Ý chí tự do và thuyết tất định

02:19 CH @ Thứ Tư - 31 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi rất băn khoăn trước vấn đề chúng ta có “ý chí tự do,” tức là sức mạnh chọn lựa và quyết định mọi hành vi của riêng mình, hay không. Tôi chấp nhận lối giải thích thế giới của các nhà khoa học tự nhiên, theo đó dòng chảy vạn vật được tất định bởi một khuôn mẫu của các nguyên nhân... Nhưng tôi không hiểu phải phản bác thế nào trước một giải thích tương tự về những vấn đề con người từ các khoa học xã hội, và đặc biệt là tâm lý học, vốn bác bỏ ý niệm về ý chí tự do. Hơn nữa tôi còn do dự không chấp nhận được ý tưởng chúng ta không kiểm soát được cuộc đời riêng của chúng ta. Tôi muốn biết những nhà tư tưởng chính yếu, trong quá khứ và hiện tại, đã nói gì về câu hỏi ý chí tự do và thuyết tất định.

D.J.W.

D.J.W. thân mến,

Những người phủ nhận ý chí tự do thường làm thế vì họ giải thích mọi hiện tượng tự nhiên bằng một chuỗinhững nguyên nhân. Họ cho rằng bởi vì con người là một phần của tự nhiên, hắn không thể được miễn trừ khỏi chuỗi các nguyên nhân phổ quát này. Những người ủng hộ ý chí tự do thì thường phân biệt giữa hành vi con người và mọi hiện tượng tự nhiên khác. Họ khẳng định rằng những hành vi của một con người bắt nguồn từ sự chủ động và chọn lựa của riêng nó. Tuy nhiên một số người theo thuyết ý chí tự do nói rằng sự chủ động của hành vi con người cũng là đặc điểm của mọi sự vật khác trong tự nhiên. Họ cho rằng kiểu mẫu căn bản để chúng ta giải thích thế giới như một chuỗi các nguyên nhân là hoàn toàn sai.

Chúng ta hãy làm rõ cụm từ “tự do của ý chí”có nghĩa gì. Nó có nghĩa là tự do quyết định,chứ không phải tự do hành động. Đó là tự do chọn lựa một kiểu hành động nào đó, một mục tiêu nào đó, hay một lối sống nào đó. Để có thể làm được những gì chúng ta lựa chọn làm tùy thuộc vào những hoàn cảnh ngoại tại. Bất chấp “những gì mọi người phụ nữ biết”, không phải mọi người phụ nữ muốn lập gia đình đều thành công. Vì thế có thể tin vào tự do của ý chí trong khi vẫn thừa nhận rằng tự do hành động của một con người có thể bị hạn chế bởi những hoàn cảnh đối nghịch.

Trong quá khứ các triết gia như Aristotle, D’Aquinas, Descartes,Kantxác nhận tự do ý chí, trong khi Hobbes, Spinoza, Hume, và J.S. Millphản đối. Trong thời hiện tại của chúng ta, Jean Paul Sartre(1), triết gia hiện sinh người Pháp, có lẽ là người bênh vực cực đoan nhất sức mạnh con người trong việc quyết định cho chính nó cái gì nó sẽ trở thành. Sartrenói con người tuyệt đối tự do thoát khỏi mọi tình thế, kể cả ảnh hưởng từ dĩ vãng của chính nó. Chúng ta chỉ là cái gì chúng ta lựa chọn hiện hữu. Chúng ta phải tự do chỉ để được hiện hữumột cách nào đó. Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do là không phải con người. Sartretuyên bố:

“Tự do nhân vị có trước yếu tính trong con người và nó làm cho yếu tính khả hữu… Con người không hiện hữutrước để tự dosau đó; không có gì khác biệt giữahiện hữu của con người vàtrạng huống tự do của nó”.

Các tư tưởng gia hiện đại khác, như A.N. Whitehead(2), Henri Bergson(3),Paul Weiss(4),và Charles Hartshorne(5), đồng ý với Sartre trong việc khẳng nhận sự tự do lựa chọn. Tuy nhiên, họ khác ông ta ở chỗ họ nhấn mạnh một số ảnh hưởng từ dĩ vãng của con người và ở chỗ họ mở rộng tự do lựa chọn đến thế giới phi nhân văn.

Khi nói đến tâm lý học như “sự bác bỏ” ý chí tự do, có lẽ bạn đang nghĩ về Sigmund Freud. Ông là một trong những kẻ phản đối hiển nhiên nhất của ý chí tự do trong thời đại chúng ta. Đối với Freud, tất cả những khát vọng của con người đều đã bị tất định, một mặt, bởi những xung lực và nhu cầu tự nhiên, và, mặt khác, bởi những áp lực văn hóa mà con người tuân theo một cách không tự giác. Phân tâm học đưa ra một phương pháp thực hiện tự do cá nhân, thông qua một tiến trình tự tri và tự chủ rất gian khổ. Nhưng tự do của ý chí hiểu như một thiên năng, đối với Freud, là điều hoàn toàn hư cấu. Freud nói:

“Nhà phân tâm học được biết tới như người có niềm tin đặc biệt mạnh mẽ vào sự tất định của đời sống tâm linh. Đối với ông ta, trong việc thể hiện tâm linh không có gì… tùy tiện, không có gì vô trật tự… Bất kỳ ai… trốn khỏi sự tất định của các hiện tượng tự nhiên ở bất kỳ mức độ nào, họ đã rời bỏ toàn bộ quan điểm khoa học về thế giới”.

Các triết gia thực chứng đương thời, như Moritz Schlick(6)và A.J. Ayer(7), cho rằng tự do hệ tại vào việc chúng ta có thể thực hiện những khát vọng của mình bằng hành động. Họ nghĩ rằng chúng ta tự do khi có những hoàn cảnh mà có thể chúng ta đã làm khác đi, nếu chúng ta đã lựa chọn làm khác đi. Nhưng họ cho là chúng ta không thể lựa chọn làm khác đi trừ phi toàn bộ dĩ vãng của chúng ta và tất cả những ảnh hưởng khác đối với chúng ta khác đi.

Trong khi xác lập một quan điểm về chủ đề này, chúng ta đối mặt với một song luận thú vị: Những quan niệm về tự do ý chí của chúng ta tự chúng có bị tất định không, hoặc chúng có phải là vấn đề lựa chọn tự do không? Trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng ta cũng ở ngoài phạm vi của sự chứng minh khoa học. Và nhân tiện, chưa ai có thể tuyên bố rằng tâm lý học đã và đang phản chứngý chí tự do. William James, bản thân là người tin vào ý chí tự do và đồng thời là nhà tâm lý học khoa học, khẳng định rằng lập trường mà chúng ta xác lập về vấn đề này tự nó là một hành vi của ý chí tự do. Chúng ta phải quyết định một cách tự do ngay cả khi chúng ta tán thành thuyết tất định. Mọi “chứng cứ” sau đó của chúng ta tùy thuộc vào hành vi ý chí tiên quyết này.

Jameskể một câu chuyện vui về một người đàn ông gặp phải một tình thế nan giải. Anh ta trông thấy hai tòa nhà ở hai bên đường đối diện nhau, một tòa nhà treo tấm bảng “Câu lạc bộ Những người theo thuyết Tất định,” tòa nhà kia treo tấm bảng “Hiệp hội ủng hộ Tự do Ý chí.” Trước tiên ông bước vào Câu lạc bộ Những người theo thuyết Tất định, nhưng khi được hỏi tại sao ông muốn gia nhập câu lạc bộ, ông trả lời, “Vì tôi chọn làm vậy,” thế là ông ta bị đẩy ra ngoài. Ông bèn tìm cách gia nhập Hiệp hội ủng hộ Tự do Ý chí, và khi được hỏi một câu tương tự như trên, ông trả lời, “Vì tôi không còn chọn lựa nào khác,” và một lần nữa ông bị xua đuổi.

Tính chất nghịch lý và vòng vo của vấn đề này khiến Jamesnhiều đêm mất ngủ và suýt nữa thì bị suy sụp thần kinh. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ không bị xáo động như vậy.

(1)Jean-Paul Sartre(1905 – 1980): triết gia, kịch tác gia, và tiểu thuyết gia người Pháp. Là một trong những nhà luận thuyết quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh, ông viết tác phẩm triết học L’Être et le Néant(“Hữu thể và Hư vô”; 1943) và tiểu thuyết La Nausée(“Buồn nôn”;1939).
(2)Alfred North Whitehead
(1861 – 1947): nhà toán học và triết gia người Anh. Ông soạn chung với Bertrand Russell công trình Principia Mathematica(“Nguyên lý Toán học”; 1910 – 1913).
(3)Henri Bergson
(1859 – 1941): triết gia Pháp. Một trong những ý tưởng có ảnh hưởng quan trọng nhất của ông là năng lực sáng tạo giữ vai trò trung tâm trong sự phát triển của con người. Ông lãnh giải thưởng Nobel về văn chương năm 1921.
(4)Paul Weiss
(1898 – 1989): nhà sinh vật học Mỹ gốc Ao, người có những nghiên cứu tiên phong về cơ chế của sự tái tạo của thần kinh, sự hồi phục thần kinh, và tổ chức tế bào.
(5)Charles Hartshorne
(1897 - ?): triết gia, nhà thần học, nhà giáo dục người Mỹ, nổi tiếng là người đề xướng có ảnh hưởng nhất của “triết học tiến trình”, theo đó Thượng Đế được xem như một thành phần trong sự tiến hóa của vũ trụ.
(6)Moritz Schlick(1882 – 1936): triết gia thực nghiệm luận lý người Đức, đứng đầu trường phái các triết gia thực chứng nổi tiếng với tên gọi NhómVienna ở châu Âu.(7)Alfred Jules Ayer(1910 – 1989): nhà giáo dục và triết gia Anh, người biện hộ cho thuyết thực chứng luận lý. Công trình gây chấn động và được nhiều người quan tâm của ông là Language, Truth, and Logic(“Ngôn Ngữ, Chân Lý, và Lôgic”; 1936).

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa của tự do

    04/12/2013Dr. Mortimer J. AdlerTrước khi tôi thử trình bày những gì làm cho ý niệm tự do có ý nghĩa sâu xa trong đời sống con người, hãy cho tôi thử truyền đạt một số cảm tưởng về phạm vi của ý niệm này. Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, tự do có một số ý nghĩa rõ rệt. Tôi sẽ cố trình bày những ý nghĩa này cho bạn một cách ngắn gọn nhất. ...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...