Tranh Nguyễn Thái Tuấn và con mắt Internet

12:07 CH @ Thứ Sáu - 08 Tháng Ba, 2013

Không vẽ được là chết tươi. Không mới hơn, chết héo. Nguyễn Thái Tuấn đã vẽ trong nỗi sợ “chết” không ngừng đó. Những con mắt to với những đường viền đậm quanh mi đang nhìn, liếc vào cuộc đời từ trên mặt toan (toile), là những cánh cửa mở ra mời gọi ta bước vào thế giới tranh của Nguyễn Thái Tuấn. Và bây giờ, khuất lấp đâu đó là những con mắt hình chữ @: Con Mắt Internet..



..

Công chúng và giới mỹ thuật biết đến Nguyễn Thái Tuấn từ tài năng anh đã thể hiện trong sở trường tranh khắc. Những màu sắc đằm thắm và những chủ đề dung dị đã giúp anh chiếm được cảm tình của người xem. Những thiếu nữ dịu dàng đường nét bất chấp những nhát dao cứng nhọn. Những góc phố Hội An đổi màu trong bốn thời khắc sáng trưa chiều tối như ánh lên nỗi niềm hoài cổ trong những mảng màu xanh, vàng, đen, đỏ đặc trưng của chốn này. Chính từ những tranh khắc gỗ ấy mà giới mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên biết rằng ở Đà Lạt có một họa sĩ tên Nguyễn Thái Tuấn.

Nhờ kinh nghiệm của giai đoạn ấy mà tranh sơn dầu của Nguyễn Thái Tuấn ngày nay mang một nét đặc biệt khó lẫn vào đâu được. Khi tự học và tìm cách thể hiện riêng với chất liệu acrylic và với sơn dầu, Nguyễn Thái Tuấn đã tạo cho mình một phong cách mới. Tranh dầu của anh thường là đơn sắc. Mỗi bức mang một gam màu chủ đạo, rực rỡ hay u ám, hưng phấn hay trầm uất tùy theo ngẫu hứng của anh. Trên cái nền tranh dùng làm sân khấu ấy, anh đưa những nhân vật kịch câm đậm nét của mình ra trình diễn những hỉ nộ ái ố rất thực, rất bình thường. Và cũng chính bởi những điều rất bình thường ấy mà tranh Nguyễn Thái Tuấn trở thành độc đáo.







“Từ nhỏ, tôi đã mê thích xem tranh. Có bao nhiêu tiền là mua sách tranh nghiến ngấu cho đã mắt. Chính Internet đã cho tôi sống lại tuổi thơ ấy, thổi cháy bùng lên niềm khao khát ấy. Không biết đã bao nhiêu đêm trắng, tôi lang thang trên những website của các gallery, các bảo tàng mỹ thuật thế giới, cào cấu xuống đĩa cứng những file tranh của bao tác giả yêu thích, ngỡ ngàng trước bao phong cách mới mẻ, mê đắm với bao hướng đi táo bạo mời gọi tôi thử thách chính mình. Internet đã là một bước ngoặt trong cuộc đời cầm cọ của tôi…

… Lần đầu tiên bước vào một dịch vụ cà phê Internet ở Đà Lạt mấy năm trước với một hiểu biết mơ hồ về cái thế giới ảo đầy hứa hẹn này, tôi run bắn người như đang lên cơn sốt khi trình Search của Yahoo nhảy ra hàng loạt địa chỉ website liên quan đến những bậc danh họa đương đại mà tôi ngưỡng mộ. Bậc thầy Tân biểu hiện Ý Francesco Clemente… Danh họa Bồ Đào Nha Juliao Sarmento… Tôi mua cả tá đĩa mềm và tham lam, gấp gáp lưu lại những website đầy mê hoặc ấy. Trước màn hình máy tính, hình như tôi đang ôm choàng cả thế giới hội họa và tôi muốn ghì chặt nó trước khi nó tan biến…”





Những nhân vật kịch câm trong tranh của Nguyễn Thái Tuấn, dù là đàn ông hay đàn bà, dù vẽ chính anh hay đưa luôn cả vợ mình, những người bạn của mình lên khung vải, đều là kết quả của một quá trình dài thể nghiệm. Lối vẽ đậm chất đồ họa, đầy những mảng khối no màu, những đường viền tách bạch, đã mang dấu ấn của những tranh khắc gỗ giúp anh thành danh từ hơn chục năm trước, sau khi rời Trường Mỹ thuật Huế. Nhưng khi xem hết tranh khắc gỗ của Nguyễn Thái Tuấn ngày trước và chuyển sang xem tranh sơn dầu của anh bây giờ, người xem dễ dàng liên tưởng đến cuộc hành trình rời bỏ thế giới lãng mạn trong những truyện ngắn Alphonse Daudet để bước vào thế giới đầy ắp dằn vặt nhân sinh của những trường thiên Dostoievsky. Đó là một sự chuyển tiếp trong quá trình trưởng thành của tâm thức. Nguyễn Thái Tuấn đã chín chắn hơn trong tài năng cũng như trong cá tính của mình.

“… Những bộ đĩa CD-ROM bách khoa mỹ thuật hay giới thiệu các tác giả, các bảo tàng mỹ thuật thế giới cùng với Internet đã khiến tôi bức bối không chịu nỗi. Tôi không thể mang CD đi xem nhờ mãi, hay ngồi lì ở dịch vụ Internet bất cứ lúc nào tôi muốn. Tôi phải có máy tính để ngụp lặn với nó, để sung sướng chết chìm trong cái thế giới màu sắc đã ám ảnh tôi từ lúc chưa biết nói. Tôi mua ngay một chiếc máy tính. Tôi đăng ký dịch vụ Internet 1269. Và thế là những đêm trắng ngao du trong thế giới hội họa khôn cùng ấy đã được ghi dấu bằng một đĩa cứng đầy nhóc những trang web hội họa. Cơn mộng du ngây ngất chỉ tạm ngưng sau một tháng đầu tiên. Khi bưu điện gửi tới nhà một lá sớ dài cả thước tính tiền truy cập…





Tự do sáng tạo với những ý tưởng của mình, Nguyễn Thái Tuấn không màng đến chuyện hay dở khen chê của bất kỳ ai. Khi đã thỏa mãn với một thử nghiệm nào đó và rồi cảm thấy chán, anh lại đi tìm một cách thể hiện nữa. Con mắt phán xét khắt khe nhất là con mắt của chính Nguyễn Thái Tuấn đang nhìn anh từ bên trong và nhìn anh từ ngay trên mặt tranh. Con mắt ấy cũng hiển hiện trong một loạt tranh tìm tòi cách diễn đạt theo xu hướng trừu tượng. Những con mắt ngập tràn như biển có thể dìm chết đời người. Những con mắt nghi hoặc có thể dựng nên tường thành phân chia, cắt đứt mọi sự cảm thông. Những con mắt luôn nổi bật hầu như trong mọi bức tranh sau này của anh. Những con mắt chết nhìn vào sự sống và những con mắt sống đối diện cái chết.

“… Cái đĩa cứng đầy ắp niềm khát khao bí mật ấy đã làm tôi hiểu rõ giới hạn của mình hơn và càng tự tin hơn trong những tìm tòi, phá phách. Tôi tin là tôi không cô độc trong cuộc thử thách này. Internet đã mở toang cho tôi thấy những biên cương mới của nghệ thuật thị giác. Tôi thán phục những tác phẩm sử dụng phương tiện video của họa sĩ Mỹ Bill Viola. Tôi ngây người trước những sắp đặt kết hợp điêu khắc của họa sĩ Anh Robert Gober. Tôi sửng sốt những ảnh chụp của Cyndy Sherman…

Không vẽ được là chết tươi. Không mới hơn là chết héo. Nguyễn Thái Tuấn đã vẽ trong nỗi sợ “chết” không ngừng đó. Tranh Nguyễn Thái Tuấn liên tục thay đổi cách biểu hiện, không tuân thủ hay gò ép theo một khuôn thức cứng nhắc nào. Anh vẽ theo cảm xúc của anh, tự tạo cho mình một phong cách nào đó trong giai đoạn nào đó để rồi bình thản vứt bỏ hết để thay đổi, để đi lại từ đầu khi cần thiết. Có lúc khinh miệt bản thân, anh tự cầm dao rạch toác nhiều tranh của mình để bắt đầu cho một lần lột xác nữa.

Có lúc phẫn nộ vì bế tắc trong sáng tạo, anh cạo trọc luôn mái tóc ngắn của mình hy vọng rằng cái đầu sẽ nhẹ hơn, bay bổng hơn. Cái ngáp dài thèm khát của người say trước chiếc chai rỗng không trên một bức tranh của anh cũng chính là niềm khát khao sáng tạo đau đớn trong anh đang bị giày vò trước những trói buộc của ý thức.





Một con người trần truồng hoang mang không biết nên mặc chiếc áo chùng thâm truyền thống hay bộ complet tân thời cũng chính là những dằn vặt của anh trong những tháng ngày kiếm tìm cái tôi trong bút pháp. “Ruồi là con vật thật đáng ghét”, “Muỗi là con vật hút máu người” hay “Bướm là con vật thật dễ thương”… Những dòng chữ viết lên tranh của Tuấn vẽ những con người bực dọc đuổi ruồi, đập muỗi hay vươn tay nâng giữ những cách bướm mong manh cũng chính là nỗi ray rứt của anh muốn triệt để giải phóng sáng tạo của mình khỏi những rác rưởi của lối mòn ý thức, để tâm hồn bay bổng ngất ngây với những sắc màu khác, mới lạ hơn, độc đáo hơn và... Nguyễn Thái Tuấn hơn.

“… Những gì tôi xem được trên internet chắc chắn sẽ tác động đến phong cách của tôi sau này. Cái tác động ấy ngấm ngầm, thẩm thấu chứ không lộ liễu. Tôi vẫn vẽ những gì tôi thích nhưng tôi không e dè nữa. Tôi muốn táo bạo hơn. Nhiếp ảnh và video đang làm tôi say mê. Cái phù du thoáng qua lại ngày càng có giá trị lớn trong nghệ thuật thị giác bởi vì đó chính là hiện thực. Có thể tôi sẽ thử sức theo hướng này. Một ngày nào đó…”


Những con mắt to với những đường viền đậm quanh mi đang nhìn, liếc vào cuộc đời từ trên mặt toan. Có con mắt quầng thâm thao thức của kẻ say. Có con mắt mở tròn phân vân trước những lựa chọn. Con mắt chết nhìn vào sự sống và con mắt sống đối diện cái chết. Những con mắt mở to, nhắm nghiền, láo liên, trân trối, trừng trừng, uể oải, sinh động, chính là những cánh cửa mở ra mời gọi ta bước vào thế giới tranh của Nguyễn Thái Tuấn. Và bây giờ khuất lấp đâu đó là những con mắt hình chữ @: Con mắt Internet.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ cái thực chuyển sang cái mơ

    06/07/2005Họa sỹ Thái TuấnCon đường nghệ thuật chính là những cơn mơ, giấc mộng, giúp cho con người một tầm nhìn rộng rãi, sáng sủa hơn về đời sống...