Ăn xin công sở: Một biến thái đạo đức mới?

01:24 SA @ Chủ Nhật - 25 Tháng Năm, 2008

1. Lừa đảo công khai kiểu bình thường

Trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có một quán cơm. Họ chỉ bán hàng vào buổi trưa, cơm ở đây khá ngon và giá cả cũng hợp lý, khách lúc nào cũng đông nườm nượp, chủ yếu là công chức làm việc tại các văn phòng gần đó. Cơm ngon, khách lịch sự, chủ quán vui vẻ, hè phố rộng rãi… nói chung khó tìm được một nơi ăn trưa tốt như thế. Chỉ mỗi cái tội bị những “cái bang” đường phố “khủng bố”. Tôi nói như vậy không mang hàm ý miệt thị hay khinh rẻ những con người có vẻ thân phận kia. Nhưng tôi cũng không thể có cảm tình hay chấp nhận kiểu xin ăn một cách lỗ mãng của họ. Thật sự không thể, nếu không muốn nói rất bực mình! Ở chừng mực nào đó, họ như những kẻ lừa đảo công khai.

Cái chuyện ăn xin ở phố phường bây giờ đã thành quá quen thuộc. Họ là ai? Có phải là những người mất khả năng lao động, bệnh tật, thiểu năng..? Không! Ít ra là không hoàn toàn như vậy! Những người ăn xin tôi mới gặp đây - họ khỏe mạnh, hoạt bát như bất cứ người bình thường nào. Phải nói rằng, họ còn tinh ranh và khôn ngoan hơn rất nhiều người bình thường. Nhưng, họ lại ăn xin! Thật kỳ cục và vô lý, thế nhưng đó đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc ở phố phường.

Cái cung cách xin của họ cũng khác xưa rất nhiều. Họ không đánh vào lòng trắc ẩn, không làm cho người khác thương hại mình, cũng không tạo cho mình một hình thức thảm hại… mà họ “khủng bố”. Dùng từ “khủng bố” ở đây cũng không có gì quá đáng. Ai đời người ta đang ăn cơm, thì mình lại đứng ở cạnh, luôn miệng xin. Đại loại như: Chú ơi! Cô ơi! Anh ơi! Cho tôi xin miếng thịt, cho tôi xin bát cơm… Cứ thế họ đứng cạnh nài nỉ, kiên nhẫn, trơ trẽn, lì lợm, bặm trợn, ngỗ ngược… Bằng mọi cách gây phiền nhiễu cho người bị xin. Trời đánh còn tránh miếng ăn! Ấy là các cụ dạy thế, và bọn họ biết lợi dụng cái lúc thật nhạy cảm kia để hành nghề. Quả thực, lúc đó không cho không được, mà có lớn tiếng đuổi người ta thì thành ra mình ác quá. Thế là cho, nhưng đang ăn cơ mà. Không thể trút cho họ những miếng thức ăn trên bàn. Thế là phải cho cái khác – tiền chứ còn gì nữa. Còn nếu ai không cho, họ cứ đứng đó – đứng mãi – đứng một cách thách thức – đố các người ăn ngon miệng đấy. Hờ! Hờ! Tôi chơi cái kiểu ấy cho biết mặt! Có tức cũng đố dám buông bát mà mắng.

Cũng có vị nóng tính quát lớn: "Cút ngay!" Tức thì cả cái quán cơm hè phố, toàn những trí thức, áo trắng cổ cồn đổ dồn mắt về người đó. Và chỉ đợi có thế, vị ăn xin nọ nhăn nhó, rũ xuống, chảy ra, tan ra, bê bết ra… theo kiểu ăn vạ. Người vừa quát sợ tái mặt vì nhỡ nó lăn đùng giãy đành đạch thì mất mặt phải biết. Thôi thì quẳng cho vài đồng biến đi cho đỡ tức.

Đấy mới là một dạng chơi kiểu lỳ, còn một dạng khác chơi kiểu bẩn mới trên tài. Nào, ta ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối mù, quần áo hôi thối… nói chung cái gì liên quan đến bẩn là bôi vào người. Thế rồi các ngươi đang ăn à!? Ta đứng cạnh cho biết mặt! Hờ hờ… Chơi kiểu này có vẻ hơi cùn nhưng hiệu quả ngay lập tức. Miếng cơm, đĩa thịt trên bàn các ngươi sẽ trở nên vô nghĩa vì ta đang bẩn. Có cho không thì bảo?! Tất nhiên, gặp kiểu thế chỉ còn cách cho vài đồng rồi “xin” anh (chị, cháu, cô, bác…) đi cho tôi còn ăn. Thế là ta thắng! Thắng một cách tuyệt đối. Đừng tưởng, cánh ăn mày chúng tôi chỉ có cách làm các người thương hại đâu nhé, cách ấy xưa rồi, con người ta bây giờ khó xúc động bằng trái tim thì ta cho các người căng thẳng cái óc, mệt óc, nhọc óc… phải xì tiền ra. Hà hà… Cách này thật hiệu quả!

Và cũng không chỉ ở cái quán cơm ở phố Lý Thường Kiệt kia đâu, ngay ở cái thành phố Hà Đông nhỏ nhắn, cứ mỗi buổi sáng ngồi uống cà phê ở đó đếm cũng phải vài chục lượt các vị ăn mày kiểu khủng bố ấy đi qua. Thứ nhất là các “cái bang nhí”. Chúng bé nhưng thật tinh ranh, nhìn chúng sẽ thấy rõ việc đi “khất thực” kia đã trở thành nghề và cái nghề này chắc chắn do những kẻ lớn xác đào tạo. Chúng bị những kẻ lớn xác nhưng lười nhác, tàn độc lợi dụng để kiếm tiền. Sự trong trắng ngây thơ vốn có của chúng biến mất, thay vào đó là bộ mặt lì lợm, ráo hoảnh và đóng kịch một cách rất bài bản. Chúng sấn tới, chìa cái mũ ra và xin: chú ơi, cho cháu xin vài đồng… Nếu ai đó rút tiền ra cho ngay vì thương hại, tôi xin cam đoan chỉ một phút sau lại một “cháu” nữa xuất hiện để diễn lại cái kịch bản kia – cho cháu xin vài đồng. Và thế là cả buổi sáng nếu cứ ban phát như thế tôi cũng xin cam đoan các vị sẽ mất không dưới trăm ngàn, vì chúng đông vô kể.

Còn nếu các vị không cho ư? Được rồi, các “cháu” sẽ có cách: đứng như trời trồng, đứng mặt lạnh te, đứng không thèm xin nữa, đứng cho đến mặt trời lặn cũng được… Và tất nhiên cuộc cà phê buổi sáng của các chú sẽ mất hết sự thú vị vì có một chú (cô) nhóc đứng “hầu” lì lợm như thế. À, nếu vị nào trợn mắt, quát lên thì tự mà xét lại bản thân đi nhé. Trông lịch sự thế kia, có vẻ nhiều tiền thế kia mà lại không cho một đứa trẻ ăn mày một đồng à. Còn nếu, vẫn không cho mà thi gan với “cháu” thì cũng có cách như: thôi thì chú cho cháu xin điếu thuốc, hoặc cháu khát quá cho cháu xin cốc nước, rồi thì chú có mỏi lưng không cháu xoa bóp cho…, nói chung các “cháu” sẽ làm phiền các vị bằng đủ mọi chiêu thức: tình cảm, thách thức, đổi chác… Cứ thế đến bao giờ chịu xì tiền ra thì thôi.

Đó mới chỉ là đám trẻ ranh, một lát sau lại xuất hiện một già, một trẻ cả hai đều rách rưới, méo xệch. Rồi cũng lại diễn vở kia. Ừ thì nếu các vị lại xì một ít tiền lẻ ra cho xong chuyện. Thì, một lát sau, cũng lại xuất hiện một già một trẻ khác, hoặc hai trẻ, hoặc một già, hoặc hai già… tất cả vẫn diễn cái vở kia. Có ông bạn của tôi đã thống kê từ 8h đến 9h30p sáng, cả thảy 14 vị “ăn mày” kiểu thế đi qua. Anh ta thốt lên: nước mình nhiều ăn mày thế! Và vội vã sửa lại: nước mình nhiều người làm nghề ăn mày thế! Xem ra cách sửa của ông bạn tôi là đúng. Họ không phải ăn mày, họ là những người hành nghề ăn mày. Tất nhiên việc hành nghề ăn mày không xa lạ và cũng không chỉ ở nước mình, nhưng tôi tin ở ta có lẽ nhiều hơn cả. Rồi cũng có vị nhà báo đổ công tìm hiểu, xâm nhập vào thế giới cái bang kia, viết ra những phóng sự về họ và rồi cũng ngao ngán thốt lên: sao cuộc đời nhiều thứ lạ thế! Chỉ khổ những người phải đi ăn xin thật, mà không biết ở phố phường này còn người đi ăn xin thật nữa không?

Quả đúng thế, những người đi ăn xin thật có lẽ không còn nữa. Bởi nếu phải đi ăn xin thật, họ sẽ chẳng bao giờ như vậy. Và khi ta móc một đồng tiền lẻ để đưa cho những vị ăn mày kia, bỗng chúng ta nghi hoặc: có lẽ mình bị lừa. Phải nói rằng, ai cũng mang một cảm giác bị lừa khi bố thí cho một vị cái bang ngoài đường phố. Nhưng cũng phải cho họ nếu như không muốn bị phiền toái. Vì thế, gọi họ là những kẻ lừa đảo công khai cũng không có gì sai.

Có người bảo, cái gì làm mãi cũng sẽ thành nghề. Nhưng tôi thấy, nếu ăn xin là một nghề thì đó sẽ là một sự sỉ nhục lớn nhất đối với loài người. Vì cái phương thức lao động bẩn thỉu kia đã hạ con người xuống dưới mức động vật!

2. Lừa đảo công khai kiểu công sở

Tôi xin chuyển câu chuyện từ hè phố Lý Thường Kiệt vào công sở nhà nước. Vì ở đó cũng không ít các vị ăn mày, hay lừa đảo kiểu công khai ngoài đường phố kia. Tôi nói ở công sở nhà nước vì nếu cái công sở ấy của tư nhân hay nước ngoài người ta sẽ không bao giờ chấp nhận. Chỉ có ở những công sở nhà nước, đặc biệt ở những cơ quan sống bằng ngân sách nhà nước mới có. Họ là ai? Thật khó nhận ra vì họ không phải cái bang ngoài đường phố, họ không ăn mặc rách rưới, hay có kiểu đứng thi gan với thần kinh người khác. Bề ngoài họ cũng như bất kỳ chúng ta, những công chức mẫn cán với công việc. Thậm chí bề ngoài của họ còn hào nhoáng và miệng lưỡi của họ còn lọc lõi hơn những người bình thường khác.

Bao giờ họ cũng nói: tôi đã cống hiến ngần ấy năm ở ngành mà chỉ được hưởng như thế thôi ư? Chế độ nhà nước thật eo hẹp, thật ít ỏi so với những gì tôi đã cống hiến cho công việc! Tôi chưa thấy mức lương nào thấp như ngành của tôi v.v và v.v.

Nhưng, kì thực những kẻ như thế và ở cái vị trí của ngành kia nếu có hoặc không có anh ta cũng thế. Thiếu đi vị trí của anh ta mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nếu không muốn nói còn tốt hơn. Anh ta chẳng làm việc gì, hoặc chẳng bao giờ được giao một việc gì nhưng sẽ chẳng ai đuổi anh ta vì chưa đến tuổi nghỉ. Và cũng chẳng một thủ trưởng cơ quan nhà nước nào muốn dây vào kiểu người như thế.

Có vị thủ trưởng của một cơ quan nhà nước đã đúc rút như sau: đó là những bộ “hài cốt” của cơ chế, tôi không bao giờ đụng vào họ. Cứ để họ nhận lương cho đến lúc về hưu cho êm chuyện. Đúng là không thể đuổi họ, vì đối chiếu với tất cả những tiêu chuẩn của một công chức, họ đều đầy đủ: bằng cấp, tuổi tác, sức khỏe… tất cả đều ổn, chỉ mỗi cái chuyên môn hoặc sự năng động là không có, mà nếu có họ cũng chẳng bao giờ thể hiện ở công sở cả.

Cũng có vị thủ trưởng vì muốn thay đổi sự thật buồn bã này đã làm một cuộc thanh lọc, hay vẫn thường được gọi: tinh giản biên chế. Vì thế hơn chục người được đưa vào danh sách tinh giản kia. Nhưng ngay lập tức vị thủ trưởng có cái đầu muốn thay đổi ấy gặp phiền toái và gặp cả sự thi gan lỳ lợm của họ. Hàng trăm lá đơn khiếu nại, kể lể, tố cáo được gửi đi. Rồi hàng ngày anh ta phải chịu những trận “khủng bố” bằng miệng lưỡi của những vị thừa nọ. Và nó thể hiện ở mọi hình thức cũng na ná với những tay ăn mày lì lợm ngoài phố.

Họ gõ cửa và dõng dạc lên tiếng: tôi muốn gặp thủ trưởng, tôi muốn hỏi cho ra nhẽ tại sao chúng tôi lại phải nghỉ sớm, chúng tôi đã cống hiến ngần ấy năm, chúng tôi đến cơ quan này trước anh rất nhiều, chúng tôi đã qua bao đời thủ trưởng mà chưa bao giờ có chuyện như vậy… Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, sáng trưa chiều tối, ở cơ quan cũng như nhà riêng, tất tần tật họ muốn hỏi cho ra nhẽ. Chỉ khổ cái vị thủ trưởng muốn đổi mới kia ăn không ngon, ngủ không yên vì sự “khủng bố” một cách không khoan nhượng của họ. Và cuối cùng, anh ta xin đầu hàng! Không thể loại bỏ được những bộ “hài cốt” ấy. Thôi thì lựa mà làm, nếu có phải trả lương thì cũng là tiền của nhà nước chứ có phải của anh đâu. Cứ đà này không khéo cái ghế thủ trưởng cũng lung lay thì thiệt. Kệ! Cứ lựa mà làm cho yên.

Thế rồi mọi chuyện lại phải bình thường. Những vị có thể gọi là ăn mày kia vẫn ở lại và vẫn cái điệu đã nhiều năm cống hiến ấy, họ vẫn lĩnh lương, đến kỳ vẫn tăng lương đều đặn. Buổi sáng họ đến cơ quan “làm việc”, buổi chiều họ lại đi uống bia và lại cái giọng cống hiến kể lể ấy. Tất cả những người như thế - kiểu ăn mày công sở ấy chúng ta đều nhận ra khi được làm việc với họ. Và chúng ta đều thấy: nếu thiếu họ, công việc vẫn bình thường và còn tốt hơn. Nhưng chẳng ai nỡ hành động vì họ là ăn xin mà, ai lại đối xử tàn nhẫn với một kẻ ăn mày!

Nếu đem ra so sánh, những kẻ ăn mày ngoài đường phố có lẽ còn phải bỏ nhiều công sức hơn vì ít nhiều họ còn phải đóng kịch và chịu đựng sự coi thường. Nhưng ở đây, những vị ăn mày cao cấp này vẫn bóng lộn, vẫn kiêu ngạo, chẳng thèm đóng kịch nhưng vẫn xin được.

Và nếu có giống nhau chỉ có một điểm: đó chính là sự “khủng bố”.

Nguồn:Vietimes
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tản mạn đời văn phòng

    17/03/2016Nguyễn Trương QuýThế thì đời viên chức khác gì một cái cốc mỳ ăn liền, loại người ta gọi là mỳ tôm có sẵn hộp cho nước nóng vào 5 phút là ăn được hay một hộp cơm vuông vức, ô này to để cơm, ô kia bé để thịt rau cá, tí gia vị cho khỏi nhạt mồm? Tròn vành vạnh hay vuông chằn chặn và có vẻ đủ thứ để xuôi cái bụng. Nhưng ai không muốn ổn định, muốn thành thục việc cần làm, dù rằng tất cả chỉ đến những cái đích mà ở đấy, lại lặp lại một chu kỳ quen thuộc đến phát ngấy?
  • Con người và tư tưởng thời bao cấp

    14/09/2006Vương Trí NhànMặt nghệt ra như mất sổ gạo.Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.Những câu ca dao tục ngữấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồiđược kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”...
  • "8 giờ vàng" công chức

    04/11/2005Những người rỗi việc kéo nhau ra quán “buôn bia chai, buôn hạt dẻ cười và buôn chuyện” đã thành một lẽ. Đây đường đường các nam thanh nữ tú sơ mi đồng phục, váy công sở là phẳng lì, nom rất nghiêm chỉnh cũng sẵn sàng lấy quỹ thời gian của công để “tán phễu”
  • Bệnh thờ ơ

    01/08/2005Huyền DươngMột người ăn xin trên phố, một người lạ gặp nạn giữa đường - chuyện chẳng có gì mới, thậm chí ai cũng đã hơn một lần chứng kiến và… phẩy tay ném vào quên lãng.
  • Đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí"

    13/11/2003Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập hợp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977, và lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào đầu hè 1998 tại Paris do dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đó năm năm. Sau đó cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ... đã tham gia tranh luận rất nhiều về "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Việt xấu xí". ChúngTa.com xin đăng tải một bài viết tóm tắt về "Người Trung Quốc xấu xí" và tâm sự của một người Việt đã xa quê hương đất nước 30 năm.
  • Lòng ganh tị của các nhà khoa học

    11/11/2003Cao Xuân HạoLòng ganh tị của một nhà khoa học Đức đối với một bạn đồng nghiệp được thể hiện bằng cách bỏ ra 5 năm học hết lý thuyết của người ấy và bỏ thêm 5 năm nữa để nâng lên thành một lý thuyết cao hơn. Lòng ganh tị của một nhà khoa học Việt Nam đối với bạn đồng nghiệp được thể hiện bằng việc tìm cách chuyển sang ngạch hành chính tổ chức để ngăn chặn việc công bố và ứng dụng lý thuyết của hắn ta.
  • xem toàn bộ