Vì sao tỷ lệ thi trượt đại học ở Việt Nam cao nhất thế giới?

03:51 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Tám, 2003

Thực trạng tuyển sinh đại học và cao đẳng ở nước ta, nói một cách có trách nhiệm, đang lên tới mức bi hài. Bi hài bởi chúng ta đang lập một kỷ lục có một không hai: Việt Nam là nước có tỷ lệ thi trượt đại học cao nhất thế giới. Hơn thế, là quốc gia nghèo và trình độ dân trí thấp, nhưng hằng năm Việt Nam có hàng ngàn sinh viên kìn kìn kéo nhau đi... du học.

* Hiện trạng

Kỳ tuyển sinh năm vừa rồi, đã có những trường đại học tỷ lệ học sinh trúng tuyển so với số thí sinh tham gia thi tuyển là 1/80. Chúng ta hãy tưởng tưởng: Hai phòng thi chỉ lấy được một học sinh vào đại học.

Một câu nói luôn luôn được lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng là: "Năm nay là năm có số học sinh tham gia thi tuyển đông nhất từ trước đến nay”. Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta sẽ còn được nghe những câu nói đại loại như vậy trong một số năm nữa. Và năm nay, có lẽ, một số trường sẽ có tỷ lệ tuyển sinh là 1/100. Con số đó sẽ chưa phải là con số cao nhất, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi gì trong cách tiếp cận với tình hình hiện nay.

Có thể thấy rằng, những học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay ít có cơ may vào đại học hơn rất nhiều so với các thế hệ cha anh. Nếu lấy một lớp 12 bình thường của một trường cấp III bình thường hiện nay (nghĩa là không phải là một trường chuyên hay lớp chọn) thì trong lần thi thứ nhất, phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông đều trượt đại học.

* Đi tìm nguyên nhân

1. Cải cách chỉ để tránh tiêu cực?

Người ta nghĩ nhiều tới những biện pháp để tuyển sinh chính xác và công bằng, chứ không nghĩ tới những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bất bình thường hiện nay trong tuyển sinh đại học và cao đẳng. Từ việc hiểu không đúng nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình thường hiện nay, người ta đã đi đến những cách nghĩ, cách làm không những không giúp gì cho việc khắc phục tình trạng trên mà còn tiếp tay làm căng thẳng thêm tình hình.

2. Đánh đố học trò

Nhiều khi, các biện pháp và chính sách đưa ra còn mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, do nghĩ rằng cần phải ra đề thi thật khó thì mới tuyển được những học sinh giỏi mà nhiều đề thi có tính chất đánh đố, khiến rất đông học sinh hầu như không làm được gì, gây nên sự chán nản và bất bình.

Cách nghĩ này là sai lầm. Tài năng không phải bao giờ cũng bộc lộ ngay khi nắm được những kiến thức phổ thông. Giữa đại học và phổ thông có sự biến đổi về chất. Do vậy, không thể đánh giá tài năng chỉ căn cứ vào kết quả của một kỳ thi vốn còn nhiều yếu tố ngẫu nhiên như hiện nay.

Vả lại, không phải cứ thi tuyển thật gắt gao thì mới chọn được tài năng. Việc ra đề thi khó chỉ giúp cho việc luyện thi càng trở nên cần thiết và do đó không những không khắc phục được nạn học thêm, dạy thêm tràn lan mà còn củng cố thêm cho nó. Những học sinh không có điều kiện học thêm sẽ không có cơ hội làm được bài.

3. Điểm chuẩn leo thang bất thường

Thực tế là, cách tuyển sinh hiện nay của chúng ta không tạo được sự công bằng giữa các khóa tuyển sinh cũng như trong cùng một khóa tuyển sinh. Chỉ xin nêu lên một khía cạnh: Điểm chuẩn đỗ vào các trường đại học và cao đẳng tăng lên hàng năm. Nếu một khoa nào đó của một trường đại học nào đó cách đây vài năm chỉ là 11 hoặc 12 điểm thì nay đã lên đến trên 20 điểm. Như vậy, chúng ta đã tạo ra một tình hình hỗn loạn về tiêu chuẩn thi tuyển.

Xét một cách khoa học thì điểm thi tuyển phải là một loại thước đo để đong đếm một cách khách quan kiến thức của các thí sinh. Đã là thước đo thì nó phải bất di bất dịch. Nó cũng giống như bất kỳ một loại thước đo nào khác. Có như vậy mới bảo đảm được công bằng cho các thí sinh. Cần phải xác định một điểm chuẩn cố định cho các ngành đào tạo. Khi ấy, một thí sinh đạt được một điểm chuẩn xác định đối với một khoa của một trường đại học nào đó là có quyền được nhận vào học tại khoa đó.

Điểm chuẩn là một chỉ báo cho biết thí sinh có đủ năng lực để theo học chuyên ngành đó. Thế nhưng, cách làm hiện nay của chúng ta là mỗi năm cái thước đo đó cứ dài thêm ra và do đó, một thí sinh loại khá giỏi ở thời điểm hiện nay vẫn có thể trượt đại học, trong khi một thí sinh loại trung bình của các thế hệ trước vẫn có thể được ngồi trên giảng đường đại học.

Nhiều người công tâm thuộc các thế hệ trước, kể cả người viết bài này, cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng nếu trước đây, việc tuyển sinh cũng tiến hành như hiện nay thì mình chắc chắn trượt đại học. Đó là cảm giác xấu hổ về sự không công bằng mà thế hệ mình đang gây ra cho các thế hệ con em.

Một người công tâm không thể yên lòng trước thực trạng điểm chuẩn thi vào đại học luôn thay đổi và quá cao như hiện nay. Ngoài ra, việc cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng như cách làm hiện nay cũng tạo ra một tình hình không công bằng trong cùng một thế hệ thí sinh.

4. Cộng điểm vô lý

Chính sách cộng điểm ưu tiên là một chính sách hết sức đúng đắn và đó cũng là một phương thức để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh giữa các vùng, miền, các tầng lớp xã hội khác nhau.

Tuy nhiên, việc vận dụng chính sách ưu tiên đó đang tạo ra một sự bất bình trong các thí sinh, bởi vì, việc ưu tiên trong tình hình chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế hiện nay đã đẩy một số thí sinh loại khá giỏi ở các thành thị lớn vào diện trượt đại học. Giả sử, điểm chuẩn để lấy vào một khoa nào đó là 20. Một thí sinh Hà Nội đạt được 19,5 điểm vẫn bị trượt, nhưng một thí sinh đạt được 16 điểm (+4 điểm ưu tiên) ở một vùng xa xôi nào đó sẽ vẫn đỗ vào khoa đó.

5. Cân bằng lao động?

Quan điểm khác thì cho rằng cần phải hạn chế số lượng tuyển sinh để giảm bớt áp lực về công ăn việc làm đối với xã hội. Theo cách suy nghĩ này, người ta cho rằng, có thể giải quyết một phần sự bức xúc về việc làm nhờ vào công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Quả thực, đó là một cách nghĩ hết sức nông cạn. Hạn chế tuyển sinh đại học đương nhiên không thể tạo ra việc làm cho xã hội và cũng không thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Việc giải quyết công ăn việc làm liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, đến sự phát triển chung của xã hội.

Nhưng theo quan niệm của một xã hội bao cấp thì số lượng việc làm chỉ hạn chế một số chỉ tiêu biên chế trong bộ máy quản lý nhà nước và trong các lĩnh vực kinh tế của nhà nước. Với cách hiểu đó, đương nhiên, chúng ta chỉ có thể tuyển sinh được một số lượng rất hạn chế những học sinh tốt nghiệp phổ thông và con số đó phải ngày càng giảm dần cùng với việc lấp đầy các vị trí lao động cũng như cùng với sự tinh giản biên chế hiện nay trong một số lĩnh vực.

Kết quả là, số lượng học sinh trượt đại học cứ ngày càng tăng lên mà vấn đề việc làm cũng không vì thế mà bớt căng thẳng hơn, vì nhiều học sinh không đỗ đại học sẽ được bổ sung vào đội quân thất nghiệp vốn đã khá đông đảo ở nước ta. Họ không chịu đầu hàng, họ vẫn tiếp tục học ôn để tham gia vào (những) kỳ thi tới. Hoặc giả, nếu họ muốn đi làm thì cũng không dễ gì tìm được việc làm phù hợp. Họ cũng chưa có được một khả năng để tự mình mở ra một hướng kinh doanh hay sản xuất. Họ chỉ biết trông chờ vào xã hội. Sức ép đối với việc làm trong xã hội vì thế càng tăng lên.

Về vấn đề này, cần phải có một cái nhìn tổng thể. Trước hết, chúng ta phải quan niệm ngành giáo dục cũng là một ngành kinh tế với những sản phẩm đặc thù. Quan niệm ngành giáo dục là ngành đào tạo con người cho tương lai có thể cần phải xem xét lại. Quan niệm đó có vẻ lãng mạn giống như khi ta nói nhà văn là kỹ sư tâm hồn. Nhà văn trước hết phải là nhà sản xuất mà sản phẩm của họ là các tác phẩm văn học có thể bán được hoặc không bán được.

Ngành giáo dục cũng vậy. Ngành giáo dục tạo ra các sản phẩm cho hiện tại và chính nó cũng tác động cụ thể tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế hiện tại của đất nước. Có thể hình dung một trường hợp như sau: Có một thành phố nhỏ với khoảng 200.000 dân và một trường đại học với khoảng 50.000 sinh viên. Toàn bộ các mặt hoạt động chủ yếu của thành phố đó sẽ phụ thuộc vào trường đại học ấy. Điều này có thể nhận ra dễ dàng trong các kỳ nghỉ hè, khi sinh viên về nghỉ hè: các xe buýt lèo tèo hành khác, các cửa hàng văn phòng phẩm, các quán cà phê, các cửa hàng photocopy, các hiệu cắt tóc, các quán cơm bình dân, nghĩa là rất nhiều các loại dịch vụ của thành phố bị đình trệ và thu nhập của thành phố đó bị giảm sút đáng kể.

Như vậy, trường đại học đó thực sự góp phần làm cho kinh tế của thành phố phát triển. Suy rộng ra, có thể nói ngành giáo dục thực sự là một ngành kinh tế có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế của đất nước, nhờ việc nó góp phần làm cho một số ngành kinh tế khác phát triển, như sản xuất giấy và đồ dùng học tập, giao thông công cộng, nhà ở cho sinh viên và rất nhiều các loại dịch vụ khác.

Đương nhiên, còn có những khía cạnh khác nữa mà chúng ta chưa tính được hết. Chẳng hạn, nếu không tìm được việc làm thì một sinh viên tốt nghiệp đại học với vốn hiểu biết của mình (thí dụ: một kỹ sư) có nhiều khả năng hơn để khởi đầu một doanh nghiệp và nhờ đó mà tạo ra được việc làm cho bản thân và có thể thu hút thêm một số lao động khác. Sức ép về việc làm nhờ đó cũng giảm đi.

Ngoài ra, nếu được mở rộng quy mô, bản thân ngành giáo dục cũng sẽ thu hút lại một số lượng đáng kể các sản phẩm của mình, thí dụ như biên chế giáo viên hay cán bộ quản lý có trình độ đại học chẳng hạn.

6. Cân bằng trình độ?

Còn có một quan điểm khác cũng cần phải đề cập tới: đó là quan điểm cho rằng cần phải hạn chế tuyển sinh đại học vì hiện đang có sự mất cân đối trong công tác đào tạo của nước ta: Có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thiếu người có trình độ trung cấp hay cao đẳng. Bởi vậy cần phải hạn chế số lượng tuyển sinh vào đại học để buộc một số học sinh phải học trung cấp hay cao đẳng.

Đây thực ra là một quan điểm có phần ngụy biện. Không ai có thể phủ nhận được rằng, thi cao đẳng hiện nay cũng khó chẳng kém gì đại học và tỷ lệ thi trượt vào các trường trung cấp hay cao đẳng cũng rất cao, thường thì cũng phải 1 chọi 6-7 trở lên. Ngay như hệ đại học tại chức cũng đã có tỷ lệ thi trượt là 1/6-7 hoặc cao hơn nữa.

Mặt khác, nếu nói là nước ta đã có quá nhiều người tốt nghiệp đại học thì lại càng sai, vì nước ta hiện đang được xếp vào những nước có tỷ lệ dân số đạt trình độ đại học trở lên thấp nhất của khu vực và trên thế giới. Ngay bên cạnh ta, các nước đang phấn đấu để đạt được tỷ lệ tuyển sinh đại học là 60 - 80% hoặc cao hơn nữa, trong khi chúng ta mới chỉ đạt được khoảng 10 - 15%.

Chỉ cần nêu một vài quan điểm thường được đưa ra để giải thích tình hình tuyển sinh căng thẳng hiện nay chúng ta đã có thể thấy được rằng cần phải xác định đúng nguyên nhân gây nên tình trạng này. Vậy, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng tuyển sinh đại học và cao đẳng hết sức căng thẳng như hiện nay?

Câu trả lời sẽ liên quan đến hai bình diện: Thứ nhất, đó là sự "bùng nổ dân số". Khái niệm này chắc không xa lạ với nhiều người, nhưng hiểu cho đúng và đưa ra được đối sách hợp lý để khắc phục hậu quả của nó thì không phải là một điều đơn giản. Và đó cũng chính là bình diện thứ hai của câu trả lời: Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã không phản ứng đúng và nhanh trước hậu quả của sự bùng nổ dân số.

Bùng nổ dân số bao giờ cũng dẫn tới hai kết quả. Dân số tăng vọt và xã hội có dân số trẻ. Tỷ lệ dân số tăng nhanh kéo theo sự gia tăng các nhu cầu về dịch vụ xã hội, trong đó giáo dục và y tế là hai lĩnh vực chịu nhiều sức ép nhất. Nhu cầu về cái ăn, cái mặc đối với một nước có thời điểm kinh tế thấp như Việt Nam ta không phải là lĩnh vực đáng ngại lắm, vì chỉ cần giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng dân số là chúng ta duy trì được sự cải thiện đời sống hay ít nhất cũng giữ được mức sống cũ. Giáo dục hay y tế lẽ ra cũng phải đi theo hương đó để không bị tụt hậu so với nhu cầu.

Chúng ta hãy làm một sự so sánh: Năm 1967 - 1968, dân số nước ta vào khoảng 36 triệu người. Vào khoảng đầu những năm 90, dân số nước ta đã tăng lên gấp đôi, tức là khoảng 72 triệu người, còn nếu tính tới thời điểm hiện nay thì con số đó đã lên đến khoảng 80 triệu. Giả sử, chúng ta muốn duy trì một quy mô giáo dục của đất nước giống như quy mô của những năm 60 và 70, chúng ta đã phải tăng quy mô đào tạo lên gấp đôi vào đầu những năm 90.

Thế nhưng, còn phải tính đến một yếu tố khách quan nữa, đó là: trong khoảng thời gian những năm 60 và 70 đó, nước ta đã có một số điều kiện khiến cho quy mô đào tạo của đất nước không phản ánh đúng nhu cầu giáo dục của xã hội: đất nước còn đang trong chiến tranh, một số lượng lớn thanh niên phải tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; mỗi năm, có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp phổ thông được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Nếu tính gộp cả lại thì quy mô đào tạo của đất nước trong những năm đó phải lớn hơn rất nhiều. Đương nhiên, một đất nước đang phát triển nhanh như đất nước ta, không thể phấn đấu để đạt quy mô giáo dục và đào tạo của những năm 60 và 70. Nghĩa là lẽ ra quy mô đào tạo của đất nước ta ở những năm đầu của thế kỷ 21 này phải tăng khoảng 3-4 lần so với quy mô của thời gian đó.

Tuy nhiên, sự việc lại không chỉ đơn giản như vậy. Bùng nổ dân số còn tạo ra một yếu tố rất quan trọng khác có tác động rất lớn tới các nhu cầu giáo dục và đào tạo - đó là tạo ra một xã hội dân số trẻ. Xã hội dân số trẻ là xã hội có tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học tăng lên nhanh chóng. Việt Nam hiện là nước có dân số trẻ như vậy: Trẻ em dưới 15 tuổi hiện đang chiếm tới 40% toàn bộ dân số đất nước, nghĩa là chúng ta có khoảng 32 triệu trẻ em đang ở độ tuổi học phổ thông cấp I và cấp II.

Rất may là chúng ta có chính sách phổ cập giáo dục buộc phải thu nhận tất cả các trẻ em trong độ tuổi đến trường nên không có áp lực lớn lắm đối với việc tuyển sinh ở các cấp I và cấp II. Song, đối với cấp III, do có chế độ thi tuyển nghiêm ngặt hơn và có sự phân biệt các hệ đào tạo và đặc biệt là do không tính toán cụ thể đến sự tăng trưởng của nhu cầu giáo dục nên áp lực đã rất lớn.

Học sinh đi thi vào cấp III hiện nay có lẽ còn căng thẳng hơn thi đại học trước đây. Hàng năm, dân số nước ta được bổ sung thêm khoảng 1,2 - 1,3 triệu người và tất cả số này đều phải được đi học. Chỉ cần 10 hoặc 15% số này có nhu cầu vào đại học (một tỷ lệ rất thấp so với nhiều nước đang phát triển) thì hàng năm các trường đại học của ta sẽ phải tăng số lượng tuyển sinh lên khoảng 120.000 - 195.000 người. Xin lưu ý: đây là số lượng tuyển sinh cần phải tăng lên hàng năm.

Trong khi đó thì chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho các trường có những năm hầu như không thay đổi hoặc chỉ tăng lên chút ít. Thời gian gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh có tăng lên khá hơn nhưng cũng không dựa trên một sự tính toán khoa học nào: năm 2001 tăng lên 13.000 người (từ 147.000 tăng lên 160.000), nhưng năm 2002 này chỉ tiêu đó lại chỉ tăng lên 8.000 người (từ 160.000 lên 168.000). Tổng cộng, năm 2002, số lượng tuyển sinh đại học và cao đẳng thuộc các hệ ở nước ta ước chỉ vào khoảng trên dưới 200.000!.

Con số tuyển sinh này thậm chí mới chỉ bằng con số tuyển sinh cần phải tăng lên hàng năm. Để thấy rõ hơn vấn đề này, ta hãy lấy một cái mốc là năm 1989. Đó là năm có thể coi như chúng ta không còn được gửi nhiều sinh viên đi du học ở nước ngoài nữa. Khi đó, dân số nước ta vào khoảng 64 triệu người và tốc độ gia tăng trung bình của dân số những năm trước đó là 1,2 triệu người/năm. Số lượng tuyển sinh của năm đó ở nước ta là khoảng 100.000 người (một con số quá ít so với quy mô dân số lúc bấy giờ).

Như vậy, theo sự tính toán ở trên thì năm 1990, lẽ ra các trường đại học của ta phải mở rộng quy mô đào tạo lên gấp đôi. Và cứ như vậy, để giữ được trình độ dân trí (tức là tỷ lệ người có trình độ đại học) như năm 1989 thì năm 1999, ngành giáo dục và đào tạo lẽ ra phải tăng quy mô tuyển sinh lên 10 lần. Điều đó đã không xảy ra. Và đó chính là lý do tại sao tỷ lệ tuyển sinh một số trường đang từ 1/2 - 3 tăng lên 1/20 - 30 và năm 2001 vừa qua đã tăng lên 1/70 - 80.

Chắc chắn mùa tuyển sinh năm nay sẽ còn cao hơn nữa. Nếu vấn đề mấu chốt này không được giải quyết thì trong vòng vài năm tới, tình hình sẽ cực kỳ căng thẳng và có thể không còn kiểm soát được.

* Nghịch lý và lãng phí

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta đang xảy ra một nghịch lý: Là một nước thuộc loại nghèo nhất thế giới, chúng ta đang có hàng nghìn sinh viên tự túc du học ở nước ngoài. Họ là những con nhà giàu có chăng? Chỉ đúng một phần.

Có nhiều bậc cha mẹ đã và đang thế chấp nhà cửa, vay tiền và sống đạm bạc để cho con đi du học. Tại sao? Vì họ có nhu cầu cho con học đại học và thực tế con cái họ có khả năng học đại học ở nước ngoài. Nhưng ở ta, họ không được chấp nhận. Cái quy trình đi du học của nhiều người diễn ra như sau:

Thi đại học - trượt - Thi lại - Thi lại trượt - Đi du học

Điều đó cho thấy, đi du học đối với họ không phải là sự lựa chọn mà là sự bắt buộc. Nếu mỗi sinh viên đi du học tự túc ở nước ngoài phải chi mỗi năm 10.000 USD thì số ngoại tệ của đất nước ta chảy ra ngoài hàng năm lên tới hàng chục triệu USD. Số tiền đó thật là đáng quý đối với một nước nghèo như nước ta. Nó có thể sẽ cao hơn số tiền ngân sách mà nhà nước chi cho ngành giáo dục và đào tạo. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ tới việc khai thác lực lượng này. Liên kết, liên doanh đào tạo với nước ngoài sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu học tập của thanh niên và hạn chế sự chảy máu ngoại tệ.

Và có lẽ, điều còn quan trọng hơn, đây sẽ là hướng đi để chúng ta có thể khắc phục được nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện tượng du học tự túc liệu có khiến cho những ai có trách nhiệm phải trăn trở để đi tới một quyết định đúng đắn về công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng hay không? Một quyết định vừa để trả lại sự công bằng cho hàng triệu thanh niên đang bị thiệt thòi vừa để thực hiện quyết sách lớn của Đảng ta, Nhà nước ta và nhân dân ta là: Trí thức hóa dân tộc.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: