Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

08:42 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2005

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.

Chuyện yếu nhiều người cũng đã nói: rất ít bản dịch đáng tin cậy; nhiều bản dịch giống như là những bài đánh đố. Ở đây tôi muốn nói về sự lệch lạc. Theo tôi, trong những tác phẩm thuộc nhiều ngành, cần thiết nhất là các sách nghiên cứu kinh điển, trước hết là triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học... Nhưng chúng ta chủ yếu tập trung vào văn học. Trong sách văn học, cái cần nhất hiện nay là sách lý luận, thì chúng ta lại tập trung vào sáng tác. Trong sách sáng tác, chúng ta cũng chỉ tập trung vào các tác giả cổ điển hoặc quen thuộc của một vài nước quen thuộc, chứ ít giới thiệu các tác giả đương đại. Trong số các tác giả đương đại thì chủ yếu tập trung vào các sách thương mại, chủ yếu của Mỹ.

Kết quả là nhận thức của chúng ta về thế giới vừa lạc hậu vừa phiến diện. Nhiều giáo viên văn học - cũng như các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - chưa bao giờ đọc, thậm chí chưa bao giờ biết đến những cái tên cực kỳ quan trọng đối với người cầm bút như Roland Barthes, Schklovskij, James Joyce hay Noam Chomsky. Cũng vậy, nhiều giáo viên dạy triết học chưa bao giờ đọc Platon, Aristote...

Ba nước tôi có điều kiện sống lâu nhất là Liên Xô, Pháp và Mỹ. Cái chung tôi thấy ở các nước này là trình độ tri thức rất cao, được hậu thuẫn bởi kho tài liệu vô cùng phong phú. Ngay ở Liên Xô ngày trước, tôi cũng có thể dễ dàng đọc hầu như tất cả các tác giả trên thế giới, kể cả các tác giả phương Tây. Ở Pháp cũng vậy.

Nhưng có lẽ khó nơi nào có thế sánh được với Mỹ. Chỉ cần đến một thư viện bất kỳ, bạn có thể mượn hầu như tất cả những gì đã từng in ra bằng tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Chỉ cần dùng tiếng Anh, bạn có thể đọc hầu như tất cả các tác giả quan trọng Đông Tây kim cổ. Nếu thư viện này không có, bạn có thể mượn từ thư viện khác qua mạng một cách dễ dàng. Điều này giúp cho sinh viên và các nhà nghiên cứu chỉ mất một thời gian ngắn là có thể cập nhật toàn bộ các thành tựu đỉnh cao trên thế giới.

Vì thế, sinh viên và các nhà nghiên cứu ở Mỹ luôn luôn đứng trên vai người khổng lồ. Theo tôi, dịch thuật chính là một cách đầu tư khôn ngoan của người phương Tây, cách rẻ nhất để thu hút trí tuệ của các dân tộc khác. Đó mới thực sự là cách "đi tắt đón đầu".

Trong một bài báo in trên Lao Động, tôi có đề xuất một chương trình dịch thuật. Theo tôi, trí tuệ nhân loại thì bao la, nhưng có thể rút lại khoảng 500 cuốn sách quan trọng nhất về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó chúng ta đã dịch tốt được khoảng 50 cuốn, bao gồm Chủ nghĩa Marx, Triết học Trung Hoa và một số tác giả phương Tây. Chúng ta cần có một kế hoạch dịch thuật các cuốn sách này, coi đó là cái vốn cơ bản để xây dựng một đội ngũ trí thức cho tương lai.

Tuy nhiên, đó là một chương trình dài hạn chứ không phải là một chương trình cấp bách. Trước hết, loại tác phẩm gốc như vậy chủ yếu dùng cho tầng lớp tinh hoa, mà tầng lớp này thường đã có (và cần phải có) khả năng dùng được ngoại ngữ. Hơn nữa, để thực hiện chương trình này, chúng ta phải mất khoảng mười năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trong thời gian đó, vài thế hệ học sinh, sinh viên, tức hàng chục triệu người đã ra trường.

Theo tôi việc cấp bách nhất đối với chúng ta hiện nay không phải là dịch các tác phẩm gốc, mà là dịch các tác phẩm mang tính phổ biến tri thức. Loại sách này cũng có thể chia thành hai loại, loại phổ thông và loại ở trình độ cao. Loại sách phổ thông dùng cho tất cả mọi người. Nó cho phép cung cấp kiến thức một cách dễ hiểu nhưng chính xác, toàn diện và có hệ thống về từng ngành khoa học xã hội. Loại sách trình độ cao dùng cho sinh viên các chuyên ngành hẹp và cả các giảng viên đại học thuộc các chuyên ngành khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, loại sách này hiện nay cực kỳ cần thiết ngay cả đối với các giảng viên đại học của chính các chuyên ngành hẹp đó. Chúng ta thường hay nói cần nâng cao dân trí. Nhưng muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao trí tuệ của chính những người đi dạy, tức là "giáo trí". Tất nhiên, cả hai loại phải là những cuốn sách do các tác giả có uy tín viết, do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, đã được thử thách và công nhận.

Nếu không quan tâm đến dịch thuật, nếu không xây dựng được một kho dữ liệu tối thiểu ngang tầm nhân loại, chúng ta mãi mãi chỉ có thể đào tạo một đội ngũ trí thức tuy có bằng cấp nhưng quê mùa, lạc hậu, mẹ hát con khen. Khi đó, mọi cải cách giáo dục đều thất bại. Mọi chiến lược đi tắt đón đầu vào kinh tế tri thức mà không dựa trên một nền tảng tri thức sẽ chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sinh viên và... nỗi buồn của sách!

    22/05/2015Linh Thoại"Tuổi thanh niên nên đến với sách như đi vào cuộc đời để tìm bạn". Đó là một trong những lời khuyên quý báu của André Maurois - nhà văn Pháp. Thế nhưng đọc sách có còn là một niềm vui tao nhã, một nhu cầu học hỏi không thể thiếu, nhất là đối với sinh viên - một bộ phận thanh niên được xem là trí thức trẻ ngày nay?
  • 800Mb thông tin cho mỗi người/năm

    22/05/2015Phan Khương (theo BBC, InfoTech)Sự phát triển của Internet, máy tính và điện thoại đã khiến lượng thông tin mà con người tạo ra và sử dụng tăng với tốc độ chóng mặt. Công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) cho thấy thế giới hiện đại đang "chìm" trong một biển dữ liệu...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • Về sự cần thiết xây dựng tủ sách kinh điển

    22/07/2005Nguyễn Cảnh BìnhKhông phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triển tủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một “hệ điều hành” cho xã hội Việt Nam. Hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cần phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận kỹ càng về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: cần dịch những cuốn sách nào với những nội dung nào và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.
  • Đọc sách trên mạng: Nhu cầu và cảnh báo

    09/07/2005Cùng với sự phát triển nhảy vọt của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các hình thức thưởng thức văn hóa nhất là văn hóa đọc cũng thay đổi theo một cách nhanh chóng.
  • Đi tìm danh sách "best seller"

    05/07/2005Để tìm hiểu thị hiếu của bạn đọc hôm nay, chúng tôi đã dựa trên những thống kê về các đầu sách bán chạy của các nhà xuất bản và các cơ quan tương ứng ở TP. HCM để có một cái nhìn tương đối về thị hiếu sách của bạn đọc tại thành phố này...
  • xem toàn bộ