Xây dựng phong cách lãnh đạo

04:04 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Quản trị không đơn thuần giống như việc xử lý một đơn đặt hàng. Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng phong cách lãnh đạo là nhân cách và uy tín. Những nhân tố khác như tình thương, sự nhạy cảm, tính độ lượng và nhân từ cũng là những yêu cầu rất quan trọng.

Lãnh đạo bằng tính nhân văn

Chọn lựa và đào tạo các thành viên một cách hợp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà quản trị. Điều này đòi hỏi không những kinh nghiệm kinh doanh thực thế mà cả tình thương, sự nhạy cảm, tính rộng lượng hay nói gọn lại là tính nhân văn. Một nhà quản trị giỏi phải nói những điều mình nghĩ, làm những điều mình nói, và đạt được điều mình muốn. Những nhà quản trị muốn thành công trong một thế giới thông tin, dựa trên kiến thức thì phải có khả năng giao tiếp với những đồng nghiệp của mình.

Trong những thời điểm khó khăn, nhà quản trị phải có khả năng thiết lập những quy định rõ ràng. Còn trong công việc kinh doanh hàng ngày, người đó phải hết sức thận trọng trong việc truyền đạt ý kiến và tiếp thu phản hồi từ những nhân viên của mình bởi đây là những người có kiến thức sâu rộng và sẽ là những người không thể thiếu được cho sự tồn vong của công ty. Khả năng giao tiếp tốt được dựa trên những yếu tố thống nhất trong tính nhân văn - tình thương, sự nhạy cảm, tính độ lượng và nhân từ.

Người lãnh đạo thành công nhất là người có tầm nhìn rộng rãi bao trùm không chỉ những vấn đề về tài chính mà cả những kiến thức văn hoá. Người lãnh đạo này phải nhận biết được những tài năng đặc biệt của nhiêù người khác nhau và luôn tôn trọng những nhu cầu của họ. Anh ta cũng phải đặt những mối quan hệ và sự độc lập của những nhân viên này trong một mối tổng hoà mang tính xã hội ngay trong khuôn khổ chính công ty của mình. Để làm được điều đó, tức là phát huy tối đa khả năng và năng lực của các thành viên trong đội ngũ của mình, nhà quản trị cũng phải biết được những âm mưu tồn tại trong nơi làm việc của mình. Tất cả những điều đó đòi hỏi mọi người phải làm việc cật lực để nắm được những kỹ năng quản trị cần thiết vượt xa khuôn khổ của việc phân tích một bản báo cáo tài chính.

Khó khăn lớn nhất đối với khả năng liên kết và giao tiếp của một nhà lãnh đạo cấp cao nhất chính là một doanh nghiệp có sự liên kết và quan hệ nội bộ phức tạp. Một nhà lãnh đạo tài giỏi phải là một người thành công trong việc hợp nhất các yếu tố. Và kiểu lãnh đạo đó đòi hỏi phải có năng lực về mặt xã hội. Lãnh đạo ngày nay không còn là việc ra lệnh và hướng dẫn mà mấu chốt là có được và sử dụng được khả năng thuyết phục người khác. Nhân cách, hay uy tín chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng kỹ năng này.

Không ngừng khẳng định năng lực xã hội

Năng lực về mặt xã hội là khả năng động viên, thấu hiểu nhiều quan điểm khác nhau (thậm chí đối lập) và điều khiển một số kiểu cá tính (và tình cảm). Những tiêu chí này là nền tảng cho tinh thần đồng đội, cho sự bình đẳng trong một tổ chức thành công. Hiện nay "năng lực về mặt xã hội" là một trong những thuật ngữ đang rất được ưa chuộng và lạm dụng, vì thế nhanh chóng mất đi ý nghĩa thực tế. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm giá trị của thuật ngữ này. Những nhà quản trị mong muốn thăng tiến trên bước đường kinh doanh phải tìm cho mình thời gian để tập hợp được hững kinh nghiệm phong phú và đa dạng. Kết quả của công việc học tập này là vô giá và, nói chung, làm tăng khả năng ứng xử trong những điều kiện xã hội đa dạng trong môi trường làm việc chuyên môn sau này.

Tham gia hoạt động thể thao, văn hoá là một cách hiệu quả để nâng cao năng lực xã hội. Việc tập trung và tăng cường chiều sâu cho kiến thức nhất định hết sức cần thiết. Nhưng cũng không kém phần quan trọng là việc có được một kiến thức rộng lớn, điều cho phép một nhà quản trị có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (www.dddn.com.vn)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: