Văn hóa thần tượng

01:46 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Năm, 2007
Sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa. Vấn đề là nét văn hóa đó cần được người hâm mộ tự thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh...

Và như vậy, phải chăng nét văn hóa ấy cũng là một khởi nguồn của hạnh phúc (hay bất hạnh) nơi người hâm mộ?

Thần tượng - Tại sao không?

Thần tượng (TT) - với ai đó như một ánh sao (dù chỉ là sao băng) mà người ta hướng tới vì sự tỏa sáng diệu kỳ của nó. Nhưng với người khác, TT là một hình mẫu, một mô thức trong lĩnh vực nào đó (học tập, làm việc, lẽ sống, lối sống… hay vào đời, lập nghiệp…) mà họ muốn học hỏi, noi theo và sáng tạo tiếp.

Với người khác nữa, TT có thể là một biểu tượng tâm linh hay tín ngưỡng mà người ta tin vào đó để hoài vọng, để tôn thờ bằng việc sùng bái rất kính cẩn. Vậy, trong dòng đời có khi rất nhốn nháo hoặc trầm luân (ngay cả khi thanh bình và êm ả) tại sao không cần đến TT?

Càng nên có TT một khi người ta gặp bế tắc, khủng hoảng tinh thần… Đó là lúc, nếu có TT thì TT sẽ là một điểm tựa của trái tim và cả khối óc để tránh sự điên đảo và bấn loạn. Đặc biệt, TT có khi không phải là một con người xác thịt hay một tượng hình cụ thể, mà là một phi vật thể.

Ví dụ, nhà văn và thi sĩ Phùng Quán không chỉ coi người mẹ kính yêu của mình là một TT (qua bài thơ “Lời Mẹ dặn”), ông còn lấy nàng thơ làm TT, nhất là lúc nguy nan. Khi nói chuyện với bạn bè và trong hồi ký của mình, ông từng khẳng định: Những năm tháng trần ai khổ sở nhất của đời, tôi đã “vịn vào những dòng thơ để sống, để không bị quật ngã”. Phải chăng, đấy cũng là một nét văn minh của người có văn hóa TT?

Thế là rõ, những ai chưa có TT đúng nghĩa hay sống “phi TT” thường dễ có cảm giác bị hẫng hụt, nhất là khi bị mất niềm tin trước những xô đẩy phũ phàng của bão tố thời vận hay sóng gió cuộc đời. Điều đó dẫn ta suy ngẫm đến việc chính cần bàn ở đây là vấn đề văn hóa thần tượng.

Giá trị văn hóa của thần tượng

Khi có TT, nhiều người thường xác định: TT đó có những giá trị văn hóa nào?

Tìm thần tượng (theo nghĩa có văn hóa) là đi tìm những cung bậc giá trị tốt đẹp của TT để học hỏi.

Đến với TT (dù chỉ đến gián tiếp qua tiếp xúc với sản phẩm của TT) là tiếp cận với những giá trị văn hóa của TT. Ở đây có hiện tượng thẩm thấu và sàng lọc những giá trị văn hóa đó. Việc thẩm thấu và sàng lọc này được thông qua “bộ lọc” của từng chủ thể. Bộ lọc ấy chính là nhận thức, trình độ, cảm xúc, nhu cầu… và nhất là nền tảng văn hóa giá trị của chính người đó (chứ không phải của TT).

Nếu bộ lọc đó tốt, nghĩa là văn hóa giá trị của người đó cao thì sẽ “đãi được cát và lấy được vàng”. Bằng không, một khi bộ lọc đó yếu hay bị rách thủng thì “cát to đọng lại mà vàng vụn bị trôi đi”. Do vậy, nền tảng văn hóa giá trị của người ấy vốn đã yếu lại không được bồi đắp, còn bị băng hoại thêm nữa. Đó là bi kịch của những người mơ mộng cái vỏ của TT (lóa mắt bởi đèn màu, thời trang, diện mạo…) mà không hiểu kỹ về thực chất (tưởng vỏ là ruột!).

Trên diễn đàn cho thấy một số bạn trẻ đã tỏ ra minh triết khi đến với TT nhờ có bộ lọc khá tốt. Như bạn "Nụ cười Sơn Cước” đã TT hóa vị giáo sư của mình vì ông không chỉ uyên thâm về trí tuệ, ân cần trong đối xử, nhân ái với mọi người, còn rất đẹp trong sinh hoạt: không để hạt cơm rơi, không bỏ thức ăn thừa…

Một bạn khác (bí danh: HS đang ôn thi) cũng lấy người thầy của mình làm TT vì những bài giảng của thầy “không đụng hàng”, lối giảng rất dung dị: giải thích những điều phức tạp bằng những ngôn từ chân phương, dễ hiểu… Nhiều bạn lấy những gương sắc sảo của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học hay nhà kinh doanh (như Putin, Bill Gates…) làm TT cho mình.

Cứ thế, đâu chỉ đi tìm TT ở nơi rực rỡ đèn màu, có hóa trang, có diễn kịch, có lời ca, có nhún nhảy… Họ tìm TT trong đời thực, dưới ánh mặt trời, như Kỳ tích của Hải Ly: nhỏ tuổi, nhỏ người mà đã rạng danh về học vấn, hoặc như Hiệp sĩ nhí dưới đèo Hải Vân: bé hạt tiêu mà đã nhiều lần dũng cảm cứu nhiều người.

Những TT như thế có một nét chung: không chỉ muốn làm điều tốt, còn thể hiện ý chí quyết tâm “biến điều không thể thành có thể”. Đó cũng là những TT rất gần gũi và dung dị với người đời, từ chốn trường học đến nơi hẻo lánh… Một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay cũng đã có nhận thức triết lý về giá trị văn hóa trong quan niệm về TT.

Thần tượng và văn hóa giá trị

Có hôm ngồi uống nước trong phòng căntin của một học đường, tình cờ tôi nghe mấy bạn sinh viên ngồi ở bàn sau kháo chuyện:

- Hôm nay tao thấy mày đẹp không thua gì ca sĩ X. à nha.
- Xạo nha mày. Tao thấy mày để tóc còn sành điệu hơn cả ca sĩ Y. nữa đó!
- Nói giỡn thôi. Họ là thần tượng, ta là dân đen, làm sao sánh được!

- (Người thứ 3 xen vào): Xiêm y và son phấn dưới ánh đèn màu, ai mà không lộng lẫy, chẳng cứ là thần với tượng. Đến cóc với nhái lên sân khấu cũng sáng rực hào quang cả thôi.

- (Người thứ 4 chen vô): Ối dào, nhìn thần tượng chớ nên dừng lại ở bộ cánh và sắc màu của họ. Căn bản là ở tính cách. Mà bản chất của cá tính thì không thể hiện trên sân khấu

Qua đó thấy bốn người trên đây, mỗi người có một tầm nhìn, một lối cảm và một cách nghĩ khác nhau về TT. Văn hóa thưởng thức và văn hóa hâm mộ của họ có những cung bậc giá trị chênh nhau.

Trong nền văn hóa giá trị (VHGT) có VH thưởng thức và VH hâm mộ. Không phải ai cũng có trình độ thưởng thức và trình độ hâm mộ như nhau. Mỗi dạng thưởng thức hay mỗi kiểu hâm mộ đều đứng ở một thang bậc giá trị nhất định, tùy theo nền tảng VHGT của mỗi người.

Bởi vậy, nên chăng, cần phân biệt đâu là thứ VH hâm mộ có giá trị và đâu là thứ VH hâm mộ kém giá trị hoặc phi giá trị, thậm chí trở thành một thứ hội chứng phi nhân văn: hội chứng thần tượng. Đó là lúc mà, vì cuồng si TT, bị “hớp hồn” bởi hào quang của TT, lại quyết “sống cùng hay chết theo” với TT… nên ta bị vong thân, tự đánh mất mình!

Đã có không ít người tự “biện minh”: Tôi làm theo TT là quyền của tôi, là tự khăng định cái tôi(!). Nói như vậy chỉ đúng một nửa, nửa còn lại là vô lý. Ta có quyền bắt chước, nhưng đã bắt chước mà gọi là “tự khẳng định”, là “cái tôi”, nghe sao được? Bởi vậy, cũng cần phân biệt giữa “cái của tôi” và “cái của người”, giữa sự học hỏi và điều bắt chước nơi TT.

Khi học hỏi TT, ta đãi cát lấy vàng, rồi nhờ sáng tạo mà ta chế thứ vàng đó thành “sản phẩm mỹ nghệ” của chính ta, đó là cái tôi đích thực. Còn khi bắt chước, ta lấy cả cát và vàng của họ “trát “ lên người, biến ta thành một phó bản của TT, vậy đâu còn là ta nữa? Sự khác nhau giữa VHGT và phi VHGT trong sự hâm mộ TT là ở chỗ đó.

Đề cập việc hâm mộ TT là nói đến hai yếu tố tâm lý chủ yếu: cảm xúc và trí tuệ. Hai yếu tố này lại ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc, chí ít là hạnh phúc tinh thần. Mới đây, ngày báo Tuổi Trẻ có đưa tin GS. Richard Layard - cố vấn cao cấp về giáo dục của chính phủ Anh đã đề xuất nên đưa môn “Bài học hạnh phúc” vào dạy trong nhà trường. Được biết, hai trong những nội dung của “Bài học hạnh phúc” là biết kiểm soát trạng thái cảm xúc thẩm mỹ và biết tiếp cận có tính sàng lọc trước mọi vẻ đẹp quanh ta.

Vâng, bài học hạnh phúc do đó cũng là những bài học về giá trị, trong đó có giá trị văn hóa khi ta biết học hỏi đúng cách từ TT.

Sự kiện "cuồng mộ" thần tượng Lưu Đức Hoa của cô gái trẻ Trung Quốc - Dương Lệ Quyên, dẫn đến cái chết của cha cô, như giọt nước làm tràn ly.

Đó có phải chỉ là "chuyện hoang đường ở xứ người"? Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ giật mình, hiện tượng cuồng nhiệt và cuồng mộ thần tượng thực sự đã và đang chi phối đời sống của một bộ phận tuổi teen chúng ta. Cần những cái nhìn và định hướng như thế nào trước vấn đề nhạy cảm này?

Tuổi teen, nên hay không nên chọn cho mình một thần tượng? Thần tượng - có phải là một việc...vô bổ và mang lại những hệ quả xấu không lường trước? Thần tượng như thế nào là đúng đắn?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiêu chuẩn người nổi tiếng

    07/05/2018Lê HoàngGần đây, rất nhiều tổ chức quốc tế gửi thư cho rất nhiều người Việt Nam, đề nghị đóng tiền để có thể được công nhận là người nổi tiếng đủ loại của thế kỷ và cũng khối ông háo danh bị lừa. Siêu thị hài xin đăng tải một thư như vậy...