Việt Nam – Một tương lai có thể dự báo

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
12:46 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Mười, 2010
Hỏi: Xin ông cho biết sự tiến bộ kinh tế tác động như thế nào đối với sự tiến bộ chính trị, xã hội và văn hóa của Việt Nam?

Trả lời: Không phải chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước thế giới thứ ba muốn phát triển, muốn thoát khỏi đói nghèo đều phải tiến hành cải cách, trước hết là cải cách kinh tế. Sự phát triển kinh tế có ảnh hưởng rất tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội thông qua việc nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân. Tuy nhiên, nếu cải cách kinh tế không hiệu quả thì hiệu quả chính trị của cuộc cải cách kinh tế sẽ giảm đi. Muốn cải cách kinh tế có hiệu quả thì phải giảm thiểu được hiện tượng tham nhũng hay dồn tiền làm giàu bất chính. Sự thức tỉnh chính trị và xã hội bắt nguồn từ sự có dược các cơ sở vật chất tối thiểu. Đối với quốc gia, đường sá, thông tin hay truyền hình được gọi là cơ sở hạ tầng những đối với cá nhân thì những nhu cầu cơ bản được coi là cơ sở hạ tầng.

Phát triển kinh tế phải tạo được cơ sở hạ tầng của đời sống cho người dân. Bản thân con người cũng phải phát triển các kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động, từ đó con người hiểu được các giá trị của mình, tức là phát triển kinh tế làm cho người dân định giá được giá trị lao động và giá trị con người. Như thế, người dân sẽ có tự tin và dẹp được sự ảo tưởng. Khi con người hiểu mình và hiểu rõ giới hạn của mình thì mọi hành vi của họ đều được điều chỉnh bởi nhận thức về giá trị của chính nó. Do đó, hành vi ấy có mục đích và có giới hạn. Như thế, thứ nhất sự phát triển của kinh tế sẽ có ảnh hưởng đối với con người và với xã hội.

Thứ hai, kinh tế phát triển thì con người sẽ có thêm nhu cầu. Mỗi một giai đoạn phát triển khác nhau của đời sống kinh tế, con người lại có những nhu cầu khác nhau. Để thỏa mãn nhiều nhu cầu thì con người phải khai thác thêm các giá trị của mình. Tất nhiên, có những người khai thác chính đáng và những người khai thác không chính đáng. Nhưng chỉ cần tỷ lệ người khai thác chính đáng nhiều hơn người không chính đáng thì xã hội sẽ tiến bộ, tức là sự phát triển của kinh tế sẽ dẫn đến sự thức tỉnh giá trị lao động, thức tỉnh nhu cầu và quan trọng hơn là sự thức tỉnh giá trị con người. Khi con người thức tỉnh các nhu cầu là đã giải quyết được khâu số 1 của đời sống phát triển kinh tế, tức là có cầu Không có cầu thì sẽ không có cung và không thể phát triển kinh tế, phát triển sản xuất được. Đã có một thời chúng ta sai lầm trong cấu trúc kinh tế khi đề cao tiết kiệm và chê phương Tây là xã hội tiêu dùng mà không nhận ra rằng nếu không có tiêu dùng thì không có công nghiệp và sản xuất. Một cách bản năng, chúng ta đồng thời thức tỉnh các quy luật kinh tế và cao hơn nữa là bắt đầu có sở hữu. Mọi dư thừa đối với người Việt Nam, đi từ thấp đến cao như bộ quần áo hay xe cộ, đều tích luỹ thành cái gọi là "của để dành", tức là dần dần hình thành một tầng lớp hữu sản. Hữu sản là một thứ thừa kế tự nhiên, là kết quả của nhu cầu và tích luỹ, tức là xây dựng một xã hội có tích luỹ, có tích luỹ thì có sở hữu, mà có sở hữu thì con người sẽ ý thức về quyền sở hữu. Càng ngẫm tôi càng thấy câu nói của Banzac rằng "những ai không có gì thì cũng chẳng ra gì" là rất đúng. Khi con người đã ý thức được quyền sở hữu thì sẽ có trách nhiệm với các hành vi của mình vì họ thấy sợ mất các sở hữu, vì họ thấy cuộc đời con người họ có giá trị. Con người bắt đầu nghĩ.đến việc giải quyết các vấn đề dân sự liên quan đến cái chết, việc mà trước đây chưa bao giờ người Việt phải nghĩ đến ngoài tình thương.

Tóm lại, khi kinh tế phát triển, con người bắt đầu có sở hữu và hiểu các giá trị của xã hội dân sự, trong đó phải giải quyết các khúc mắc, ràng buộc về mặt pháp lý và con người thức tỉnh về xã hội dân sự. Con người buộc phải xử lý rất nhiều các mối quan hệ và nhận ra rằng không thể chỉ có một nhà nước thuần túy mà phải có một nhà nước pháp luật để xử lý tất cả các mối quan hệ, vay mượn; mua bán. Mua bán các nhu yếu phẩm thì không cần hợp đồng nhưng mua bán các của để dành thì phải có hợp đồng... Xã hội phát triển thì con người có các hành vi phát triển cho chính bản thân mình: đầu tư, mua sắm, cho con đi học ở mức cao hơn và nâng hành vi của con người lên, đòi hỏi phải có một nhà nước đủ văn minh để đảm bảo tất cả các giao dịch của cá nhân. Nếu không phát triển kinh tế thì không thể thức tỉnh những đòi hỏi như vậy ở con người và không có nhu cầu về một nhà nước hiện đại, một xã hội hiện đại, thậm chí không có cả nhu cầu về sự công bằng nữa. Không so sánh thì không thấy sự công bằng.

Đó là các hệ quả của phát triển kinh tế.

Hỏi: Thưa ông, sự tiến bộ của kinh tế có góp phần khắc phục những đặc điểm tiêu cực của văn hóa Việt Nam không?

Trả lời: Trong một xã hội không phát triển, con người sẽ không hiểu được giá trị của phát triển. Trước đây, vào thời kỳ mới mở cửa, các họa sỹ Việt Nam cứ vẽ bức tranh nào cũng đều nói nó mấy nghìn đô la, trong khi đó, ở sân nhà thờ Đức bà Paris, có hàng trăm họa sỹ vẽ chẳng kém các họa sỹ của mình nhưng không ai đòi số tiền như thế cả. Nền sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường đã khiến con người hiểu giá trị rất rõ thông qua các giao dịch giá cả, cái gì cũng có giá, trừ nhân phẩm và các giá trị tinh thần. Do đó, con người đủ năng lực nhận thức, phân loại rất rõ ràng và con người không ảo tưởng về các giá trị không có thật nữa.

Kinh tế phát triển cải tạo dần thói quen của một xã hội tiểu nông trong đó mọi thứ đều được hiểu một cách nhùng nhằng. Khi có giao du, có kinh tế thị trường, con người hiểu và cư xử một cách phải chăng hơn và đó là cách thay đổi tốt nhất các mặt tiêu cực của đời sống văn hóa. Con người hiểu được các giá trị thì sẽ hạn chế được bệnh "Chí Phèo" trong nhận thức và làm cho xã hội không còn ảo tưởng trong việc tự đơm dết các giá trị của mình. Một người có giá trị thì ít khi nhận ra giá trị của mình mà chỉ có những người khác nhận ra. Những người thiển cận hay không hiểu biết thì không cần tới, nhưng chúng ta rất có thể và có điều kiện để dự báo tương lai của Việt Nam trong những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Xã hội của chúng ta trộn lẫn những mâu thuẫn giữa kinh tế với chính trị, giữa chính trị với xã hội, giữa xã hội với lịch sử... Do đó, sự dự báo có thể rất chủ quan nhưng các dự báo tự do mang tính chủ quan đó nếu nằm bên cạnh nhau sẽ tạo ra được khuynh hướng và quyết định tương lai của đất nước trong các khía cạnh cụ thể.

Về chính trị, chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống chính trị ít nhất không nằm trong khu vực lạc hậu của thế giới thứ ba. Về tổ chức nhà nước, chúng ta sẽ có một nhà nước pháp quyền, trong đó xã hội dân sự đã được hình thành ở mức thấp theo các tiêu chuẩn quốc tế về xã hội dân sự, nhưng trong tương quan so sánh thì nó không nằm trong vùng tồi tệ của thế giới thứ ba, tức là nằm ở lớp kha khá.

Về kinh tế, chúng ta cũng nâng lên được tầm trên mức trung bình hiện nay, và chắc chắn đời sống tinh thần cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, sự phát triển xã hội còn kém sự phát triển của đời sống kinh tế. Và đây là một nhược điểm. Khi hệ thống nhà nước phát triển, chúng sẽ lôi đời sống kinh tế phát triển đến hết không gian tự do của nó. Nói như thế tuy trừu tượng nhưng trong thực tế thì rất cụ thể. Ví dụ, Luật Đất đai cần phải minh bạch hơn, trong đó quy định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng. Nếu không, khái niệm quyền sử dụng sẽ trở thành quyền sở hữu có điều kiện, vì quyền sử dụng và quyền sở hữu có điều kiện về đất đai là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu cứ nhập nhằng giữa quyền sử dụng và sở hữu toàn dân thì dần dần đất đai chuyển đổi từ đối tượng ai muốn can thiệp cũng được thành đối tượng không dễ can thiệp, không dễ can thiệp chứ không phải là không can thiệp được. Từ đấy dần dần xã hội bắt đầu phá vỡ các giới hạn. Do vậy, phải cải cách để có được một định nghĩa hay một bộ khung rành mạch về quyền sở hữu, quan trọng nhất là các quyền sở hữu, sau đấy là các quyền tự do nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Cho nên, phải làm thế nào để hệ thống chính trị, hệ thống nhà nước - biểu hiện pháp lý của hệ thống chính trị, cơ cấu pháp lý của hệ thống chính trị phát triển trước hệ thống kinh tế, tức là nó tạo ra không gian có tính chất tiền đề cho sự phát triển hay không gian dẫn cho sự phát triển của kinh tế thì kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn nữa.

Hỏi: Khuynh hướng dân chủ là không thể đảo ngược ở Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình dân chủ, ví dụ, ở Hoa Kỳ là nền dân chủ tối đa, ở các nước châu  u là nền dân chủ phải chăng và Hàn Quốc và Trung Quốc là nền dân chủ hạn chê. Vậy, theo ông Việt Nam sẽ lựa chọn loại mô hình nào hay sẽ có một mô hình riêng?

Trả lời: Người Việt Nam chưa có kinh nghiệm về dân chủ, do đó, người Việt Nam sẽ phải học kinh nghiệm dân chủ ở các nước dân chủ trên thế giới. Nhưng tôi không cho rằng cách phân loại vừa rồi là đúng, phân loại dân chủ là rất nguy hiểm. Không phải người Mỹ là dân chủ vô điều kiện, không giới hạn hay châu Âu dân chủ phải chăng. Châu Âu là cái nôi của mọi nền dân chủ.

Nhận thức về dân chủ của người châu Âu cao tới mức không những nó liên kết được các bộ phận bên trong một quốc gia, mà còn liên kết được cả châu lục, như vậy, nền dân chủ đã trở thành thái độ, thành đạo đức, chứ không phải lý thuyết. Còn người Mỹ cũng không phải dân chủ tự do vô điều kiện, đấy là chúng ta nhận thức sai. Văn hóa của người Mỹ dễ khiến cho người ta lầm lẫn thế. Nhưng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ không kém gì các nhà nước chuyên chính vô sản. Nhưng vì tôn trọng con người nên họ không kiểm soát con người một cách thô thiển. Còn Hàn Quốc và Trung Quốc thì khác nhau, không thể xếp nó vào cùng một nền dân chủ hạn chế. Trung Quốc cũng giống như chúng ta là một quốc gia tiệm cận dân chủ, còn Hàn Quốc đã là một nền dân chủ thực sự tuy nền dân chủ ấy chỉ mới bắt đầu từ cuối thời Park Chung Hee (tức là mới có 30 năm). Tuy vậy, nền văn hóa của Hàn Quốc không tạo cho nó thói quen thể hiện dân chủ một cách thỏa đáng như người Mỹ hay người châu Âu.

Để trả lời câu hỏi Việt Nam sẽ có một nền dân chủ như thế nào thìphải trả lời được câu hỏi nền dân chủ là gì? Theo quan điểm của người Mỹ thì thiết chế cơ bản để định nghĩa dân chủ là một xã hội đa nguyên, đa đảng về mặt tổ chức và tôn trọng quyền cá nhân. Trong những năm tới và trước mắt xã hội của chúng ta chắc chắn vẫn không giống với nước Mỹ về cái gọi là nền dân chủ, cũng không đạt tới cái sâu sắc và bài bản của châu âu để có thể tuyên bố về nền dân chủ Việt Nam như thế nào. Về bản chất, sự chậm tiến này không phải do chính trị mà bắt nguồn từ truyền thống văn hóa. Chính nền văn hóa của chúng ta, các kinh nghiệm văn hóa của chúng ta không cho phép chúng ta xây dựng các nền dân chủ theo kiểu phương Tây một cách nhanh chóng. Rất nhiều nhà chính trị của chúng ta lo ngại rằng chúng ta sẽ trượt theo hướng dân chủ phương Tây. Đây là những nỗi sợ không có căn cứ vì có muốn như phương Tây chúng ta cũng không làm được. Tất nhiên, trong xã hội có một bộ phận tiên tiến và những người tiên tiến thì đi với một tốc độ khác, những người bình thường đi với một tốc độ khác.

Khi xã hội chúng ta xây dựng theo hướng dân chủ thì chúng ta sẽ có một số phân hóa. Đây là điểm quan trọng nhất cần phải nhận thức. Chúng ta phải tổ chức quá trình dân chủ hóa theo hướng có điều khiển để không rơi vào cuộc nổi loạn mang tính dân chủ. Phải điều chỉnh mức phân hóa của đời sống xã hội để không bẻ gãy sự liên lạc trong xã hội và tạo ra sự nhịp nhàng của xã hội. Người Triều Tiên là một dân tộc hơi quân phiệt, người Trung Quốc là một dân tộc hơi cát cứ, người Nhật Bản cũng có màu sắc quân phiệt, có kinh nghiệm văn hóa quân phiệt, nhưng Việt Nam không có cả văn hóa cát cứ hay quân phiệt. Chúng ta gắn với châu Âu hơn về mặt nhân cách, về mặt văn hóa. Nếu chúng ta đi theo dân chủ, thì chúng ta sẽ tiệm cận một nền dân chủ nhanh hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn và đẹp hơn tất cả những nền dân chủ đã có ở Đông Nam Á này, kể cả Đông Bắc Á.

Hỏi: Rất nhiều cuộc chiến tranh trên thê giới bắt nguồn từ xung đột tôn giáo và sắc tộc. Việt Nam có 54 dân tộc, theo ông, chúng ta nên giải quyết vấn đề dân tộc ra sao? Vai trò của Uỷ ban Dân tộc Miền núi nên được thể hiện như thế nào?

Trả lời: Có lẽ, Việt Nam là quốc gia có ít vấn đề sắc tộc nhất. Chúng ta chỉ có một chút khúc mắc ở Tây Nguyên mang mầu sắc tôn giáo. Nhưng các nhà chính trị của chúng ta quá thận trọng, vì thế, chúng ta quá cảnh giác và ngăn chặn mọi quá trình phát triển ngay từ nguồn gốc, làm hạn chế không gian tự do phát triển. Các nhà chính trị phải đủ trí tuệ để hiểu rằng, nên ngăn chặn đến đâu là vừa phải. Ví dụ, ở Tây Nguyên người ta nói đến đạo Tin Lành, thật ra, nhiều người cũng chẳng hiểu đạo Tin Lành là gì. Người Tây Nguyên trót dại biết đạo Tin Lành và cũng có một số lực lượng tôn giáo nước ngoài, thậm chí có cả lực lượng thù địch tạo ra một trạng thái xung đột. Nhưng một cách khách quan nhất, phải thừa nhận rằng chúng ta ngăn chặn ngay từ đầu, đánh vào ý thích của họ. Để điều chỉnh chỉ cần một bộ luật, một không gian chính trị rành mạch, công khai, thế là đủ Trên thế giới, không một quốc gia nào chỉ có một cộng đồng tôn giáo, đa tôn giáo là thể hiện sự đa dạng về mặt.tinh thần của một dân tộc. Do vậy, tất cả các chính phủ đều cố gắng trở thành nhà nước thế tục vì khi chính quyền có mầu sắc tôn giáo thì đều làm tăng sự hằn học xã hội đối với những cộng đồng xã hội khác Cho nên, chính quyền Diệm đã phạm phải sai lầm khi xây dựng nhà nước tôn giáo và ông Diệm không xử lý nổi mối quan hệ giữa đạo Thiên chúa và đạo Phật. Chúng ta buộc phải làm khác, phải có một bộ luật rõ ràng về quyền tự do tôn giáo, phải thừa nhận tính hợp pháp của các hành vi đến một mức nào đó mà không phá vỡ tính ổn định của xã hội. Nếu chúng ta phổ biến và thực hiện điều luật đó một cách kiên quyết thì chúng ta có thể giải quyết được tận gốc vấn đề Tây Nguyên. Ở Indonesia, người Mỹ không hề lên án việc tiêu diệt nhóm GEM, nhóm ASEP, hay không ai lên án việc Nga đàn áp quân phiến loạn Chesnia. Rõ ràng, các nước phát triển đã phải nhận thức lại một số vấn đề. Cho nên, chúng ta phải làm rõ điều này, không ngăn chặn quá trình, chỉ đặt điểm bamer phải dừng lại. Điểm bamer được hiểu là một điểm giới hạn mà nếu vượt qua điểm đó, xã hội sẽ trở nên mất trật tự, mất ổn định. Có lẽ, chúng ta sợ trong tương lai chúng sẽ trở thành những lực lượng khác nhau, bởi vì chúng ta không hiểu một xã hội đa tôn giáo, tức là đa nguyên tinh thần khác với đa nguyên chính trị, xã hội đa đảng phái mới là xã hội đa nguyên chính trị. Nhưng vì chúng ta không thể ngăn chặn việc hình thành một xã hội phát triển thành đa nguyên về mặt tinh thần cho nên cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm là học cách điều hành xã hội ấy.

Hỏi: Theo ông, trong tương lai, vai trò của các tổ chức phi chính phủ sẽ như thế nào?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng các tổ chức phi chính phủ đã thay đổi từ nhiều năm nay chứ không phải đến bây giờ mới thay đổi. Chưa bao giờ xã hội của chúng ta có nhiều tổ chức phi chính phủ như 5 năm vừa rồi. Trong vòng 5 năm tới, về số lượng thì cũng chỉ phát triển đến thế thôi nhưng về chất lượng chắc chắn sẽ có thay đổi. Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ nằm trong quản lý của chính phủ. Trong 5 năm tới, các tổ chức phi chính phủ sẽ phải đối mặt với những khó khăn thực, những nhiệm vụ thực và sẽ gặt hái được những lợi ích rất thực. Tôi nghĩ rằng 5 năm tới, nó không chỉ phát triển về số lượng mà còn về chất lượng, có tính độc lập tương đối với chính quyền, tự do trong khuôn khổ của pháp luật hợp lý và gắn liền với đòi hỏi về lợi ích của nhóm xã hội mà nó tập hợp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Câu hỏi lớn về vận nước

    02/10/2010GS. Tương LaiChính vì những chuyến xe lịch sử không có khứ hồi, cho nên, tiếp bước cha ông không phải là dẫm theo lối mòn có sẵn, mà là dũng cảm gạt bỏ mọi trở ngại để vươn về phía trước, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó.
  • Cùng nhau suy tưởng

    20/09/2010Nguyễn Trần BạtNếu không đặt vấn đề giải quyết thực trạng Việt Nam trên quy mô xã hội
    thì tôi nghĩ rằng không ai có thể giải quyết bài toán lịch sử Việt Nam,
    bài toán phát triển Việt Nam một mình được. Cho nên, giải quyết những
    tồn tại của thực tế chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam trên quy mô xã
    hội không phải là công việc của riêng một lực lượng nào. Nhân dân phải
    góp công vào đấy, giới trí thức phải góp công vào đấy và phải suy nghĩ
    một cách nghiêm túc...