Võ Nguyên Giáp (1911 - )

05:04 CH @ Thứ Bảy - 11 Tháng Bảy, 2009


VÕ NGUYÊN GIÁP(sinh năm 1911)

Ông là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã chỉ huy quân đội thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Ông được xem như một người có tài dẫn dắt một quân đội nhỏ đánh bại một cường quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt chủ nghĩa thực dân, đập tan huyền thoại bất khả chiến bại của phương Tây và thúc giục tinh thần của các lực lượng chống thực dân trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ông được gọi là người anh cả của Quân đội nhân dân.

Tới hôm nay, Đại tướng vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.

- Ông sinh ngày 25/8/1911 ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, con của ông Võ Quang Nghiêm. Võ Quang Nghiêm là một nho sinh thi cử bất thành về làm hương sư và thầy thuốc Đông y, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù.

- Năm 1925, ông rời trường Tiểu học Đồng Hới để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng đảng, theo chủ nghĩa dân tộc thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam. Ông vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

- Tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các thầy giáo Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng...
- Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông tốt nghiệp ngành luật và kinh tế chính trị năm 1937.
- Năm 1934, ông lấy bà Nguyễn Thị Quang Thái, bạn học tại Quốc học Huế và là một đồng chí của ông (bà là em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai). Năm 1943, bà Thái chết trong nhà ngục Hỏa Lò, Hà Nội.
- Năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
- Tháng 5-1939, ông dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
- Ngày 3-5-1940, ông cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ông tham gia gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
- Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy.
- Ngày 25-12-1944, đội quân này đã tiến công thắng lợi hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
- Ngày 14-8-1945, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
- Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Trong năm 1946, ông tục huyền với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).
- Ngày 19-12-1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ. Ông được phong hàm Đại tướng ngày 25-1-1948.
- Tháng 8-1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.
- Từ tháng 8-1945 ông là ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.
- Ông là một người vận dụng chiến thuật du kích giỏi. Ông cũng là người lên kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh Điện Biên Phủ và thắng Pháp năm 1954.

Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch - Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp:
• Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)
• Chiến dịch Biên giới (tháng 9 - 10, năm 1950)
• Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950)
• Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 năm 1951)
• Chiến dịch Đông Bắc (tháng ?? năm 1951)
• Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951)
• Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952)
• Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953)
• Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5 năm 1954)

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

- Năm 1954-1976, Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn là Phó thủ tướng Chính phủ (từ năm 1955 đến năm 1991).
- Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động Đảng và Nhà nước khác.
- Từ tháng 7-1960 đến tháng 1-1963 ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
- Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật.
- Năm 1983 ông được Hội đồng Bộ trưởng phân công kiêm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch khi Ủy ban này được thành lập.
- Năm 1991, ông thôi chức ủy viên Trung ương, phó Thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80.
- Ông đã xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. ông đã lãnh đạo quân đội trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đi đến thắng lợi.
- Danh tiếng của ông không chỉ bó hẹp ở Việt Nam mà bạn bè năm châu bốn biển khi nhắc đến tên Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc. Toàn thể thế giới đều coi ông như một thiên tài quân sự kiệt suất của nhân loại.
- Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
- Ngày 25-8-2007, ông đã mừng sinh nhật thượng thọ lần thứ 96. Ông là chính khách Việt Nam sống lâu nhất tính cho đến thời điểm này.
- Ông không chỉ là thần tượng của thế hệ kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mà còn là hình ảnh lẫm liệt trong lòng giới trẻ, thanh niên, trí thức ngày hôm nay. Thế hệ trẻ nhìn nhận lịch sử và ngưỡng mộ ông một cách tự nguyện và chân thành nhất.
- Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng và trong Quân đội.
- Gần đây tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn quan tâm theo dõi và đưa ra một số ý kiến công khai về tình hình đất nước như chống tham nhũng, khuyến khích xuất khẩu, các dự án đầu tư, cải cách giáo dục...

Nói về tác giả, tác giả suy nghĩ


- Lịch sử cho thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... lý tưởng trong mỗi nhà lãnh đạo đã được hun đúc bằng cả kiến thức và cả những trải nghiệm, những xúc cảm trong lòng dân tộc. Ở mỗi con người vĩ đại ấy cuộc sống không chỉ là sách vở, lý luận mà đã trở thành cuộc đấu tranh với sự chấp nhận hy sinh xương máu, hy sinh những lợi ích cá nhân vì niềm tin và khao khát tiến bộ. Sự đàn áp, nhà tù, sự mua chuộc... không những không thay đổi được lý tưởng của họ mà còn khiến họ trở nên mạnh mẽ và cháy bỏng hơn. Lý tưởng và nhân cách đã thật sự hòa quyện thành một con đường thống nhất để cống hiến vì tiến bộ, vì dân tộc. Tương xứng với những nhà lãnh đạo như thế, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam mới có thể ghi dấu sự tồn tại của mình trên bản đồ thế giới.

- Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn ý thức được rất sâu sắc rằng: người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng tư lệnh phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của mỗi người lính. Tôi biết rõ đồng chí Tổng tư lệnh nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. (Hoàng Minh Thảo)

- Có thể nói thắng lợi của cách mạng Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học. Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền học vấn với những tư tưởng văn hóa phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên Giáp là một trong những tinh hoa đầu tiên trong thế hệ vàng đó. (Dương Trung Quốc)

- Có lần tôi tò mò hỏi ông: nhờ đâu lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được một êkip lãnh đạo có văn hóa cao như thế để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc? - “Là vì khi làm cách mạng người ta phải tìm đến những nhân cách văn hóa lớn như Cụ Hồ” - ông trả lời không do dự. Đến lượt mình, chính sức hút mãnh liệt từ bề dày văn hóa đó đã khiến ông vượt lên mọi thăng trầm của thời cuộc và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, chẳng những từ những người đã theo ông trong cuộc trường kỳ kháng chiến mà của mọi tầng lớp xã hội hiện nay. (Phạm Duy Hiển)

- Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng đặc biệt với trí tuệ rộng mở và trái tim nhân ái. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đến với cuộc chiến bằng khát khao độc lập của một trí thức trong giao thời lịch sử và ra khỏi cuộc chiến bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình.

- Là bậc khai quốc công thần, tuổi đã gần bách niên, nhưng ông hết sức tránh thái độ bề trên, trưởng thượng khi lên tiếng. Chưa nhận được phản hồi, ông kiên nhẫn điềm tĩnh tiếp tục thu nhận tư liệu, dữ kiện để tiếp tục góp ý, kiến nghị. Là một vị tướng nhưng chưa từng thấy ông nổi nóng hay nói to, dù biết nhiều khi ông rất buồn.

- Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam.

- Đại tướng mãi là tấm gương sáng về một vị tướng Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. (Tổng bí thư Nông Đức Mạnh)

- Trong những năm tháng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.

- Đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để có tính cách mạng nền Giáo dục - Đào tạo là một điều kiện tiên quyết để đưa nước ta tiến lên nhanh và vững trên con đường hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa. (Võ Nguyên Giáp)

Thế giới viết về ông

Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có một vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui ở trình độ cao... Cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại. (Ký giả người Anh Peter Macdonald trong cuốn Giap, les deux guerres d’Indochine)

Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của tất các thời đại. (Nhà sử học Mỹ Cecil Curry trong cuốn Victory at any cost)

Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh. (Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London)

Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có. (Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh)

Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp. (G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp)

Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. (Tướng Mỹ Westmoreland)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại... Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”. (Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá)

Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử. (Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993)


Bài viết về ông

Mừng sinh nhật lần thứ 100 Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Về vị Đại tướng tròn 100 tuổi(Dương Trung Quốc)
Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự (Quân đội nhân dân)
Đọc hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người trí thức - Võ Nguyên Giáp
Vũ khí văn hóa của vị đại tướng
Võ Nguyên Giáp: người "chiến sĩ" số 1 (Tuổi Trẻ)
Võ Nguyên Giáp (Tuổi trẻ cuối tuần)
Tướng Giáp, Tướng McNamara và "bảo hiểm quốc gia"
“Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi” (Thanh Niên)
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh (Dân Trí)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ qua góc nhìn một nhà báo Pháp (Dân Trí)
Chuẩn bị kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cần quan tâm hơn nữa việc bảo tồn và phát huy di sản lịch sử - văn hóa (Nhân Dân)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bài về giáo dục (VietnamNet)
Góp ý việc khai thác bô-xít trên Tây Nguyên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới Hội thảo về bô-xít
Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên


Tác phẩm đã xuất bản

Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938
Đội quân giải phóng, 1947
Từ nhân dân mà ra, 1964
Điện Biên Phủ, 1964
Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, 1970
Những năm tháng không thể nào quên, 1972
Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, 1972
Những chặng đường lịch sử (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên), 1977
Chiến đấu trong vòng vây, 1995
Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 1979
Đường tới Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử
Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, 2000


Sách đã xuất bản

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tập Hồi Ký, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2006

Điện Biên Phủ 50 Năm Nhìn Lại, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2004

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chiến Đấu Trong Vòng Vây, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2002

Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ - Điểm Hẹn Lịch Sử, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2001

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tập Luận Văn, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2006

Điện Biên Phủ 50 Năm Nhìn Lại, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2004

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Với Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2005

Võ Nguyên Giáp - Người Lính Vì Dân Vị Tướng Của Hoà Bình, NXB Lao Động, 2009

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Hữu Mai, NXB Trẻ, 2009

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, Phạm Hồng Cư, NXB Thanh Niên, 2004

Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Trọng Trung, NXB Chính Trị quốc gia, 2006

Chiến Đấu Trong Vòng Vây (Hồi ức Võ Nguyên Giáp), Hữu Mai, NXB Quân đội nhân dân, 2001

Unforgettable Days, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2003

Dien Bien Phu, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2004

Fighting under Siege, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2004


LinkedInPinterestCập nhật lúc: