Quan hệ giữa phát triển quốc gia và phát triển toàn cầu

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
06:54 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Tư, 2008
Trở lại vấn đề cải cách, phải nói rằng, cải cách hiện nay là công việc cần thiết đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trọng tâm của cuốn sách này là bàn về sự cần thiết phải cải cách đối với các nước thế giới thứ ba, vì thế giới thứ ba là bộ phận lạc hậu và nơi đang tiềm ẩn các nguồn lực hủy hoại chủ yếu hiện nay.

Vấn đề cải cách là cải cách thể chế để không tạo ra rủi ro cho các dân tộc. Những quốc gia đang phát triển đang tạo ra rủi ro cho nhân loại nên phải cải cách vì sự phát triển của chính mình và vì tương lai của toàn nhân loại. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy là, xét từ góc độ chiến lược ở tầng cao nhất thì xuất phát điểm của sự hủy hoại lớn nhất không phải là các nước thế giới thứ ba mà chính là các nước phát triển. Có thể nói, thế kỷ vừa qua là thế kỷ của các nước phát triển. Các nước này đã rất thành công trong phát triển kinh tế và tạo ra những khuynh hướng đang trở thành tất yếu trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống ngày hôm nay. Tuy nhiên, để phát triển, các nước này đã sử dụng đáng kể nguồn tài nguyên thiên nhiên của cả nhân loại và hậu quả của sự phát triển đó đến nay con người mới bắt đầu nhận ra. Sự thật này đã và đang cảnh báo các nước phát triển rằng nếu không ý thức được trách nhiệm toàn cầu của mình thì nhân loại phải tiếp tục gánh chịu hậu quả do sự hủy hoại quá khứ của họ gây ra.

Hiện nay nhân loại đang đứng trước hai bài toán, đó là hợp tác và cạnh tranh. Phát triển là một quá trình cạnh tranh, cải cách là nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không cải cách thì các cấu trúc xã hội sẽ trở nên không hợp lý, do đó làm giảm năng lực cạnh tranh, đấy là một khía cạnh rất quan trọng. Mục tiêu cải cách của các chính phủ hiện nay là nâng cao năng lực cạnh tranh chứ không phải tạo ra sự chừng mực hay là tạo được tính bền vững của sự phát triển. Nhưng, nếu không có sự bền vững trong phát triển của từng nền kinh tế hoặc từng quốc gia thì không tạo tính bền vững toàn cầu được, tức là không tạo ra sự chừng mực của phát triển. Do đó, bất kỳ chương trình cải cách nào cũng phải được xây dựng trên cơ sở cân đối giữa nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, tức là khai thác tự nhiên và con người hay khai thác các nguồn lực một cách hợp lý và có lợi. Chính bài toán cạnh tranh là bài toán để điều chỉnh, để mở rộng tự do, mở rộng năng lực của con người. Năng lực nhận ra giới hạn là một trong những năng lực quan trọng và chính năng lực ấy tạo ra sự phát triển ổn định. Bài toán hợp tác cũng là để tạo ra năng lực phát triển lớn hơn cho mỗi người, mỗi quốc gia, hướng tới đảm bảo tính bền vững của sự phát triển chung. Con người phải ứng xử không chỉ với môi trường tự nhiên cụ thể của từng quốc gia mà còn phải ứng xử với môi trường tự nhiên toàn cầu một cách có ý thức. Mặc dù bài toán cải cách đang là vấn đề có ý nghĩa cấp bách đối với các nước thế giới thứ ba nhưng rõ ràng, theo cách đặt vấn đề như thế này, chúng ta sẽ thấy nghiên cứu về cải cách sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều nếu qua đó giúp nhân loại nhận ra tầm cao hơn của vấn đề là làm thế nào điều chỉnh tính hợp lý của các chương trình cải cách ở các khu vực khác nhau của thế giới. Đây là một vấn đề lớn cần có những nghiên cứu quy mô và toàn diện hơn nhiều.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, nói đến toàn cầu hóa là nói đến vấn đề xây dựng các chính sách toàn cầu. Bài toán cải cách đặt ra với từng quốc gia như là phản ứng bị động của con người trước hiện tượng toàn cầu hóa, đòi hỏi phải được hoạch định trên cơ sở ý thức về những lợi ích và những vấn đề chung. Bản chất của việc tìm kiếm tính đúng đắn của việc xây dựng các chính sách toàn cầu chính là tìm kiếm giới hạn mà ở đấy con người chủ động tác động lên sự phát triển, chứ không phải phát triển bằng mọi giá, không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Muốn tìm ra giới hạn hợp lý của sự phát triển, tức là không phát triển bằng mọi giá, thì phải phát triển con người hay phát triển tính hợp lý của ý thức con người. Đó là điều, thiết nghĩ, không cần phải khẳng định thêm.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: