Cách mạng Tháng Tám và giá trị của độc lập, tự do

09:36 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Tám, 2013

Xem thêm:

63 năm đã trôi qua kể từ ngày 19/8 năm 1945 - ngày nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử. Kỷ niệm ngày này là dịp để chúng ta tiếp tục nhìn nhận về những giá trị mà Cách mạng đã mang lại cho dân tộc.

Độc lập và hội nhập

Hai giá trị to lớn nhất mà tháng Tám đã mang lại cho dân tộc ta là độc lập và tự do. Mặc dù để bảo vệ thành công hai giá trị này, nhân dân đã phải tiếp tục chiến đấu và hy sinh thêm 30 năm nữa.

Độc lập là giá trị vĩnh hằng, nhưng không phải là một giá trị bất biến. Nó luôn luôn phát triển cùng với sự phát triển của dân tộc.

Đất nước Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ của hội nhập và toàn cầu hóa. Trong thời kỳ này, độc lập vừa là sự tự chủ, cũng vừa là sự hợp tác với bên ngoài. Độc lập vừa là tinh thần tự lực, tự cường, cũng vừa là sự tiếp thu thành tựu của thế giới, sự tận dụng các nguồn lực của thế giới để vươn lên.

Nếu chúng ta không vươn lên để đuổi kịp các nước đi trước, chúng ta khó lòng bảo đảm được một cách đầy đủ quyền độc lập của mình.

Mối quan hệ giữa tính độc lập và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc trong thế giới hôm nay là biện chứng. Không có bản sắc, không có những giá trị đặc trưng của riêng mình, chúng ta khó lòng bổ sung được giá trị gia tăng cho thế giới và khó lòng trở thành một phần cấu thành hữu ích của thế giới.

Tuy nhiên, không tiếp nhận luật chơi chung, không hợp tác và không tận dụng các thành tựu của thế giới, chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề và bị bỏ lại phía sau. Độc lập không loại trừ hội nhập, và hội nhập không tước bỏ giá trị của độc lập.

Trong thời Pháp thuộc, chúng ta không có quyền tự quyết, thực dân Pháp đã áp đặt rất nhiều thứ cho dân tộc ta, kể cả hệ thống pháp luật và chế độ chính trị. Ngày nay, chúng ta đã giành được toàn quyền tự quyết. Tuy nhiên, tự quyết không có nghĩa là muốn quyết thế nào cũng được.

Càng hội nhập sâu hơn, chúng ta càng phải có những quyết sách phù hợp hơn với luật chơi chung. Cân đối giữa bản sắc dân tộc và chuẩn mực quốc tế là một sự cân nhắc khó khăn. Tuy nhiên, ngoài tầm trí tuệ, sự nhạy cảm và bản lĩnh của chính mình, chúng ta không thể trông chờ vào sự mách bảo của bất kỳ ai.

Trao cơ hội cho kẻ yếu

Giá trị to lớn thứ hai mà Cách mạng tháng Tám mang lại làtự do. Tự do cũng là một giá trị vĩnh hằng, nhưng cũng không phải là một giá trị bất biến.

Tự do đóng vai trò quan trọng đối với sự giàu có và thịnh vượng của đất nước. Bởi vì tự do là động lực, đồng thời cũng là công cụ để phân bổ tối ưu mọi nguồn lực của đất nước. Không có tự do, một cá nhân không thể phát huy hết tiềm năng và sức mạnh sáng tạo của mình, không thể tự hoạch định và “mưu cầu hạnh phúc” cho mình. Không có tự do, nguồn nhân lực và tài lực của đất nước khó có thể được phân bổ hợp lý tối đa. Tuy nhiên, tự do không đương nhiên mang lại cho chúng ta công bằng - một trong những giá trị mà dân tộc ta đã đổ máu xương để theo đuổi trong gần suốt cả thế kỷ XX và cho đến nay. Ngược lại, tự do và cơ chế thị trường có thể làm cho sự phân cách giàu nghèo có thể ngày càng mở rộng.

Cân đối giữa tự do và công bằng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị hôm nay. Bởi vì mọi sự thiên lệch đều rất dễ dẫn đến những hậu quả bất lợi.

Nếu chúng ta chỉ coi trọng tự do, tiền sẽ chỉ được tập trung cho những người biết kiếm ra nhiều tiền nhất, đất chỉ được tập trung cho những người biết khai thác đất hiệu quả nhất. Kinh tế nhờ đó có thể sẽ phát triển nhanh chóng hơn. Thế nhưng, đại đa số những người bình thường khác thì thì sẽ ra sao? Xã hội có thể ổn định được bao lâu?

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ coi trọng công bằng, thì không khéo động lực kinh doanh và sáng tạo sẽ bị triệt tiêu. Trong một xã hội không ai có động lực để làm ra của cải nhiều hơn người khác, thì kinh tế sẽ đình đốn và sẽ xảy ra đói nghèo. Làm như vậy, không khéo chúng ta sẽ trở lại vết xe đổ của thời kỳ bao cấp, một thời kỳ trì trệ và khốn khó.

Như vậy, phải tận dụng cơ chế thị trường, nhưng đồng thời cũng phải phấn đấu để bảo đảm công bằng xã hội. Và nếu triết lý của cơ chế thị trường là kẻ mạnh hơn phải thắng, thì triết lý của dân chủ là kẻ yếu hơn phải có cơ hội.

Kết hợp cơ chế thị trường với việc mở rộng dân chủ và bảo đảm quyền tham gia quyết định của người dân phải là phương châm hành động của chúng ta trong thời kỳ mới.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Năm cánh sao vàng

    02/09/2016TS. Nguyễn Sĩ DũngGần 70 năm đã trôi qua, cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám mãi còn vẫy gọi. Và ngôi sao năm cánh vẫn còn toả sáng dẫn đường cho dân tộc ta đi về phía trước...
  • Cách mạng tháng 8 và người trí thức

    02/09/2016Mai ThụcKỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành...
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Cách mạng tháng Tám

    19/08/2016Lê Đăng DoanhCách mạng Tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại của tư tưởng phát triển, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập, tự do, hạnh phúc, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là những chân lý có sức mạnh mãnh liệt phát huy và khơi dậy sức mạnh của một dân tộc bị nô dịch, áp bức, bị chiến tranh và nạn đói tàn phá. Chính những tư tưởng bất hủ này đã trở thành sức mạnh vật chất của cả một dân tộc, chắp cánh cho dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng nước...
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Bản lĩnh và trí tuệ thao lược của Cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại còn sống động mãi hôm nay

    21/08/2009TS. Hồ Bá ThâmBài học lịch sử dù là bài học thành công hay thất bại thì từ chiều sâu của nó, nếu chúng ta biết phân tích, vận dụng sáng tạo thì luôn luôn là áng sáng soi đường cho hiện tại và tương lai. Bài học Cách mạng Tháng Tám là bài học thành công có nghĩa như thế...