Trần Trọng Kim (1883 - 1953)

11:12 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Chín, 2009



Trần Trọng Kim (1883-1953)

Trần Trọng Kim, là một học giả danh tiếng, nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam,
bút hiệu Lệ Thần.

- Ông sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ.
- Năm 1897, ông học Trường Pháp-Việt Nam Định, học chữ Pháp. - Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp.
- Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình.
- Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp.
- Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp tháng 7/1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.
- Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử.
- Ông giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Trần Trọng Kim còn là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí tiến đức và Nghị viên Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ.
- Một năm sau khi ông về hưu (1943), Nhật Bản kéo vào Đông Dương và bí mật đưa ông ra nước ngoài, sang Singapore.
- Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam.
- Ngày 30/3/1945, ông được Nhật đón từ Băng Cốc về Sài Gòn, rồi đưa ra Huế để Bảo Đại giao nhiệm vụ thành lập nội các.
- Ngày 11/3/1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Trần Trọng Kim được Hoàng đế Bảo Đại giao thành lập nội các. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam.
- Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm". Thực chất thì chính phủ này nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương, và ngay khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ ngày 23/8/1945.
- Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim cùng toàn bộ nội các quân chủ không bị cách mạng bắt giữ giam cầm, ông lui về ở thôn Vỹ Dạ (Huế)
- Tháng 2-1946, Trần Trọng Kim cùng gia đình về Hà Nội. Tháng 6-1946, ông sang Trung Quốc bắt đầu lưu vong.
- Tháng 2/1947, sau nhiều năm tháng long đong ở Quảng Châu và Hồng Kông, ông về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo.
- Năm 1948, ông và gia đình qua Campuchia và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất ngày 2/12/1953 tại Đà Lạt, thọ 71 tuổi.


Bàn thêm về Trần Trọng Kim...




Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Tác phẩm Việt Nam sử lược được đánh giá là một trong những quyển sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích, được tái bản nhiều lần.

Tác phẩm đã xuất bản

Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ về các lĩnh vực sử học, nghiên cứu và sư phạm gồm:

Sơ học luân lý (1914),
Vương Dương Minh (1914),
Sư phạm khoa yếu lược (1916),
Việt Nam sử lược (1919) - hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc) và được đánh giá là một cuốn sách sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích
Nho giáo (1930),
Phật Lục (1940),
Quốc văn giáo khoa thư, 3 tập: lớp Đồng ấu, Dự bị, và Sơ đẳng (soạn cùng Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận; Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ)
Việt Nam văn phạm (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).
Hồi ký: Một cơn gió bụi(được viết trong thời gian sống ở Campuchia, công bố sau 15 năm ông mất - năm 1969)

Bản chất và vai trò lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim (tháng 3-1945 đến 8-1945)

Nội các Trần Trọng Kim ra đời là sản phẩm của chính ách chiếm đóng Việt Nam của quân đội Nhật sau cuộc đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Nội các được dựng lên vừa đúng ý đồ của người Nhật là chính phủ không có Việt gian và trên danh nghĩa là quy tụ những trí thức Tây học không hợp tác với Nhật, trẻ tuổi, tài năng, đức độ, yêu nước của Việt Nam như Phan Anh - Luật sư, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên, Hoàng Xuân Hãn - Thạc sĩ toán học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệ thuật. "Rõ ràng là các thành viên Nội các Trần Trọng Kim - tất nhiên không phải hoàn toàn như nhau - đều có tinh thần yêu nước và mong muốn làm được một việc gì đó có lợi cho dân cho nước lúc bấy giờ" (Đinh Xuân Lâm, 2008)

- Ngày 8-5-1945, nội các ra mắt chính thức với Tuyên chiếu của Hoàng đế Bảo Đại và Lời tuyên cáo của Nội các: "... Chúng tôi hết sức theo đuổi mục đích là họp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng cố độc lập của quốc gia và gây mạnh cái tinh thân yêu nước trong mọi giai tầng xã hội... Chúng tôi xin tuyên thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây đắp nền độc lập nước nhà, không tư vị cá nhân đảng phái... Mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu".

Trong thời gian ngắn nội các đã đề ra và cố gắng thực hiện một số giải pháp cấp thời, tiến bộ như:
- Chủ trương mở cửa các nhà tù của thực dân Pháp để phóng thích các chiến sĩ yêu nước
- Tổ chức tiếp tế lương thực cho nhân dân và hàng triệu người bị khủng hoảng vì nạn đói ở miền Bắc
- Rà soát và thống nhất các ngạch thuế khóa, lần lần định lại cho công bằng
- Trù tính cách thống nhất pháp luật trong toàn quốc và tránh sự làm quyền sẽ tìm phương chia quyền hành chính và tư pháp
- Trừ cho tiết nạn tham nhũng trong chốn quan trường, kẻ nào không biết cải tà quy chánh sẽ phải trừng trị rất nghiêm...
- Vì vận nước mai sau là cốt ở thanh niên bây giờ cho nên chính phủ rất chú trọng đào tạo những người mạnh mẽ, khí khái, có nghề nghiệp, có tổ chức, có huấn luyện, để bảo vệ nền độc lập đương gây dựng.

Do ra đời và hoạt động trong những điều kiện hết sức khó khăn và phức tạp, tháng 7-1945, nội các này lún sâu vào thế cô lập. Người Nhật bộc lộ dã tâm lật đổ để thay bằng chính phủ thân Nhật của Cường Để, Ngô Đình Diệm... Mặt trận Việt Minh lên án, bất hợp tác và kiên quyết lật đổ chế độ quân chủ. Giới trí thức, công chức, nhân sĩ ngày càng thất vọng trước sự yếu kém, bất lực của nội các.

- Ngày 5-8-1945, nội các đệ đơn xin từ chức lên Bảo Đại và được Bảo Đại chấp thuận ngày 6-8-1945.

Có thể nói, nội các đã hoàn thành bổn phận Hoàng đế Bảo Đại trao, tranh thủ thời cơ đấu tranh và bảo vệ chủ quyền, lợi ích dân tộc, cổ vũ tinh thần dân tộc chủ nghĩa của nhân dân và tiến hành một số cải cách tiến bộ. Do điều kiện khách quan không thuận lợi nên nội các đã bất lực trước sứ mệnh lịch sử mà nó tự đặt ra - kịp thời lấp khoảng chống chính trị sau khi Nhật đảo chính Pháp, tuy nhiên nó là một bước tiến quá độ tới nền độc lập, tự do thực sự của dân tộc Việt Nam.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: