Bàn về nước và nước ta

10:35 CH @ Thứ Bảy - 10 Tháng Tư, 2021

8. BÀN VỀ NƯỚC

Trong xã hội, người sống với nhau thì thành nước. Gia đình là khởi điểm của xã hội. Có gia đình tất có con cái. Con trai trưởng thành thì dạm vợ, con gái trưởng thành thì gả chồng. Con cháu đông thì chia ra thành tộc. Tộc lớn nhiều người thì chia thành bộ lạc. 

Bộ lạc chưa phải là nước. Bộ lạc nào thịnh thì bộ lạc lân cận, hoặc tự nguyện quy phục, hoặc bị thôn tính bằng vũ lực, mà thành nước nhỏ. Trên địa cầu, nước Nga lớn, nhưng buổi đầu lập nước cũng chỉ là một điểm nhỏ bé tí mà thôi. Phàm những bộ lạc cùng một tộc thì tính tình, phong tục, ngôn ngữ, dung mạo tất nhiên giống nhau. Những bộ lạc khác tộc, do quy phục hoặc bị thôn tính thì khác. Sau khi lập nước, những bộ lạc quy phục hay bị thôn tính đồng thì tính tình, phong tục, ngôn ngữ, dung mạo của người trong nước cũng khác nhau. Đã gọi là nước tất có cương vực, có vua, có văn tự, pháp luật. Bằng không thì cứ lấy chăn nuôi làm nghề sinh nhai, lấy xâm lược làm bằng nghiệp. Đó vẫn là bộ lạc, chưa phải là nước. Vả lại, người trong nước thì ngôn ngữ phong tục tất nhiên dần dần trộn lẫn với nhau, không thì chỉ có cái tên là nước, còn thực chất không phải là nước. Nếu đất hẹp, dân đông, sinh kế khó khăn hoặc là trí và lực đều lớn, nhằm mục đích mở rộng biên cương, người ta tất phải tìm đến nơi xa xôi để có đất mà cư trú. Đó là thuộc địa, cũng gọi là thực dân địa. Dân thuộc địa thì tính tình, phong tục rất khác, đại để không thể lấy pháp luật của bản quốc mà cai trị họ được.

9. NƯỚC TA LẬP QUỐC TỪ XƯA

Cha ông ta lập nước trên địa cầu từ thời xa xưa. Họ Hồng Bàng sống phương Nam, riêng thành một chủng tộc, trải qua Đinh, Lý, Trần, Lê cho đến nay, sầm uất thành một nước rộng lớn, đã hơn bốn nghìn bảy trăm năm. Thế mà ngày nay, các nước văn minh Đông Tây đều cho là nghèo nàn, yếu đuối, dã man, họ mỉa mai, sỉ nhục đủ điều. Than ôi! Thảm thương thay!

Loài người cũng như động vật, thực vật đều có cơ thể. Cơ thể của nước là dân. Dân có trí tuệ thì cơ thể linh hoạt, nước sẽ thịnh cường, mãi mãi sẽ không bị phá hoại. Đó là điều tất yếu. Một nước bốn nghìn năm lịch sử là một nước cô, các nước cổ trên thế giới lần lượt suy vong, thế mà nước ta tồn tại cho đến ngày nay. Vậy từ nay về sau, chúng ta nên bỏ những tập tục xấu, tìm phương bổ cứu, khiến cho giống nòi Hồng Lạc trường tồn. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của dân ta.

10. NƯỚC TA KHAI HÓA RẤT SỚM

Nước ta ở phương Nam châu Á, lãnh thổ rộng hơn hai mươi vạn dặm vuông Anh, dân ta hơn hai mươi triệu. Mấy ngàn năm trước đã có văn tự, lịch toán, nhà cửa, thuyền bè, xe cộ. Cha con, vua tôi đều có đạo nghĩa, tang tế, giá thú đều có lễ nghi: văn học hay, chính trị rạng rỡ. “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư; Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, dù là Tống, Nguyên, Minh, Thanh cũng không thể lấy cường quyền mà trói buộc chúng ta, đặt ách vào cổ chúng ta được. Đã qua nhiều lần như thế. Một nước danh tiếng như La Mã, khi quy xuống là không ngóc dậy được nữa, các nước nhỏ như Lưu Cầu ở châu Á cũng đều bị tiêu diệt. Riêng nước ta là một nước cũ hơn bốn ngàn năm mà vẫn tồn tại vững vàng. Chẳng phải vì dựng nước từ xưa, chính là vì khai hóa sớm đó sao? Các nước Âu - Mỹ đều khai hóa hết sức muộn màng, nhưng tiến bộ lại cực kỳ nhanh chóng. Một trăm năm trở lại đây, họ có nhiều bước nhảy vọt về học thuật, chính trị, giáo hóa, phong tục không mặt nào thua người, mà lại vươn lên hàng đầu. Họ tự cho là chủ nhân của toàn thế giới. 

Còn nước ta thì trong triều, ngoài nội, chính trị, phong tục không thay đổi chút nào. Dụng cụ của ta đều cũ kỹ, lạc hậu, đồng ruộng hoang vu. Dân đói rách, chưa bỏ thói ngang ngạnh, tính nô lệ vẫn còn. Than ôi! Khai phá sớm như thế kia, mà tiến bộ chậm như thế này! Thật là đáng tiếc! Dân ta chớ nên cho khai hóa sớm là vinh, mà nên cho tiến bộ chậm là nhục. 

Trong thế giới ngày nay, cạnh tranh rất là ác liệt, cùng nhau tiến bộ thì sinh tồn, không tiến bộ bằng người thì không có ngày tự lập. Không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước!


1. Dịch nghĩa:

Núi sông nước Nam, vua Nam ở. Rành rành bờ cõi tại sách trời. Cớ sao giặc dữ tới xâm phạm?

Chúng bay ít bị đánh tơi bời? Theo truyền thuyết, khi Lý Thường Kiệt đang cầm quân chặn đánh địch trên sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), một đêm nghe vang lên lời thơ từ đền thần Tam Giang trên bờ sông. Nghe thơ, binh sĩ ta thêm hăng hái chiến đấu, đến tháng 3 năm 1077, quân Tống bị đánh tan.

Nội dung liên quan

  • Xã hội - Ái quần - Gia đình có phải là ái quần không?

    24/02/2021Khuyết danhNgười ta hợp quần mà thành xã hội. Chưa hề có quốc gia mà đã có xã hội từ đầu. Xã hội là lẽ sinh tồn của loài người...
  • Tân Đính Quốc Dân Độc Bản:  Sách đọc của quốc dân

    23/02/2021Đỗ Văn Hỷ và Vũ Văn Sạch dịchCuốn sách này gồm có hai phần (Tập I và Tập II) do tác giả khuyết danh biên soạn, được Đông Kinh Nghĩa Thục khắc in nhiều lần, phát hành với số lượng rất lớn (lên tới hàng vạn bản), phổ biến tại Đông Kinh Nghĩa Thục...
  • Tác giả Văn minh tân học sách phải chăng là của Tiến sĩ Ngô Đức Kế?

    09/07/2017Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi. Sách do Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội in ấn bằng chữ Hán và phát hành năm 1907 nhân dịp thành lập ngôi trường ở số 4 và số 10 phố Hàng Đào, cùng với hai cuốn sách quan trọng khác là Quốc dân độc bản và Tân đính luân lý giáo khoa thư, đều không đề tên người biên soạn...
  • Tranh lên trước - Bác ái - Giữ chữ tín - Giữ điều thứ

    01/04/2016Khuyết danhLợi ích của xã hội rất lớn, nhưng tình nghĩa lại dễ chia lìa, không gắn bó với nhau thì không thể thu hoạch được gì. Có bốn-điều để gắn bó...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • xem toàn bộ