Vai trò của các cường quốc

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:25 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Mười Một, 2019

Cường quốc toàn cầu là những quốc gia dồi dào về tài nguyên, hùng mạnh về quân sự và quan trọng hơn, có một hệ thống chính trị, một nền văn hóa tiên tiến và một hệ giá trị mang tính phổ quát.

Xét trên những tiêu chí như vậy, thế giới ngày nay và thậm chí trong tương lai, chỉ có ba cường quốc toàn cầu là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Những nước này, với vai trò tiên phong trên con đường phát triển chung của nhân loại, không chỉ có nhiệm vụ xác lập và phát triển hệ giá trị tiên tiến của mình, mà còn có nghĩa vụ phổ biến, truyền bá nó ra toàn thế giới.

Có ý kiến cho rằng thế giới cần sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Quan điểm này đúng nhưng có phần áp đặt. Chúng tôi cho rằng Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có tham vọng và có khả năng lãnh đạo thế giới, nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, trong những thập kỷ trước đây và cả trong nhiều thập kỷ sau này, Hoa Kỳ là quốc gia có thực lực nhất, cho phép họ đảm nhân vai trò lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, trước khi nghiên cứu các cường quốc toàn cầu hiện đại, chúng ta phải trở lại với những dữ liệu lịch sử.

1. Cục diện thế giới thời hậu chiến tranh lạnh

Cuối thế kỷ XX, trước sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông âu, nhiều học giả khẳng định rằng, phương Tây đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai”. Nhưng thực chất, không phải phe tư bản chủ nghĩa đã chiến thắng, mà phe xã hội chủ nghĩa đã tự thua. Tự thua chính mình. Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa đã thất bại bởi chính những sai lầm mang tính chiến lược về nhận thức, trong đó có nhận thức về vai trò và phương pháp lãnh đạo thế giới. Việc nhiều nước thua cuộc xin gia nhập NATO, EU, có nghĩa là những nước này đã nhận ra sự phi lý hay vô giá trị của hệ giá ta đã nô dịch họ trước đó, đồng thời thừa nhận những giá trị hợp lý của phương Tây, tiêu biểu là hệ thống giá trị Hoa Kỳ.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người tưởng rằng thế giới sẽ trở nên yên ổn. Thực tế, tình hình thế giới những năm đầu thế kỷ XXI hoàn toàn khác. Mặc dù Chiến tranh Lạnh và sự đối đầu về tư tưởng không còn nữa, lại thấy xuất hiện những cuộc đối đầu khác không kém phần khốc liệt. Đó là những xung đột về sắc tộc, tôn giáo, và nguy hiểm hơn, phức tạp và khốc liệt hơn là những xung đột về văn hóa - luôn tiềm ẩn nguy cơ không giải quyết được nếu không có giải pháp thích hợp.

Trước đây, người ta thường lãnh đạo thế giới thông qua hệ thống tư tưởng. Nhưng trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, việc sử dụng hệ tư tưởng làm công cụ lãnh đạo đã trở nên lỗi thời. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhất là với sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố và các thảm họa môi trường, thế giới đòi hỏi một sự lãnh đạo theo một phương thức mới. Hơn nữa, thế giới đang bước vào kỷ nguyên chính trị, một kỷ nguyên của đối thoại và hợp tác. Một đòi hỏi đặt ra cho các quốc gia là phải ý thức sâu sắc về vai trò, quyền lợi và giá trị của mình trên cơ sở phải tính đến lợi ích chung của cộng đồng. Các cường quốc, trong bối cảnh kinh tế - chính trị mới, phải thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, cùng với nỗ lực duy trì và phát triển dân chủ toàn cầu. Để thực hiện được những tham vọng đó, hệ tư tưởng nhường chỗ cho hệ giá trị.

2. Lãnh đạo và nô dịch

Để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ, để phát triển nhanh và tránh được rủi ro, một cộng đồng hay một quốc gia luôn cần một sự lãnh đạo sáng suốt. Thế giới, với tư cách là một cộng đồng lớn, cũng cần sự lãnh đạo. Trong bối cảnh các định chế quốc tế còn chưa được đổi mới để theo kịp với thực tế cuộc sống, các cường quốc với tư cách là những cộng đồng tiên tiến phải đóng vai trò lãnh đạo khai phá, dẫn dắt nhân loại trên con đường phát triển chung.

Trước hết, chúng ta phải phân biệt lãnh đạo với nô dịch.

Đây là hai khái niệm khác nhau nhưng thường bị đánh tráo. Nô dịch là sự áp đặt những tiêu chuẩn của cộng đồng mình lên một cộng đồng khác. Nô dịch bắt con người phải chấp giá trị mà chính họ không hiểu hoặc chưa có điều kiện để hiểu, cho dù đó là những thứ vô hại với họ, hoặc thậm chí còn mang lại lợi ích cho con người. Lãnh đạo, trái lại, chính là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, hay nói cách khác, lãnh đạo là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sông, nhằm giải quyết những xung đột và điều hòa lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học. Người ta thường nói đến cái gọi là "nghệ thuật lãnh đạo", nhưng nghệ thuật đó phải dựa trên những tiêu chuẩn khoa học, với phương pháp luận khoa học và sử dụng những công cụ khoa học. Không giống với những kẻ mị dân, nhà lãnh đạo đi tìm hạnh phúc không phải trong sự ca ngợi, yêu mến của kẻ khác, mà trong việc họ sẽ đón nhận sự lãnh đạo của ông ta như một nhu cầu tất yếu Trên phương diện quốc tế, khi kẻ lãnh đạo là một quốc gia cũng vậy. Lịch sử cho thấy rằng, không chỉ Hoa Kỳ mà tất cả những nước đi tiên phong trong việc lãnh đạo thế giới đều chịu nhiều sự căm ghét. Về mặt chính trị, hình ảnh Hoa Kỳ không được thân thiện trong con mắt dân chúng nhiều cộng đồng. Trên thực tế, Hoa Kỳ trở thành một chiếc cột thu lôi cho những tức giận của rất nhiều lực lượng trên thế giới. Điều này cũng tương tự như việc nước Nga từng bị dân chúng nhiều nước Đông Âu, như Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc từ chối. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những tình cảm của mình, các cộng đồng bị lãnh đạo cũng không thể không thừa nhận việc cần thiết của sự lãnh đạo thế giới từ phía các cường quốc.

3. Tham vọng của các cường quốc

3.1. Hoa Kỳ - từ nửa thế giới đến cả thế giới

Như đã nói ở trên, Hoa Kỳ không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất có tham vọng lãnh đạo thế giới. Nhiều năm trước, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có tham vọng lãnh đạo thế giới, khi họ khống chế châu âu và xây dựng đế chế Ottoman. Đế quốc của Bismark, đế quốc của Napoleon, hay xa hơn, đế quốc của Thành Cát Tư Hãn cũng từng có tham vọng như vậy. Tuy nhiên, những tham vọng này thô sơ hơn, ít mang tính tư tưởng và triết học hơn.

Bước sang thế kỷ XXI, rất nhiều quốc gia, thậm chí những quốc gia nhỏ bé, với trình độ phát triển chưa cao, đôi khi cũng le lói tham vọng lãnh đạo. Nhưng xét về mặt tiềm năng và nhiều phương diện khác, trên tư duy địa kinh tế và địa chính trị, không có quốc gia nào có đủ thực lực để đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới hơn Hoa Kỳ. Quốc gia này luôn cố gắng trở thành một xứ sở của hệ giá trị mới, tiến bộ, năng động và sáng tạo. Các cuộc chiến tranh thế giới, sự xung đột quyền lợi và tư tưởng khiến Hoa Kỳ ngày càng tăng cường vai trò của mình trong những sinh hoạt quốc tế.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, Hoa Kỳ, thông qua NATO, tập hợp xung quanh mình một loạt các nước đồng minh, và miễn cưỡng cùng với Liên Xô, chia nhau lãnh đạo một phần hai thế giới. Tuy nhiên, chính xác hơn, trong thế đối đầu căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, cả hai nước này đều muốn duy trì địa vị của mình với tư cách là kẻ thống trị thế giới. Một mặt, Hoa Kỳ trở thành cỗ xe tăng đi trước, che chắn cho các nước đồng minh trong mọi cuộc xung đột, mặt khác, quốc gia này cũng tận dụng địa vị thống trị của mình để áp đặt hệ giá trị lên toàn thế giới.

Ngày nay, Hoa Kỳ tham gia chính trường quốc tế như một người tổ chức, dàn xếp và lãnh đạo thế giới. Hoa Kỳ muốn kiểm soát chi phối tất cả các yếu tố trong đời sống kinh tế chính trị toàn cầu, kiểm soát hệ thống các lợi ích trên quy mô toàn thê giới, kiểm soát tài nguyên và an ninh toàn cầu, với mục đích duy trì sự thịnh vượng và hùng mạnh của Hoa Kỳ và toàn thế giới.

3.2. Nga - Từ nửa thế giới đến chủ nghĩa Đại Nga

Không thể phủ nhận rằng, đã có thời, nước Nga từng là một cường quốc thế giới, thậm chí là đối trọng của Hoa Kỳ trong việc chia nhau lãnh đạo một nửa thế giới. Ngày nay, thời thế đã thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không còn tham vọng đi tìm lại chiếc vương miện cũ của mình. Trên thực tế, việc phấn đấu khôi phục lại một phần hay nguyên trạng các giá trị toàn cầu trong quá khứ là tâm lý phổ biên ở cường quốc này, hay nói cách khác, sự luyến tiếc vai trò cường quốc cũ đã trở thành tâm lý chính trị, tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở nước Nga.

Tâm lý này có cơ sở của nó.

Thứ nhất, quyền lực là một khái niệm rất kỳ lạ, luôn luân chuyển trong thế giới loài người. Nước Nga từng nắm giữ quyền lực trong quá khứ, vậy chắc chắn sẽ có cơ hội nắm giữ quyền lực trong tương lai. Thứ hai, một nước lớn như nước Nga, với một nguồn tài nguyên khổng lồ, cộng thêm những kinh nghiệm của một cường quốc, sớm hay muộn cũng tìm kiếm được chỗ đứng của nó. Nhưng đến bao giờ? Nhìn vào thái độ của Hoa Kỳ đối với Nga trên trục thời gian, chúng ta thấy rõ điều đó. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ vẫn luôn theo dõi mọi động thái của nước Nga một cách dè chừng. Bởi nước Nga là một kho hạt nhân khổng lồ, kho vũ khí sinh, hóa học khổng lồ, bất cứ lúc nào cũng có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của Hoa Kỳ và thế giới. Và nước Nga càng khó khăn về kinh tế thì càng có nguy cơ phải bán cả những thứ nguy hiểm cho các quốc gia láng giềng. Nhưng Hoa Kỳ theo dõi nước Nga không phải với thái độ thù địch, ít nhất từ 10 năm nay, mà là với một thái độ kiểm soát. Hoa Kỳ muốn giữ cho chủ nghĩa Đại Nga không trỗi dậy đến mức có thể thực hiện các cuộc phiêu lưu chính trị nguy hiểm.

3.3. Trung Quốc như là thủ lĩnh của thế giới thứ ba

Trung Quốc là một quốc gia đã từng giữ địa vị của quốc gia tiên tiến nhất thế giới, trước khi nổ ra các cuộc cách mạng công nghiệp. Vào thời xuất hiện con đường tơ lụa, giá trị thương mại của Trung Quốc chiếm tới 40% giá trị thương mại thế giới.

Nhưng khi thế giới phát triển đến một trình độ cao như hiện nay, vị thế đó đã nằm ngoài khả năng của người Trung Quốc. Nhận thức được tình hình mới, Trung Quốc đã tham gia sáng lập khối không liên kết, tham gia WTO, với tiêu chuẩn của các nước thế giới đang phát triển. Các nhà chính trị Trung Quốc hiểu rất rõ khả năng và tiềm năng của dân tộc mình nên đã đưa ra các mục tiêu chính trị khiêm tốn và có tính khả thi. Là một dân tộc thông minh và nhạy cảm, Trung Quốc dừng lại ở tham vọng lãnh đạo thế giới thứ ba hay thế giới các nước đang phát triển.

Trung Quốc trước hết là một cường quốc khu vực, do đó, sự lan tỏa ảnh hưởng là tất yếu. Minh chứng cho sự lan tỏa này là thái độ dè dặt của tất cả các quốc gia khu vực trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang hay thậm chí đã trở thành một cường quốc toàn cầu. Cho nên, tất cả các chính phủ đều phải xét đến Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách đối ngoại và cả chính sách đối nội của mình.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Trung Quốc luôn theo đuổi mục tiêu là thủ lĩnh của thế giới thứ ba, và bằng cách đó, Trung Quốc thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới.

4. Phương pháp lãnh đạo của các cường quốc

Lựa chọn một phương thức hợp lý, trong sự phức tạp của thế giới đương đại là điều không đơn giản, thậm chí có thể nói là một thách thức lớn không chỉ đối với bản thân các cường quốc mà đối với toàn thể nhân loại.

4.1. Hoa Kỳ

Trong thập kỷ vừa qua, Hoa Kỳ dần dần hình thành các chính sách, phương pháp luận nhằm thực hiện vai trò lãnh đạo trong một thế giới mới.

Vậy Hoa Kỳ dựa vào sức mạnh gì để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo thế giới?

Đương nhiên, Hoa Kỳ sẽ phải dựa vào sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, thậm chí phải dựa vào sức mạnh quân sự, trong những trường hợp không nhận được sự đồng thuận từ những "kẻ cứng đầu” như trường hợp của Iraq. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên những cơ sở mang tính vật chất như vậy, Hoa Kỳ chỉ có thể lãnh đạo thế giới với chất lượng trung bình, tức là chỉ tạo được cái uy trước các dân tộc khác. Để lãnh đạo thế giới với chất lượng cao, hay nói cách khác, để đạt được sự đồng thuận tự nguyện, Hoa Kỳ phải có sức mạnh tinh thần để giành được chữ tín từ phía các cộng đồng khác. Và, chính sức mạnh và sự hấp dẫn của hệ thống giá trị Hoa Kỳ sẽ là công cụ cho Hoa Kỳ thực hiện sứ mệnh này. Hiện nay, Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận thức được điều đó, cho nên, chắc chắn trong tương lai, việc sử dụng hệ giá trị Hoa Kỳ như một phương tiện sẽ là điểm bao trùm trong chiến lược lãnh đạo thế giới của cường quốc này.

Vậy Hoa Kỳ có gặp khó khăn trong việc truyền bá hệ giá trị của mình? Câu trả lời, chắc chắn là có. Bởi vì một mặt, Hoa Kỳ vẫn chưa có phương pháp tiếp cận hiệu quả với các nền văn hóa khác; mặt khác, do những đặc tính bảo thủ cố hữu, các nền văn hóa thường khó tiếp nhận các yếu tố ngoại lai. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ buộc phải tôn trọng giá trị của các nền văn hóa khác, đồng thời tìm cách làm cho nó chung sống với nền văn hóa của mình. Chỉ có như vậy, Hoa Kỳ mới có thể thiết lập được một trạng thái dân chủ giữa các quốc gia, ở đó các hệ thống giá trị và các nền văn hóa đều được tôn trọng.

Tóm lại, một thái độ ứng xử đúng đắn trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị và văn hóa sẽ mở đường cho Hoa Kỳ giành được sự đồng thuận của các quốc gia khác trong tất cả những vấn đề cốt lõi của thế giới. Chỉ bằng phương pháp như vậy, Hoa Kỳ mới thực sự thành công trong sứ mạng của mình với các nước trên thế giới.

4.2. Nga

Nước Nga đã từng là cường quốc quân sự. Nước Nga lớn lên, mở rộng lãnh thổ của mình bằng sự lấn chiếm, kết nạp vào cộng đồng mình 14 nước cộng hòa. Việc nước Nga sất ruột để đóng vai trò cường quốc chính trị và quân sự trên thế giới đã dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh, và chính cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ này càng làm trầm trọng thêm những căn bệnh cố hữu của nước Nga. Việc "lên gân" quân sự quá mức đã làm cho nước Nga phát triển mất cân đối, nền kinh tế lâm vào

suy thoái và trì trệ. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, nước Nga vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh cũ này.

Vậy liều thuốc nào là thích hợp cho tan bệnh của nước Nga? Khác với Trung Quốc, nước Nga là một nước hiện đại. Mặc dù chưa bao giờ là một cường quốc kinh tế nhưng trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, nước Nga có thể so sánh với Hoa Kỳ. Do vậy việc khôi phục lại tinh thần Đại Nga, theo nhận xét của nhiều nhà chính trị, sẽ dễ dàng hơn việc khôi phục tinh thần Đại Hán. Bên cạnh đó, nước Nga là một quốc gia lớn, giàu tài nguyên nên có thể trở thành một cường quốc nguyên nhiên liệu. Tuy nhiên, cho tới nay, nước Nga vẫn chưa tìm được đáp số cho bài toán kinh tế của mình.

Gần đây, trong các thủ lĩnh chính trị trên thế giới, Putin là vị thủ lĩnh giành được sự yêu mến của nhân dân nhất và cũng là người được thêu dệt nhiều nhất. Putin là người biết tận dụng những dư âm cuối cùng của chủ nghĩa cường quốc như một liều thuốc nhằm chuyển dần chủ nghĩa cộng sản sang một chủ nghĩa mới mà cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhân dân Nga vẫn phải cần những người như vậy. Ở các dân tộc phát triển, người ta không cần thủ lĩnh như một huyền thoại mà cần một người điều hành có chất lượng. Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Nước Nga vẫn chưa phát triển đến mức có thể chấp nhận những người lãnh đạo như Gaida, Kvnenko, Nemsov... Mặc dù, Yeltsin và Putin đều đã nhận thức được tình hình thế giới mới, đã thực hiện giải pháp khôn ngoan là nhân nhượng với Hoa Kỳ, có nghĩa là thực hiện những bước lùi cần thiết nhưng cũng chỉ khôi phục vị thế quốc gia trên trường quốc tế, xây dựng cho nước Nga một cơ chế đối thoại mạnh. Nước Nga vẫn chưa thiết lập được bàn cờ mới cho sự phát triển của mình.

4.3. Trung Quốc

Phải nói rằng, khôi phục lại tinh thần Đại Hán là một trong những mục tiêu chính trị quan trọng của Trung Quốc. Và Trung Quốc hiểu rất rõ tư tưởng là công cụ để thực hiện tham vọng ấy. Người Trung Quốc khôn ngoan trong lĩnh vực chính trị. Tính thực dụng của xã hội Trung Quốc đã tạo ra tính thực dụng cho nền chính trị của Trung Quốc và Ban lãnh đạo Trung Quốc.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI là một mốc rất quan trọng trong lịch sử đất nước này vì đã giải quyết được hai vấn đề quan trọng:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì vai trò của đảng cầm quyền.

Người Trung Quốc sẵn sàng thay đổi rất nhiều thứ để duy trì vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản, duy trì tiến trình cải cách, và đặc biệt là duy trì tiến trình khôi phục lại danh dự của nước Trung Quốc. Người Trung Quốc sắp đặt trật tự của các thành tố tư tưởng trong cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc rất khoa học: Chủ nghĩa Marx, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, lý thuyết "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân. Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc đã sắp đặt các thành tố tham gia vào cương lĩnh chính trị theo
chiều dọc của lịch sử. Trung Quốc đã đưa các yếu tố tư tưởng không còn có giá trị đương đại trở thành những yếu tố có giá trị lịch sử và tạo ra một hệ thống tư tưởng theo trục thời gian. Đó là thành công lớn nhất của Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ XVI.

Thứ hai, mở rộng lực lượng.

Kết nạp thương nhân vào Đảng không phải là kết nạp một đảng viên mà kết nạp một lực lượng. Việc thay đổi lực lượng chính trị của Đảng Cộng sản TQ là một thay đổi mang tính bản chất, do đó, không thể giải thích về lượng được. Phải nói rằng, đó là một trong những thay đổi mang tính cách mạng trong cấu trúc chính trị của Đảng Cộng sản. Bằng cách như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc dã hạ cánh một cách an toàn tối đa, về mặt chính trị, vào chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, về mặt xã hội, vào nhân dân Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ là đại diện cho một nhóm mà cho toàn bộ lực lượng, cấu tạo nên xã hội Trung Quốc. Những nhà chính trị Trung Quốc hiện đại, từ Mao Trạch Đông cho đến Giang Trạch Dân, và có lẽ cả thế hệ Hồ Cẩm Đào, đã chuyển rất quyết liệt từ chủ nghĩa quốc tế cộng sản, Chủ nghĩa cộng sản sang Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Và họ biết chắc chắn là chỉ có bằng con đường thức tỉnh các giá trị dân tộc Trung Quốc, họ mới có hy vọng khôi phục lại những giá trị toàn cầu của dân tộc mình.

Về mặt đối ngoại, Trung Quốc luôn sử dụng chính sách linh hoạt và mềm dẻo với phần còn lại của thế giới. Đó là một chính sách rất rõ ràng và nhất quán của Trung Quốc trong nhiều năm nay.

Thứ nhất, Trung Quốc luôn sử dụng chính sách đối ngoại làm công cụ cơ bản để giải quyết vấn đề đối nội. Thứ hai, Trung Quốc luôn thực hiện chính sách "toạ sơn quan hổ đấu hay "ngư ông đắc lợi". Thứ ba, Trung Quốc cực kỳ thận trọng trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Trung Quốc quan hệ với Hoa Kỳ để kìm hãm cường quốc kinh tế Nhật Bản trở thành cường quốc chính trị. Giang Trạch Dân chấp nhận việc đưa Ấn Độ trở thành đồng minh trong tam giác Trung - Nga - Ấn để kìm hãm khả năng trở thành cường quốc khu vực của Ấn Độ.

Bằng những phương pháp sáng suốt như vậy, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của thế giới thứ ba, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và chắc chắn là trung tâm của các nước đang phát triển, trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Kết luận

Trong quá khứ, Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, với những cấp độ khác nhau đã thâu tóm quyền lãnh đạo thế giới trong sự tương tác mang tính đối đầu, trong sự co cụm của ý thức hệ hay sự biệt lập về trình độ phát triển. Về mặt bản chất, đó chính là cơ chế lãnh đạo toàn cầu trong trật tự thế giới cũ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả ba quốc gia, trong đó nước Nga với vai trò người thừa kế Liên Xô, không còn có thể tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo theo kiểu cũ, bởi thế giới đã chuyển sang một trạng thái chính trị mới.

Thời đại ngày nay, dân chủ trong sinh hoạt chính trị toàn cầu bao gồm cả khía canh dân chủ trong lãnh đạo là một xu thế không thể đảo ngược Chúng ta đã ra khỏi một thế giới của nhưng cuộc đấu tranh một mất một còn mà trên thực tế đã huỷ diệt rất nhiều thành quả của nhân loại Ngày nay, chúng ta dù muốn hay không cũng phải cùng nhau chung sống cùng nhau tồn tại và cùng phát lên Điều đó có nghĩa là nhà loại đã bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đối thoại và hợp tác. Kỷ nguyên này đòi hỏi việc xác lập một cơ chế lãnh đạo toàn cầu hoàn toàn khác.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: