Vừa ăn vừa kêu: giá sách cao!

03:51 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Giêng, 2004

- Chất lượng xuất bản quá kém, giá sách quá cao, người đọc bị móc túi trắng trợn... Những tiếng kêu từ tuần trước sang tuần này vẫn thảm thiết lắm anh Sáu Vọng Cổ ơi!

- Biết rồi: Tại phát hành phí quá cao, tại các thư viện thích mua sách đắt tiền để ăn hoa hồng, tại giá giấy VN cao hơn thế giới 40-50%, tại các nhà xuất bản tự định giá bán v.v và v.v... Tóm lại tại đủ thứ, cũng tức là bế tắc như giá thuốc thôi. Cô có cao kiến gì mà bới ra nữa?

- Cho tôi hỏi anh trước, thế rau, gạo, thịt các loại... cần cho người ta hơn hay sách cần hơn?

- "Có thực mới vực được đạo" - sách tải đạo. Bụng rỗng không thể làm no bằng đạo.

- Ai làm ra thứ giúp no bụng anh?

- Nông dân, à, nói chung "dịch vụ dân". Vì xoá độc quyền rồi, không chỉ nông dân sản xuất gạo, thịt - có cả các ông trí thức lập trang trại trồng rau nuôi gà đem bán.

- Vậy sao vẫn chỉ có NXB của Nhà nước được làm sách?

- Vì từ lâu nay ta vẫn... nghĩ thế. Vì món ăn tinh thần cứ phải Nhà nước quản lý mới chắc.

- Lại hỏi thêm, một NXB một năm ra hàng trăm đầu sách tức hàng triệu trang sách. Có NXB nào đủ biên chế cán bộ đọc thẩm định kỹ hàng triệu trang sách không?

- Dù họ không đọc nhưng sách vẫn cứ đội tên NXB, in tên người biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản đấy thôi. Có gì lạ nhỉ?

Hai Quan Họ tỏ ra thương anh Sáu chậm hiểu: Không làm nghiệp vụ, không phải bỏ vốn... mà sách vẫn ra ầm ầm. Tức là có NXB chỉ cần bán giấy phép xuất bản cho tư nhân để đầu nậu "nó" thay mình phấn đấu ra nhiều đầu sách. Vậy sao Nhà nước không (bằng luật pháp) nắm béng anh tư nhân, hà tất thông qua NXB độc quyền? Chẳng hơn đẻ ra các NXB rồi để các "nhà" ấy vừa được ăn lại vừa kêu bị tư nhân thao túng thị trường sách?


Với mỗi loại hàng hoá nhất định khi tất cả các yếu tố khác đều không đổi (thu nhập, tâm lý người mua, tình trạng các sản phẩm có thể thay thế), thì giá càng thấp càng có nhiều người mua. Nếu ta có biện pháp hạ giá sách đi được vài chục phần trăm thì số người mua sách và đọc sách của chúng ta sẽ tăng vọt. Điều đó sẽ có lợi biết bao cho văn hoá đọc, cho dân trí nước ta. Mong sao các cơ quan quản lý xuất bản, quý vị giám đốc các nhà xuất bản tranh luận công khai trên Lao Động với tác giả Hai Văn Sáu về vấn đề này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: