn chặn những ai muốn duy trì sự vật như cũ. Nhưng cũng tuyệt đối không cho phép dù chỉ trong thời gian ngắn đồng ý với một thể chế tôn giáo thường trực mà không một ai có quyền tra vấn công khai. Vì như vậy thì trên thực tế sẽ vô hiệu hoá một chặng đường tiến lên của con người, làm cho nó không sinh kết quả nữa, thậm chí làm hại đến nhiều thế hệ về sau. Con người có thể trì hoãn giác ngộ những vấn đề anh ta cần nhận biết cho mình và trong một giai đoạn không hạn định, nhưng nếu khước từ hoàn toàn sự giác ngộ đó, dù là cho bản thân hoặc cho những thế hệ sau, có nghĩa là vi phạm và chà đạp những quyền năng thiêng liêng của nhân loại. Thế nhưng, có cái gì đó con người thậm chí không thể tự áp đặt cho mình thì lại càng không thể để cho một đấng chuyên chế áp đặt; bởi vì uy quyền về lập pháp của nhà vua hoàn toàn lệ thuộc vào sự hoà làm một giữa ngài với nguyện vọng chung của đám dân của ngài. Chừng nào ngài còn thấy đó hoàn toàn là chân lý hoặc ngài hình dung ra những điều cải thiện phù hợp với trật tự của người dân, thì ngài có thể hoặc là để cho thần dân mình làm mọi điều họ thấy là cần thiết nhằm cứu vớt chính họ, không coi đấy là việc riêng của nhà vua. Nhưng nhà vua lại có nhiệm vụ phải chặn lại bất kỳ ai cố tình ngăn chặn kẻ khác đang gắng sức xác định và nâng cao khả năng cứu rỗi chính họ. Nhà vua thực ra sẽ bớt giá trị một khi can thiệp vào các việc này và cứ bị lệ thuộc vào những điều thần dân viết ra để nói rõ các ý tưởng về tôn giáo cho bề trên xét. Nhà vua có thể làm điều này khi nhận chân ý nghĩa câu châm ngôn "Đấng tối thượng thì cũng không đứng trên luật lệ" (Caesar non est supra grammaticos). Song nhà vua sẽ chỉ làm mất uy danh mình khi ngài ủng hộ sự chuyên chế về tinh thần cuả vài ba tên bạo chúa chống lại đám thần dân còn lại.
Nếu có ai hỏi chúng ta "Hiện nay chúng ta có đang sống trong một thời đem lại cho con người sự giác ngộ?", thì câu trả lời là "Không", nhưng chính là chúng ta lại đang sống trong một thời khai sáng. Giờ đây, chúng ta còn xa mới đến chỗ mọi con người có đủ khả năng (hoặc có thể có được khả năng) dùng trí năng của mình một cách đúng đắn và tự tin vào những vấn đề tôn giáo mà không cần người chỉ bảo. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ số khác cho thấy rõ ràng rằng con người có thể tự do tiến lên theo hướng đó, và ngày càng ít đi những trở ngại để đạt tới sự giác ngộ đầy đủ, tức là tới chỗ con người thoát ra khỏi tư thế kẻ không trưởng thành. Về phương diện này, thời đại chúng ta là thời khai sáng, thế kỷ của hoàng đế Frederick.
Một ông hoàng không thấy rằng mình không xứng đáng có nghĩa vụ không áp đặt gì hết cho mọi người về những vấn đề tôn giáo mà trao cho họ trọn vẹn tự do, một ông hoàng khi đó thậm chí không nhận rằng mình là kẻ khoan dung, thì đó là một con người đã giác ngộ và đáng được thế giới và hậu thế biết ơn như là kẻ đầu tiên giải phóng nhân loại khỏi trạng thái không trưởng thành và để cho mọi con người tự do dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề thuộc ý thức của họ. Dưới sự trị vì của ông hoàng đó, các chức sắc nhà thờ, bất kể chức vị nào, với tư cách là người có học, có thể tự do và công khai để cho mọi người đánh giá các nhận định và ý kiến của mình, kể cả khi nơi này nơi khác việc làm có chệch hướng so với giáo thuyết chính thống. Điều này lại càng áp dụng được mạnh hơn với mọi người không kể chức trách nào. Tư tưởng tự do này sẽ vượt xa hơn mảnh đất này, thậm chí đến cả những nơi nó phải đấu tranh chống lại những cản trở áp đặt bởi những chính phủ nào vẫn còn hiểu sai chức năng của họ. Vì chỉ thấy một cái mẫu là đủ để mở mắt cho các chính phủ kia thấy rằng tự do là có thật và là nguyên nhân của thanh bình, ổn định của cả cộng đồng. Con người sẽ tự mình dần dần thoát ra khỏi sự mông muội một khi những điều giả tạo cố tình không còn kìm giữ họ lại được trong vòng mông muội đó nữa.
Tôi lấy tiêu điểm là các vấn đề tôn giáo để nói về sự giác ngộ, tức là vấn đề con người thoát ra khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Sở dĩ làm như vậy trước hết là vì các nhà cầm quyền của ta không chú ý đến việc giữ vai trò lính canh thần dân đối với những vấn đề hiện đang được khoa học và nghệ thuật quan tâm, và sau đó là vì sự không trưởng thành về tôn giáo là thứ nguy hiểm chết người và làm ô danh con người nhất hạng. Nhưng thái độ tư duy của người nguyên thủ quốc gia ủng hộ tự do cho nghệ thuật và khoa học còn mở rộng đi xa hơn nữa, vì ông ta thấy rằng chẳng có gì nguy hiểm ngay cả cho quyền hành của mình khi ông ta cho thần dân có quyền công khai sử dụng trí năng của họ để đưa ra trước quần chúng các tư tưởng của mình về những cung cách làm luật pháp tốt hơn, ngay cả khi đó sẽ có những lời phê phán trực diện đối với luật pháp hiện thời. Trước mặt chúng ta là một mẫu mực về chuyện đó, chuyện không một nhà cầm quyền chuyên chế nào có thể vượt xa hơn đấng quân vương chúng ta đang trọng vọng.
Nhưng chỉ khi nào một người cầm quyền tự mình đã giác ngộ và chẳng sợ gì ma quỉ và trong tay vẫn có vô vàn quân sĩ nghiêm minh để bảo đảm an ninh công cộng, chỉ người đó mới có khả năng cất lời nói rằng: Hãy lý sự bao nhiêu tuỳ thích và lý sự mọi điều tuỳ ý, nhưng hãy phục tòng! Không một nền cộng hoà nào dám cả gan nói năng như vậy. Điều này cho chúng ta thấy một cái mẫu kỳ quặc và bất ngờ về những xu thế trong mọi việc của con người mà nhìn rộng ra ta chỉ có thể nói đó là những gì thật nghịch lý. Một trình độ tự do cao hơn cho mọi công dân có lợi cho tự do tư tưởng của mọi con người mặc dù vẫn có những rào cản không ai vượt nổi. Ngược lại, một trình độ tự do thấp cũng vẫn đem lại cho từng đầu óc cá nhân mở rộng hết cỡ khả năng của từng người. Và một khi cái mầm mang tính bản chất người này vẫn nảy nở bên trong cái vỏ cứng, thì nó vẫn dần dần tác động lên tính cách tư duy của mọi người, rồi sau đó dần dần đủ sức sử dụng cái tự do của họ. Cuối cùng, điều đó tác động lên các nguyên tắc cai trị, chính quyền sẽ thấy ở đó mối lợi khi cư xử với con người theo cung cách phù hợp với tư cách người, không phải cỗ máy.
Thành phố Königsberg, nước Phổ, 30 tháng 9 năm 1874.
Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?
(Bản dịch của Phạm Minh Ngọc)
Lời người dịch: Tôi đã đọc các bản dịch bài What is Enlightenment? và thấy rằng những bản dịch đó giảng được ý của Kant. Nhưng chả lẽ Kant lại viết như vậy sao? Nếu viết như vậy thì ông không thể dành được sự ngưỡng mộ và phong trào Khai Sáng cũng không thể có sức cuốn hút tạo ra bước ngoặt trong lịch sử châu Âu. Tôi tin rằng bài báo đó phải có hơi hướng của một bản hiệu triệu, nó phải như một nhát búa đập vào đầu cả đám dân chúng cả tin, cả những nhà cầm quyền chỉ nhăm nhăm cầm tay chỉ việc cho dân chúng. Và quả đúng như thế. Xin hãy đọc: "Enlightenment is man's emergence from his self-incurred immaturity." "Emergence" không thể là lối thoát hay là sự thoát li; "immaturity self-incurred" cũng không phải là trạng thái vị thành niên tự ấn định hay trạng thái tự phụ thuộc. Viết thế thì kêu gọi được ai? Sức cuốn hút ở đâu? Âm của từ "emergence" nghe đã vang rồi, tôi không biết tiếng Đức nhưng chắc rằng khi đọc to lên bằng tiếng Đức thì cũng sẽ có cảm giác như thế, nó gợi cho ta một hành động quyết liệt, đột ngột. Và thế là "Enlightenment is man's emergence from his self-incurred immaturity" nên được dịch sang tiếng Việt như sau: "Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào." Sau khi dịch câu đầu tiên như thế, tôi tiếp tục làm việc gần suốt một đêm và đã hoàn thành bản dịch này.
21 tháng 2 năm 2004
Phạm Minh Ngọc.
Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào. Tình trạng lệ thuộc là khi người ta không có khả năng sử dụng được trí tuệ của mình nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Tình trạng lệ thuộc tự cột là khi người ta có trí tuệ nhưng không đủ quyết tâm và dũng khí để sử dụng nó nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Vì vậy khẩu hiệu của khai sáng chính là: Tri thức là sức mạnh! Hãy dũng cảm sử dụng trí tuệ của chính mình!
Lười biếng và hèn nhát là nguyên nhân khiến cho nhiều người, ngay cả khi tự nhiên đã giải phóng họ khỏi giai đọan cầm tay chỉ việc đáng ghét [1] , vẫn lấy làm sung sướng được làm trẻ con suốt đời. Cũng vì lí do đó mà nhiều kẻ mới trở thành người bảo hộ một cách dễ dàng đến thế. Đóng vai con trẻ mới dễ chịu làm sao! Nếu tôi có một cuốn sách chứa giùm tri thức cho tôi, nếu tôi có một cố vấn giữ giùm lương tri cho tôi, nếu tôi có một bác sĩ coi giùm chế độ dinh dưỡng cho tôi vv và vv. thì tôi sẽ chẳng phải cố gắng một chút nào hết. Tôi không cần suy nghĩ gì hết, cứ có tiền là xong, người khác sẽ làm tất cả những việc chán ngấy ấy thay tôi.
Những người giám hộ một khi tự nguyện giành lấy công việc giám sát sẽ mau chóng nhận ra rằng đa số nhân loại (bao gồm toàn bộ phái đẹp) đều coi việc thành nhân không những là một việc khó mà còn nguy hiểm nữa. Trước tiên họ làm cho những con vật đã được thuần hoá mụ mị đi, rồi cố gắng ngăn chặn không cho những con vật ngoan ngoãn đó thử làm một bước đầu tiên mà không có dây xỏ mũi, sau đó họ mới chỉ cho chúng thấy những hiểm nguy nếu chúng có ý định đi một mình. Bây giờ mối hiểm nguy thực ra là không lớn đến thế, chắc chắn cuối cùng chúng sẽ học đi được sau vài lần vấp ngã. Nhưng chỉ cần một lần như vậy cũng đủ khiếp rồi, thường thì chúng không dám thử thêm nữa.
Một cá nhân riêng lẻ thật khó thoát được tình trạng ấu trĩ đó, nó đã gần như là bản năng thứ hai của anh ta. Anh ta lại còn yêu nó nữa, anh ta thực sự không có khả năng sử dụng trí tuệ của mình bởi vì anh ta có được thử bao giờ đâu. Các giáo điều, các công thức, những công cụ vô hồn được đem ra sử dụng (hay thường là sử dụng sai) để hợp lí hóa tài năng thiên bẩm của anh ta chính là gông xiềng trói chặt anh ta vào tình trạng lệ thuộc. Nếu có một người nào đó vất bỏ được gông xiềng đi thì anh ta cũng còn lưỡng lự không dám nhảy lên dù con hào thật hẹp vì anh ta đã quen đi đứng tự do bao giờ đâu. Vì vậy chỉ có một ít người, bằng cách rèn luyện tinh thần là có thể tự giải phóng khỏi tình trạng lệ thuộc, táo bạo dấn bước trên con đường mà mình đã chọn.
Một cộng đồng dễ dàng khai sáng cho chính mình hơn. Điều đó gần như chắc chắn sẽ đến nếu cộng đồng đó được để cho tự do. Vì trong cộng đồng đó nhất định có một số người, kể cả trong số những người được chỉ định làm giám hộ cho đám đông dân chúng, tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Những người này, sau khi vứt bỏ được gông xiềng lệ thuộc, sẽ cổ suý tinh thần tôn trọng các giá trị cá nhân và nhiệm vụ của mọi người là phải tự suy nghĩ lấy. Điều đáng nói là nếu cộng đồng, trước đó được đặt dưới gông xiềng của những kẻ giám hộ, bị những kẻ này, những kẻ chưa được khai sáng, khuấy động thì hậu quả có thể là chính những kẻ đã từng bảo hộ người khác nay lại rơi vào tình trạng bị kìm kẹp. Việc tuyên truyền các thành kiến vì thế rất có hại bởi vì cuối cùng chúng sẽ đập lên lưng chính những kẻ đã ủng hộ các thành kiến đó (hoặc những kẻ trước đó nữa đã từng làm như thế). Cộng đồng vì vậy chỉ có thể được khai sáng một cách từ từ. Một cuộc cách mạng cùng lắm chỉ có thể lật đổ được một chế độ độc tài, tham tàn, áp bức, nhưng không bao giờ tạo ra được một cuộc cải tổ thật sự trong tư duy. Những thành kiến mới, giống như những thành kiến mà chúng vừa thế chỗ, sẽ trở thành sợi dây điều khiển đám đông quần chúng nhẹ dạ.
Để có thể khai sáng một cộng đồng, điều cần thiết duy nhất là tự do. Và quyền tự do chất vấn là hình thức tự do vô hại nhất để một người trình bày công khai lí trí của mình về mọi lĩnh vực. Nhưng tôi đang nghe thấy tiếng gào thét vang lên từ mọi phía: Không được cãi! Ông sĩ quan: Không được cãi, ra thao trường! Ông thuế vụ: Đừng cãi, trả tiền đi! Thày tu: Đừng tranh luận nữa, tin thế đi! (chỉ một người cầm quyền trên thế gian này nói: Tranh luận về bất cứ thứ gì và trong bao lâu cũng được, miễn là biết vâng lời! [2]). Thế có nghĩa là ở đâu tự do cũng bị cản trở.
Nhưng loại cản trở nào thì kìm hãm khai sáng, loại nào thì, thay vì ngăn chặn, lại thúc đẩy khai sáng? Tôi xin trả lời: khía cạnh công cộng của lí trí cá nhân phải luôn luôn được tự do, chỉ một mình nó có thể đem khai sáng đến cho dân chúng; khía cạnh riêng tư của lí trí cá nhân có thể bị giới hạn một cách chặt chẽ mà không gây cản ngại đáng kể đến tiến trình khai sáng. Tôi hiểu khía cạnh công cộng của lí trí là khi một người với tư cách là một nhà nghiên cứu gửi trước tác đến toàn thể độc giả. Còn khái niệm khía cạnh riêng tư là khi một người sử dụng lí trí trong những chức vụ cụ thể hay tại công sở mà người đó được giao phó. Đối với một số công việc có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn thể cộng đồng, chúng ta phải có một cơ chế mà một số thành viên phải thực hiện một cách thụ động với một sự nhất trí nhân tạo sao cho chính quyền có thể thuê họ vì mục đích chung (hay ít nhất cũng ngăn họ phá hoại các mục đích ấy). Dĩ nhiên không được tranh luận trong những trường hợp đó, tuân thủ là bắt buộc. Nhưng nếu một người thực thi nhiệm vụ của bộ máy lại coi mình là thành viên của cộng đồng hay ngay cả của toàn nhân lọai và như một nhà nghiên cứu thì người đó có thể gửi trước tác đến công chúng trong nghĩa đúng đắn nhất của từ này, anh ta có thể tranh luận mà không gây phương hại đến công việc mà anh ta được thuê làm trong vai trò thụ động một thời gian nào đó. Sẽ thật là tai hại nếu một sĩ quan khi nhận lệnh của thượng cấp lại công khai chỉ trích về tính hữu lí hay lợi ích của mệnh lệnh đó. Anh ta chỉ việc tuân lệnh. Nhưng anh ta không thể bị cấm quan sát các sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ quân sự như một nhà nghiên cứu và đưa ra cho công chúng phán xét. Một công dân không được trốn thuế đã được bổ, một người được gọi đi đóng thuế mà có hành vi chỉ trích thái quá mức thuế cũng có thể bị phạt vì sự xúc phạm như vậy có thể gây ra làn sóng bất tuân rộng khắp. Nhưng người đó không hề vi phạm nghĩa vụ công dân nếu anh ta, với tư cách một học giả, đưa ra công khai suy nghĩ của mình về những sai sót, thậm chí bất công của mức thuế này. Tương tự như vậy, một thày tu phải có trách nhiệm hướng dẫn cho giáo sinh và giáo đoàn theo đúng tinh thần giáo lí của nhà thờ mà ông phục vụ vì ông ta được thuê để làm việc đó. Nhưng như một học giả, ông ta hoàn toàn tự do cũng như có trách nhiệm phải phổ biến cho công chúng biết những suy nghĩ chân thành và sâu sắc của mình về những sai lầm của giáo lí và đề đạt các biện pháp ngõ hầu cải thiện giáo lí và giáo hội. Ở đây lương tâm không có gì phải vướng bận. Thày tu đó rao giảng, theo đúng chức trách của một người đại diện cho nhà thờ mà ông phục vụ, những điều không phải do tự ý ông quyết định mà là những điều ông được thuê để thay mặt một người nào đó rao giảng theo những phương pháp đã được quy định trước. Ông sẽ noí: Nhà thờ của chúng ta dạy điều này, điều này và đây là những bằng chứng được sử dụng. Sau đó ông cung cấp cho giáo đoàn các giá trị thực tế rút ta từ những tín điều mà chính ông sẽ không tuân thủ trọn vẹn nhưng ông có thể không nói ra bởi vì nó không hoàn toàn phi lí, nó có thể chứa đựng sự thật. Dù sao những điều được trình bày trong các tín điều cũng không mâu thuẫn với tín ngưỡng. Bởi vì nếu thày tu đó nghĩ rằng mình đã phát hiện ra một mâu thuẫn nào đó thì ông không thể thực hiện trách nhiệm một cách tự tin, ông sẽ phải từ chức.
Như vậy, một người, khi được thuê như một thày giáo, sử dụng lí trí của mình một cách riêng tư vì giáo đoàn, dù có đông tới đâu, cũng chỉ là một tập hợp có tính chất gia đình. Trong trường hợp này người tu sĩ không được tự do bởi vì ông đang thực hiện nhiệm vụ do người khác giao phó. Ngược lại, người tu sĩ, như một học giả đưa ra công chúng (thí dụ toàn thế giới) các tác phẩm của mình, đang sử dụng khía cạnh công cộng của lí trí, được hoàn toàn tự do sử dụng trí tuệ của mình và phát biểu nhân danh cá nhân mình. Để giữ được như thế thì những người giám hộ nhân dân trong lĩnh vực tinh thần phải là những người lệ thuộc, một sự phi lí cốt để làm cho những điều phi lí thành ra thường trực.
Một tập thể giáo sĩ thí dụ cộng đồng tôn giáo hay trưởng lão (người Hà Lan gọi như thế) có được quyền tự tuyên thệ cam kết với một tập hợp các tín điều bất di bất dịch để thực thi vĩnh viễn quyền giám hộ đối với các thành viên của họ và thông qua họ giám hộ toàn dân không? Tôi trả lời là hoàn toàn không. Một thoả ước được kí kết nhằm chặn đứng vĩnh viễn sự khai sáng của nhân loại là hoàn toàn vô gía trị dù nó có được một quyền lực tối thượng, Nghị Viện Hoàng Gia hay các hiệp ước hoà bình long trọng nhất phê chuẩn. Một thời đại không được tuyên thệ câu kết với nhau để buộc thời đại sau vào hoàn cảnh không thể mở mang và đổi mới tri thức, đặc biệt là đối với những vấn đề quan trọng hoặc là không thể thực hiện được tiến bộ nào trong quá trình khai sáng. Đấy sẽ là tội ác chống lại bản tính của loài người, thiên chức của loài người chính là sự tiến bộ. Các thế hệ sau có quyền bác bỏ những thỏa thuận phi pháp và tội lỗi đó.
Để kiểm tra xem một biện pháp nào đó có thể được thoả thuận như là luật đối với dân chúng hay không chúng ta chỉ cần hỏi là liệu dân chúng có đồng ý áp dụng luật đó cho mình hay không. Cách đó cũng có thể được sử dụng khi đưa ra một số điều luật tạm thời cho một khoảng thời gian nào đó trước khi tìm được giải pháp tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là các công dân, đặc biệt là các giáo sĩ, với tư cách học giả được tự do góp ý công khai, thí dụ bằng văn bản, về những điều chưa hoàn thiện của các định chế hiện hành. Trong thời gian này trật tự vừa được thiết lập vẫn tiếp tục tồn tại cho đến khi nhận thức của công chúng về những vấn đề đó đã tiến bộ và được đa số (nếu chưa được toàn thể) đồng ý trình lên đức vua đề nghị mới. Điều đó nhằm bảo vệ, thí dụ, các giáo đoàn muốn thay đổi các định chế tôn giáo trên cơ sở nhận thức của họ, đồng thời cũng không cản trở những người muốn giữ nguyên trật tự cũ.
Nhưng tuyệt đối không được cùng nhau thiết lập, dù chỉ cho giai đoạn là một đời người, một định chế tôn giáo bất di bất dịch, không ai được quyền phê phán công khai. Vì điều đó gần như sẽ triệt tiêu một giai đoạn phát triển của loài người, đẩy những thất bại của nó cho các thế hệ sau, thậm chí có ảnh hưởng tai hại đến những thế hệ sau. Một người, vì lí do cá nhân, có thể tạm hoãn, ngay cả trong trường hợp này thì cũng chỉ trong một giai đoạn giới hạn nhất định, tự khai sáng về những vấn đề mà anh ta cần phải biết. Nhưng triệt tiêu hoàn toàn sự khai sáng, dù là đối một cá nhân, hơn nữa lại là đối với những thế hệ đi sau, đồng nghĩa với việc vi phạm và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại.
Điều mà nhân dân không chịu áp dụng cho mình thì nhà vua lại càng không được áp đặt cho họ bởi vì quyền lập pháp của ngài phụ thuộc vào khả năng thống nhất ý chí của dân chúng dưới quyền ngài. Khi nhà vua thấy rằng tình hình vẫn tốt hoặc những cải tiến được dự liệu phù hợp với trật tự công cộng thì ngài có thể để cho các thần dân làm những điều mà họ cho là cần thiết cho việc cứu rỗi của họ, đấy không phải việc của ngài. Việc của ngài là ngăn chặn những kẻ cản trở bằng vũ lực những người khác trong khi họ nỗ lực hết mình xác định và vươn tới sự cứu rỗi. Sự tôn kính của ngài sẽ bị suy giảm nếu ngài can thiệp vào những việc như đặt các trước tác, trong đó các thần dân của ngài bày tỏ đức tin của mình, dưới sự kiểm soát của nhà nước. Sự tôn kính của ngài cũng sẽ suy giảm nếu ngài coi ý kiến của mình là tối thượng, trong trường hợp này ngài đã tự đặt mình dưới câu châm ngôn: Ceasar không cao hơn các văn hào (Ceasar non est supra grammaticos), còn tệ hơn nữa nếu ngài sử dụng quyền lực của mình để tiếp tay cho sự áp bức về tư tưởng của một số ít kẻ bạo ngược trong vương quốc của ngài chống lại những thần dân khác của ngài.
Bây giờ nếu có người hỏi chúng ta hiện đã sống trong thời đại được khai sáng chưa thì câu trả lời sẽ là: chưa, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại của sự khai sáng. Cứ như hiện tình thì chúng ta còn phải đi một đoạn đường dài trước khi toàn thể loài người đạt đến hoàn cảnh (hay được đặt vào hoàn cảnh) có thể sử dụng trí tuệ của mình một cách tự tin kể cả trong những vấn đề tôn giáo mà không cần bất cứ sự giám hộ nào từ bên ngoài. Nhưng chúng ta đã có những chỉ dấu rõ ràng là con đường đã được vạch rõ, có thể tự do tiến theo hướng đó, những cản trở trên con đường đưa đến sự khai sáng toàn diện, đến sự vùng thoát của con người khỏi sự lệ thuộc mà anh ta tự cột mình vào, sẽ ngày một ít dần đi. Trong ý nghĩa đó, thời đại của chúng ta là thời đại của khai sáng, thế kỉ của Frederick.
Một ông vua không cảm thấy ngại ngùng khi nói rằng bổn phận của mình, trong những vấn đề tôn giáo, là không áp đặt bất kì điều gì đối với dân chúng mà cho họ hoàn toàn tự do, một ông vua như thế, dù có từ chối danh hiệu là Người Bao Dung, cũng vẫn là một người đã tự khai sáng rồi. Ngài xứng đáng được hôm nay và hậu thế ngợi ca như là người đầu tiên giải phóng nhân loại khỏi sự lệ thuộc (đây là nói về chính phủ) và người đầu tiên cho mọi người sử dụng lí trí của chính họ trong tất cả những vấn đề thuộc về lương tâm. Luật của ngài là các vị linh mục đáng kính, dù không phải là nhiệm vụ chính thức, có thể, như một học giả được tự do và công khai đưa ra những ý kiến và nhận định của mình cho công luận phán xét, ngay cả khi những ý kiến và nhận định đó trái ngược với giáo lí chính thống. Điều đó còn được áp dụng rộng rãi hơn cho những người khác, những người không bị hạn chế bởi bất kì nhiệm vụ chính thức nào. Tinh thần tự do đó sẽ lan ra ngoại quốc, đến cả những nơi mà nó còn phải đấu tranh với những trở lực do những chính phủ chưa hiểu đúng chức năng của mình tạo ra. Đối với những chính phủ đó, thí dụ dưới đây sẽ cho họ thấy là tự do có thể tồn tại mà không ảnh hưởng đến hoà hợp dân tộc và sự nhất trí về quyền lợi chung. Con người sẽ tự nguyện thoát dần ra khỏi tình trạng bán khai nếu không có các chính sách được đề ra một cách cố ý nhằm níu giữ họ trong tình trạng đó.
Tôi đã mô tả những vấn đề tôn giáo như là tâm điểm của khai sáng hay là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào.Tôi làm như vậy vì, thứ nhất, các nhà cầm quyền không quan tâm đến việc áp đặt vai trò giám hộ lên các thần dân trong những lĩnh vực như khoa học và nghệ thuật, thứ hai, lệ thuộc tôn giáo là lệ thuộc nguy hại và nhục nhã nhất. Tuy vậy quan niệm của vị nguyên thủ quốc gia, người khuyến khích tự do trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật có thể mở rộng sang cả các lĩnh vực khác vì ngài sẽ nhận ra rằng không hề có mối đe doạ nào đối với luật pháp của ngài khi cho các thần dân của mình công khai sử dụng lí trí và trình bày quan niệm của họ về việc cải tiến trình tự lập pháp cho dù việc đó có thể dẫn tới những chỉ trích thẳng thừng pháp luật hiện hành. Chúng ta đã có trước mặt mình một người tuyệt vời như thế, chưa có ông vua nào vượt qua ông, một người mà nay chúng ta tỏ lòng ngưỡng mộ [3] .
Nhưng chỉ có người cầm quyền đã tự khai sáng và không sợ bóng tối, một người có một đội quân đông đảo và có kỉ luật để đảm bảo trật tự công cộng mới có thể nói điều mà không một nước cộng hoà nào dám nói: Tranh luận về bất cứ thứ gì và trong bao lâu cũng được, miễn là biết vâng lời! Điều này cho chúng ta thấy hình mẫu hành động kì quặc và bất ngờ của con người (chúng ta sẽ luôn luôn thấy như thế nếu xem xét hành động theo nghĩa rộng rãi nhất, trong đó hầu như mọi thứ đều là nghịch lí). Mức độ tự do công dân cao có vẻ như là một lợi thế cho tự do tư tưởng, đồng thời lại tạo cho nó những rào cản không thể vượt qua được. Ngược lại một mức độ thấp về quyền tự do công dân lại có thể mang đến cho tri thức một không gian tự do đủ để có thể phát triển đến giới hạn tột cùng của nó [4] .
Vậy là, khi cái hạt mầm mà tự nhiên chăm chút kĩ lưỡng nhất trong con người, đấy là thiên hướng và khả năng tư duy tự do, đã phát triển trong cái vỏ cứng của nó dần dần ảnh hưởng lên trí lực của dân chúng làm cho họ hành động càng ngày càng tự do hơn. Cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến cả các nguyên tắc của chính phủ, lúc này đã nhận thức được rằng sẽ được lợi nếu đối xử với dân chúng phù hợp với phẩm giá của họ chứ không phải như những cỗ máy.
Thành phố Königsberg, nước Phổ, 30 tháng 9 năm 1874
[1] Ngụ ý giai đoạn vị thành niên về mặt thể chất.
[2] Đây là lời của hoàng đế Frederick sẽ được nhắc tới trong đoạn sau.
[3] Ngụ ý hoàng đế Frederick.
[4] Cả đoạn này ám chỉ việc nước Phổ có vua và quân đội mạnh, nhưng nhà vua lại cho phép tự do ngôn luận trong khi các nước cộng hoà khác thì không (mọi thứ đều là nghịch lí).
Bản tiếng Anh: Answering the Question: What is Enlightenment?
(Immanuel Kant, 1784)
Enlightenment is man's release from his self-incurred tutelage. Tutelage s man's inability to make use of his understanding without direction from another. Self-incurred is this tutelage when its cause lies not in lack of reason but in lack of resolution and courage to use it without direction from another. Sapere aude! "Have courage to use your own reason!"- that is the motto of enlightenment.
Laziness and cowardice are the reasons why so great a portion of mankind, after nature has long since discharged them from external direction (naturaliter maiorennes), nevertheless remains under lifelong tutelage, and why it is so easy for others to set themselves up as their guardians. It is so easy not to be of age. If I have a book which understands for me, a pastor who has a conscience for me, a physician who decides my diet, and so forth, I need not trouble myself. I need not think, if I can only pay - others will easily undertake the irksome work for me.
That the step to competence is held to be very dangerous by the far greater portion of mankind (and by the entire fair sex) - quite apart from its being arduous is seen to by those guardians who have so kindly assumed superintendence over them. After the guardians have first made their domestic cattle dumb and have made sure that these placid creatures will not dare take a single step without the harness of the cart to which they are tethered, the guardians then show them the danger which threatens if they try to go alone. Actually, however, this danger is not so great, for by falling a few times they would finally learn to walk alone. But an example of this failure makes them timid and ordinarily frightens them away from all further trials.
For any single individua1 to work himself out of the life under tutelage which has become almost his nature is very difficult. He has come to be fond of his state, and he is for the present really incapable of making use of his reason, for no one has ever let him try it out. Statutes and formulas, those mechanical tools of the rational employment or rather misemployment of his natural gifts, are the fetters of an everlasting tutelage. Whoever throws them off makes only an uncertain leap over the narrowest ditch because he is not accustomed to that kind of free motion. Therefore, there are few who have succeeded by their own exercise of mind both in freeing themselves from incompetence and in achieving a steady pace.
But that the public should enlighten itself is more possible; indeed, if only freedom is granted enlightenment is almost sure to follow. For there will always be some independent thinkers, even among the established guardians of the great masses, who, after throwing off the yoke of tutelage from their own shoulders, will disseminate the spirit of the rational appreciation of both their own worth and every man's vocation for thinking for himself. But be it noted that the public, which has first been brought under this yoke by their guardians, forces the guardians themselves to renain bound when it is incited to do so by some of the guardians who are themselves capable of some enlightenment - so harmful is it to implant prejudices, for they later take vengeance on their cultivators or on their descendants. Thus the public can only slowly attain enlightenment. Perhaps a fall of personal despotism or of avaricious or tyrannical oppression may be accomplished by revolution, but never a true reform in ways of thinking. Farther, new prejudices will serve as well as old ones to harness the great unthinking masses.
For this enlightenment, however, nothing is required but freedom, and indeed the most harmless among all the things to which this term can properly be applied. It is the freedom to make public use of one's reason at every point. But I hear on all sides, "Do not argue!" The Officer says: "Do not argue but drill!" The tax collector: "Do not argue but pay!" The cleric: "Do not argue but believe!" Only one prince in the world says, "Argue as much as you will, and about what you will, but obey!" Everywhere there is restriction on freedom.
Which restriction is an obstacle to enlightenment, and which is not an obstacle but a promoter of it? I answer: The public use of one's reason must always be free, and it alone can bring about enlightenment among men. The private use of reason, on the other hand, may often be very narrowly restricted without particularly hindering the progress of enlightenment. By the public use of one's reason I understand the use which a person makes of it as a scholar before the reading public. Private use I call that which one may make of it in a particular civil post or office which is entrusted to him. Many affairs which are conducted in the interest of the community require a certain mechanism through which some members of the community must passively conduct themselves with an artificial unanimity, so that the government may direct them to public ends, or at least prevent them from destroying those ends. Here argument is certainly not allowed - one must obey. But so far as a part of the mechanism regards himself at the same time as a member of the whole community or of a society of world citizens, and thus in the role of a scholar who addresses the public (in the proper sense of the word) through his writings, he certainly can argue without hurting the affairs for which he is in part responsible as a passive member. Thus it would be ruinous for an officer in service to debate about the suitability or utility of a command given to him by his superior; he must obey. But the right to make remarks on errors in the military service and to lay them before the public for judgment cannot equitably be refused him as a scholar. The citizen cannot refuse to pay the taxes imposed on him; indeed, an impudent complaint at those levied on him can be punished as a scandal (as it could occasion general refractoriness). But the same person nevertheless does not act contrary to his duty as a citizen, when, as a scholar, he publicly expresses his thoughts on the inappropriateness or even the injustices of these levies, Similarly a clergyman is obligated to make his sermon to his pupils in catechism and his congregation conform to the symbol of the church which he serves, for he has been accepted on this condition. But as a scholar he has complete freedom, even the calling, to communicate to the public all his carefully tested and well meaning thoughts on that which is erroneous in the symbol and to make suggestions for the better organization of the religious body and church. In doing this there is nothing that could be laid as a burden on his conscience. For what he teaches as a consequence of his office as a representative of the church, this he considers something about which he has not freedom to teach according to his own lights; it is something which he is appointed to propound at the dictation of and in the name of another. He will say, "Our church teaches this or that; those are the proofs which it adduces." He thus extracts all practical uses for his congregation from statutes to which he himself would not subscribe with full conviction but to the enunciation of which he can very well pledge himself because it is not impossible that truth lies hidden in them, and, in any case, there is at least nothing in them contradictory to inner religion. For if he believed he had found such in them, he could not conscientiously discharge the duties of his office; he would have to give it up. The use, therefore, which an appointed teacher makes of his reason before his congregation is merely private, because this congregation is only a domestic one (even if it be a large gathering); with respect to it, as a priest, he is not free, nor can he be free, because he carries out the orders of another. But as a scholar, whose writings speak to his public, the world, the clergyman in the public use of his reason enjoys an unlimited freedom to use his own reason to speak in his own person. That the guardian of the people (in spiritual things) should themselves be incompetent is an absurdity which amounts to the eternalization of absurdities.
But would not a society of clergymen, perhaps a church conference or a venerable classis (as they call themselves among the Dutch) , be justified in obligating itself by oath to a certain unchangeable symbol inorder to enjoy an unceasing guardianship over each of its numbers and thereby over the people as a whole , and even to make it eternal? I answer that this is altogether impossible. Such contract, made to shut off all further enlightenment from the human race, is absolutely null and void even if confirmed by the supreme power , by parliaments, and by the most ceremonious of peace treaties. An age cannot bind itself and ordain to put the succeeding one into such a condition that it cannot extend its (at best very occasional) knowledge , purify itself of errors, and progress in general enlightenment. That would be a crime against human nature, the proper destination of which lies precisely in this progress and the descendants would be fully justified in rejecting those decrees as having been made in an unwarranted and malicious manner.
The touchstone of everything that can be concluded as a law for a people lies in the question whether the people could have imposed such a law on itself. Now such religious compact might be possible for a short and definitely limited time, as it were, in expectation of a better. One might let every citizen, and especially the clergyman, in the role of scholar, make his comments freely and publicly, i.e. through writing, on the erroneous aspects of the present institution. The newly introduced order might last until insight into the nature of these things had become so general and widely approved that through uniting their voices (even if not unanimously) they could bring a proposal to the throne to take those congregations under protection which had united into a changed religious organization according to their better ideas, without, however hindering others who wish to remain in the order. But to unite in a permanent religious institution which is not to be subject to doubt before the public even in the lifetime of one man, and thereby to make a period of time fruitless in the progress of mankind toward improvement, thus working to the disadvantage of posterity - that is absolutely forbidden. For himself (and only for a short time) a man may postpone enlightenment in what he ought to know, but to renounce it for posterity is to injure and trample on the rights of mankind. And what a people may not decree for itself can even less be decreed for them by a monarch, for his lawgiving authority rests on his uniting the general public will in his own. If he only sees to it that all true or alleged improvement stands together with civil order, he can leave it to his subjects to do what they find necessary for their spiritual welfare. This is not his concern, though it is incumbent on him to prevent one of them from violently hindering another in determining and promoting this welfare to the best of his ability. To meddle in these matters lowers his own majesty, since by the writings in which his own subjects seek to present their views he may evaluate his own governance. He can do this when, with deepest understanding, he lays upon himself the reproach, Caesar non est supra grammaticos. Far more does he injure his own majesty when he degrades his supreme power by supporting the ecclesiastical despotism of some tyrants in his state over his other subjects.
If we are asked , "Do we now live in an enlightened age?" the answer is, "No ," but we do live in an age of enlightenment. As things now stand, much is lacking which prevents men from being, or easily becoming, capable of correctly using their own reason in religious matters with assurance and free from outside direction. But on the other hand, we have clear indications that the field has now been opened wherein men may freely dea1 with these things and that the obstacles to general enlightenment or the release from self-imposed tutelage are gradually being reduced. In this respect, this is the age of enlightenment, or the century of Frederick.
A prince who does not find it unworthy of himself to say that he holds it to be his duty to prescribe nothing to men in religious matters but to give them complete freedom while renouncing the haughty name of tolerance, is himself enlightened and deserves to be esteemed by the grateful world and posterity as the first, at least from the side of government , who divested the human race of its tutelage and left each man free to make use of his reason in matters of conscience. Under him venerable ecclesiastics are allowed, in the role of scholar, and without infringing on their official duties, freely to submit for public testing their judgments and views which here and there diverge from the established symbol. And an even greater freedom is enjoyed by those who are restricted by no official duties. This spirit of freedom spreads beyond this land, even to those in which it must struggle with external obstacles erected by a government which misunderstands its own interest. For an example gives evidence to such a government that in freedom there is not the least cause for concern about public peace and the stability of the community. Men work themselves gradually out of barbarity if only intentional artifices are not made to hold them in it.
I have placed the main point of enlightenment - the escape of men from their self-incurred tutelage - chiefly in matters of religion because our rulers have no interest in playing guardian with respect to the arts and sciences and also because religious incompetence is not only the most harmful but also the most degrading of all. But the manner of thinking of the head of a state who favors religious enlightenment goes further, and he sees that there is no danger to his lawgiving in allowing his subjects to make public use of their reason and to publish their thoughts on a better formulation of his legislation and even their open-minded criticisms of the laws already made. Of this we have a shining example wherein no monarch is superior to him we honor.
But only one who is himself enlightened, is not afraid of shadows, and has a numerous and well-disciplined army to assure public peace, can say: "Argue as much as you will , and about what you will , only obey!" A republic could not dare say such a thing. Here is shown a strange and unexpected trend in human affairs in which almost everything, looked at in the large , is paradoxical. A greater degree of civil freedom appears advantageous to the freedom of mind of the people, and yet it places inescapable limitations upon it. A lower degree of civil freedom, on the contrary, provides the mind with room for each man to extend himself to his full capacity. As nature has uncovered from under this hard shell the seed for which she most tenderly cares - the propensity and vocation to free thinking - this gradually works back upon the character of the people, who thereby gradually become capable of managing freedom; finally, it affects the principles of government, which finds it to its advantage to treat men, who are now more than machines, in accordance with their dignity.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)