Tuyên chiến với bệnh thành tích: Ai cần động viên?

03:51 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Tám, 2003

Con nào muốn có điểm cao nào?

Tổng kết cuối năm, trường của bé Minh đạt chỉ tiêu tốt nghiệp tiểu học 100%. Cha mẹ bé phấn khởi, thầy cô vui mừng, hiệu trưởng hãnh diện và trịnh trọng ôm vô số bằng khen...

Nhưng hân hoan chưa đầy ba tháng thì đã có vấn đề: đầu tiên là các giáo viên môn văn - vốn là những người nhạy cảm - đã phát hiện: "Học sinh lớp 6 năm nay có nhiều em đọc chữ không chạy, còn vấp nhiều chỗ, chữ viết quá tệ lại nhiều lỗi chính tả”.

Kế đến là giáo viên môn toán, vốn đã quen với sự đo đạc và tính toán, phát biểu: “Học sinh lớp 6 năm nay quá thấp bé và nhẹ cân, tưởng chừng như học sinh lớp 3".

Rồi đến giáo viên các môn học khác cũng chê HS lớp 6 năm nay học dở. Chuyện đến tai ban giám hiệu, hiệu trưởng bảo: “Này, các thầy cô không nên chê HS dở hoặc dốt, có dốt mới đi học chứ, nếu đã giỏi sẵn ai đi học làm gì"!

Chuyện lại đến tai giáo viên thư viện, vốn đã quen với chuyện phân loại sách báo. Giáo viên thư viện phát biểu: "Nếu muốn tránh tiếng học dở và dốt thì tạm thời phân HS ra làm hai loại: một loại "đậu chín" và một loại “đậu ép” (để chỉ HS đậu chính thức và những trường hợp học yếu nhưng cũng được... ép cho đậu để đủ chỉ tiêu 100%).

Để đối phó với tình trạng lười học, cô giáo môn công nghệ các lớp khối 6 đã nghĩ ra một cách: cho bài tập đem về nhà làm. Bé Dương - nhân vật "đậu ép” được đề cập ở đầu bài – khi gặp câu kiểm tra: "Em hãy kể tên năm loại gia vị thường dùng trong chế biến món ăn" (đây là câu không có trong sách nhưng có trong bài giảng của cô), Dương đã bí rị và chừa trống. Dù sao sự chừa trống này cũng đỡ tệ hại hơn một em kể tên gia vị là "con trâu, con bò, con heo...”

Chao ôi, em đã nhầm lẫn giữa gia súc và gia vị mất rồi! Thật khổ cho cô vì phải bỏ thời gian giảng lại để các em hiểu thế nào là gia súc, gia cầm và gia vị... Đến khi gặp câu kiểm tra: "Em hãy kể tên năm món ăn được chế biến từ phương pháp xào" thì có đến 50% các em viết trên giấy: "Năm món ăn đó là xào đậu đũa, xào bắp cải, xào mì...” và cô công nghệ phải nhào qua lĩnh vực ngữ văn để dạy lại cho các em biết thế nào là danh từ, động từ và "xào đậu đũa" khác với "đậu đũa xào" ra sao!

Những HS "đậu ép" cứ rơi rụng dần vì không chịu nổi áp lực học tập. Kiểm tra học kỳ 2 có 35/475 em nghỉ học, chưa kể số em đi học "cầm chừng" (bữa có, bữa vắng) là 40/440 em còn lại.

Như vậy là khối 6 chính thức nghỉ học có 35 HS. Nếu tính luôn các khối 7, 8 và 9 thì toàn trường có gần 100 HS nghỉ học/1.500 HS.

Chuyện đến tai lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo chỉ đạo cho các đoàn thể: "Phải làm công tác tư tưởng cho các gia đình có con bỏ học, phải động viên các em đi học lại". Gia đình nào có con bỏ học, mẹ sẽ bị cắt thi đua khen thưởng vì không đạt chỉ tiêu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Và theo tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" của địa phương, gia đình nào có con em vô cớ bỏ học sẽ bị tước danh hiệu gia đình văn hóa. Thế là các ông bố bà mẹ bị áp lực từ nhiều phía buộc phải động viên con em mình đi học lại... Kết quả cuộc vận động ấy, trong khối 6 có... 2/35 em đi học lại, còn các khối khác chẳng có em nào!

Cuộc tháo gỡ "cái sự vướng mắc" đã không thành công bởi vì chẳng ai thấy mà gỡ ngay cái vướng! Nhà trường, vốn kề cận với HS, đã tìm thấy nguyên nhân chính của vấn đề bỏ học là do các em yếu kém toàn diện, không kham nổi chương trình học tập. Vì thế, biện pháp của nhà trường là mở thêm các lớp phổ cập để thu gom HS "đậu ép".

Chính vì thế mà mỗi năm hệ phổ cập lại phình to ra. Nếu tình trạng "đậu ép" cứ duy trì thì đến một lúc nào đó hệ phổ cập sẽ đông hơn hệ phổ thông (!).

Một giáo viên tâm sự: "Trong một buổi dạy, sau khi đặt ra nhiều câu hỏi mà một HS "đậu ép" chẳng trả lởi được câu nào, tôi đã phải thở dài buông một câu: Nếu năm nay em được ở lại lớp 6 thì đó là một điều may mắn”.

Một cô giáo khác cũng kể rằng: "Ngày xưa giáo viên có quyền cho điểm, HS xứng đáng được điểm nào thì hướng điềm ấy. Ngay nay quyền cho điểm của giáo viên đôi khi bị tước đoạt”. Một số ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên phải nâng điểm bình quân học kỳ của HS lên nếu HS đó xếp vào loại yếu, kém.

Nguyên nhân chất lượng yếu kém và tỉ lệ bỏ học cao của HS ngày nay chính là từ "bệnh thành tích”. Hiệu trưởng càng ép giáo viên, giáo viên càng phải nâng HS. Và người gánh chịu hậu quả cuối cùng chính là những HS bé bỏng.

Nếu trách giáo viên thì phải xem lại hiệu trưởng, nhưng nếu trách hiệu trưởng có lẽ chúng ta phải "động viên” cấp trên và nhiều cấp trên nữa... Những cấp trên nên nghiên cứu lại xem cái học ngày xưa đôi khi "học đã sôi cơm nhưng chửa chín”, còn bây giờ thì "học chưa sôi cơm đã phải chín ép”.

Chính những chỉ tiêu thi đua đã làm các trường có biện pháp đối phó. Có ai lại thích mình bị chậm lên lương hoặc bị cắt thi đua khen thưởng vì trường mình có quá nhiều HS yếu kém không? Và những sự đối phó này các cấp trên làm sao mà biết!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: