Ai mất nước Nga?

10:08 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Mười Một, 2007

Chương 9. Ai mất nước Nga?

Sự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín. Trong một xã hội đóng, chỉ có một khái niệm xã hội phải được tổ chức ra sao: Đó là phiên bản được cho phép, được áp đặt bằng vũ lực. Trong khuôn khổ xã hội mở, các công dân không chỉ được phép mà được đòi hỏi phải nghĩ cho chính mình, và có những dàn xếp định chế cho phép người dân với các lợi ích, xuất thân, và ý kiến khác nhau cùng tồn tại trong hoà bình.

Hệ thống Soviet có lẽ là một dạng toàn diện nhất của xã hội khép kín trong lịch sử loài người. Nó thâm nhập vào hầu như tất cả mọi khía cạnh của sự tồn tại: chính trị và quân sự cũng như kinh tế và trí tuệ. Ở lúc hung hăng nhất nó thậm chí đã thử xâm lấn khoa học tự nhiên – như trường hợp của Trofim Lysenko đã chứng tỏ. Để tiến hành quá độ sang xã hội mở cần sự thay đổi cách mạng về chế độ cái không thể được hoàn thành mà không có giúp đỡ bên ngoài. Sự thấu hiểu này thúc giục tôi lao vào và thiết lập Quĩ Tài trợ Xã hội Mở từ nước này đến nước khác khắp đế chế Soviet trước đây.

Nhưng các xã hội mở của Phương Tây thiếu sự thấu hiểu này. Năm 1947, tiếp theo sự tàn phá của Thế Chiến II, Hoa Kì đã đưa ra Kế hoạch Marshall lịch sử để tái thiết châu Âu; sau sự sụp đổ của hệ thống Soviet, một sáng kiến như vậy là không thể hình dung nổi. Tôi đã kiến nghị cái gì đó giống vậy ở một hội nghị vào mùa xuân 1989 tại Potsdam, thành phố vẫn là một phần của Đông Đức, và đúng theo nghĩa đen là tôi đã bị cười nhạo. William Waldegrave, một bộ trưởng trong bộ ngoại giao của Margaret Thatcher, đã dẫn đầu các lời chế nhạo. Thatcher đã là một người bảo vệ trung thành của tự do- bất kể khi nào bà đến thăm các nước cộng sản bà khăng khăng đòi gặp những người bất đồng chứng kiến – nhưng ý tưởng rằng xã hội mở cần phải được xây dựng và việc xây dựng đó có thể cần đến – và xứng đáng - sự giúp đỡ bên ngoài đã hiển nhiên vượt quá sự hiểu biết của bà. Như một người theo thuyết thị trường chính thống, bà đã không tin vào can thiệp chính phủ. Thực ra, các nước cộng sản đã bị để tự phải lo liệu lấy; một số thành công, nhưng các nước khác thì không.

Có nhiều tự vấn lương tâm và tố cáo đang diễn ra liên quan đến Nga. Các bài báo được viết đặt câu hỏi Ai để mất nước Nga? Tôi được thuyết phục là chúng ta – các nền dân chủ phương Tây - chịu trách nhiệm chính và tội lỗi bỏ quên là do chính quyền Bush và Thatcher phạm phải. Thành tích của Thủ tướng Đức Helmut Kohl ô hợp hơn. Cả mở rộng tín dụng lẫn cho trợ cấp, Đức đã là người đóng góp tài chính lớn nhất cho Liên Xô và, muộn hơn, cho Nga, nhưng động cơ thúc đẩy Kohl đã là mong muốn mua sự ưng thuận về thống nhất nước Đức hơn là để giúp cải biến nước Nga.

Tôi dám chắc rằng nếu các nền dân chủ Tây phương giả như đã thực sự cam kết, nước Nga có thể được xác lập chắc chắn trên con đường tới một nền kinh tế thị trường và một xã hội mở. Tôi nhận ra rằng một luận điểm như vậy đi ngược với quan điểm thịnh hành. Nó phản sự thực vì, thực ra, các nỗ lực cải cách kinh tế đã thất bại buồn thảm. Ta có thể phải tin vào tính hiệu quả của viện trợ nước ngoài để lí lẽ rằng kết quả có thể khác đi. Nhưng viện trợ nước ngoài có thành tích xấu, và ý tưởng rằng can thiệp chính phủ có thể thực sự giúp một nền kinh tế là đi ngược thiên kiến thịnh hành theo thuyết thị trường chính thống. Cho nên sự chú ý tập trung vào ai đã làm gì sai. Nhưng chính thiên kiến theo thuyết thị trường chính thống là cái phải chịu trách nhiệm về kết quả. Nó chiến đấu chống sự cam kết thật sự để giúp Liên Xô và Nga muộn hơn.

Người ta cảm thấy đồng cảm, nhưng là loại mới phôi thai. Các xã hội mở ở Phương Tây đã không tin vào xã hội mở như một ý tưởng phổ quát, mà việc thực hiện nó biện minh cho nỗ lực đáng kể. Đây là sự thất vọng và đánh giá sai lớn nhất của tôi. Tôi đã bị lối nói hoa mĩ của Chiến tranh lạnh lừa dối. Phương Tây đã sẵn lòng ủng hộ chuyển đổi bằng lời nhưng không bằng tiền, và bất kể viện trợ hay lời khuyên nào đã được đưa ra đều bị thiên kiến thị trường chính thống làm lạc lối. Những người Soviet và người Nga đã dễ nhận, thậm chí háo hức, các lời khuyên bên ngoài. Họ đã nhận ra hệ thống của họ đã thối nát và có xu hướng thần tượng hoá phương Tây. Thương thay, họ đã phạm cùng sai lầm như tôi: Họ đã cho rằng phương Tây thành thật quan tâm.

Tôi đã lập một quĩ tài trợ ở Liên Xô từ 1987. Khi Mikhail Gorbachev điện thoại cho Andrei Sakharov bị quản thúc ở Gorki và yêu cầu ông “tiếp tục các hoạt động yêu nước của mình ở Moscow”, tôi đã nhận ra rằng một sự thay đổi cách mạng đang hình thành. Tôi đã mô tả kinh nghiệm của mình ở nơi khác. Cái liên quan ở đây là năm 1988 tôi đã kiến nghị lập một nhóm công tác quốc tế để nghiên cứu việc tạo ra một “khu vực mở” trong nền kinh tế Liên Xô, và tôi hơi ngạc nhiên- khi đó tôi là một nhà quản lí quĩ vô danh - kiến nghị của tôi đã được các quan chức Liên Xô chấp nhận.

Ý tưởng là tạo ra một khu vực thị trường trong nội bộ nền kinh tế chỉ huy, chọn một ngành như chế biến thực phẩm, ngành có thể bán sản phẩm của nó cho khách hàng với giá thị trường hơn là giá chỉ huy (với một hệ thống thích hợp để chuyển từ giá chỉ huy sang giá thị trường). Khu vực mở này sau đó có thể được mở rộng dần dần. Mau chóng trở nên hiển nhiên rằng ý tưởng là phi thực tiễn vì nền kinh tế chỉ huy đã quá bệnh hoạn để nuôi dưỡng phôi thai của một nền kinh tế thị trường. Tức là, vấn đề chuyển định giá đã không thể giải quyết được. Nhưng ngay cả một ý tưởng nông nổi như vậy từ một nguồn tầm thường cũng đã được ủng hộ ở mức cao nhất. Thủ tướng Nikolai Ryzhkov đã ra lệnh cho lãnh đạo của các cơ quan Soviet chủ chốt- Uỷ Ban Kế hoạch, Uỷ ban Vật tư, v. v. – tham gia. Đúng là tôi đã có thể thu hút các nhà kinh tế phương Tây như Wassily Leontief và Romano Prodi tham gia từ phía phương Tây.

Muộn hơn tôi đã đưa một nhóm chuyên gia phương Tây lại với nhau những người tư vấn cho các nhóm kinh tế gia Nga khác nhau chuẩn bị các chương trình cải cách kinh tế cạnh tranh nhau. Sau đó tôi đã dàn xếp cho các tác giả của kiến nghị chính của Nga cho cải cách kinh tế- cái gọi là Kế hoạch Shatalin – do Grigory Yavlinsky lãnh đạo, được mời đến cuộc họp năm 1990 của IMF/Ngân hàng Thế giới ở Washington. Gorbachev lưỡng lự về kế hoạch và cuối cùng quyết định chống lại nó. Ông lẩn tránh hai vấn đề: tư nhân hoá đất đai, và đồng thời giải tán Liên Xô cùng với việc lập một liên minh kinh tế. Tôi vẫn nghĩ Kế hoạch Shatalin có thể đã mang lại một sự chuyển đổi có trật tự hơn so với diễn tiến thật sự của các sự kiện.

Ngay sau đó Gorbachev mất quyền lực, Liên Xô tan rã, và Boris Yeltsin trở thành tổng thống Nga. Ông uỷ thác nền kinh tế cho Yegor Gaidar, đứng đầu một viện nghiên cứu kinh tế, người đã học lí thuyết kinh tế vĩ mô từ sách giáo khoa chuẩn của Rudi Dornbusch và Stan Fischer. Gaidar đã thử áp dụng chính sách tiền tệ vào một nền kinh tế không tuân theo các tín hiệu tiền tệ. Các doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục sản xuất theo kế hoạch, cho dù chúng không được trả tiền vì việc đó. Tôi nhớ cuộc gọi điện cho Gaidar tháng Tư 1992 để chỉ ra là nợ giữa các công ti đã tăng đến mức bằng một phần ba GNP; ông thừa nhận vấn đề nhưng tiếp tục không đếm xỉa đến.
Khi Gaidar thất bại tiếp theo là một hành động cân đối khó chịu, và cuối cùng Anatoly Chubais, từ một viện nghiên cứu khác, nổi lên như phó thủ tướng phụ trách kinh tế. Ông đặt ưu tiên cho chuyển tài sản từ nhà nước sang tay tư nhân. Ông tin rằng một khi tài sản nhà nước được tư hữu hoá, các chủ sở hữu sẽ bắt đầu bảo vệ tài sản của mình và quá trình tan rã sẽ có thể dừng.

Đó không phải là cách nó được tiến hành. Một sơ đồ phân phát voucher (phiếu), mà người dân sau đó có thể dùng để mua các công ti quốc doanh, đã trở thành một cuộc chiếm đoạt tài sản nhà nước mạnh ai nấy làm. Các ban quản lí chiếm quyền kiểm soát các công ti bằng cách lừa công nhân để lấy voucher hay gom mua cổ phần với giá rẻ. Họ tiếp tục hút thu nhập và, thường xuyên, tài sản vào các công ti mẹ đặt ở Cyprus, một phần để tránh thuế, một phần để trả tiền cho cổ phần mà họ mua, một phần để tích tụ tài sản ở nước ngoài do thiếu lòng tin vào cái diễn ra ở trong nước. Những số tiền kếch xù được kiếm trong chốc lát ngay cả trong khi cực kì thiếu thốn về tiền và tín dụng, cả rúp và đôla.


Từ các điều kiện hỗn loạn này nguyên lí của một trật tự kinh tế mới bắt đầu nổi lên. Nó đã là một dạng của chủ nghĩa tư bản nhưng là dạng rất lạ kì và nó sinh ra theo một trình tự khác cái có thể kì vọng dưới các điều kiện bình thường. Tư nhân hoá đầu tiên đã là tư nhân hoá an ninh công cộng, và theo cách nào đó nó đã thành công nhất. Các quân đội tư nhân tạp nham và các băng nhóm mafia được dựng lên, và chúng cai quản ở nơi chúng có thể. Các ban quản lí của các doanh nghiệp quốc doanh lập các công ti tư nhân, chủ yếu ở Cyprus, các công ti này kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp quốc doanh. Các nhà máy thua lỗ, không đóng thuế, và khất nợ lương và nợ nần với các công ti khác. Dòng tiền mặt bị hút sang Cyprus. Các ngân hàng mới được thành lập, một phần bởi các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng quốc doanh, một phần bởi các nhóm thương mại mới nổi. Một vài ngân hàng kiếm số tiền kếch xù bằng cách cai quản tài khoản của các cơ quan nhà nước khác nhau, kể cả Kho bạc Nga.

Sau đó, liên quan đến sơ đồ tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước bằng phân phát voucher, một thị trường cổ phiếu được sinh ra trước khi các cơ chế để đăng kí cổ phiếu và để thanh toán hữu hiệu các giao dịch được thiết lập một cách phù hợp - và trước xa việc các doanh nghiệp mà cổ phiếu của chúng được buôn bán bắt đầu ứng xử giống các công ti. Một văn hoá phạm pháp trở nên thấm đậm trước xa các luật và qui chế thích hợp có thể được ban hành. Tiền bán từ sơ đồ voucher đã không dồn lại cho nhà nước hay bản thân các công ti. Đầu tiên các nhà quản lí phải củng cố kiểm soát và trang trải các khoản nợ họ đã mắc trong quá trình chiếm quyền kiểm soát; chỉ sau đó họ mới có thể bắt đầu tạo ra thu nhập trong nội bộ công ti. Ngay cả khi đó, có lợi cho họ để che giấu hơn là báo cáo thu nhập trừ phi họ có thể hi vọng tăng vốn bằng bán cổ phần. Song chỉ có ít công ti đến giai đoạn đó.

Những sự sắp xếp này có thể được mô tả một cách chính đáng là “chủ nghĩa tư bản kẻ cướp”, vì cách hữu hiệu nhất để tích tụ tư bản tư nhân đã là chiếm đoạt tài sản nhà nước nếu hầu như không có gì để khởi động. Tất nhiên, đã có một số ngoại lệ. Trong một nền kinh tế thèm khát các dịch vụ, đã có thể kiếm tiền ít nhiều hợp pháp bằng cung cấp các dịch vụ ấy, thí dụ, thông qua công việc sửa chữa hay vận hành các khách sạn và nhà hàng ăn.
Viện trợ nước ngoài chủ yếu đã để cho hai định chế tài chính quốc tế- IMF và Ngân hàng Thế giới- vì các nước phương Tây đã không sẵn lòng góp tiền từ ngân sách riêng của họ. Tôi đã phản đối cách dàn xếp này với lí do rằng IMF về mặt tổ chức không phù hợp với công việc. Nó hoạt động bằng đòi các chính phủ kí một thư ngỏ ý tôn trọng các điều kiện ảnh hưởng đến tính ổn định của đồng tiền và ngân sách trung ương, giữa các đòi hỏi khác, và nó ngưng cấp tiền nếu chính phủ không thoả mãn các điều kiện. Khi một nước không có một chính phủ hữu hiệu, phương pháp này đảm bảo rằng chương trình sẽ thất bại. Đó là cái đã xảy ra ở Nga. Chính phủ trung ương đã không có khả năng thu thuế, và cách duy nhất để nó có thể thoả mãn các mục tiêu cung tiền là từ chối thoả mãn các nghĩa vụ ngân sách. Khất tiền lương và nợ giữa các công ti tích tụ lên mức không thể quản lí nổi. Tôi đã lí lẽ rằng cần đến một cách tiếp cận bừa, trực tiếp hơn, và nó có thể được chấp nhận một cách hăm hở khi ấy. Nhưng đó có nghĩa là phải đưa tiền thật ra, và các nền dân chủ phương Tây chùn bước trước triển vọng.

Khi IMF gia hạn khoản vay 15 tỉ $ cho Nga, tôi đã lí lẽ trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal ngày 11 tháng 11, 1992, rằng tiền phải được đánh dấu để chi trả các khoản an sinh xã hội và rằng việc chi tiêu các khoản tiền này phải được giám sát chặt chẽ. Vì đồng rúp mất giá, tiền hưu chỉ còn 8 $ một tháng, cho nên tiền phải đủ cho chi trả toàn bộ lương hưu. Kiến nghị của tôi đã không được xem xét nghiêm túc vì nó đã không hợp với phương thức hoạt động của IMF. Cho nên tôi quyết tâm chứng tỏ rằng viện trợ nước ngoài có thể có kết quả.

Tôi lập ra Quĩ tài trợ Khoa học Quốc tế với 100 triệu $ (chi cuối cùng là 140 triệu $). Hành động đầu tiên của chúng tôi là phân chia 500 $ cho mỗi người trong số 40.000 nhà khoa học giỏi nhất của Nga với hi vọng rằng điều này sẽ khuyến khích họ ở lại Nga và tiếp tục công việc khoa học của họ. Việc này tốn 20 triệu $, và nó cho phép các nhà khoa học này tồn tại một năm. Các tiêu chuẩn lựa chọn người được nhận là công khai, minh bạch, và khách quan: Các nhà khoa học phải đã có ba bài báo đăng trong các xuất bản phẩm khoa học hàng đầu. Việc phân phát được hoàn tất trong vài tháng, với tỉ lệ chi phí ít hơn 10 phần trăm, và sơ đồ đã đảm bảo chi trả bằng đôla cho mỗi người nhận ở khắp Liên Xô trước đây. Điều này chứng tỏ kiến nghị của tôi về kiểm soát giải ngân là có tính thực tiễn.

Phần tiền còn lại được dùng để hỗ trợ nghiên cứu trên cơ sở một quá trình duyệt đồng đẳng được tổ chức ở tầm quốc tế trong đó các nhà khoa học nổi tiếng nhất trên thế giới đã tham gia. (Boris Berezovsky, người muộn hơn trở thành một kẻ đầu sỏ tai tiếng, đã đóng góp 1,5 triệu $ cho trợ cấp đi lại vì các lí do riêng của ông ta. Đây là khoản đóng góp duy nhất từ Nga). Tất cả tiền được cam kết ít hơn hai năm.

Các lí do mà tôi ủng hộ các nhà khoa học là phức tạp. Tôi muốn chứng minh rằng viện trợ nước ngoài có thể thành công, và tôi chọn khoa học như lĩnh vực để chứng minh vì tôi có thể tính đến sự ủng hộ của các thành viên của cộng đồng khoa học quốc tế, những người sẵn lòng hiến thời gian và năng lực của họ cho đánh giá các dự án nghiên cứu. Nhưng phương thức phân chia viện trợ khẩn cấp có thể có kết quả cho những người về hưu cũng như các nhà khoa học.

Có các lí lẽ khác ủng hộ việc giúp các nhà khoa học. Trong thời gian chế độ Soviet nhiều bộ óc tuyệt nhất đã gia nhập các viện nghiên cứu nơi tư duy độc lập được khoan dung hơn so với phần còn lại của xã hội Soviet, và họ làm ra loại khoa học đứng đầu các thành tựu của nhân loại. Nó là một xu hướng khác một chút so với khoa học phương Tây- mang tính suy đoán hơn và ít tiên tiến hơn về mặt kĩ thuật trừ vài lĩnh vực ưu tiên. Các nhà khoa học cũng đi đầu trong cải cách chính trị. Andrei Sakharov đặc biệt được nhiều người biết đến và được ngưỡng mộ, nhưng còn nhiều người khác nữa. Ngoài ra, đã có mối nguy hiểm là các nhà khoa học hạt nhân có thể bị các nước xỏ lá cám dỗ.

Toàn bộ công việc là một thành công vang dội và đã cho quĩ tài trợ của tôi danh tiếng không thể bị công kích. Đã có nhiều cuộc tấn công chống chúng tôi vì chúng tôi đã tham gia vào các chương trình có thể gây tranh cãi. Thí dụ, chúng tôi tổ chức một cuộc thi các sách giáo khoa mới không có ý thức hệ Marxist-Leninist và bị lên án đầu độc đầu óc sinh viên. Một lần Duma đã tiến hành nghe điều trần về cáo buộc chúng tôi kiếm bí mật khoa học một cách rẻ tiền, mặc dù mọi nghiên cứu do quĩ tài trợ đều phải được công bố và thuộc về tài sản công cộng. Toàn bộ cộng đồng khoa học đứng lên ủng hộ chúng tôi, và vì thế Duma đã kết thúc thông qua biểu quyết cảm ơn. Khi tôi nói là lịch sử có thể có diễn tiến khác đi nếu các nền dân chủ phương Tây đã đến giúp nước Nga sau sụp đổ của hệ thống Soviet, tôi vì thế có thể dựa vào thí nghiệm riêng của tôi.* Hãy tưởng tượng những người Nga có thể nghĩ về Phương Tây ngày nay khác thế nào nếu giả như IMF đã trả tiền lương hưu cho họ khi họ ở bên lề của sự chết đói.


Tôi đã kiêng đầu tư cá nhân vào Nga, một phần để tránh bất kể xung đột lợi ích nào nhưng chủ yếu vì tôi không thích cái tôi thấy. Tôi đã không can thiệp, tuy vậy, các nhà quản lí quĩ của tôi người đã muốn đầu tư, và tôi cũng chấp thuận sự tham gia của họ trong một quĩ đầu tư do Nga điều hành với các điều kiện ngang nhau với các nhà đầu tư phương Tây khác.

Tôi đã dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tháng Giêng 1996 nơi ứng viên tổng thống cộng sản, Gennadi Zyuganov, được cộng đồng kinh doanh tiếp đón nồng nhiệt. Tôi gặp Boris Berezovsky và nói rằng nếu Zyuganov được bầu thì ông ta, Berezovsky, sẽ bị treo trên cột đèn. Tôi muốn ông ủng hộ Grigory Yavlinsky, người tôi coi là nhà cải cách chân thật duy nhất giữa các ứng viên, nhưng tôi đã ấu trĩ. Tôi không nhận ra mức độ mà Berezovsky đã dính líu vào các thương vụ bẩn thỉu với gia đình Yeltsin. Theo tuyên bố công khai của ông ta, cảnh báo của tôi về sự an toàn của ông ta tập trung sự chú ý của ông ta. Cùng với các nhà doanh nghiệp Nga hàng đầu tham dự hội nghị Davos, họ đã nhóm họp và lập một nhóm hoạt động cho sự tái cử của Eltsin.

Đó là cách họ trở thành đầu sỏ. Một thủ thuật chính trị xuất sắc: Yeltsin bắt đầu với một ước lượng chấp thuận thấp hơn 10 phần trăm, và họ đã thành công để ông ta được tái cử. Cuộc vận động do Anatoly Chubais quản lí. Tôi không biết chi tiết, nhưng tôi có thể dùng trí tưởng tượng của mình. Khi một trong những trợ lí của Chubais bị bắt khi rời Nhà Trắng Nga- tổng hành dinh của thủ tướng và chính phủ- cùng với khoảng 200.000 $ trong một chiếc cặp tôi chắc không phải tiền chơi. Những kẻ đầu sỏ đã tống một giá nặng cho sự ủng hộ Yeltsin của họ. Họ đã nhận cổ phần của các công ti nhà nước giá trị nhất như tài sản đảm bảo cho các khoản vay mà họ cho ngân sách nhà nước vay trong sơ đồ tai tiếng “cho vay đổi lấy cổ phần”. Sau khi Yeltsin thắng cử, các công ti này được đưa ra đấu giá và bọn đầu sỏ chia sẻ chúng với nhau.

Tôi biết kĩ Chubais. Theo tôi, ông là một nhà cải cách thật sự người đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để chiến đấu chống lại cái ông gọi là “mối đe doạ đỏ-nâu” - sự kết hợp của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc- cái ông tin sẽ chế ngự nước Nga trừ phi ông làm cái gì đó để ngăn chặn nó. Sau tái cử của Yeltsin, ông lại phụ trách kinh tế, nhưng ông đã gặp khó khăn kiểm soát những kẻ đầu sỏ dầu khí. Tôi được động viên nhiều khi Yeltsin đưa Boris Nemtsov, thống đốc cải cách của Nizhny Novgorod, vào chính phủ và coi ông như con nuôi. Chubais bị cuộc bầu cử làm đồi bại, còn Nemtsov thì trong sạch: Ông có thể giữ vững nơi Chubais không thể. Tôi coi đây là một tín hiệu rằng chế độ Yeltsin, dưới sự lãnh đạo của Chubais, thật sự muốn rời xa chủ nghĩa tư bản ăn cướp sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp. Ngân sách nhà nước và cung tiền được giữ trong giới hạn, và thuế quá hạn đã bắt đầu được thu. Lạm phát và lãi suất giảm. Quyền của cổ đông được tôn trọng hơn, và thị trường cổ phiếu hưng phát. Tiền nước ngoài đổ vào cổ phiếu và các công cụ nợ. Những người Nga đi vay có thể nhận được khoản vay năm năm chỉ với 250 điểm cơ sở* cao hơn lãi suất liên ngân hàng ở London.

Chính dựa vào cơ sở này mà năm 1997 tôi đã quyết định tham gia vào đấu giá Svyazinvest, công ti mẹ, quốc doanh về điện thoại. Tôi đau khổ vì quyết định, do quá biết về tham nhũng tràn lan ở Nga. Đã dễ hơn để giữ cho bàn tay tôi sạch bằng cách bám chặt vào việc từ thiện. Nếu nước Nga không thể chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản ăn cướp sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp, thì mọi việc từ thiện của tôi là vô ích. Cho nên tôi quyết định tham gia đấu thầu cạnh tranh mua Svyazinvest việc đấu thầu hoá ra thắng. Đây đã là cuộc đấu giá thật sự trong đó nhà nước không bị lừa. Mặc dù chúng tôi trả một giá hợp lí - dưới 2 tỉ $ một chút, gần một nửa do các quĩ của tôi đưa ra- tôi tính rằng nó sẽ là một khoản đầu tư rất đáng nếu quá độ sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp suôn sẻ.

Đáng tiếc đó không phải là cái đã xảy ra. Cuộc đấu giá bị xô đẩy thành một cuộc ẩu đả, đấu đá lê thê gữa những kẻ đầu sỏ, một cuộc cãi vã giữa bọn ăn cắp. Một số kẻ đầu sỏ đã hăm hở cho quá độ sang hợp pháp trong khi những kẻ khác kháng cự vì họ không có khả năng hoạt động một cách hợp pháp. Kẻ phản đối chủ yếu cuộc đấu giá và kết quả của nó là Boris Berezovsky. Sau khi liên minh của ông ta thua đấu giá, ông ta thề tiêu diệt Chubais. Tôi đã có một số cuộc nói chuyện thành thật với ông ta, nhưng tôi đã không tìm được cách can ngăn ông ta. Tôi đã nói rằng ông ta là một người giàu, có giá trị hàng tỉ trên giấy. Tài sản chính của ông ta là Sibneft, một trong những công ti dầu lớn nhất thế giới. Tất cả cái ông ta cần làm là củng cố vị thế của mình. Nếu ông ta không tự mình làm được, ông ta có thể thuê một nhà ngân hàng đầu tư. Ông ta bảo là tôi không hiểu: Vấn đề không phải là ông ta giàu có đến đâu mà là ông ta so đọ ra sao với Chubais và với những kẻ đầu sỏ khác. Họ đã có một sự dàn xếp, và họ phải bám vào nó. Ông ta phải tiêu diệt hoặc bị tiêu diệt.

Tôi đã chứng kiến rất gần một cảnh tượng lịch sử kinh dị trong đó những kẻ đầu sỏ hùng mạnh đã cố thử đảo ngược kết quả không chỉ của cuộc đấu giá mà của toàn bộ nỗ lực của chính phủ để kiểm soát những kẻ đầu sỏ. Cứ như tôi đang xem những người đánh lộn nhau trên một chiếc thuyền khi nó bị cuốn đến một thác nước. Như một phần của chiến dịch buộc tội và buộc tội chống trả, Berezovsky đã tiết lộ rằng Chubais đã nhận 90.000 $ từ một hợp đồng sách giả, thực ra là sự trả công của các đầu sỏ khác cho sự phục vụ của ông như nhà quản lí cuộc vận động của Yeltsin. Chubais yếu đi và bị rối bời do liên tục phải tự bảo vệ. Việc thu thuế cần sự can thiệp cá nhân của ông nếu việc đó phải tiến triển, và tiền thu thuế đã sụt giảm. Có một sự trôi dạt xuống nguy hiểm trong nền kinh tế năm 1998 đúng lúc khủng hoảng Á châu bắt đầu làm cho tác động của nó cảm nhận được. Nó lên đỉnh điểm ở vỡ nợ nội địa ở Nga vào tháng Tám 1998, làm rung chuyển các thị trường tài chính quốc tế.

Các ngân hàng Hàn Quốc và Brazil đầu tư nhiều vào thị trường Nga đã phải thanh lí các vị thế của họ. Một số ngân hàng Moscow cho vay cũng bị rủi ro vì chúng đã có các vị thế đầu cơ trái phiếu lớn và cũng có các hợp đồng kì hạn bằng rúp không được đảm bảo. Đã có những giờ phút gieo neo vào tháng Mười Hai 1997, nhưng chúng đã trôi qua. Lãi suất tăng đột ngột và chi tiêu chính phủ giảm sút, nhưng Duma do dự thông qua các luật cần thiết cho cải cách cơ cấu. Ngày 24 tháng Ba 1998, Yeltsin sa thải Viktor Chernomyrdin khỏi chức thủ tướng và ngày 24 tháng Tư buộc Duma chấp nhận Sergei Kiriyenko, một nhà kĩ trị trẻ do Gaidar và Chubais kiến nghị, thay thế. Một thoáng, nước Nga đã có một chính phủ cải cách, chính phủ tốt nhất từ khi Liên Xô tan rã, và tháng Bảy 1998 IMF đã thông qua một khoản vay giá trị 8,5 tỉ SDR (khoảng 11,2 tỉ $ US), trong đó 3,6 tỉ SDR (khoảng 4,8 tỉ $ US) đã được giải ngân. Nhưng đã không đủ.

Tại điểm này, tôi sẽ quay sang cái tôi gọi là thí nghiệm thời gian thực. Tôi bắt đầu nó ngay trước sụp đổ cuối cùng. Tôi sao lại một cách trung thực những ghi chép mà tôi đã viết trong hai tuần trong khi khủng hoảng lan ra.

Một Thí nghiệm Thời gian thực

Chủ nhật, 9-8-1998

Rúp (giao ngay) = 6,29
Rúp Kì hạn = 45%
GKO = 94,52%
Prins = 21,79%
S&P = 1.089,45
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,63%

Tôi đã không theo dõi chặt diễn biến ở Nga cho đến hai hay ba ngày vừa qua- tôi đã quá bận viết cuốn sách này. Tôi đã biết rằng tình hình vẫn tuyệt vọng ngay cả sau khi IMF đã đồng ý một gói cứu trợ 18 tỉ $. Lãi suất của nợ chính phủ vẫn ở mức vô cùng lớn -giữa 70 phần trăm và 90 phần trăm cho tín phiếu kho bạc một năm có mệnh giá bằng rúp (GKO). Nhóm đã mua 25,1 phần trăm của Svyazinvest – công ti mẹ về điện thoại của Nga- và trong đó chúng tôi đã là người tham gia nước ngoài lớn nhất, đã được chính phủ Nga tiếp cận để cung cấp một khoản vay bắc cầu tạm thời cho đợt bán 24,9 phần trăm tiếp theo của Svyazinvest. Lợi ích của chúng tôi là việc bán thành công nhưng tôi không thích ý tưởng quăng tiền tươi sau cái xấu- đó là lí do vì sao tôi tập trung vào tình hình.

Mau chóng trở nên rõ ràng là tái tài trợ nợ chính phủ là một vấn đề dường như không thể vượt qua nổi. Chương trình IMF đã giả thiết rằng những người nắm giữ nợ nội địa sẽ gia hạn nợ (tái đầu tư) các khoản nợ của họ khi đáo hạn; vấn đề chỉ là với giá nào. Nếu chính phủ thành công trong thu thuế, lãi suất cuối cùng sẽ xuống mức có thể chịu được, thí dụ 25 phần trăm, và khủng hoảng sẽ qua đi. Cái mà dòng lập luận này không tính đến là phần nhiều của nợ là do những người trong nước nắm giữ những người không ở vị thế có thể gia hạn GKO của họ khi đáo hạn với bất kể giá nào. Các công ti bị buộc phải nộp thuế, và cái họ trả thuế không thể được tái đầu tư vào GKO. Quan trọng hơn, khu vực ngân hàng đã mua GKO bằng tiền đi vay, trừ Sberbank một ngân hàng tiết kiệm quốc doanh. Do suy giảm của thị trường cổ phiếu và trái phiếu Nga hầu hết các ngân hàng này đã không có khả năng trả nợ và ngay cả các ngân hàng có khả năng trả nợ đã không thể gia hạn mức tín dụng của mình. Kết quả là, không chỉ chúng không là người mua, mà một phần của các chứng khoán do họ nắm giữ phải được thanh lí để thoả mãn yêu cầu đặt thêm tiền chênh lệch. Phần nhiều tín dụng đã là từ các ngân hàng nước ngoài, một vài trong số họ cố thanh lí các vị thế riêng của mình nữa. Các làn sóng bán đã ép nợ bằng đồng đola của Nga xuống mức thấp kỉ lục. Có một khủng hoảng ngân hàng nở rộ đang trong quá trình.
Một khủng hoảng ngân hàng thường được kìm chế bởi can thiệp của ngân hàng trung ương và cung cấp thanh khoản, thí dụ bằng cho vay đối lại thế chấp ở tỉ suất nhượng bộ; nhưng trong trường hợp này ngân hàng trung ương bị ngăn cản làm vậy vì các điều khoản của thoả thuận IMF. Đó là cái làm cho tình tình dường như không thể giải quyết được.

Vào thứ Sáu ngày 7 tháng Tám, tôi gọi điện cho Anatoly Chubais, ông đang nghỉ hè, và Yegor Gaidar, người chăm lo công việc. Tôi nói với cả hai ông rằng theo tôi tình hình đã kết thúc: chính phủ sẽ không thể gia hạn các khoản nợ của mình sau tháng Chín ngay cả nếu đợt giải nhân thứ hai của khoản vay IMF được thực hiện. Làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, chính phủ Ukraine đang trên bờ vỡ nợ khoản vay 459 triệu $ do Nomura Securities dàn xếp đáo hạn vào thứ Ba tới. Trong hoàn cảnh này tôi không thể biện minh cho việc tham gia vào cho vay bắc cầu: rủi ro vỡ nợ đã quá lớn. Tôi thấy một lối ra duy nhất: sắp đặt một sự đồng tài trợ đủ lớn để bảo đảm nhu cầu của chính phủ Nga cho đến cuối năm. Nó sẽ phải là một sự kết hợp công cộng và tư nhân. Nhóm Svyazinvest có thể tham gia, thí dụ, 500 triệu $, nhưng riêng bản thân khu vực tư nhân không thể có đủ tiền. Tôi hỏi cần bao nhiêu. Gaidar bảo tôi, 7 tỉ $. Điều này giả thiết rằng Sberbank, ngân hàng duy nhất có số tiền gửi lớn từ công chúng, có thể có khả năng gia hạn các chứng khoán do mình nắm giữ. Hiện thời công chúng không rút tiền gửi khỏi các ngân hàng ở qui mô đáng kể. “Điều đó có nghĩa là đồng tài trợ phải được lập với 10 tỉ $”, tôi nói, “để tái thiết lập lòng tin của công chúng”. Một nửa có thể là từ nguồn các chính phủ nước ngoài, như Quĩ Ổn định Tỉ giá (Exchang Stabilization Fund) (nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính Hoa Kì) và nửa khác từ khu vực tư nhân. Đồng tài trợ sẽ hoạt động khi đợt giải ngân thứ hai của IMF được thực hiện vào tháng Chín. Nó có thể bao tiêu các tín phiếu GKO một năm ở, thí dụ, 35 phần trăm một năm, dần dần giảm xuống thí dụ 25 phần trăm. (Tỉ suất hiện hành là khoảng 90 phần trăm). Chương trình sẽ được công bố trước; điều đó sẽ thu hút một số công chúng mua: có ý nghĩa để đầu tư ở mức 35 phần trăm khi một chương trình đáng tin cậy thực tế sẽ giảm xuống 25 phần trăm vào cuối năm. Nếu thành công, chỉ một phần nhỏ của 10 tỉ $ thực sự được sử dụng. Cả hai thành phần công cộng và tư nhân là khó sắp xếp lại với nhau, nhưng có sự sẵn lòng để làm thử. Có thể hiểu Gaidar đã nhiệt tình.

Tôi gọi cho David Lipton, Thứ trưởng phụ trách Đối Ngoại của Bộ tài chính Hoa Kì. Ông hoàn toàn ý thức được về vấn đề nhưng họ đã không thậm chí nghĩ đến dùng Quĩ Ổn định Tỉ giá. Thái độ ở Quốc hội là phản đối mạnh mẽ bất kể loại cứu trợ nào. Tôi nói tôi biết điều đó song tôi không thấy lựa chọn khả dĩ nào khác. Có sự hoảng loạn và là lợi ích quốc gia của chúng ta đi ủng hộ một chính phủ cải cách ở Nga. Nếu có sự tham gia tư nhân thì nó phải làm cho sự cứu trợ có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Tuy nhiên, nó đòi hỏi những người Nga phải biện hộ mạnh mẽ ở Đồi Capitol (Quốc hội Mĩ). Cũng rất khó khăn để sắp xếp những người tham gia tư nhân vì họ là các ngân hàng đầu tư và các nhà đầu cơ như chúng tôi và các nhà chức trách không dễ huy động họ như các ngân hàng thương mại lớn.

Chính để khai thác mọi lựa chọn khả dĩ, tôi đã gọi lại cho Gaidar để hỏi liệu có thể áp một khoản phí lên những người nắm giữ GKO người muốn lấy tiền mặt khi hoàn trả. Ông ta nói sẽ phản tác dụng vì nó sẽ tiêu huỷ mức tín nhiệm của GKO. Tất nhiên ông ta đã đúng.

Như tình hình này, tôi tin rằng không có sơ đồ của tôi chính phủ sẽ vỡ nợ với các hệ quả tai biến; ngay cả với sơ đồ ấy, hầu hết các ngân hàng Nga sẽ bị phá huỷ nhưng sẽ là sai lầm thậm chí đi cứu vớt chúng.

Tối thứ Ba, 11 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 6,30
Rúp Kì hạn = 91%
GKO = 147%
Prins = 23,92%
S&P = 1.068,98
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,60%

Tôi nói chuyện ngắn với Lipton ngày thứ Hai. Chính quyền Hoa Kì vẫn chưa đi đến kết luận. Ông ta hứa sẽ gọi lại. Ngày thứ Ba đã có sự sụp đổ trong thị trường tài chính Nga. Buôn bán trên thị trường cổ phiếu tạm ngưng. Trái phiếu chính phủ thụt ở mức thấp nhất mới. Thậm chí các thị trường quốc tế bị ảnh hưởng. Sơ đồ mà tôi kiến nghị không còn khả thi nữa. Chỉ một gói cứu trợ lớn tối thiểu 15 tỉ $ mới có thể ổn định thị trường và không thể kì vọng nhà đầu tư tư nhân nào đưa tiền vào. Lipton bay đi Moscow mà không gọi lại cho tôi. Tôi nghe qua tin vịt rằng ông ta cáu tiết đi mà chẳng có gì để đề nghị. Tôi quyết định viết bức thư sau cho Financial Times:

Thưa ngài, sự sụp đổ ở các thị trường tài chính Nga đã đến pha kết thúc. Các nhà ngân hàng và môi giới những người đã vay đối lại các chứng khoán không thể thoả mãn gọi vốn biên và việc bán bắt buộc tràn đầy cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Thị trường cổ phiếu tạm thời bị đóng cửa vì không thể thanh toán việc buôn bán; giá trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc lao xuống vực thẳm. Mặc dù việc bán tạm thời được hấp thu, có nguy cơ là dân cư sẽ lại bắt đầu rút tiền tiết kiệm. Cần đến hành động ngay lập tức.

Phiền là hành động cần thiết để đương đầu với một khủng hoảng ngân hàng là ngược hoàn toàn với hành động đã thống nhất với Quĩ Tiền tệ Quốc tế để đương đầu với khủng hoảng ngân sách. Chương trình IMF áp đặt chính sách tiền tệ và tài khoá ngặt nghèo; khủng hoảng ngân hàng đòi hỏi bơm thanh khoản. Hai đòi hỏi không thể hoà thuận mà không có sự giúp đỡ quốc tế thêm. Chương trình của IMF giả định rằng sẽ có người mua trái phiếu chính phủ với một cái giá: khi chính phủ tiếp tục thu thuế và cắt bớt chi tiêu lãi suất sẽ hạ xuống và khủng hoảng sẽ dịu đi. Giả thiết là sai vì phần lớn nợ tồn đọng được giữ tại biên và mức tín dụng có thể không được gia hạn. Có một kẽ hở tài trợ cần được lấp. Kẽ hở sẽ trở nên lớn hơn nếu công chúng bắt đầu rút tiền gửi.

Giải pháp tốt nhất là đưa ra một hội đồng tiền tệ* sau một đợt phá giá vừa phải từ 15 đến 25 phần trăm. Cần phá giá để hiệu chỉnh sụt giá dầu và để giảm khoản dự phòng cần đến cho hội đồng tiền tệ. Nó cũng phạt những người nắm giữ nợ chính phủ có mệnh giá bằng rúp, cự tuyệt chi phí cứu giúp.

Cần đến khoảng 50 tỉ $ dự trữ: 23 tỉ $ để đảm bảo M1 [lượng cung tiền ngắn do công chúng nắm giữ] và 27 tỉ $ để đảm bảo cho thâm hụt nợ nội địa đảo nợ cho năm tiếp theo. Nga có dự trữ 18 tỉ $; IMF đã hứa 17 tỉ $. Nhóm G7 cần phải đưa thêm 15 tỉ $ để làm cho hội đồng tiền tệ khả thi. Sẽ không có cứu giúp hệ thống ngân hàng. Trừ một vài tổ chức giữ tiền gửi của công chúng, các ngân hàng phải tự lo lấy. Giá trái phiếu chính phủ có thể phục hồi ngay tức khắc và các định chế tài chính lành mạnh hơn có thể sống sót. Khoảng 40 tỉ $ được những người Nga giữ bằng tiền nước ngoài. Với một hội đồng tiền tệ họ có thể được quyến rũ để mua trái phiếu chính phủ có mệnh giá rúp với suất thu nhập hấp dẫn. Nếu họ làm vậy, tín dụng dự phòng của G7 không cần phải dùng đến. Việc giảm lãi suất sẽ giúp chính phủ thoả mãn các mục tiêu tài khoá của mình.

Nếu giả như G7 sẵn lòng đưa 15 tỉ $ ngay tức thì, tình hình có thể được ổn định thậm chí không cần đến hội đồng tiền tệ, mặc dù nó kéo dài hơn và thiệt hại sẽ lớn hơn. Sẽ khó thực hiện sự hiệu chỉnh tiền tệ hạn chế mà không có một hội đồng tiền tệ vì áp lực phá giá tiếp nữa sẽ trở nên không thể cưỡng được, như đã xảy ra ở Mexico tháng 12-1994.

Nếu hành động bị trì hoãn, cái giá cho cứu nguy sẽ tiếp tục tăng lên. Chi phí đã chỉ là 7 tỉ $ một tuần trước đây. Đáng tiếc, các nhà chức trách tài chính quốc tế đã không đánh giá đúng tính khẩn cấp của tình hình. Các lựa chọn khả dĩ khác là vỡ nợ hay siêu lạm phát. Cả hai sẽ đều có các hậu quả tài chính và chính trị tàn khốc.


Thứ Năm, 13 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 6,35
Rúp Kì hạn = 162%
GKO = 149%
Prins = 23,76%
S&P = 1.074,91
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,65%

Sau khi tôi viết bức thư cho tờ Financial Times, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga áp đặt một số hạn chế lên tính chuyển đổi của đồng rúp. Nó đã có một tác động tàn phá lên thị trường Nga: Các cổ phiếu đã mở ở mức thấp hơn 15 phần trăm và đã không phục hồi mấy. Bức thư của tôi đã nhận được nhiều chú ý nhưng nhấn mạnh lại là về chủ trương phá giá của tôi, chứ không về đề xuất của tôi về một hội đồng tiền tệ. Nó đã trở thành một yếu tố trong cái được gọi là Thứ Năm Đen tối. Tôi bị kết tội đầu cơ chống đồng rúp. Đó không phải là cái tôi có ý định. Tôi cảm thấy buộc phải đưa ra một tuyên bố như sau:

Sự rối loạn trong các thị trường tài chính Nga không do bất kể cái gì tôi đã nói hay làm. Chúng tôi không có vị thế ngắn bằng rúp và không có ý định nào bán non đồng tiền. Thực ra, danh mục đầu tư của chúng tôi sẽ bị hại bởi bất kể sự phá giá nào.

Mục đích của bức thư của tôi cho tờ Financial Times đã là đưa ra một lời kêu gọi cảnh tỉnh cho các chính phủ G7. Trong khi chính phủ Nga đang làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để đối phó với tình hình, nó không thể thành công mà không có trợ giúp thêm từ nước ngoài.


Thứ Sáu, 14 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 6,35
Rúp Kì hạn = 162,7%
GKO = 172%
Prins = 23,01%
S&P = 1.062,75
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,54%

Tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài chính Rubin và nhấn mạnh tính khẩn cấp của tình hình. Ông ta hoàn toàn ý thức được nhưng mối quan tâm của ông không được các chính phủ G7 khác chia sẻ, điều chủ yếu không đạt được do nghỉ hè. Nghị sĩ Mitch McConnel liên hệ với tôi và tôi thúc giục ông gọi điện thoại cho Rubin để đảm bảo với ông ta sự ủng hộ của đảng Cộng hoà trong cái có thể là một hành động rất rủi ro. Muộn hơn trong ngày người ta tiếp cận tôi nhân danh Kiriyenko. Ông ta vẫn tìm kiếm khoản vay bắc cầu 500 triệu $ nhưng khoản đó không còn thực tế. Tôi đề nghị bay sang Moscow để thảo luận các vấn đề lớn hơn nếu điều đó có thể giúp được gì.

Tối Chủ Nhật, 16 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 6,35
Rúp Kì hạn = 162,7%
GKO = 172%
Prins = 23,01%
S&P = 1.062,75
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,54%

Tôi dùng hầu hết cuối tuần ở Nga. Tôi đã trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Echo [Tiếng vọng] Moskva giải thích lập trường của tôi, và một tuyên bố của tôi được đọc trên TV Nga. Tôi hi vọng tìm được cách sửa lại ấn tượng sai rằng tôi chủ trương phá giá khi tôi cầu khẩn lập hội đồng tiền tệ hoặc rằng tôi có thể được lợi từ phá giá bằng cách nào đó. Nói chuyện với Gaidar dăm ba lần. Chuẩn bị một bài chủ trương giải pháp hội đồng tiền tệ và gửi cho ông ta chuẩn y. Đúng bây giờ (6:30 chiều Thứ Hai, giờ Moscow) ông ta nói với tôi rằng ông đã nói chuyện với Larry Summers [Thứ trưởng Tài chính] và không có trợ giúp nào; họ sẽ phải hành động đơn phương. Tôi nói bài báo của tôi không còn thích hợp nhưng ông đã thúc tôi công bố nó dẫu sao đi nữa. Tôi đã không.

Thứ Ba, 18 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 6,80
Rúp Kì hạn = 305%
GKO =
Prins = 29,41%
S&P = 1.101,20
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,56%

Thứ Hai, địa ngục bung ra. Nước Nga áp đặt việc hoãn nợ và nới rộng dải mua bán đồng rúp, thực tế phá giá nó đến 35 phần trăm. Tồi hơn, các ngân hàng Nga không được phép thực hiện các nghĩa vụ với nước ngoài của họ. Điều này gây tàn phá giữa các đối tác nước ngoài, bán tống bán tháo các chứng khoán Nga với bất kể giá nào. David Lipton gọi cho tôi nhờ giải thích và gợi ý tôi viết cho họ một thư báo.

Đọc lại tôi thấy nó hơi bị xuyên tạc. Điểm mà tôi thử đưa ra là vẫn chưa quá muộn để tìm một giải pháp xây dựng cho khủng hoảng ở Nga. G7 phải đưa ra đề nghị đưa tiền mạnh cần cho việc lập một hội đồng tiền tệ với điều kiện Duma thông qua các luật cần thiết để thoả mãn các điều kiện của IMF. Có hai khả năng: Duma có thể đồng ý hay từ chối kiến nghị. Trong trường hợp đầu, giá trị đồng rúp sẽ được phục hồi, nợ bằng rúp có thể được tái cơ cấu một cách trật tự, và các cải cách cơ cấu (bắt các công ti không nộp thuế phá sản, v. v.) có thể được tiến hành. Hầu hết các ngân hàng Nga sẽ đổ vỡ và các ngân hàng và quĩ quốc tế có hợp đồng với các ngân hàng đó sẽ chịu tổn thất; nhưng các nghĩa vụ của chính phủ Nga sẽ lấy lại được giá trị nào đấy, các ngân hàng tốt hơn sẽ sống sót, và sự sụp đổ sẽ ngưng lại. Trong trường hợp thứ hai, sự sụp đổ tiếp tục nhưng trách nhiệm sẽ rơi vào Duma. Yeltsin có thể giải tán Duma, định ngày bầu cử, và thực hiện cải cách. Nếu chúng thành công, chúng sẽ được cử tri tán thành. Ngay cả nếu Eltsin không có khả năng đối phó với tình hình hay cải cách ít thành công hơn, chúng ta có thể đã làm cái chúng ta có thể và chúng ta giữ cho ngọn lửa cải cách vẫn còn ở Nga. Nó là một chiến lược có rủi ro cao nhưng không làm gì thậm chí còn có rủi ro cao hơn.

Thứ Bảy, 22 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 7,15
Rúp Kì hạn = 443%
GKO = ngưng giao dịch
Prins = 36,05%
S&P = 1.081,18
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,43%

Các thị trường quốc tế bị tác động xấu bởi khủng hoảng Nga trong hai ngày cuối cùng. Thí dụ, thị trường cổ phiếu Đức sụt 6 phần trăm ngày Thứ Sáu. Tôi thấy ngạc nhiên là đã nhiều thời gian đến vậy để cho đồng penny (xu Mĩ) sụt. Cộng sự của tôi đảm bảo với tôi rằng thị trường cổ phiếu Hoa Kì đã có một đáy tạm thời rất tốt vào thứ Sáu và chúng tôi đã là người mua cổ phiếu và người bán các quyền chọn bán. Giữa chừng, trong toàn bộ thí nghiệm thời gian thực này chúng tôi đã không mua bán bất kể chứng khoán Nga nào.

Tôi đã cố thúc đẩy ý tưởng của tôi cho bất kì ai người có thể nghe trong tuần nhưng chẳng ích gì. Nó đã có thể giúp tình hình chính trị ở Nga. Như tình hình này, Duma sẽ không thông qua các luật và IMF sẽ không giải ngân đợt hai của gói. Không còn có tiền đến từ nước ngoài trong tương lai thấy trước được, Yeltsin phải đánh đắm chính phủ hiện thời và tìm một nguồn ủng hộ mới trong nước. Nhưng ở đâu? Những kẻ đầu sỏ bị yếu đi chí tử. Gazprom và một vài công ti dầu vẫn còn. Trở lại với Chernomydin? Ông ta chắc chắn khao khát. Nhưng chẳng chế độ nào thành công, vì thiếu ý chí chính trị để sửa chữa các sai sót cơ cấu. Phía xuống được bỏ ngỏ.

Chủ Nhật, 23 tháng Tám

Yeltsin giải tán chính phủ và tái chỉ định Chernomydin. Bây giờ tôi không thể tiên đoán nó được nữa.

Thứ Tư, 26 tháng Tám

Rúp (giao ngay) = 10,00
Rúp Kì hạn = 458%
GKO = ngưng giao dịch
Prins = 42,83%
S&P = 1.084,19
Trái phiếu kho bạc Mĩ 30 năm = 5,42%

Không có giới hạn về sụp đổ có thể đi xa đến đâu. Sự tan rã của hệ thống ngân hàng Nga đang xảy ra một cách vô trật tự. Các ngân hàng ngưng chi trả và công chúng hoảng loạn. Các điều khoản về kiến nghị chuyển đổi GKO được công bố và lúc đầu chúng được tiếp nhận rất tốt nhưng đồng rúp đã rơi tự do, làm cho kiến nghị vô giá trị về thực tiễn. Hệ thống tài chính quốc tế trải qua vài rối loạn. Có thể có các hợp đồng tiền tệ cỡ 75-100 tỉ $ đang tồn đọng và không rõ cái nào trong số đó được thực hiện. Một hãng tư vấn về tín nhiệm đã hạ hạng ngân hàng thương mại Đức lớn nhất. Một yếu tố mờ nhạt về rủi ro tín dụng được đưa vào các giao dịch hoán đổi liên ngân hàng quốc tế. Chắc nó là tạm thời nhưng có thể tiết lộ các yếu điểm khác vì mức độ đòn bẩy cao đã được dùng. Các thị trường cổ phiếu châu Âu và Hoa Kì đã rùng mình nhưng chắc sẽ điềm tĩnh lại được. Sự sụp đổ ở Nga kết thúc với các hệ quả chính trị và xã hội không lường được.
Đó là kết thúc của nhật kí.


Ảnh hưởng của sự vỡ nợ ở Nga lên các thị trường tài chính quốc tế đã được thảo luận rồi. Tác động lên nền kinh tế Nga đã ít tàn khốc hơn dự tính. Sự vỡ nợ về tín phiếu kho bạc đem lại sự dịu bớt cho ngân sách; sự phục hồi giá dầu đã giúp đỡ cả cân đối tài khoá và thương mại; và sự phá giá do Yeltsin công bố mùa hè 1998 đã dẫn tới cầu tăng lên đối với các sản phẩm nội địa. Sau cú sốc ban đầu do sụp đổ hệ thống ngân hàng gây ra, nền kinh tế đến đáy và bắt đầu phục hồi. Các ngân hàng và những kẻ đầu sỏ chịu tổn thất nghiêm trọng, nhưng trong vòng một năm GNP của Nga đã cao hơn mức trước khủng hoảng tài chính. Ngay cả các chủ nợ nước ngoài được chào mời cách giải quyết mà họ thấy thuận lợi để chấp nhận.

Tiến hoá chính trị và xã hội Nga đã ít thoả mãn hơn nhiều. Gia đình Yeltsin, dưới sự chỉ đạo của Boris Berezovsky, đã tìm kiếm một người kế vị người sẽ bảo vệ họ khỏi bị truy tố sau bầu cử tổng thống. Cuối cùng họ đã tìm được một người ở Vladimir Putin, giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang. Mùa hè 1999, ông ta được đưa ra làm thủ tướng và được chọn như ứng viên của Yeltsin cho chức tổng thống. Đã có bùng nổ về hoạt động khủng bố Chechen. Khi Shamil Basayev, một thủ lĩnh du kích Chechen, xâm lấn láng giềng Dagestan, Putin đã phản ứng mãnh liệt. Các lực lượng an ninh Nga tấn công những người Chechen và Putin đưa ra tối hậu thư, tuyên bố rằng bọn khủng bố ở Dagestan sẽ được quét sạch vào 25 tháng Tám. Mục tiêu thời gian đã đạt được. Dân cư Nga đã phản ứng lại cách giải quyết tình hình của Putin một cách nhiệt tình, và sự nổi tiếng của ông lên rất cao.
Sau đó một loạt vụ nổ đầy bí ẩn ở Moscow phá huỷ toàn bộ một số nhà chung cư, giết hại khoảng ba trăm người khi họ ngủ. Trong hoảng loạn xảy ra sau đó, sự lo ngại và căm giận hướng chống lại những người Chechen, được trợ giúp bởi một chiến dịch phối hợp cẩn thận giữa các phương tiện báo chí và TV. Putin xâm chiếm Chechnya, và bầu cử Duma được tiến hành trong bầu không khí cuồng chiến. Rất ít các ứng cử viên dám chống lại sự xâm chiếm.

Grigory Yablinsky là một trong số ít đó. Ông đã ủng hộ chiến dịch chống khủng bố ở Dagestan nhưng đã vạch đường đúng ở xâm lấn Chechnya. Sự mến mộ của đại chúng với đảng của ông (Yabloko) rớt thảm hại và chỉ vừa đủ ngưỡng 5 phần trăm phiếu bầu để có mặt ở Duma. Đảng ủng hộ chính phủ, đảng Thống nhất, vừa được vội vã nặn ra mà không có bất kể chương trình nhất quán nào, về hàng thứ hai sau những người Cộng sản, với 23 phần trăm. Liên minh các Lực lượng cánh Hữu, do Chubais, Sergei Kiriyenko, và các nhà cải cách khác lãnh đạo, đi theo Putin và đạt thành tích khá với 8,6 phần trăm. Yevgeni Primakov, người với sự ủng hộ của Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov đã được coi là một ứng viên tổng thống sáng giá, đã bị đánh bại hoàn toàn; đảng của họ chỉ được 13 phần trăm. Sử dụng đà do thắng lợi về bầu cử Duma đem lại, Yeltsin công bố việc từ chức của mình vào Đêm Giao thừa, hầu như thực sự đảm bảo sự lựa chọn Putin như người kế vị của mình. Primakov rút khỏi danh sách ứng cử viên.
Sự nổi lên kì lạ, chẳng biết từ đâu, của Putin đã giống kì quái với mưu mô chính trị đảm bảo sự tái cử của Yeltsin năm 1996. Từ kinh nghiệm lâu đời với Berezovsky, tôi thấy bàn tay của ông ta trong cả hai hoạt động. Tôi gặp ông ta lần đầu liên quan đến đóng góp 1,5 triệu $ của ông vào Quĩ Khoa học Quốc tế khi giám đốc điều hành quĩ, Alex Goldfarb, giới thiệu chúng tôi với nhau. Tôi đã mô tả cuộc thảo luận được biết rõ ở Davos; rồi sau đó Berezovsky tự cho là chính cuộc nói chuyện này là cái đưa ông đến lập ra một hội ủng hộ cho việc tái đắc cử của Yeltsin. Trong năm 1996 chúng tôi đã có một số cuộc trao đổi rất thẳng thắn về cuộc vận động tái cử; tôi muốn biết ông ta hành động ra sao.

Thế rồi đến thù địch trong đấu giá Svyazinvest, nhưng chúng tôi tiếp tục nói chuyện. Tôi đã cố thử cải biến ông ta từ nhà tư bản ăn cướp thành nhà tư bản hợp pháp; ông cố lợi dụng tôi trong đợt vận động cho chức chủ tịch Gazprom - tổ chức thương mại hùng mạnh nhất nước Nga. Tháng Sáu 1997 ông mời tôi đến Sochi để thăm Viktor Chernomydin, người đã là chủ tịch Gazprom trước khi ông trở thành thủ tướng, và sau đó đưa tôi về Moscow trên chiếc máy bay riêng của ông. Berezovsky nói với tôi rằng cả Chubais lẫn Nemtsov ủng hộ sự đề cử ông. Tôi đã không tin ông ta, nên tôi hỏi Nemtsov. Đó là lần đầu tiên ông nghe về chuyện đó. “Vượt qua xác của tôi” đã là phản ứng của ông.

Sau đó tôi đã ăn trưa với Berezovsky ở “câu lạc bộ” của ông ta, được trang trí, có chủ ý hay không, rất giống sự miêu tả Hollywood về một nơi lui tới của mafia. Tôi là khách duy nhất. Tôi đã không nói cho ông ta Nemtsov nói gì, nhưng tôi đã nói với ông ta rằng tôi đã hỏi Nemtsov và ông ta từ chối biết bất kể thứ gì về yêu cầu của Berezovsky đối với chức chủ tịch Gazprom. Điều này làm cho Berezovsky rất tức giận, và sự tức giận của ông làm tôi ớn lạnh. Tôi thực sự cảm thấy ông ta có thể giết tôi. Và tuy ông ta không nói toẹt ra, ông ta làm cho tôi cảm thấy rằng tôi đã phản bội ông ta bằng cách nói chuyện với Nemtsov. Đó là điểm ngoặt trong quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau- một lần Berezovsky bay sang New York gặp tôi – nhưng từ đó tôi cố giữ khoảng cách.

Như tôi đã nói, sự bất hoà giữa những kẻ đầu sỏ, và đặc biệt mâu thuẫn giữa Berezovsky và Chubais, là một tình tiết kì quái, mặc dù không kì quái như tiến cử Putin làm người kế vị Yeltsin. Berezovsky nhìn thế giới qua lăng kính của lợi ích riêng của mình. Ông ta chẳng khó khăn gì đặt số phận của nước Nga dưới số phận riêng của mình. Ông ta thật sự tin rằng ông và những kẻ đầu sỏ dầu khí đã mua chính phủ bằng cách trả cho sự tái cử của Yeltsin và rằng chính phủ đã bội ước bằng cách cho phép đấu giá thật sự đối với Svyazinvest. Ông ta quyết tâm hạ bệ Chubais vì đã phản bội ông ta. Khi tôi cảnh cáo ông ta rằng ông ta đang phá huỷ cái lều quanh mình, ông ta trả lời rằng ông ta không có lựa chọn nào; nếu ông ta chứng tỏ bất kể sự yếu đuối nào ông ta không thể sống sót.

Tôi đã không thể hiểu điều này lúc đó, nhưng sau nhìn lại nó hoàn toàn có lí. Berezovsky không thể tiến hành chuyển đổi sang hợp pháp; cơ hội duy nhất của ông ta cho tồn tại là giữ người ta mắc vào tấm lưới các quan hệ bất hợp pháp mà ông ta đã dệt ra. Ông ta đã nắm chặt Yeltsin vì sự giúp đỡ bất hợp pháp mà ông ta dàn xếp cho gia đình Yeltsin. Thí dụ, ông ta đã làm cho con rể của Yeltsin làm giám đốc Aeroflot, thu nhập ngoại tệ mạnh của hãng hàng không được hướng sang một công ti Thuỵ Sĩ gọi là Forus, mà họ giải thích cho tôi, đơn giản có nghĩa là: “For us: Cho Chúng ta”. Điều này đã cho ông ta quyền lực đối với Eltsin mà chẳng kẻ đầu sỏ nào có được.
Berezovsky cũng đã nắm chắc Chubais, và khi đến cực điểm của trục trặc ông ta đã không do dự sử dụng nó. 90.000 $ mà Chubais nhận được ở dạng hợp đồng cho một cuốn sách rởm đã gây ra sự suy sụp tạm thời của ông.

Đây là viễn cảnh mà tôi áp dụng cho các sự kiện tiếp theo. Berezovsky và gia đình Yeltsin tìm cách duy trì mãi quyền miễn trừ mà họ đã hưởng dưới chính quyền Yeltsin. Họ đã thử nhiều cách, một số thật lố bịch. Một lúc Yeltsin, với sự xúi giục của Berezovsky, thông báo cho chủ tịch Duma là ông sẽ bổ nhiệm Nikolai Aksyonenko làm thủ tướng, song Chubais đã can thiệp; văn bản chính thức gửi Duma bổ nhiệm Sergei Stepashin. Rồi thì Stepashin bị đẩy khỏi chức vụ. Tình hình của Berezovsky trở nên tuyệt vọng khi scandal về rửa tiền bất hợp pháp ở ngân hàng Hoa Kì nổ ra năm 1999, vì ông ta biết rằng ông ta không còn có thể tìm thấy nơi ẩn náu ở phương Tây. Bằng cách này hay cách khác ông ta phải tìm ra một người kế vị Yeltsin người có thể bảo vệ ông ta. Đó là khi kế hoạch đề bạt ứng viên Putin được ngấm ngầm bày đặt.

Trong chuyến bay từ Sochi về Moscow vào năm 1997 Berezovsky đã nói với tôi chuyện ông ta đã trả tiền những người cầm đầu quân sự chống Nga ở Chechnya và Abkhasia ra sao. Cho nên khi nhà lãnh đạo Chechen Shamil Basayev xâm chiếm Dagestan, tôi nghi ngờ có sự dối trá. Và tôi đặt ra một thử nghiệm: Liệu Basayev có rút vào thời hạn mà Putin đưa ra không? Ông ta đã rút lui. Ngay có đúng như thế, tôi không thể tin lắm rằng các vụ nổ ở các toà nhà chung cư ở Moscow có thể là một phần của kế hoạch để biện minh cho chiến tranh. Nó đã quá độc ác. Nó có thể không là đơn nhất – lịch sử Nga đầy rẫy các tội ác do những kẻ khiêu khích bị nhử gây ra, từ Azev điệp viên ở thời sa hoàng cho đến mưu sát Kirov, được dùng để biện minh cho sự thanh trừng của Stalin – nhưng bản thân nó tuy vậy sẽ là một hạng thật khác biệt.

Tuy nhiên, tôi không thể loại trừ khả năng ấy. Từ quan điểm của Berezovsky việc đặt bom có lí hoàn toàn. Các cuộc tấn công khủng bố này không chỉ chọn một tổng thống, người sẽ cho Yeltsin và gia đình ông sự miễn trừ; chúng cũng để cho Berezovsky nắm chắc Putin. Cho đến nay, không có bằng chứng nào nổi lên phủ nhận lí thuyết này.

Trong khi chúng ta có thể chẳng bao giờ tìm ra sự thật về các vụ nổ ở Moscow, không có nghi ngờ gì rằng chiến tranh ở Chechnya đã đẩy Putin đến chiến thắng. Tôi thấy điều này, nói giảm nhẹ đi, gây đau đớn. Giữa 1994 và 1996, trong chiến tranh trước ở Chechnya, dân Nga bị đau khổ khi họ nhìn trên TV sự tàn phá và đau khổ mà sự xâm lấn Chechnya gây ra. Sự phản đối của các bà mẹ những người lính và các nhà hoạt động nhân quyền như Sergei Kovalev đã giúp dẫn đến sự giải quyết qua đàm phán. Lần này phản ứng của dân cư Nga trái ngược rõ rệt với thái độ trước. Phải thừa nhận là những kẻ khủng bố Chechen phải chịu lỗi chính; chúng bắt các công nhân trợ giúp và các nhà báo, giữ họ để đòi tiền chuộc, và nhiều khi giết họ. Fred Cuny, anh hùng của Sarajevo, đã bỏ mạng theo cách này. Hầu như chẳng có ai dám dích vào chuyện giúp những người Chechen hay đưa ra công khai sự tàn nhẫn mà họ phải chịu. Cũng đã có sự thao túng khéo léo tình cảm công chúng chống lại chúng. Sự thực vẫn là thái độ của dân Nga là rất khác thái độ vài năm trước.

Ban đầu của thời kì sau Gorbachev, người Nga có ác cảm tích cực chống bạo lực. Thực ra, có rất ít máu chảy trong những ngày đầu, và hiếm khi người ta bị giết - ở Tbilisi, Georgia, ở Vilnius, Lithuania, và tháng Mười 1993 ở trụ sở của Duma – công luận quay ra phản đối những kẻ sử dụng vũ lực. Không còn thế nữa. Bằng bầu Putin tháng Ba năm 2000, người dân Nga bị dính líu vào sự chém giết ở Chechnya.

Có một lí thuyết rằng một nạn nhân người bị hành hung đủ mức trở thành bị lôi kéo vào bạo lực. Hình mẫu khớp với trường hợp của nhiều kẻ phạm tội hung dữ và nó dường như cũng áp dụng cho bạo loạn sắc tộc. Những người Serb từ lâu tự coi mình là các nạn nhân, và Slobodan Milosevic đã có thể lợi dụng tình cảm này trong theo đuổi chính sách thanh lọc sắc tộc. Cái gì đó tương tự dường như đã xảy ra ở Nga.

Putin sẽ cố tái lập một nhà nước mạnh, và rất có thể ông sẽ thành công. Theo nhiều cách, đó có thể là một sự phát triển đáng mong mỏi. Như bài học Nga đã dạy chúng ta, một nhà nước yếu có thể đe doạ đến tự do. Một chính quyền có thể thực thi pháp luật là không thể thiếu được cho sự hoạt động của một nền kinh tế thị trường. Bằng thực hiện chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản ăn cướp sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp, Putin có thể hoàn toàn chỉ huy sự phục hồi kinh tế Nga; các khoản đầu tư của tôi ở Nga –bao gồm Svyazinvest – có thể cuối cùng có kết quả.

Nhưng nhà nước của Putin chắc không được xây dựng trên các nguyên lí của xã hội mở; có khả năng hơn nó sẽ dựa trên sự suy đồi đạo đức, nỗi nhục, và thất vọng mà nhân dân Nga đã trải nghiệm sau sự sụp đổ của hệ thống Soviet. Putin sẽ tìm cách tái thiết lập uy quyền của nhà nước ở trong nước và vinh quang của nước Nga ở nước ngoài. Nước Nga không mất đi; ngược lại, nó có thể hồi sinh với Putin. Nhưng phương Tây đã mất Nga như một người bạn và đồng minh và như một người ủng hộ các nguyên lí của xã hội mở. Một thứ rõ như pha lê: Triển vọng mà chúng ta đối mặt ở nước Nga đã có thể tránh được nếu bản thân các xã hội mở của phương Tây đã cam kết vững chắc hơn cho nguyên lí của xã hội mở.

Trong bài nói từ biệt, Yeltsin đã xin nhân dân Nga thứ lỗi:

Vì sự thực là nhiều hi vọng của chúng ta đã không thành hiện thực. Vì những việc dường như đơn giản đối với chúng ta lại hoá ra gay go. Tôi muốn xin được lượng thứ vì sự thực rằng tôi đã không có khả năng biện minh cho hi vọng của một số người tin rằng chúng ta có thể có khả năng tiến lên trong một đợt đột kích từ quá khứ toàn trị xám ngắt và trì trệ sang một tương lai tươi sáng, giàu sang và văn minh. Bản thân tôi đã tin thế. Nhưng nó đã không xảy ra như vậy. Theo cách nào đó, tôi đã quá ấu trĩ.

Cái mà Yeltsin đã không nói là ông và nhiều người khác đã đặt niềm tin của họ vào phương Tây, nhưng phương Tây đã không xứng đáng với các kì vọng phải thú nhận được cường điệu của họ. Tôi có thể nói chỉ cho chính mình. Đầu tiên tôi đã nghĩ rằng các chính khách Tây phương đơn giản đã không hiểu cái gì đang xảy ra. Rằng Gorbachev đã sẵn lòng thay đổi hệ thống là quá tốt để có thể là thật, nên họ muốn thử thách ông ta. Họ đã đặt ra các chướng ngại, và khi Gorbachev đã vượt qua chúng, họ đặt các chướng ngại cao hơn. Cuối cùng họ phải thừa nhận rằng sự thay đổi là thực sự, nhưng giữa chừng họ đã mất mọi sự tôn trọng đối với Nga như một siêu cường. Họ bắt đầu coi người Nga như những kẻ ăn mày. Họ tìm thấy tiền ở Luật Nunn-Lugar để giúp họ giải trừ vũ khí hạt nhân, song chẳng được mấy cho bất kể việc gì khác. Tôi nhớ một kinh tế gia Nga, Nikolai Schmelyov, nói với tôi là năm 1990 ông ta đã bay năm giờ liền với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kì James Baker cầu xin giúp đỡ- chẳng ích gì.
Tôi cũng nhớ Alexander Yakovlev, động lực đằng sau Gorbachev, nói với tôi, muộn hơn nhiều, ông cảm thấy nhục nhã ra sao khi giao thiệp với những người Mĩ. Với sự hối tiếc tôi phải kết luận rằng phương Tây đã không chú ý mấy đến xã hội mở như một nguyên lí phổ quát. Giả như họ đã làm vậy, chuyển đổi vẫn đau đớn, với trục trặc và thất vọng, nhưng chí ít nước Nga đã tiến theo hướng đúng. Nước Nga đã có thể trở thành một nền dân chủ thật sự, một người bạn thật sự của Hoa Kì, hệt như nước Đức sau Thế Chiến II và Kế hoạch Marshall. Đó không phải là triển vọng đối mặt chúng ta hôm nay.

Quĩ tài trợ của tôi vẫn tích cực ở Nga và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội Nga. Chúng tôi đã thiết lập ba mươi hai trung tâm máy tính ở các trường đại học địa phương. Điều này giúp phát triển hạ tầng cơ sở Internet ở Nga, và thông tin trực tuyến nổi lên ở đây như một lựa chọn khả dĩ đối với báo chí ngày càng bị hăm doạ. Trong hầu hết các chương trình mới đây của chúng tôi, chúng tôi nhấn mạnh ngân quĩ đối ứng của các nhà chức trách địa phương. Thí dụ, chúng tôi cung cấp sách cho năm ngàn thư viện địa phương, và chúng tôi yêu cầu 25 phần trăm phí tổn cho năm đầu tiên, 50 phần trăm cho năm thứ hai, và 75 phần trăm cho năm thứ ba –và thực sự chúng tôi nhận được. Khi chúng tôi muốn đưa ra một chương trình cải cách giáo dục ở sáu vùng (oblast), mười lăm vùng kiến nghị ngân quĩ đối ứng.
Tôi tiếp tục cam kết ủng hộ công việc của quĩ chừng nào nó nhận được sự ủng hộ từ xã hội Nga và nó được phép hoạt động tự do. Sự tìm kiếm một xã hội mở là ngọn lửa không thể bị dập tắt ngay cả bởi khủng bố của Stalin. Tôi tin chắc rằng nó sẽ tồn tại ở Nga, bất kể tương lai của nó thế nào.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: