Tự do và trách nhiệm cá nhân trong “Tồn tại và hư vô” của J. -P. Sartre.

Tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
07:05 CH @ Chủ Nhật - 19 Tháng Ba, 2017

“Tồn tại và hư vô” của J.-P.Sartre được công bố lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris. Đây là tác phẩm không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong dòng chảy của triết học hiện sinh, mà còn cho thấy rõ tư tưởng triết học hiện sinh độc đáo của J.-P.Sartre. Trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải quan niệm của J. -P. Sartre về tự do với tư cách phương thức hiện hữu của tồn tại người và duy nhất phù hợp với tồn tại người trong mối quan hệ không thể tách rời với trách nhiệm - trách nhiệm đối với thế giới và đối với bản thân mình của con người.

Vốn là người đại diện cho phong trào cánh tả vào những năm 60 của thế kỷ XX, là người đã tuyên bố chủ nghĩa Mác là “triết học của thời đại chúng ta” , J.-P.Sartre giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của triết học phương Tây hiện đại. Đó chính là vì, trong tác phẩm Tồn tại và hư vô, ông đã đặt ra vấn đề “tự do và trách nhiệm cá nhân” một cách căn bản, hòa nhịp với lý tưởng chung của toàn bộ triết học phương Tây, bắt đầu từ thời cận đại, đặc biệt là triết học Mác. Đây chính là vấn đề mà, khi bước sang một thiên niên kỷ mới, loài người ngày càng ý thức rõ hơn và coi đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với số phận tiếp theo của nền văn minh nhân loại, đối với sự sống của bản thân loài người.

Tồn tại và hư vôcủa J.-P.Sartre được công bố lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris dường như cùng một lúc với vở kịch hay nhất của ông là Ruồi. Tác phẩm này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong dòng chảy của triết học hiện sinh, mà còn cho thấy rõ tư tưởng triết học hiện sinh độc đáo của Sartre. Mặc dù, cấu trúc về nội dung chung của Tồn tại và hư vôcó rất nhiều điểm tương đồng với Tồn tại và thời gian của M.Heidegger, song cặp khái niệm trung tâm ở hai triết gia này lại khác nhau căn bản – “Tôi tồn tại ở đây” (“Dasein”) của Heidegger và “Tồn tại cho mình” ("L'être pour-soi") của Sartre. Sự khác nhau này là rất quan trọng, vì nó cho thấy Sartre nhấn mạnh nhiều hơn đến tính tích cực nội tâm của chủ thể.

Tính tích cực nội tâm này bắt nguồn từ chính sự đặc thù của tồn tại người (theo thuật ngữ của Sartre là “tồn tại cho mình”) mà, đến lượt mình, nó lại làm nảy sinh ra các vấn đề thuần tuý thiên về con người và hơn nữa, nó còn cho thấy sự xuất hiện của một kiểu tồn tại đặc biệt – “tồn tại người” với tư cách một sự kiện tuyệt đối, không thể giải thích được về mặt nguồn gốc lịch sử. Tính tuyệt đối và tính đặc thù của kiểu tồn tại này thể hiện ra ở chỗ, chỉ có sự xuất hiện của nó mới buộc “tồn tại tự nó”, lần đầu tiên, phải tập hợp lại dưới dạng thế giới, một thế giới hiện hữu, hiện diện chỉ nhờ “tồn tại cho mình” với tư cách “hư vô”.

Sartre giải thích rõ rằng, không nên hiểu sự xuất hiện ấy của thế giới là sự sáng tạo ra thế giới từ hư vô (thuyết tạo hoá). Tồn tại luôn hiện diện, nó không được sáng tạo ra và con người cũng không thể tiêu diệt được nó. Song, triết học có nhiệm vụ là phải làm sáng tỏ nghĩa của tồn tại. Sứ mệnh, công lao của triết học hiện sinh, theo Sartre, là chứng minh tham vọng chính đáng của triết học - đặt ra vấn đề về nghĩa (mục đích) của tồn tại và làm sáng tỏ nghĩa đó. “Bản thể luận mới” của triết học hiện sinh chỉ có thể làm được điều đó nhờ phát hiện ra một tồn tại hoàn toàn đặc biệt, làm sáng tỏ và mô tả nó bằng các phương pháp cũng hoàn toàn đặc biệt (hiện tượng học). Kết luận được Sartre rút ra từ cách tiếp cận như vậy là quan niệm về tồn tại người như “hư vô” (l).

Với tư cách thực chất của tồn tại người, “hư vô” được Sartre mô tả trước hết là sự vượt ra khỏi quyền lực của quyết định luận phổ biến, là sự chạy trốn khỏi “trật tự nhân quả của thế giới”. Theo Sartre, đặt ra vấn đề về thế giới có nghĩa là tránh xa thế giới, là vượt ra khỏi khuôn khổ của nó, là đứng ở bên ngoài nó. Tồn tại người tạo ra “hư vô” trong thế giới nhờ bản thân sự hiện diện của nó, còn “hư vô” thì làm cho tồn tại người trở nên khác biệt với toàn bộ thế giới còn lại và trở nên “bất khả tri”, theo Sartre, - đó chính là tự do.

Với Sartre, tự do không chỉ là phương thức hiện hữu, mà hơn nữa, còn là phương thức duy nhất phù hợp với tồn tại người (2). Nói cách khác, với Sartre, thuật ngữ “hư vô” được sử dụng để chỉ khả năng tự do sáng tạo ra bản thân mình của con người nhờ năng lực ý thức - cái duy nhất vốn có ở con người. Rằng, khi ý thức được sự khác biệt của mình với thế giới và vốn dĩ là một phương thức tồn tại độc đáo, là “tồn tại cho mình”, “hư vô” và “tồn tại người”, về thực chất, là tự do. Sartre coi đó là nghĩa cơ bản của tồn tại người và của tính chủ quan con người.

Với quan niệm này, Sartre còn nhấn mạnh sự khác biệt của tồn tại người với thế giới, sự không phụ thuộc của nó vào thế giới thông qua một đặc trưng khác của ý thức - sự định hướng vào thế giới. Theo ông, ý thức luôn thể hiện ra như là cái có một quan hệ xác định với thế giới và do vậy mọi ý thức đều là “ý thức có lập trường” theo nghĩa đó; còn sự khác biệt căn bản của tồn tại người với thế giới trước hết thể hiện ra ở chỗ nó là “hư vô”. Ý thức có thể đặt ra vấn đề về thế giới nhờ vượt ra khỏi giới hạn của mình và lại đi vào “hư vô”, tức là đi vào cái không có trong thế giới. Tính quy định duy nhất của ý thức bởi tồn tại - đó là trở nên khác với tồn tại. Nhưng qua đó, ý thức bao giờ cũng là một cái khác với bản thân mình như một phương thức tồn tại xác định, tức là phương thức đã bộc lộ ra, đã hình thành, đã được lựa chọn. Do vậy, một trong các tính quy định cơ bản của ý thức với tư cách một phương thức “tồn tại cho mình”, tồn tại người là ở chỗ, nó “không phải là tồn tại hiện có của nó” (3). Điều đó có nghĩa là, ý thức luôn nằm ở bên ngoài nó, thường xuyên siêu vượt hóa. Nói cách khác, siêu vượt hóa là bản chất của ý thức và của tồn tại người. Con người chỉ có được tồn tại đích thực người khi nó không dừng lại, không thỏa mãn với bản thân mình, với những cái mình đã đạt được; nó cần phải thường xuyên vượt lên trên chính mình, phải thường xuyên sáng tạo ra những giá trị mới. Đây là thực chất của cái gọi là “hư vô hóa hư vô”, sáng tạo nhờ xuất phát từ năng lực tự do suy nghĩ và hành động. Điều đó cũng có nghĩa là siêu vượt hóa không được định trước cho con người, mà là con người không ngừng vượt ra khỏi giới hạn của mình, tách mình ra khỏi những cái đã và đang hiện hữu, và liên tục hướng tới cái khác. Gắn sự siêu vượt hoá với tồn tại xác định, Sartre cho rằng, khi tự dự phóng mình và cố hiện thực hoá dự phóng đó, “tồn tại cho mình” không tuân thủ một tiêu chuẩn khách quan nào đó có sẵn, ở bên ngoài nó, bởi chính chúng là những vật cản thủ tiêu tự do của con người, biến con người thành “vật”. Con người không tạo ra và cũng không thể tạo ra một chuẩn mực hành động nào, nó chỉ bộc lộ cấu trúc và dự phóng cơ bản của tồn tại người - tồn tại khác với thế giới, không phụ thuộc vào thế giới.

J.-P. Sartre - nhà triết học hiện sinh

Từ đó, Sartre cho rằng, bản chất nhân văn của chủ nghĩa hiện sinh là ở chỗ nó khẳng định chỉ có con người mới có khả năng vượt lên trên thế giới, vượt ra khỏi giới hạn của mình để khẳng định chân lý thuần tuý mang tính người của mình. Rằng, chỉ có con người mới có thể quyết định lấp đầy cái gì vào “hư vô” của tồn tại người, vào “lỗ hổng của tồn tại”. Bức tranh về thế giới, (thế giới và tồn tại nói chung) chỉ phụ thuộc vào con người (con người là kẻ bảo vệ nghĩa và chân lý của tồn tại). Với quan điểm này, Sartre kết luận: con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về thế giới do nó tạo ra (thế giới người, xã hội người, thế giới văn hóa và nôi trường sống của con người) và về tất cả những gì diễn ra trong thế giới ấy. Rằng, con người luôn hướng tới sự tự quyết, luôn cố gắng vượt lên trên chính mình, song con người lại không thể đạt tới lý tưởng đó và do vậy, nó luôn cảm thấy bất hạnh. Sở dĩ như vậy là vì, khi thực hiện dự phóng của mình, con người đã đánh mất tự do và "tồn tại cho mình" - tồn tại với tư cách là sự phủ định, là "hư vô".

Coi phủ định là cấu trúc phát sinh của tồn tại người, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự siêu vượt hoá, Sartre cho rằng, tồn tại người bao giờ cũng là vấn đề, là đặt vấn đề về tồn tại, là vạch trần, bác bỏ, hư vô hóa cái thực tại đang phong toả nó và chính bản thân nó, tức là để có được tồn tại đích thực, phù hợp với bản chất - tự do của mình. Do vậy, theo ông, con người luôn có sứ mệnh sử dụng năng lực ý thức của mình để tự chất vấn mình, tìm kiếm những giá trị mới và bộc lộ tự do sáng tạo của mình. Rằng, siêu vượt hoá là lối thoát của con người ra khỏi giới hạn của cái hiện có và tự quy định mình thông qua cái vẫn chưa hiện diện. Do vậy, phủ định là thành tố cấu trúc cơ bản của tồn tại người, mức độ phù hợp với nó là tiêu chuẩn cơ bản về tính đích thực của tồn tại người. Song, việc thoát ra khỏi giới hạn của mình cũng đồng thời là lối thoát dẫn đến những khả năng vô hạn, nhưng lại là bất định, không có các tiêu chuẩn khách quan và lịch sử cũng không thể đưa ra được một sự chỉ dẫn nào, tất cả đều phụ thuộc vào chính sự lựa chọn của con người (4).

Với luận điểm này, Sartre không hẳn đề cao tự do sáng tạo ra nhân tính của con người, mà chủ yếu nhấn mạnh trách nhiệm đối với thế giới, đối với chính mình của con người với tư cách kẻ sáng tạo ra thế giới người (“tự nhiên thứ hai”, “thế giới văn hóa” - môi sinh duy nhất của con người do con người sáng tạo ra). Song, Sartre không dừng lại ở đây, mà còn đi xa hơn nữa. Theo ông, con người bao giờ cũng lựa chọn một cách có ý thức, biết lựa chọn cái gì mà nó cần và tự mình lựa chọn, không có gì ở bên trong hay ở bên ngoài nó bảo đảm nó sẽ lựa chọn cái gì.

Tuy nhiên, theo Sartre, điều đó không có nghĩa là con người tự ý hành động mà không có nguyên nhân nào. Điều đó chỉ có nghĩa là, mọi khả năng đều có cơ sở của nó và khi thực hiện một lựa chọn nào đó, con người đều có thể chỉ ra cơ sở ấy và qua đó, giải thích được điều đã lựa chọn. Nhưng tất cả những gì mà sau đó, chúng ta coi là nguyên nhân của hành vi này hay khác, theo Sartre, đều là không quan trọng đối với cấu trúc của tồn tại người. Con người chỉ che giấu người khác và che giấu chính mình rằng, hành vi lựa chọn là tuyệt đối tự do. Với quan điểm này, Sartre đã phê phán quan niệm của Freud về cái vô thức với tư cách cơ sở hoạt động tinh thần của con người. Sartre phủ định mọi nguyên nhân (tâm - sinh lý, kinh tế, chính trị, v.v.) của hành vi con người. Theo ông, tồn tại người luôn mở rộng cho mọi khả năng lựa chọn của con người; ở đây, toàn bộ kinh nghiệm quá khứ không có vai trò quyết định.
Như vậy, có thể nói, lập trường của Sartre là nhất quán trong việc luận giải ý đồ mà Husserl đã đưa ra - làm sáng tỏ cấu trúc bản thể luận của tồn tại người và đưa các hình thức biểu hiện cụ thể của nó (các quy định tâm sinh lý, lịch sử xã hội, các quan điểm chính trị, đạo đức, khoa học tự nhiên, v.v.) ra khỏi sự phân tích bản thể luận. Theo Sartre, những tìm tòi bản thể luận này luôn dừng lại trước vấn đề siêu hình học và đạo đức học; nhưng sau bản thể luận, dẫu sao vẫn cứ phải xác định thiện - ác là gì, bởi tự do và trách nhiệm cá nhân là những đặc trưng quan trọng bậc nhất của tồn tại người, và chúng cần phải được xác định dựa trên một quan niệm nào đó về thiện - ác. Và, Sartre đã đặt ra hàng loạt vấn đề có liên quan tới đề tài này ở cuối tác phẩm Tồn tại và hư vô.

Vấn đề bản thể luận của tự do được Sartre trình bày trong Tồn tại và hư vô có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Heidegger trong Tồn tại và thời gian. Cả hai nhà triết học này đều cố gắng đưa “tự do” vào hệ thống những khái niệm cơ bản của bản thể luận. Các ông coi tự do, theo một nghĩa nào đó, là cái được “diễn dịch” ra từ tính tích cực ý hướng của chủ thể siêu nghiệm, bởi sự kiến tạo thế giới đối tượng siêu vượt trong các hành vi ý hướng chính là tính tích cực tự do của chủ thể. Song, khác với Heidegger, Sartre có thiên hướng lý giải tự do như một đặc trưng bản thể cơ bản, sâu xa hơn cơ sở của tính tích cực người. Theo ông, “điều kiện đầu tiên của tính tích cực là tự do”(5). Với quan điểm này, mặc dù không phủ nhận tính tích cực là một đặc điểm của giới tự nhiên; song, theo Sartre, tính tích cực này khác về nguyên tắc so với tính tích cực gắn trần với tự do. Bởi lẽ, thế giới của tính tích cực, tổng thể những hành vi là một thực tại đặc biệt. Nó giả định cần phải có sự hiện diện của “những động cơ” mà, xét về một phương diện nào đó, có thể chế định việc xác định các nhiệm vụ và lựa chọn mục đích, mặc dù “những động cơ” này không phải là nguyên nhân của hành vi, chúng chỉ là một bộ phận cấu thành của hành vi. Mọi hành vi đều chịu sự quy định của mục đích và động cơ và do vậy, “hành vi là sự biểu hiện của tự do” (6).

Ssartre cho rằng, “định nghĩa” tự do là rất khó, vì nó “không có bản chất”, không thể được khuôn về một tính tất yếu nào đó. Trong tự do, “sự hiện sinh có trước bản chất và quy định bản chất” (7). Tự do chỉ hiện diện ở tình thái đơn nhất. Điều này có nghĩa là, tự do không phải là cái giống nhau ở những người khác nhau; thậm chí, nó cũng không phải là một trong các tình huống tồn tại khác ở một con người. Hơn nữa, mọi thử nghiệm chuyển phương thức hành động (sở thích, sự lựa chọn) vào bối cảnh khác còn có nghĩa là đánh mất tự do. Nói cách khác, tự do là cái quyết định lối ứng xử trong một tình huống và cố gắng lặp lại nó trong tình huống khác; hành động một cách “tự động”, tức là hoàn toàn không tự do. Tự do trở nên hiển nhiên trong các hành vi “hư vô hoá”, biến những gì không phải là đối tượng ý hướng thành hư vô. “Tự do không phải là cái gì khác ngoài sự hư vô hoá đó”; còn sự “hư vô hoá” trong tự do không có cơ sở nào khác ngoài bản thân tự do. Trong trường hợp ngược lại, “chúng ta sẽ không có tự do, chúng ta không còn là những người tự do”(8), “tự do bị bóp nghẹt dưới sức nặng của tồn tại”. Tự do không có cơ sở, cũng như con người vốn dĩ đã được tự do. Con người và chỉ có con người mới có quyền tự do quyết định mình sẽ trở thành người nào và như thế nào. Con người xuất phát từ lương tâm, từ thế giới nội tâm của mình để tự quyết định việc đó, chứ không phải do người khác, cái khác quyết định thay cho mình; con người quyết định mà không chịu sự chi phối của những thiên kiến (“tâm thế nhân tạo”). Con người không tự do là cái thực tại, cái hiện hữu giống như khách thể; nó hiện hữu nhưng không hành động với tư cách con người theo nghĩa hiện sinh. Do vậy, tồn tại với tư cách tự do nhất thiết phải phủ định tồn tại hiện có.

Cố gắng phát hiện ra tính đặc thù của con người và thế giới người, chủ nghĩa hiện sinh nói chung luôn bác bỏ quan điểm “đa thành phần” về con người, bác bỏ quan niệm coi con người như một thực thể được quyết định bởi dục vọng, hay tự do. Điều này sẽ có nghĩa có thể tồn tại một nửa là tự do, một nửa là nô lệ. Nhưng, với Sartre, “con người hoặc là tự do, hoặc là không tự do mãi mãi và hoàn toàn”(9) .Theo Sartre, không nên lý giải tự do là “sự kiện của ý thức” theo lối tâm lý học. Tự do là toàn vẹn, là “tổng thể”. Tự do mang tính tổng thể, bởi nó có thể hợp nhất động cơ, mục đích, cái khách quan của một tình huống nào đó với cái chủ quan, cảm xúc, nguyện vọng, dục vọng, với những cái cho phép con người thực hiện hành vi ý hướng. Tuy nhiên, “cái khách quan” trong trường hợp này, theo Sartre, cần phải hiểu là mọi mục đích và hành vi đều được tạo ra một cách tự do trong “dự phóng” của chủ thể hành vi. Rằng, không nên lẫn lộn tự do với thói đỏng đảnh và thói tuỳ tiện như trong quan niệm quyết định luận về thế giới, bởi “thế giới của tự do” không đồng nhất với “thế giới vật tự nó” cũng như các dục vọng quyết định. Do vậy, tự do hoàn toàn không phải là tính không thể tiên đoán được của hành vi và nguyện vọng con người. Tự do thể hiện ở việc tìm kiếm bản thân mình, chính xác hơn là ở việc lựa chọn bản thân mình (tính nhất thể của mình) và qua đó, ở việc lựa chọn thế giới đối tượng của mình như một “phát hiện”. Nhưng, sự lựa chọn, nếu là lựa chọn đích thực, thì đó là sự lựa chọn vô điều kiện! Song, mọi sự lựa chọn một cách tự do đều luôn vấp phải những trở ngại hay những hạn chế nào đó. Hơn nữa chính sự hiện diện những trở ngại hay hạn chế đối với tự do đã làm cho tự do trở nên hiển nhiên! Trở thành người tự do không có nghĩa là có được tất cả những gì mong muốn; đó chỉ là ở vào tâm trạng mong muốn chính cái mà mình ưa thích. “Thành công hoàn toàn không quan trọng đối với tự do” (l0) . Do vậy, định nghĩa triết học duy nhất về tự do đó là sự tự lựa chọn.

Theo Sartre, chúng ta là những cá nhân, vì chúng ta thực hiện sự lựa chọn của mình và chỉ của mình; “chúng ta là tự do đang tiến hành lựa chọn, nhưng chúng ta không lựa chọn tồn tại là người tự do, chúng ta buộc phải có tự do…, bị quẳng vào tự do” (11). Rằng, tự do hoàn toàn không giống với sự lựa chọn ngẫu nhiên, không giống như trò chơi sổ xố. “Tự do” theo kiểu đó không là gì cả, ngoài một cái gì đó “tự nó”. Tự do “cho nó” - đó là sự chiếu sáng của tồn tại hay là “bước nhảy trong tồn tại”, là thời điểm quyết định. Cuộc sống của con người tự do chỉ là sự lựa chọn bản thân mình, là chuỗi những sự đột phá trong tồn tại được thực hiện cùng với mỗi hành vi lựa chọn.

Tồn tại tự do - đó là tồn tại trong tình huống; còn tình huống thì chủ yếu là động cơ: động cơ tấn công hay phòng thủ. Tình huống tự nó là sản phẩm của sự tương tác giữa “tồn tại cho mình” và “tồn tại tự nó”, giữa hoàn cảnh và tự do. Sống trong tình huống có nghĩa là sống có tính người theo nghĩa đích thực của từ này, đó là thực tại người Không có tự do theo cách nào khác, ngoài cách trong tình huống; không có tình huống theo cách nào khác, ngoài thông qua tự do” (12).

Theo Sartre, tự do không thể tách rời trách nhiệm. “Vốn có thiên mệnh phải trở thành tự do, con người mang toàn bộ sức nặng của thế giới trên đôi vai mình. Con người chịu trách nhiệm về thế giới và về bản thân mình, và đó là phương thức tồi tại của nó” (13). Do cái Ngã chỉ có nghĩa là những “dự phóng của Tôi”, nên trách nhiệm cũng là cái tuyệt đối như tự do: tất cả những gì xảy ra với Tôi đều là của Tôi! Tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những sự lựa chọn của Tôi. Song, Tôi không thể chịu trách nhiệm về sự ra đời của Tôi, nghĩa là, Tôi chỉ không phải chịu trách nhiệm về trách nhiệm của tôi! Sự tồn tại của Tôi không có căn cứ. Tôi chỉ đơn giản là bị “quẳng vào” thế giới; nhưng sau đó và cùng với đó, Tôi bắt đầu phải chịu trách nhiệm về bản thân; Tôi tự do và có trách nhiệm, khi vẫn không có căn cứ cho sự tồn tại của mình. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm hiện sinh, chứ hoàn toàn không phải là trách nhiệm trước một người nào đó, trước một cái gì đó. Với quan niệm này, Sartre đã chế nhạo tất cả những ai có ý định từ bỏ giá trị của bản thân để tìm kiếm các căn cứ cho sự tồn tại của mình và minh biện cho sự sống và cái chết của mình ở cái khác, tức là tồn tại bị tha hoá, tồn tại không phải với tư cách “tồn tại tự nó”.

Thừa nhận con người là hữu hạn, hữu tử, song Sartre không vì thế mà bênh vực những cái thủ tiêu sự sống và toàn bộ những giá trị của nó. Ông luôn gắn liền hiện tại với tương lai, coi hiện tại là cái cần phải mở ra viễn cảnh cho tương lai. Sự vô trách nhiệm đối với tương lai sẽ làm giảm giá trị của tự do. Con người sống vô nghĩa là con người chỉ biết đề cao hiện tại. Chỉ có trách nhiệm đối với tự do mới quy định trách nhiệm đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Xét về mặt triết học, tính nhất thời, tính hữu hạn không nằm ở phía trước, mà nằm ở phía sau tự do và trách nhiệm.

Như vậy, có thể nói, Sartre hoàn toàn không bác bỏ giá trị cuộc sống. Sartre đề cao tự do gắn với trách nhiệm đối với cuộc sống và cho rằng, không nên đồng nhất tự do đích thực với tự do hình thức của kẻ đớn hèn. Lựa chọn cái hèn hạ, con người đã tự hạn chế tự do của mình. Để tránh sự chế ngự của cái hèn hạ, chúng ta cần phải phân cấp giá trị, phải kêu gọi con người phát hiện ra những giá trị quan trọng, mở ra viễn cảnh cho tự do và sáng tạo. Mỗi người đều có thể sáng tạo một cách phù hợp với những năng lực của mình, nhưng những hành vi khác nhau lại có giá trị khác nhau, nếu nhìn từ góc độ tự do và trách nhiệm. “Hành vi của những con người trung thực có mục đích tối hậu là tìm kiếm tự do tự nó. Sáng tạo bao giờ cũng có, song cần phải xem xét nó có được thực hiện vì tự do hay không”(14).

Theo Sartre, tự do và trách nhiệm là những phương diện hiện sinh quan trọng nhất của con người. Xét về bản tính khởi thuỷ của con người, con người phải gánh vác trách nhiệm. Tự do và trách nhiệm luôn đòi hỏi tình đoàn kết và thống nhất giữa mọi người, bởi chúng có quan hệ không những với “tồn tại cho mình”, mà còn với “tồn tại cho tha nhân”. Tự do và trách nhiệm còn được Sartre sử dụng làm các tiêu chí xuất phát để xác định các phẩm chất đạo đức khác của con người, như thiện, ác, lương tâm, trung thực, tội lỗi, hèn nhát, bổn phận. Với Sartre, thiện là phương diện hiện sinh của tự do, là trách nhiệm về tự do. Ác là sự từ bỏ thiện. Không trung thực là thông tin xuyên tạc về tình hình thực tế, là định hướng chống lại các lý tưởng về tự do. Lương tâm là sự tự đánh giá của cá nhân trên bình diện tính cấp thiết của nó đối với tự do. Tội lỗi là sự từ bỏ trách nhiệm. Hèn nhát là sự che giấu tự do nhờ viện dẫn vào hoàn cảnh. Bổn phận là phục tùng những giá trị mà bản thân mình đã lựa chọn.

Với những quan niệm đó, Sartre đã được coi là một biểu tượng cho lương tâm của người Pháp vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, là “nhà triết học của thế kỷ XX”. Với tư cách này, Sartre luôn lo lắng trước một thực tế phũ phàng là không có ai dám gánh vác trách nhiệm đích thực về nền giáo dục đang suy thoái, về sự tự làm trống rỗng tinh thần của con người và về việc triết học đang đánh mất ý nghĩa của mình trong cuộc đấu tranh của con người vì bản tính đích thực người. Lý giải vấn đề này, Sartre cho rằng, xuyên tạc tự do là nguyên nhân dẫn tới mọi thất bại của con người hiện đại; khôi phục sự tự do lựa chọn cách làm người và biết chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy là con đường duy nhất dẫn con người quay trở lại với bản tính khởi thuỷ đích thực của mình. Sartre coi đây là mệnh lệnh đạo đức mang ý nghĩa. thực sự cấp bách trong bối cảnh mà những mối nguy hiểm chết người đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Với mệnh lệnh này, Sartre đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự ý thức một cách tỉnh táo về bản thân mình và hướng nỗ lực của mình vào tha nhân như một định hướng duy nhất phù hợp với đạo lý làm người trong thời đại ngày nay.


(l) Xem: J.-P.Sartre. Tồn tại và hư vô. Mátxcơva, 1994, tr. 46-68.
(2) Xem: J.-P.Sartre. Sđd., tr. 100-108.
(3) J.-P.Sartre. Sđd., tr.c126.
(4) Xem: áP.Sartre. Sđd.. tr. 145.
(5) J.-P.Sartre. Sđd.,,tr. 508.
(6) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 513
(7) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 513.
(8) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 515.
(9) J.-P.Sartre. Sdd., tr. 516.
(l0) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 563.
(11) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 565
(12) J.-F.Sartre. Sđd., tr. 569.
(13) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 639.
(14) J.-P.Sartre. Sđd., tr. 340-341

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không gian tinh thần - Đối thoại

    09/01/2021Nguyễn Trần BạtKhi nghiên cứu về sự phát triển của con người, tôi đã rút ra kết luận rằng sự phát triển của con người lệ thuộc vào hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là hoàn cảnh khách quan, được thể hiện tập trung bằng thể chế và luật pháp. Yếu tố thứ hai là trạng thái tự do bên trong của mỗi con người...
  • Khái niệm tự do

    06/04/2016Nguyễn Trần BạtTừ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người...
  • Ý nghĩa của tự do

    04/12/2013Dr. Mortimer J. AdlerTrước khi tôi thử trình bày những gì làm cho ý niệm tự do có ý nghĩa sâu xa trong đời sống con người, hãy cho tôi thử truyền đạt một số cảm tưởng về phạm vi của ý niệm này. Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, tự do có một số ý nghĩa rõ rệt. Tôi sẽ cố trình bày những ý nghĩa này cho bạn một cách ngắn gọn nhất. ...
  • Một mình - Tồn tại hay không tồn tại?

    18/07/2013Vũ ThủyCon người ngàn đời vẫn vậy, sinh-lão-bệnh-tử, chẳng thể thay đổi, có khác chăng chính là họ tồn tại như-thế-nào...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Chủ nghĩa tự do: Quá trình phát triển và ảnh hưởng của nó đối với thế giới hiện đại

    25/06/2009PGS. TS. Nguyễn Tấn HùngChủ nghĩa tự do (CNTD) - hệ tư tưởng chính trị, triết học, đạo đức, là át chủ bài của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội (CNXH). CNTD tuyệt đối hóa tự do cá nhân, phủ nhận vai trò của cộng đồng xã hội và sự can thiệp của nhà nước, do đó là hệ tư tưởng đối lập với chủ nghĩa xã hội. CNTD tuy có vai trò tích cực nhất định trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở các nước tư bản, nhưng những hậu quả tiêu cực của nó cũng không nhỏ.
  • Suy ngẫm thể xác - linh hồn dưới góc nhìn triết học duy tâm

    13/03/2009Nguyễn Cung Hoàng NamTheo triết học duy tâm, ý thức quyết định vật chất. Dưới góc nhìn đó, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về thể xác và linh hồn
  • Tư duy và thực tại

    12/11/2007SorosTôi bắt đầu với quan hệ giữa tư duy và thực tại, đặc biệt khi nó liên quan đến những chuyện xã hội. Tôi cần chứng tỏ cái gì là cái làm cho sự hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo một cách cố hữu. Tri thức không vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, nhưng khi đến các tình thế trong đó chúng ta là những người tham gia tích cực chúng ta không thể đặt cơ sở cho quyết định của mình chỉ riêng trên tri thức...
  • Tự do sinh ra con người

    21/04/2007Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch/ Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKhái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán.
  • Hệ vấn đề bản thể luận phương Tây – Một cái nhìn khái quát

    20/02/2007Nguyễn Chí Hiếu – Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí MinhBản thể luận với tư cách là bộ phận căn bản nhất của siêu hình học đã ra đời cùng với siêu hình học và trải qua quá trình phát triển liên tục, gắn bó hữu cơ với tiến trình lịch sử triết học, tuy không cùng hoàn toàn trùng khớp với lịch sử triết học. Trong bài này, chúng tôi phân tích một cách khái quát hệ vấn đề của bản thể luận phương Tây, tức là những vấn đề căn bản, nền tảng mà bất cứ bản thể luận nào cũng đều phải lý giải chúng...
  • Tự do đạo đức của chủ thể trong đạo đức học I.Cantơ

    09/01/2007Vũ Thị Thu LanLuận chứng cho việc giải phóng đạo đức học khỏi mọi sự tư biện siêu hình học là một vấn đề triết học mà I.Cantơ đã đặt ra và giải quyết. Đây được coi là một đóng góp quan trọng của ông cho việc xác định bản chất của tri thức triết học.
  • Bản thể luận Huxéc với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm I.Cantơ

    18/09/2006Đỗ Minh HợpBản thể luận Huxéc cho thấy mối liên hệ khăng khít nhất của triết học Cantơ nói chung và chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm Cantơ nói riêng với triết học phương Tây hiện đại, đồng thời nó cũng làm bộc lộ rõ vai trò và đóng góp thực sự của triết học Cantơ đối với "cuộc cách mạng bản thể luận" trong triết học phương Tây hiện đại. Đây thực chất là vấn đề "tái chú giải" triết học Cantơ trong văn cảnh cần phải xác định lại đối tượng và phương pháp của triết học trong sự khác biệt của nó so với khoa học tự nhiên...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • Siêu Hình học: Tồn tại hay không tồn tại

    07/07/2005Tiến sĩ Đỗ Minh HợpMột trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học là tìm ra các nguyên tắc mới để hình thành một lập trường sáng tạo đối với truyền thống triết học và tiếp thu những thành tựu của tư tưởng triết học thế giới. Vấn đề siêu hình học, quan niệm vế siêu hình học luôn là một vấn đề trọng tâm và nan giải nhất của triết học, vì nó có liên quan mật thiết đến dự lý giải về triết học, về động thái của đối tượng triết học và về sứ mệnh của triết học trong văn hoá. Bài viết này của chúng tôi nhằm góp phần làm sàng tỏ vấn đề ấy.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác