Thói hư tật xấu của người Việt: Khéo tay mà trí không khôn, thiếu tinh thần cầu học

03:08 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Ba, 2013

Học vấn một đẳng, công nghệ một nẻo
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Công nghệ suy nhược lại còn là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức nào mới.

Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới tranh được lợi buôn bán. Song cái tính khinh đường công nghệ thì vẫn chưa bỏ được. Có người nhờ công nghệ mà nên giàu có song vẫn tự coi mình là đê tiện, phải mượn cái phấn ông hàn ông bá mới là vẻ vang.


Khéo tay mà trí không khôn
(Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922)

Xét ra ở nước Nam ta mới có các nghề mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là các nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thì chưa có gì sánh được với các nước, nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp, thợ thuyền phần nhiều là những người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ , tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mời, nói tóm lại là không có trí sáng khởi(1) khôn ngoan, gây ra trong mỗi nghề một cái thể thức trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các nhà nghề ta không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nữa.

Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần có thể thức, thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ(2), để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học cho biết nghề mình duyên cách(3) thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà biển đổi dần

(1)bắt đầu dựng lên, ngây nay hay viết là sáng tạo.
(2)quen hệ của những cái liên tiếp. Cũng nghĩa như hệ thống.
(3)duyên (có khi đọc diên) ở đây lá thủ cựu, cách là đổi mới. Duyên cách: Tình hình trong một khu vực nào đó cái cũ thế nào, cái mới ra sao.


Thiếu tinh thần cầu học
(Nguyễn Văn Tố, theo Lê Thanh,Cuộc phỏng vấn các nhà văn,năm 1943)

Phải nhận rằng người mình không ham học mấy. Thí dụ như người đỗ bằng tốt nghiệp, có công ăn việc làm thì thôi , không chịu học thêm. Tôi cho thế là nhầm lắm. Người ta dạy cho bấy nhiêu là để cho mình tạm đủ sức mà học lấy, khi ở trường ra mắt là chỗ khởi hành, mình lại tưởng đến nơi rồi. Nếu tôi được phép, tôi sẽ khuyên anh em thanh niên học rõ nhiều, vừa đọc văn Tây, vừa học lại tiếng ta, vì phần đông người ta mà viết văn ta còn sai nhiều.


Mô phỏng đã thành thói quen
(Hoa Bằng, Phải có cái gì để làm
đặc tính của người mình chứ. Tri tân, năm 1941)

Hết thảy mọi phương diện, chẳng hạn, từ văn học tới nghệ thuật - chúng ta đều ăn của người, nhưng đã biết hóa để làm của riêng của mình chưa?

Bình tĩnh mà xét, từ hình thức đến tinh thần ta nay cũng có một đôi phần tiến. Nhưng cái óc mô phỏng hay còn rõ sờ sờ trung hết thảy mọi mặt.

"Chúng ta phải làm con cháu cửa cổ nhân chữ không nên làm nô lệ của cổ nhân". Đối với cổ nhân ta nay còn phải dè dặt thay, huống chi đối với gió bốn phương, há lại nên bạ chiều nào che chiều ấy?!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: