Vai trò của học sinh, sinh viên trong cải cách giáo dục

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Hải Thuỷ, Câu lạc bộ Phát triển tư duy sáng tạo

Có thể thấy rất rõ điều vô lý là trong khi chúng ta mong muốn đưa người học về vị trí trung tâm trong giáo dục, ý kiến người học sẽ định hướng cho cách học của chính mình và cho cả sự phát triển của nền giáo dục thì chúng ta lại không quan tâm tới ý kiến, suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Điều này cũng có thể hiểu như việc chúng ta muốn học sinh, sinh viên của chúng ta chủ động trong học tập, nghiên cứu và là trung tâm của giáo dục nhưng chúng ta lại cải cách theo phương thức gò bó, ép buộc, áp đặt mà không xem xét công việc đó có phù hợp với ý kiến của họ không.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta mong muốn học sinh, sinh viên tham gia cải cách giáo dục thì họ chưa đủ năng lực để nói. Đây cũng chính là điều đáng buồn nhất đối với nền giáo dục nước nhà.

Lỗi tại ai?
Đầu tiên là do cách dạy, cách học của chúng ta quá nặng nề, trì trệ, thầy đọc trò chép mà nhiều nhà khoa học và ngay các nhà giáo dục đáng kính của chúng ta cũng phản đối kịch liệt nhưng vẫn chưa thay đổi là bao. Trong một lớp học kiểu mẫu bây giờ, có nghĩa là thầy đọc các trò ngoan ngoãn chép, tạo nên bầu không khí chết của nền giáo dục. Không tiếng động có nghĩa là không bàn luận về bài học, không thảo luận mở rộng bài tập, không có không khí hăng say học tập sáng tạo, và chính những buổi học cùng với cách thi cử tầm chương trích cú hiện nay đã vô tình giết chết ba vật quý của trí tuệ con ngời đó là trí thông minh, tính sáng tạo và khả năng tư duy độc lập. Khả năng tư duy độc lập bị dồn ép, giết chết vì phải đi theo đường mòn các thầy mà không mở rộng ý kiến của chính mình. Một khi khả năng tư duy độc lập đã bị giết chết thì hệ quả đương nhiên là tính sáng tạo của chúng ta sẽ tắt đi. Khi tính sáng tạo bị tắt đi thì trí thông minh sẽ bị thui chột, han gỉ do không được sử dụng đến. Do những lý do đó, học sinh, sinh viên mất đi năng lực để có thể đóng góp ý kiến độc lập của mình về bài học và về cải cách giáo dục. Mặt khác vấn đề dạy cách tự học và tự nghiên cứu cũng không được coi trọng ở các trường học. Theo UNESCO thì giáo dục phải dựa trên bốn trụ cột: học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau và học để làm người. Bốn trụ cột này phải đặt trên nền tảng: học tập suốt đời và hướng về "xã hội học tập". Ta có thể thấy ở các nước tiên tiến; nhiều khi các nhà khoa học đã có những công trình khoa học từ rất trẻ như Edison, Newton, Maxwell... ở Việt Nam tuy cũng có một số đề tài nghiên cứu khoa học hay của học sinh, sinh viên, nhưng nhìn chung là lẻ tẻ, rời rạc và thường ít liên quan đến nhà trường. Mặt khác, cũng rất khó tìm được các đề tài của chính học sinh, sinh viên đề xuất và được nhà trường hỗ trợ tự thực hiện. Chính vì việc đánh giá thiếu đúng đắn vai trò tự học và tự nghiên cứu khoa học trong các trường học đã gây ra hai hệ quả tất yếu: học sinh, sinh viên sẽ thui chột khả năng sáng tạo và phụ thuộc vào thầy; hệ quả thứ hai là việc học thêm và dạy thêm lan tràn.

Mặt khác, bản thân học sinh, sinh viên cũng chưa có ý thức tham gia vào cải cách giáo dục để thay đổi tình trạng hiện nay mà vẫn coi cải cách giáo dục là việc của người khác không liên quan đến mình.

Giải quyết vấn đề trên như thế nào?
Chúng ta cần bồi dưỡng khả năng tự học, tự nghiên cứu khoa học và khả năng đóng góp ý kiến vào cải cách giáo dục. Cần tạo một môi trường tốt để có thể lấy ý kiến học sinh, sinh viên tham gia vào cải cách giáo dục. Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường học cần tạo một môi trường khuyến khích học sinh, sinh viên có thể đề đạt ý kiến nguyện vọng của mình. Có thể họ không đủ kiến thức nền tảng cần thiết để nói, không đủ khả năng nói trước đám đông, và thậm chí không dám nói nhưng chúng ta cần phải làm sao để họ dám nói lên những mong muốn nguyện vọng, đó cũng chính là bước đầu tiên quyết định cho sự thắng lợi của cải cách giáo dục nước nhà.

(Nguồn: Báo Khoa học và Đời sống, số 37, ngày 1/7/2002)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác