Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

10:28 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Tám, 2005

Chẳng chọn ta, ta cũng không hề lựa chọn
Máu Việt
Như sự sống, tình yêu, cái chết...

Việc phá bỏ các tượng phật lớn nhất thế giới ở Afganistan do Taliban thực hiện là nhân danh bản sắc; những cuộc xung đột sắc tộc ở Nam Tư, Nga và Indonesia là nhân danh bản sắc; những cuộc tàn sát của Ðức quốc xã nhằm vào người Do Thái trước đây cũng nhân danh bản sắc. Và còn biết bao nhiêu sự kiện bi thảm khác.

Thế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau.

Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời, nhưng có lẽ cũng không khó khẳng định ngay, rằng niềm tự hào về bản sắc văn hoá cũng chính đáng như thái độ dũng cảm của mỗi cá nhân dám tự là mình, nhưng nó dễ đưa chúng ta đến một thái độ tự lừa phỉnh kiểu A.Q , hay đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thứ chủ nghĩa kỳ dị và lố bịch, đôi khi thậm chí có thể coi là tội phạm, trong đời sống nhân loại, một cộng đồng đang ngày càng gắn bó khăng khít hơn cùng với xu hướng toàn cầu hoá.

I. Huyền thoại về Kẻ khác

Trong những thế kỷ trước, những người châu Âu đi xâm chiếm thuộc địa thường tự nhận là những người khai hoá văn minh. Tôi cho rằng không phải tất cả những người có thái độ đó đều giả dối - trong số họ, bên cạnh những kẻ độc ác và tự thị còn có cả những người có thiện chí và thành tâm. Trong khi đó, dưới con mắt những người dân bản địa, những người bị họ coi là dã man, thì chính họ lại là lũ quỷ sứ. Bộ phim lịch sử của Trung Quốc Tể tướng Lưu gù kể lại một chi tiết thú vị xảy ra dưới thời nhà Thanh. Vua Càn Long được người Anh dâng tặng cho một số phụ nữ châu Âu để làm phong phú thêm khu hậu cung vốn đã đông đúc của ông. Vị Hoàng đế Trung Hoa đã từ chối. Ông tin rằng những nàng quỷ trắng này không có đầu gối như người Hoa và do đó không xứng với lầu son gác tía của ông.

Tôi không có điều kiện kiểm tra tính xác thực của câu chuyện đó, nhưng trong cuốn Ðất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, một tác phẩm viết về những người du kích Tây Nguyên ở thế kỷ XX, có một chuyện tương tự, có thể coi như một phiên bản hiện đại của câu chuyên vừa kể. Những người nông dân Tây Nguyên không tin rằng người Pháp có máu. Bằng cách bắn Pháp chảy máu, nhân vật chính của quyển sách, một nhân vật được dựng nên theo nguyên mẫu của anh hùng Núp ngoài đời thực, đã chứng tỏ cho dân làng thấy rằng người Pháp cũng có máu, cũng là người, cũng có thể chết, nghĩa là cũng có thể bị đánh bại.

Những chuyện tương tự như thế xảy ra ở mọi nơi, mọi thời đại, và chúng ta cần phải suy ngẫm về chúng không đơn thuần chỉ với sự hiếu kỳ. Theo tôi, chúng đều dựa trên một huyền thoại chung: huyền thoại về kẻ khác.

Trước hết, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng chính sự tiếp xúc của các cộng đồng người đã buộc và tạo điều kiện để các cộng đồng nhìn nhận mình và nhìn nhận kẻ khác. Một cộng đồng biệt lập, cũng như một cá nhân biệt lập, sẽ không cần và không thể nói đến bản sắc.

Dĩ nhiên đó chỉ là một cách hình dung, bởi chúng ta đều biết rằng trên thực tế không bao giờ có những cộng đồng và cá nhân biệt lập như thế. Mọi nền văn hoá đều không ngừng biến đổi, chịu tác động của vô số các yếu tố tự nhiên và xã hội, đồng thời cũng tác động qua lại, ảnh hưởng, hấp thụ và thậm chí xâm nhập lẫn nhau. Trong quá trình đó, một quá trình đấu tranh sinh tồn thực sự, sự tồn tại của một cộng đồng thường được khẳng định thông qua sự phân biệt hay đối lập nó với những cộng đồng khác. Bên cạnh nhu cầu khẳng định sự tồn tại có tính vật lý còn có nhu cầu tự khẳng định về mặt tâm lý, hay nói đúng hơn là về mặt tinh thần. Chính điều này làm nảy sinh vấn đề về bản sắc. Nguy cơ càng lớn thì nhu cầu tự khẳng định càng cao. Và đó chính là lý do vì sao vấn đề bản sắc và sự đa dạng về bản sắc lại trở nên cấp bách như thế trong xu thế toàn cầu hoá ngày nay.

Dù sao thì câu hỏi "Bản sắc là gì?" cũng không dễ trả lời! Những cố gắng qui bản sắc văn hoá về tập hợp một số dấu hiệu đặc thù - ngay cả khi nó giúp ta phân biệt ở mức độ nào đó một cộng đồng với một cộng đồng khác - chắc chắn không thể đem lại kết quả mong muốn. Tôi không tin một cô gái Việt Nam chỉ vì không biết chơi đàn bầu, không làm thơ lục bát và không ăn mắm tôm, cũng như một người đàn ông Việt Nam chỉ vì mặc Âu phục, hút xì gà lại thôi là người Việt. Tôi cũng không tin rằng tinh thần yêu nước là của riêng người Việt, như ý kiến của một số nhà nghiên cứu. Còn hơn thế nữa, khẳng định điều đó thậm chí là một sự xúc phạm đối với các dân tộc khác. Trong một bài báo được đăng đi đăng lại nhiều lần, dĩ nhiên có đôi chút sửa đổi, ông Phan Ngọc qui các giá trị của văn hoá Việt Nam, mà ông gọi là bốn bất biến, vào bốn từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ F: Fatherland, Family, Fate và Face (Tổ quốc, Gia đình, Thân phận và Diện mạo). Chắc các bạn cũng phải mỉm cười khi văn hoá Việt Nam được tổng kết bằng bốn chữ cái tiếng Anh, nhưng tôi muốn nói điều khác: liệu chúng ta có thể hình dung một dân tộc nào không có bốn giá trị đó hay không?

Những dấu hiệu được coi là đặc thù của các nền văn hoá, cũng như chính các nền văn hoá, đều được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau như địa lý, kinh tế...và cả những yếu tố ngẫu nhiên nữa. Chúng hoàn toàn không phải là bất biến. Cách đây vài chục năm hai làng chỉ cách nhau một cánh đồng cũng đã rất khác nhau về giọng nói, tục lệ...thì nay chúng ta đã khó mà nhận ra được hai người xuất thân từ hai tỉnh khác nhau; sinh hoạt của người dân Hà Nội đã khá gần gũi và sẽ ngày càng gần gũi hơn với sinh hoạt của người dân các thành phố khác trên thế giới. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó.

Vấn đề cũng không chỉ nằm ở chỗ không phải tất cả những yếu tố khác biệt được coi là bản sắc đều tích cực, hay ít nhất là đều có thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Chúng ta có thể chấp nhận cả việc dùng đũa của người Việt và cách dùng dĩa của người châu Âu, nhưng không thể có thái độ tương tự đối với tục lệ cà răng căng tai ở Tây Nguyên (Việt Nam) hay tập quán xẻo cơ quan sinh dục nữ của một vài dân tộc châu Phi. Những tác động tiêu cực của cái gọi là bản sắc văn hoá đã được nhiều người nói tới, tôi có thể kể cuốn Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương, cuốn sách được viết ra theo gương những quyển tương tự của người Mỹ và người Nhật Bản. Trước đó, Tsernưsepxki, tác giả cuốn Làm gì - mà đầu đề được Lênin chọn để đặt tên cho một tác phẩm của mình - từng viết rằng những người Nga có lương tri đều phải xấu hổ vì sự hủ lậu của văn hoá Nga cuối thế kỷ XIX. Còn ở Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoài Thanh, Ðào Duy Anh... đều đã từng viết về những tính xấu của người Việt như an phận thủ thường, tính vụ lợi gần, tính cẩu thả..., những điều ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vấn đề còn ở chỗ - điều này thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn - thái độ tuyệt đối hoá bản sắc dân tộc có nguồn gốc từ mặc cảm tự ti. Thực vậy, những Kim tự tháp Ai Cập hay Vạn lý trường thành ở Trung Quốc không cần phải nói to về sự tồn tại của mình. Cũng vì lý do tương tự, người ta rêu rao - cho dù đã bớt đi nhiều sau cuộc khủng hoảng vừa qua - về cái gọi là "giá trị Châu Á".

Thực ra, cách thức chúng ta đang sử dụng để nghiên cứu vấn đề bản sắc trên thực tế chỉ là một cách đơn giản hoá các đặc điểm của thực tại, chủ yếu là bề ngoài, dựa trên huyền thoại có tính chất định kiến về sự tồn tại của kẻ khác. Trong khi đơn giản hoá thực tại như thế, người ta có xu hướng lựa chọn một số yếu tố phù hợp với những tiêu chí khá chủ quan và gán cho chúng một đặc tính là bất biến, chẳng hạn khi coi dân tộc Trung Hoa là cộng đồng của những người nói tiếng Hoa, người ta coi tiếng Hoa là bất biến. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chắc chắn là giữa tiếng Hoa thời Tần Thuỷ Hoàng với tiếng Hoa thời Lý Bạch có sự khác biệt to lớn. Cũng vậy, so với thời đại của Lý Bạch, tiếng Hoa mà người Trung Quốc sử dụng hôm nay đã thay đổi rất nhiều rồi. Jean Tardieu, trong Lettre de Hanoi, viết rất đúng rằng "khi nghĩ tới một dân tộc khác, bao giờ mỗi dân tộc chẳng có khuynh hướng nghĩ về dân tộc này một cách tổng thể, tổng hợp, nhanh gọn, thường là sai lệch, mà không nghĩ tới những khác nhau khá lớn có thể có giữa nhóm này nhóm khác, thành viên này hoặc thành viên khác trong lòng dân tộc nước ngoài đó? Chính theo cách đó mà một người Pháp có thể nói rằng "Người Ðức là thế này, thế kia", không hề nghĩ rằng có thể có những khác biệt không sao kể xiết giữa người Ðức này với người Ðức kia" .

Chính bằng cách thức như vậy, chúng ta phân biệt các cộng đồng, ở những qui mô khác nhau: các gia đình, các sắc tộc, các dân tộc, các cộng đồng tôn giáo hoặc ngôn ngữ, các khu vực...và cả cách phân chia có tính lưỡng cực như sự đối lập Ðông-Tây.

II. Tây và ta

Nhân nói về sự đối lập Ðông-Tây, tôi muốn điểm qua sự biến đổi thú vị của từ Tây trong tiếng Việt.

Cho đến giữa thế kỷ này, đối với người Việt, Tây gần như là một từ đồng nghĩa với Pháp. Người ta nói: tiếng Tây, thằng Tây...với nghĩa là tiếng Pháp, người Pháp...- điều này đến tận bây giờ vẫn còn đúng trong cộng đồng người Việt ở Pháp. Nhưng ở Việt Nam thì nội hàm của từ này đã thay đổi rất nhiều cùng với sự hoà nhập từ từ của Việt Nam vào đời sống quốc tế. Người ta bắt đầu dùng nó để chỉ tất cả những người đến từ Âu - Mỹ, những người mũi lõ, cho dù họ là người Nga, người Mỹ hay người Cuba. Riêng với người châu Phi thì có thêm từ đen, Tây đen. Nhưng chưa hết. Chẳng hiểu từ bao giờ, người dân bắt đầu dùng từ Tây để nói về tất cả những người đến từ các quốc gia giàu có, kể cả những quốc gia châu á như Nhật Bản, Singapore...

Hiện tượng này không đơn thuần là một cách dùng từ thiếu chính xác, mà theo chúng tôi, hàm chứa một thái độ, nói đúng hơn, một cách phân loại. Mà đã là một cách phân loại, cho dù đó là cách phân loại của quần chúng, nó cũng có tiêu chí: đó là mức sống. Với quần chúng, phương Tây nghĩa là giàu có, phương Ðông nghĩa là đói nghèo.

Sự đối lập Ðông-Tây mà nhiều người coi là hiển nhiên, là một đặc tính gần như cố hữu của nhân loại, đặc biệt là nhân loại hiện đại, thực ra không phải là cách duy nhất được và có thể được sử dụng để phân chia xã hội loài người, cũng không phải là những khái niệm bất biến. Dĩ nhiên, từ trong cội nguồn, các khái niệm phương Ðông và phương Tây là những khái niệm địa lý, nhưng cách hiểu như ngày nay thì có lịch sử chưa lâu. Cho đến tận thế kỷ XIX, ở châu Âu, người ta dùng từ "phương Ðông" để chỉ vùng lãnh thổ nằm dưới sự thống trị của đế quốc ottomane. Việc châu Âu xâm nhập vào Trung Quốc, cuối thế kỷ XIX, dẫn đến việc người ta sáng ta ra từ Viễn Ðông, và từ này, đến lượt nó, lại làm nảy sinh ra từ Cận Ðông. Ðến đầu thế kỷ XX, người Anglo - Saxons đưa ra khái niệm Trung Ðông để chỉ khu vực từ Biển Ðỏ đến ấn Ðộ thuộc Anh.

Lịch sử đã đem đến cho cặp khái niệm những ý nghĩa khác. Về chính trị chẳng hạn, phương Tây từng có thời đồng nghĩa với thế giới những quốc gia TBCN, nơi kinh tế thị trường cùng tất cả những hệ thống chính trị-xã hội gắn liền với nó đạt tới một trình độ phát triển cao. Phương Tây, do vậy, bao gồm không chỉ Tây Âu, Châu Mỹ mà cả những nước như Nhật Bản, Australia chẳng hạn. Phương Ðông, theo cách phân chia này, bao gồm những quốc gia có hệ thống xã hội - chính trị ít nhiều phi TBCN: Ðông Âu và Liên Xô trước đây cùng với các nước thuộc thế giới thứ ba. Cách phân chia này từng là mốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã không còn ý nghĩa sau khi Liên Xô và khối XHCN sụp đổ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nó dường như lại đang được tái sinh với những đường ranh giới khác, dù với màu sắc chính trị khác.

Một cách hiểu khác cũng đang ngày một được cổ suý dựa trên quan điểm văn hoá. Người ta dường như cho rằng phương Ðông là khái niệm dùng để chỉ các nền văn hoá vẫn tiếp tục trung thành với tinh thần truyền thống, nơi duy lý và phi lý tồn tại song song, còn phương Tây là nơi tinh thần truyền thống đã bị quên lãng, nhường chỗ cho sự thống trị hầu như tuyệt đối của lý trí. Theo quan điểm này, phương Tây bao gồm toàn bộ châu Âu, gồm cả Ðông Âu, và những phần nối dài của nó như châu Mỹ hay Australia. Ðối với phương Ðông thì phức tạp hơn. Người ta không những không thống nhất về ranh giới mà thậm chí còn cho rằng có nhiều nền văn minh phương Ðông mà sự khác nhau giữa chúng hoàn toàn không nhỏ hơn giữa chúng với văn minh phương Tây.

III. Ba huyền thoại về sự khác biệt

Chúng ta thường gặp ba huyền thoại về sự khác biệt Ðông-Tây. Huyền thoại thứ nhất là cho rằng có một mẫu số chung của các xã hội phương Ðông: sự chấp nhận thực tại, bất kể thực tại đó là tốt hay xấu, là có thể chấp nhận được hay không, và một mẫu số chung khác cho các xã hội phương Tây: khẳng định cá tính. Có nhiều người cho rằng đó là khác biệt có tính chất căn bản, cố hữu, đến mức hầu như không thể vượt qua. Huyền thoại thứ hai ca ngợi phương Ðông như một đỉnh cao và cho rằng phương Tây duy lý và đồi bại đã buộc phải quay về phương Ðông. Huyền thoại thứ ba liên quan đến hai khái niệm văn minh vật chất và văn minh tinh thần, theo đó phương Tây chạy theo vật chất, phương Ðông chạy theo tinh thần, vì thế mà phương Ðông dường như cao quý hơn. Những người đang cổ suý cho cái gọi là "những giá trị châu á" không ngớt lên án lối sống phương Tây như là thủ phạm của đủ thứ tệ nạn lan tràn như dịch bệnh tạo những quốc gia đang thay đổi đến chóng mặt của châu lục này.

Tôi cho rằng cả ba huyền thoại này đều không đúng. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Năm 1995, khi bắt tay vào viết luận văn Ma trong văn học kỳ ảo phương Ðông và phương Tây, tôi hình dung công trình sẽ là bản tổng kết những khác biệt trong quan niệm về ma, cũng như trong những đặc điểm về đề tài, nhân vật và cấu trúc của truyện ma trong hai nền văn hoá được coi là rất khác nhau này. Nhưng thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Càng nghiên cứu sâu tôi càng thấy sự tương đồng. Ðến mức có thể nói rằng mọi đề tài trong thế giới truyện ma phương Tây đều có trong thế giới truyện ma phương Ðông và ngược lại.
Cảm giác này lặp lại khi tôi đọc lại các nhà hiền triết phương Ðông cũng như phương Tây: điều khiến chúng ta kinh ngạc không phải là sự khác nhau mà giống nhau kỳ lạ của họ. Sự kinh ngạc càng lớn hơn nếu lưu ý rằng Platon và Khổng Tử là những người gần như đồng thời. Và ngay cả trong lý thuyết của Marx, qui luật đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập dường như cũng chỉ là hình thức diễn đạt khác những nguyên lý Âm Dương của Kinh dịch mà thôi.

Lý do của sự giống nhau ấy, theo tôi, chẳng có gì khó hiểu. Dù phương Ðông hay phương Tây thì đó cũng là một loài người duy nhất, sống trên một trái đất duy nhất. Những người đang lên án phương Tây không để ý rằng cặp khái niệm Ðông Tây chính là sản phẩm phương Tây rất đặc thù. Người phương Ðông chưa bao giờ dùng cặp khái niệm này. Trong toàn bộ lịch sử lâu dài đáng của mình, Trung Quốc luôn coi mình là trung tâm của thế giới. Ðối với họ, phương tây chỉ là phương tây của Trung Quốc mà thôi. Từ thời tiền sử đến tận thời Trung Cổ - cũng lại là một khái niệm phương Tây - các "nền văn minh phương Ðông" cả các "nền văn minh phương Tây", nếu xét chúng trên những nét cơ bản, không khác nhau nhiều lắm.

Phương Tây có cả duy lý lẫn phi lý, phương Ðông cũng vậy. ở phương Tây, người dân cũng đã từng dùng lá cây hay các bộ phận của cơ thể động vật để chữa bệnh. Trong một chuyến đi thăm miền nam nước Pháp, vào các làng của họ thì tôi được thử rất nhiều phương thuốc truyền thống. Một số loại được người dân chế biến thành kẹo chữa bệnh, giống như các loại dược phẩm truyền thống ở Việt Nam hay Trung Quốc. Còn ở phương Ðông, những luật lệ chặt chẽ chi phối xã hội Trung Hoa trong hàng ngàn năm, những thành tựu toán học kỳ diệu của người ấn Ðộ chẳng phải là bằng chứng của lý trí hay sao? Thậm chí ngay cả sự khác biệt về tôn giáo, theo tôi, cũng hoàn toàn không phải là bản chất như người ta tưởng. Việc phân chia nhân loại ra thành phương Ðông và phương Tây, rồi phương Nam hay phương Bắc, rõ ràng mang tính lịch sử và đầy định kiến.

Tuy nhiên người phương Tây đã đi được những bước dài. Bên cạnh những phương thuốc truyền thống, họ đã chế ra các loại dược phẩm hiện đại, họ có thể tiến hành giải phẫu, ghép các cơ quan và tiêm vác xin phòng bệnh...Xuất phát điểm gần như giống nhau, phương Ðông và phương Tây đã đi theo hai con đường khác nhau như chúng ta đã thấy. Phương Ðông, đặc biệt là Trung Quốc, có thời đã đóng vai trò của nền văn minh phát triển nhất. Hãy nhớ lại những sáng tạo tuyệt vời của người Trung Hoa như la bàn, thuốc nổ, tên lửa, đồ sứ, nghề làm giấy và nghề in... Sau đó phương Ðông đã tụt lại phía sau trong vòng vài thế kỷ vừa qua, nhưng tôi cho rằng sự khác nhau đang giảm dần.

Phương Tây không ít cao thượng hơn phương Ðông, và phương Ðông cũng khốn khổ vì vật chất chẳng ít hơn phương Tây. Có thể nói rằng trong toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại, con người, dù ở đâu cũng gần gũi nhau trong quan niệm về hạnh phúc, về sự thịnh vượng cũng như về phương thức để đạt tới hạnh phúc đó. Và dù ở phương Ðông hay phương Tây, khái niệm thịnh vượng đều bắt đầu từ những thành tựu về kinh tế. Ðó là sự thịnh vượng mang tính vật chất. Người ta không thể trốn tránh tính chất đó. Không thể nói đến sự thịnh vượng mà không nói đến vật chất, không thể nói đến giàu có phi vật chất. Thậm chí đôi lúc, đôi nơi người ta đồng nhất sự thịnh vượng mà với sự giàu có. Bạn có thể thấy điều đó trong khẩu hiệu dân giàu nước mạnh đang vang lên ở tất cả các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tất cả những ai cố tình lờ đi mặt vật chất và cường điệu những mặt còn lại của sự thịnh vượng đều là những người không dám nhìn vào sự thật.

Những người đang báo động một cách quá đáng về ảnh hưởng đồi bại của lối sống phương Tây không hiểu rằng con người phương Ðông không những không hề sợ lối sống phương Tây mà trái lại còn bị nó hấp dẫn. Thay vì phản ứng một cách máy móc, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: Cái gì tạo ra ra sự hấp dẫn của lối sống, của thói quen văn hoá phương Tây? Theo tôi, bất chấp những mặt tiêu cực của nó, văn hoá phương Tây hấp dẫn mạnh mẽ bởi tinh thần tự do và các giá trị nhân bản.

Nếu tôi không nhầm thì thái độ trân trọng các giá trị vật chất cũng có nguồn gốc từ chủ nghĩa nhân bản. ở phương Ðông, do ảnh hưởng của một số luồng tư tưởng, người ta cho rằng cuộc sống trên trần thế chỉ là phù du, rằng sống chỉ là ở tạm, chết mới thực là trở về. Quan niệm của người phương Tây suốt thời Trung Cổ cũng gần như thế: cuộc sống chẳng khác gì một cuộc chờ đợi để được lên Thiên Ðàng. Chính vì thế, ngay cả ngày hôm nay, những nhà doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn không dám công khai phô diễn sự giàu có của mình. Họ cố gắng phân bua rằng đối với họ, tiền bạc là không quan trọng. Một số cố chứng tỏ rằng họ tôn đời sống tinh thần và trí tuệ bằng cách mua những cuốn Kinh Dịch dày cộp để gối đầu giường nhưng không bao giờ đọc. Chủ nghĩa nhân bản, trái laị, luôn đề cao cuộc sống con người và những niềm vui trần thế. Tất cả những gì đem lại hạnh phúc cho con người, kể cả vật chất, tiền bạc, đều xứng đáng được tôn vinh.

Trong thời đại hội nhập, sự tương tác giữa lối sống phương Ðông và lối sống phương Tây là tất yếu. Trong quá trình tương tác đó, không chỉ có phương Ðông hấp thụ được những giá trị của phương Tây, mà ngược lại phương Tây cũng có thể học phương Ðông được rất nhiều điều. Theo tôi, nhiệm vụ của chúng ta không phải là chống lại lối sống phương Tây mà là nhận thức những cái hay cái dở trong lối sống của dân tộc mình và nỗ lực hiện đại hoá nó.

Dĩ nhiên, sự nhấn mạnh thái quá vai trò của những yếu tố vật chất có nguy cơ sẽ dẫn đến sự tha hoá: nó thúc đẩy con người làm mọi điều để nhanh chóng đạt tới sự giàu có vật chất, điều mà Platon đã từng lên án. Nhưng điều này đúng cho cả phương Ðông lẫn phương Tây. Và dù ở phương Ðông hay phương Tây thì sự thịnh vượng cũng không đơn thuần chỉ là vật chất. Sự thịnh vượng còn thể hiện ở vẻ đẹp, ở sự hoàn mỹ trong đời sống tinh thần của các dân tộc. Ðó có thể là nghệ thuật, như kiến trúc, âm nhạc, hội hoạ... hay những phong tục tập quán và rất nhiều khía cạnh khác nữa của đời sống tinh thần.

Cũng cần nói thêm rằng việc phân chia văn hoá thành hai lĩnh vực: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần... phản ánh lối tư duy lưỡng phân điển hình và không phải lúc nào cũng hợp lý. Thật khó, và ngày càng khó phân biệt rạch ròi đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần. Không có sản phẩm tinh thần nào lại không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, cũng như không có một sản phẩm vật chất nào lại không mang trong nó những giá trị tinh thần. Từ nhà cửa, đường phố, cầu cống... đến những vật dụng tầm thường nhất, kể cả những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, cũng đều là hiện thân của những giá trị văn hoá, thể hiện bản sắc dân tộc, trí tuệ và tài năng của những người làm ra chúng.

Hiểu được mối liên hệ mật thiết không thể tách rời của những giá trị văn hoá tinh thần và vật chất là điều vô cùng quan trọng. Liệu chúng ta có thể chỉ sử dụng những giá trị vật chất có nguồn gốc ngoại lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần bao hàm trong đó hay không? Liệu chúng ta có thể trở thành một mắt xích trong hệ thống sản xuất đang trong quá trình toàn cầu hoá vũ bão mà vẫn nguyên vẹn là một người ngoài cuộc về văn hoá hay không?

Trong những năm gần đây, người ta có thể nhận thấy hai xu hướng ngược nhau, thực ra là hai mặt của một xu hướng chung của thế giới hiện đại: Một mặt, trong thế kỷ XX, chúng ta được chứng kiến sự biến mất từ từ nhưng không thể nào cưỡng nổi của những nền văn minh nông nghiệp, chủ yếu ở phương Ðông. Rất nhiều quốc gia thuộc cái gọi là "văn minh nông nghiệp" ấy lần lượt trở nên ngày càng "hiện đại", "công nghiêp" và gần như bao giờ cũng đồng nghĩa với "phương Tây hoá". Trong số những ví dụ điển hình nhất có thể kể Nhật Bản hay Ðài Loan. Mặt khác, tại nhiều nước thuộc cái gọi là "văn minh phương Tây", sau những bước phát triển vũ bão về công nghệ, đang có xu hướng khôi phục lại những giá trị truyền thống từng bị đe doạ bởi thứ chủ nghĩa duy vật tầm thường. Hàng loạt nước công nghiệp hoá dường như đang bước vào một giai đoạn trở về với truyền thống. Nhưng trái với những lời rao, sự trở về của này là vì một giai đoạn phát triển tiếp theo của chính họ chứ không phải là trở về với phương Ðông. Cũng tương tự như vậy, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra sôi sục ở nhiều nước phương Ðông là vì nhu cầu của phương Ðông chứ hoàn toàn không phải là vì bị những quan niệm của phương Tây đầu độc.

Là một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc sống nhân loại hiện đại, cả hiện tượng này nữa, cũng cho thấy tính chất tương đối của sự đối lập Ðông - Tây.

IV. Sự mập mờ của những đường biên giới

Xu hướng toàn cầu hoá đang làm nhiều đường ranh giới mờ đi nhanh chóng - lời khẳng định này chúng ta gặp nhan nhản trên báo chí và không phải là không đúng đắn. Nhưng quá trình này thực ra không có gì mới, nó bắt đầu từ thửa xa xưa, dưới những hình thức và trên những cấp độ khác nhau. Có vô số các đường ranh giới được con người đã tạo nên để phân định giới hạn của các cộng đồng: địa lý, tôn giáo, kinh tế, chính trị...Chúng hoàn toàn không rạch ròi như chúng ta thường nghĩ.

Chúng hãy thữ xem xét các ranh giới địa lý. Thế giới cổ đại, chẳng hạn, là một khái niệm hay được dùng nhưng thực ra không được chính xác cho lắm. Một mặt, trên thực tế, vào thời kỳ đó tồn tại không phải một thế giới thống nhất mà rất nhiều thế giới, một số trong đó, do những điều kiện địa lý đặc biệt - như thế giới những nền văn minh ở Châu Mỹ hay châu Ðại Dương - gần như biệt lập. Nhưng chúng không phải là không tồn tại trước những phát kiến địa lý vĩ đại do người châu Âu thực hiện. Những nền văn minh ấy vẫn sống cuộc sống của nó, với những quan hệ phức tạp của nó và đạt được những thành tựu cực kỳ độc đáo.

Một hệ thống quốc tế thống nhất - theo cách hiểu của chúng ta ngày nay, tức là một chỉnh thể phức tạp bao gồm nhiều mặt của đời sống nhân loại trên trái đất, trong đó quan trọng nhất là cấu trúc, phương thức tồn tại, hình thức phát triển và tính thống nhất của nó, một cấu trúc ít nhiều bền vững nhờ các quy tắc, trật tự nhất định - rõ ràng không phải bao giờ cũng tồn tại. Trái lại, thời cổ đại trên trái đất đã tồn tại nhiều hệ thống như thế, những hệ thống có trật tự riêng, khá biệt lập nhưng không có nhiều chênh lệch lắm về trình độ như những đầu óc mịêt thị chủng tộc vẫn rêu rao. Như thế, đúng ra, thay cho khái niệm thế giới cổ đại chúng ta phải dùng một khái niệm khác chính xác hơn - những tiểu thế giới.

Nhưng mặt khác, mỗi hệ thống như thế, đến lượt nó, lại bao gồm nhiều nền văn hoá đa dạng, không ngừng biến đổi, tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Những nền văn hoá trong mỗi hệ thống như thế đôi khi còn khác nhau nhiều hơn cả sự khác nhau giữa các hệ thỗng mà chúng ta vừa gọi là những tiểu thế giới. Vì thế, ngay cả khái niệm "tiểu thế giới" này cũng chỉ có thể cho chúng ta một cách hình dung mù mờ về bản chất của những mối quan hệ giữa các khu vực, các quốc gia lớn nhỏ, những quốc gia đang hình thành và cả những "quốc gia" đang sắp sửa ra đời trong đó. Vùng Ðông á, chẳng hạn, có thể coi như một tiểu thế giới mà trong lòng nó gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, các nước khác ở khu vực Ðông Nam á...Nhưng bản thân Trung Hoa cũng luôn luôn tự nhìn nhận mình - và điều này hoàn toàn có lý - như một thế giới, thậm chí như là trung tâm thế giới. Chưa hết, ngay cả các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam cũng có xu hướng tự coi mình là một thế giới: "Núi sông bờ cõi đã chia... "

Như thế, trong suốt hàng ngàn năm của thời Cổ Ðại và Trung Cổ, các quốc gia thực chất đã trở thành những thế giới riêng biệt, tự đóng kín. Phần lớn các quốc gia dần dần trở nên những cộng đồng cận thị và tự mãn. Xu hướng đó tiếp tục hệt như kiểu con búp bê Petruska của người Nga: thậm chí ngay cả trong một quốc gia, tình trạng cát cứ cũng trở nên một điều hết sức hiển nhiên. Hai làng sát nhau là hai thế giới. Cuối cùng, trong mỗi làng, các dòng họ dường như cũng là các cộng đồng hoàn biệt lập. Ðiều đó kéo dài và còn có xu hướng tăng lên cho đến cách đây không lâu lắm.

Nhưng điều cần phải nói là sự tách biệt như vậy hoàn toàn không phải là do những ranh giới địa lý, mà là do những hạn chế của nền sản xuất. Nó cũng chủ yếu mang sắc thái tâm lý và ước lệ. Các đường biên giới, cho dù là ranh giới địa lý, sắc tộc, kinh tế hay chính trị đã thay đổi rất nhiều sau vô vàn biến cố tự nhiên cũng như xã hội, các cộng đồng cũng sinh ra, phát triển, tương tác và thôn tính lẫn nhau, còn con người vẫn còn lại với núi sông và không vì thế mà khác đi được. Ðỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Ðường, viết: "Quốc phá sơn hà tại". Ðiều đó là hợp với quy luật: Biên giới không phải là thứ hình thành một cách tự nhiên mà là sản phẩm của các cộng đồng người. Khi không phù hợp, nó phải thayđổi, khi không cần thiết nữa, nó sẽ bị xóa bỏ.

Nhưng chưa bao giờ các đường biên giới bị biến đổi nhanh chóng như trong thời đại ngày nay. Toàn cầu hoá diễn ra sôi sục không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực văn hoá. Những mối quan hệ chằng chịt, những dòng luân chuyển không ngừng của cả con người lẫn vật chất khiến cho những đường biên giới vốn đã rất mập mờ càng trở nên rất đáng ngờ. Tôi lấy một ví dụ vấn đề quốc tịch. Cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Argentina Maradona kể rằng anh đã từ chối khi được đề nghị nhập quốc tịch vào một nước phương Tây. Giả sử anh đồng ý, liệu có thể hình dung việc chỉ sau một chữ ký, anh đã không còn là người Argentina? Và liệu có thể hình dung rằng sau này, khi nói về bản sắc của nền bóng đã Argentina, người ta còn có quyền nói về cầu thủ tài hoa đó nữa?

Ðó là một ví dụ khá trực quan, nhưng có nhiều ví dụ khó nhận thấy hơn nhưng từ lâu đã trở thành phổ biến, chẳng hạn những khu nhà ở Paris hoặc New York lại thuộc về người Nhật, những công ty Châu Âu thực chất lại do người Mỹ nắm hay những con tàu Ðài Loan mang cờ hiệu Panama...Cùng với sự lớn mạnh của các tập đoàn đa quốc gia, ngay cả việc xác định xuất xứ hàng hoá cũng trở nên phức tạp, đôi khi không thể làm nổi. Ðối với những quốc gia như Nhật Bản, biên giới kinh tế của họ mở rộng hơn rất nhiều so với biên giới địa lý. Ðối với Trung Quốc, biên giới văn hoá dường như được kéo dài đến theo bước chân di cư của cộng đồng người Hoa trên khắp địa cầu. Càng ngày các tập đoàn đa quốc gia càng được nhìn nhận như một loại quốc gia đặc biệt tồn tại ngoài vòng kiểm soát của các nhà nước...

Quá trình di dân ngày càng tăng lên cũng khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. Càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng khác quốc tịch, khác màu da và tiếng nói. Càng ngày càng có nhiều trẻ con lai và chúng trở thành những cầu nối chằng chịt giữa các cộng đồng, giữa các nền văn hoá. Chúng ta có thể hình dung một ngày nào đó đa số nhân loại sẽ là những người lai, nhưng ngay từ bây giờ thì cũng đã rất khó xác định bản sắc văn hoá của họ. Một đứa trẻ bố Pháp mẹ Việt là người Pháp hay người Việt? Phải chăng câu trả phụ thuộc vào nơi sinh sống và ngôn ngữ của đứa trẻ. Nhưng trong trường hợp nó sinh ra và lớn lên ở một nước thứ ba thì sao?

Tuy nhiên, có một loại đường biên giới không những không mờ đi mà còn sinh sôi nảy nở - đó là những hàng rào định kiến. Trong một cuộc phỏng vấn nhân Ngày hội văn hoá Việt Nam tổ chức ở Berlin năm 2000, người ta hỏi tôi, với tư cách một nhà văn từng lớn lên dưới bom đạn Mỹ, nghĩ gì về cuộc chiến ở Kosovo. Tôi đã trả lời đại ý rằng chúng ta từng hy vọng nhân loại trưởng thành hơn sau chiến tranh tranh lạnh, nhưng rồi nhân loại vẫn không trưởng thành hơn. Quả thật, những ám ảnh của thời đó vẫn còn đeo đuổi chúng ta. Là người đã học ở Liên Xô trước Perestroika, đồng thời từng học ở Pháp và có nhiều dịp tiếp xúc với các quốc gia phương Tây khác, nghĩa là có dịp qua lại giữa hai bờ của dòng sông ý thức hệ từng chia đôi thế giới trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tôi nhận thấy rằng trong hình ảnh mà chúng ta nhìn nhận lẫn nhau, định kiến vẫn còn che mờ lòng khoan dung và thiện chí.

Nhưng tôi xin nói về một hiện tượng khác, trong một lĩnh vực gần gũi đối với tôi, đó là văn học. Cho đến nay, có rất ít nhà văn thế giới thứ ba được nhận giải Nobel. Theo tôi, ngoài lý do kinh tế - lý do khiến tác phẩm của các nhà văn thế giới thứ ba ít được dịch sang các thứ tiếng châu Âu, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp, hoặc nếu có thì việc dịch thuật chủ yếu dựa vào những người lưu vong, thường lựa chọn tác phẩm theo những thiên kiến chính trị hơn là theo chất lượng nghệ thuật - thì lý do chính là thái độ xem thường của độc giả các nước Âu Mĩ giầu sang đối với văn học của các nước nghèo. Nếu người ta đọc họ thì thường là để nghiên cứu, chứ hoàn toàn không phải là để thưởng thức. Một người Trung Quốc không thể được coi là hiểu biết nếu chưa đọc Hugo, Balzac, nhưng một giáo sư văn học người Pháp vẫn có thể được coi là uyên bác mà không cần phải đọc Tư Mã Thiên hay Lý Bạch, trừ phi ông ta là chuyên gia về văn học Trung Quốc. Người đọc ở các nước phương Tây đã có sẵn những hình dung về các quốc gia khác, nhất là các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Trên thực tế họ chỉ đọc để khẳng định những hình dung sẵn có của mình, vì thế họ sẵn sàng quy những ý kiến khác là phụ hoạ chính trị hay giả dối.

Tóm lại, đối với người đọc Âu Mỹ, các dân tộc khác không những phải khác họ mà còn phải khác họ theo cách thức mà họ muốn. Ở đây chúng ta lại trở lại với huyền thoại về kẻ khác với những bức chân dung đầy định kiến dành cho người đối thoại, trong đó đặc điểm đầu tiên của người khác là phải khác. Trong nhiều trường hợp, tình hình còn tồi tệ hơn thế nữa: kẻ khác không chỉ phải khác mà còn phải thấp kém hơn.

V. Ða dạng bằng mọi giá?

Xu thế toàn cầu hoá dường như đang làm cho vấn đề về sự đa dạng văn hoá trở nên nóng bỏng. Tại nhiều nước đang phát triển, người ta thấy xuất hiện những quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề bản sắc và sự đa dạng của bản dân tộc. Ðây đó vang lên khẩu hiệu đòi giữ gìn bản sắc dân tộc, và gìn giữ bằng mọi giá. Nhưng cũng có khuynh hướng cho rằng thực ra những khác biệt giữa các dân tộc là có nhưng không phải là quan trọng và ngày càng ít đi do xu thế toàn cầu hoá và do sự xích lại gần nhau của các dân tộc trên thế giới. Họ cho rằng sự đề cao bản sắc chỉ ngăn cản sự tiến bộ của xã hội và không nên khuyến khích.

Thái độ của chúng tôi như vậy là rất rõ ràng: Sự đa dạng văn hoá không những là có thật mà còn không thể tránh khỏi. Bản sắc văn hoá là thứ được hình thành và tồn tại tất yếu, tự nhiên, cùng với sự hình thành và tồn tại của mỗi cộng đồng. Không một ý chí nào có thể khiến cộng đồng người Việt thôi là cộng đồng người Việt, và cũng không một ý chí nào có thể biến cộng đồng người Việt thành cộng đồng người Thái hay ngược lại, cho dù, cũng như mọi thứ trên cõi đời này, các cộng đồng người và những đặc điểm của nó cũng thay đổi theo năm tháng. Hơn nữa, sự đa dạng luôn luôn chỉ là tương đối. Con người có thể thuộc về nhiều chủng tộc, nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo, nhiều thời đại khác nhau, nhưng tình yêu và thù hận là chung cho tất cả. Việc mỗi vùng, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng không phải là lý do thoả đáng để nhấn mạnh cái mà người ta thường gọi là những cú sốc văn hoá, culture shock. Làm sao có thể tin được rằng những phụ nữ đạo theo đạo Hồi đeo mạng che mặt lại yêu đương kém nồng nàn hơn những cô gái phương Tây mặc mini-jupe. Làm sao có thể tin rằng những loạt súng nã vào dân lành, cả người Albanie lẫn người Serbie, lại giúp bảo tồn bản sắc văn hoá của những cộng đồng này. Tôi càng không tin rằng bom đạn của NATO có thể giúp giải quyết vấn đề.

Sự tách biệt trong nhiều thế kỷ trước đây đã khiến con người lãng phí một cách ghê gớm trong quá trình phát triển của mình. Chắc chúng ta ai cũng biết rằng người châu Âu hân hoan chừng nào khi phát minh ra thuốc súng để sau đó phát hiện ra rằng người Trung Quốc đã đi trước họ hàng nghìn năm, chúng ta vẫn cho rằng ngôn ngữ học hiện đại ra đời với tác phẩm "ngôn ngữ học đại cương" nổi tiếng của nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sỹ Ferdinand de Saussure, trong khi thực ra người Ấn Ðộ đã nghiên cứu ngôn ngữ học một cách khoa học đáng kinh ngạc từ gần 3000 năm trước đó. Bài học đó chúng ta học được ngay ở trong Kinh Thánh: nếu có một tiếng nói chúng, từ lâu chúng ta đã lên tới Thiên Ðàng.

Nhưng những điều đáng buồn nhất có lẽ vẫn chưa phải là những sự "phát minh lại" nhiều không thể đếm xiết, mà là sự nhìn nhận sai lầm và đầy định kiến về những giá trị của các nền văn hoá, những thế giới khác nhau. Sự chia rẽ về mặt địa lý, dù chỉ là mập mờ như chúng ta đã nói ở trên, làm cho con người có cảm giác rằng mình đặc biệt so với kẻ khác, rằng giá trị của mình đặc biệt lập so với giá trị của kẻ khác. Và họ luôn tự hào về sự đặc biệt ấy. Nhưng nếu tỉnh táo nhìn nhận thì những thứ được coi là đặc biệt ấy chỉ là những khác biệt, phần lớn bề ngoài, hoàn toàn không phải là những giá trị để tự hào, nhiều lắm nó chỉ có giá trị để phân biệt mà thôi. Giá trị mà con người có thể tự hào là giá trị về tính phổ biến. Goethe đã đúng khi ông khẳng định rằng nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó vươn tới những giá trị toàn cầu. Ðó chính là lý do vì sao những bài dân ca Italia có thể làm rung động trái tim một người dân chài trên sông và những bức tranh thuỷ mặc của người Trung Quốc có thể làm những chàng cao bồi Hoa Kỳ thích thú.

Theo chúng tôi thì cần phải có một thái độ đúng đắn và thích hợp với vấn đề. Bản sắc dân tộc có thể và cần phải đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người. Trong sự nghiệp phát triển, một chính phủ khôn ngoan phải biết phát huy những thế mạnh của tâm lý dân tộc. Người Nhật hình như đã làm được điều đó khá tốt, họ thậm chí biết biến những cái dở của mình thành thế mạnh. Việc nhấn mạnh những đặc tính dân tộc tự thân nó không sai, nhưng việc tuyệt đối hoá những đặc thù đó là một thái độ cực đoan. Nó dễ dẫn tới sự bảo thủ, khép kín, tự làm nghèo mình đi và không có khả năng bắt kịp với thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ.

Sự đa dạng bằng mọi giá là điều không thể chấp nhận, nhất là khi sự bảo vệ bản sắc của một cộng đồng được hiểu là tiêu diệt bản sắc của một cộng đồng khác. Cần phải hiểu rằng trong những nét đặc thù của dân tộc nào cũng có những mặt tiêu cực mà không nên duy trì. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là khư khư giữ lấy những gì khác người, kể cả những cái khác người đã trở thành lạc hậu, chỉ cốt giữ được "bản sắc", mà là lựa chọn những gì tốt đẹp nhất, cả của mình lẫn của người khác đẻ có thể nắm lấy những cơ hội đi tới tương lai. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải ý thức được rằng mình đang sống trong một thế giới duy nhất, cũng có thể nói là thống nhất, rằng chúng ta phụ thuộc và cũng vô cùng quan trọng đối với nhau. Chúng ta phải bắt đầu từ mô hình kinh tế mà Alvin Tofler từng mô tả bằng hình ảnh "con tàu vũ trụ": trái đất là một kho chứa hữu hạn các nguồn năng lực sống mà chúng ta không có quyền phung phí. Ðã quá lâu rồi, việc chúng ta không chịu học cách đối thoại, hoặc là đối thoại mà không có một thứ ngôn ngữ chung.

Nhưng cuộc sống đang buộc chúng ta phải thay đổi. Một cộng đồng dựa trên những tiêu chuẩn dị biệt thì tự nó sẽ mất đi sức sống. Vì thế, khi xây dựng các tiêu chuẩn cho cộng đồng của mình, con người phải dựa vào các tiêu chuẩn cộng đồng lớn hơn, các tiêu chuẩn đó, đến lượt nó, lại phải dựa trên những tiêu chuẩn lớn hơn nữa, và trên hết là những giá trị phổ biến toàn nhân loại.

Con người sinh ra không phải là để bảo tồn các giá trị hay bản sắc, không phải là để hội nhập, và thậm chí cũng không phải là để phát triển, mà là để sống. Những khái niệm như bản sắc, sự đa dạng, khả năng hội nhập hay sự phát triển...đều chỉ có ý nghĩa nếu nó phục vụ cho cuộc sống con người. Bản sắc và sự đa dạng của bản sắc không phải là cái mà người ta mua sắm được. Nó toả ra từ mọi mặt cuộc sống dân tộc, chảy không ngừng như một dòng sông nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó mang trong mình các thông điệp của cả cộng đồng nhưng cũng thể hiện ra ở mỗi cá nhân. Người Trung Hoa có lý khi coi mỗi người đều là hình ảnh của thế giới.

Trong một bài thơ tôi viết về dòng máu Việt: Chẳng chọn ta, ta cũng không hề lựa chọn - Là người Việt, dù muốn hay không tôi cũng không thể không là người Việt. Dân tộc tôi, cũng như dân tộc bạn, những cộng đồng đã tồn tại và phát triển trong hàng ngàn năm trên Trái Ðất không nguôi máu lửa, ngạo nghễ lớn lên bất chấp vật đổi sao dời, bất chấp mọi mưu đồ đồng hoá của ngoại bang, những dân tộc ấy chẳng cần chúng ta phải gìn giữ bản sắc, cũng chẳng cho phép chúng ta trốn tránh bản sắc của mình. Chỉ có chính cuộc sống của chính các dân tộc, với những thăng trầm, những vận động âm thầm không mệt mỏi, mới có thẩm quyền và khả năng quyết định những gì cần giữ gìn, những gì cần loại bỏ.

Nhưng có một điều quan trọng, điều giải thích tại sao chúng ta có thể chung sống được với nhau, đó là chúng ta không ngừng thuộc về nhân loại - Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói điều đó bằng việc trích dẫn người Mỹ và người Pháp ngay trong những dòng mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Riêng tôi, tôi tin rằng thời gian sẽ ủng hộ những giá trị phổ quát.


A.Q: Nhân vật của đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn, nổi tiếng với cái gọi là "Phép thắng lợi tinh thần".

Jean Tardieu, Lettre de Hanoi, bilingue, Phụ Nữ, Hà Nội, 2000.
Nguyễn Trãi, Ðại cáo bình Ngô.

Nguồn: Tham luận tại hội nghị bộ trưởng Các nước nói tiếng Pháp về Văn hoá, Bruxelles, tháng 6 năm 2001, in lần đầu trong Những đường bay của mê lộ, Hà Nội 2002.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    15/05/2016Lê Đăng DoanhChúng ta có nhiều đức tính để đón nhận sự thay đổi rất nhanh chóng khi bước vào thiên niên kỷ của sự sáng tạo và đổi mới, nhưng cũng rất rõ ràng là chúng ta cần xây dựng một tương quan lành mạnh giữa truyền thống với hiện đại, trong đó truyền thống phải tạo cơ sở để tiếp nhận cái mới, những tinh hoa của văn minh nhân loại.
  • "Phát triển bền vững" nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa

    25/09/2014Trần Hữu DũngTừ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cuộc hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước...
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Minh triết của giới hạn

    03/08/2005Nguyễn Trung HiếuTập sách này bắt đầu bằng những câu hỏi triệt để và quyết liệt. Triệt để nhưng không khép kín, tập sách mời gọi bạn đọc vào một cuộc phiêu du trí tuệ. Bằng cách tham gia vào cuộc phiêu du ấy, bạn sẽ tự phát hiện ra những ý tưởng của riêng mình...
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội

    19/07/2005Nguyễn Khoa ĐiềmBước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng kinh tế trở thành nhiệm vụ trung tâm. Tiếp đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng được khẳng định là then chốt việc xác lập nhiệm vụ trung tâm và then chốt trở thành yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ Quốc. Tuy nhiên hơn 10 năm lại đây, phát triển Văn hoá, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội đã trở thành mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống.
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • xem toàn bộ