"Tôi tin vào thuyết sáng tạo"

04:07 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Bảy, 2005

Đây là một trong số nhiều buổi gặp gỡ của ông với các chuyên gia và sinh viên Việt Nam yêu thích môn thiên văn nhân chuyến về nước lần thứ 3. Giới thiệu về Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch danh dự Hội Vật lý Việt Nam, chỉ nhận xét ngắn gọn: "Ông hiện là giảng viên Đại học Virginia, là một trong những nhà khoa học tự nhiên Việt Nam nổi tiếng nhất ở Mỹ và Tây Âu".

Bằng những hình chiếu đẹp và sinh động, bài giảng của Giáo sư Thuận đã khái quát lại lịch sử hình thành ý tưởng vũ trụ của loài người, từ những quan điểm sơ khai ban đầu như trái đất là trung tâm vũ trụ, rồi mặt trời là trung tâm vũ trụ cho đến khi ra đời lý thuyết vũ trụ gồm vô số các thiên hà như ngày nay. Ông giới thiệu các kính thiên văn lớn đặt tại Mỹ và trên thế giới, cách thức sử dụng và ảnh hưởng của các bức xạ khí quyển đối với việc quan sát thiên văn. Câu chuyện của ông cũng xoay quanh các thành viên trong thái dương hệ, từ sao Thủy ở gần nhất đến Diêm vương tinh xa xôi nhất, và xa hơn nữa là các thiên hà, các sao lùn trắng, các tinh vân, lỗ đen..., và đặc biệt là lý thuyết Big Bang (vụ nổ khai sinh vũ trụ) mà theo ông là lý thuyết quan trọng và uy tín nhất trong thiên văn học cho tới nay.

Nói về lịch sử hình thành vũ trụ và sự sống, GS. Trịnh Xuân Thuận so sánh, nếu tính tuổi của vũ trụ đến nay là tròn một năm (với vụ nổ Big Bang là ngày 1/1), thì hệ mặt trời hình thành vào ngày 9/9, tế bào đầu tiên hình thành ngày 25/9, cái cây đầu tiên xuất hiện 23/12, động vật có vú 26/12 và người cổ đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm - 31/12.

GS. Thuận cũng cho biết bởi sự hoàn hảo và hài hòa tuyệt vời của vũ trụ, nên ông tin vào nguyên lý sáng tạo, tức là vũ trụ hiện nay không phải được sinh ra ngẫu nhiên, mà được sáng tạo có chủ ý. Tuy nhiên, "đấng sáng tạo" đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật tổ...

Cuộc thảo luận sôi nổi sau bài giảng của GS. Thuận đã tạo cơ hội cho các học giả và sinh viên Việt Nam bộc lộ niềm say mê thiên văn. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến những vấn đề hóc búa của vũ trụ học hiện nay như năng lượng tối, vũ trụ trong những giây đầu tiên, các lỗ đen và cả những sửa đổi gần đây trong lý thuyết lỗ đen của Hawking. Ba tiếng đồng hồ không ngắn nhưng vẫn là chưa đủ đối với nhiều người. Tạm biệt GS. Thuận, họ hy vọng lại có ngày được tiếp xúc với ông và tiếp cận với các thông tin mới nhất về lĩnh vực khoa học hấp dẫn này.

Bên lề buổi nói chuyện, GS. Thuận đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí:

- Ông đánh giá thế nào về vị trí của ngành thiên văn hiện nay?

- Thiên văn học đang được quan tâm hơn. Các nước, nhất là Mỹ và châu Âu, đầu tư ngày càng nhiều cho lĩnh vực này, với các kính thiên văn càng ngày càng lớn, và nhiều thiết bị, dụng cụ mới. Tôi cho rằng trong 5 - 10 năm tới, thiên văn học sẽ trả lời được nhiều vấn đề, như bằng cách nào các thiên hà nảy nở, cái gì tạo nên vật chất tối của vũ trụ...

- Là một Việt kiều, với ưu thế kiến thức của mình, ông có dự định gì giúp đỡ ngành thiên văn Việt Nam?

-Trong chuyến thăm này, tôi đã trao đổi với các viện nghiên cứu và các nhà lãnh đạo về vấn đề đưa các sinh viên Việt Nam sang Mỹ học và đưa giáo sư Mỹ thật giỏi tới Việt Nam giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo của Việt Nam. Cụ thể, tôi đã đến thăm và ký kết với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về việc trao đổi sinh viên giữa trường với Đại học Virginia. Tuy nhiên, những công việc như thế này đòi hỏi khá nhiều thì giờ, mà tôi thì rất bận, vừa giảng dạy, vừa viết sách lại vừa khảo cứu, do đó nếu có ai giúp được trong vấn đề này thì tốt quá.

- Có ý kiến cho rằng thiên văn học là ngành khoa học lý thuyết thuần tuý, chưa có khả năng ứng dụng rộng rãi, nếu Việt Nam đầu tư cho lĩnh vực này trong điều kiện còn nghèo như hiện nay sẽ là lãng phí. Ông nhận định thế nào?

- Tôi công nhận Việt Nam phải làm cái gì thiết thực hơn, nhưng chúng ta cũng nên "gieo giống" cho ngành khoa học thiên văn, vì đó là môn khoa học cơ bản, không thể quên hết những gì cơ bản được.

- Hội nghị vật lý châu Á - Thái Bình dương lần 9 tới sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10, ông có dự định gì cho sự kiện này?

- Tôi sẽ trình bày 1 báo cáo về những khảo cứu mà tôi dùng kính thiên văn Hubble. Cụ thể, tôi vừa tìm ra một thiên hà rất trẻ, chỉ khoảng 500 triệu năm, so với tuổi 14 tỷ năm của vũ trụ là rất nhỏ.

Nguồn:VnExpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc: