Cái cần cho văn học trẻ
Phải nói ngay rằng, cái cần cho văn học trẻ vừa là một khái niệm, vừa là một câu hỏi khá chung chung. Thế nhưng, tự thân mỗi người cầm bút lại hay đặt ra trong những lúc muốn nhìn lại công việc viết lách của chính mình.
Như chính những chương trình gặp gỡ hay đại hội “những người viết văn trẻ” gần đây. Qua các tham luận, qua các trao đổi ở hành lang, qua dư luận trước sau sự kiện, rõ ràng những người cầm bút trẻ có tâm huyết chưa hẳn đã cần một tác phẩm được in, chưa hẳn đã cần một giải thưởng, và chưa hẳn đã cần một số lượng bạn đọc đông đảo. Bởi muốn có được những điều này, trước hết họ cần một quá trình khác: đó là quá trình sáng tạo.
Những người cầm bút trẻ bây giờ có rất ít thời gian dành cho việc suy nghĩ và viết, vả lại hay tự xem mình là “nhà thơ - nhà văn” trước khi trải qua quá trình lao động sáng tạo cật lực, làm ra những tác phẩm đích thực (thậm chí phi đích thực có chủ ý), có nhiều sự đầu tư. Chính vì thế mà cái danh, vô tình, lại có trước cái thực; nó đánh tráo giá trị của cái thực và người ta tin vào cái danh hơn, như cách họ tin vào số lượng đầu sách, tin vào các giải thưởng tất nhiên có rất ít giải thưởng uy tín) mà tác giả nào đó đạt được.
Cho nên, cái mà những người cầm bút trẻ cần, nói như Trần Nhã Thụy là: một tay nghề - một sự chuyên nghiệp trong công việc cầm bút. Bởi nghề cầm bút thường bất ổn, chưa hẳn bạn viết được tác phẩm trước thành công thì tác phẩm sau sẽ thành công. Vì thế, dù xem viết văn - làm thơ là nghề thuộc về tay nào đi nữa thì cũng phải biết (ít ra trong ý thức) mình muốn gì, và mình muốn làm được những gì trong từng tác phẩm, tất nhiên bằng khả năng đã tự đào luyện từ trước.
Còn nói như Nguyễn Danh Lam, thì văn học trẻ bây giờ có diện mạo quá hiền hoà, thỉnh thoảng mới có một tác phẩm "đèm đẹp", loáng thoáng suy tư, loáng thoáng trăn trở. . ., mà thực sự thiếu những tác phẩm mang chất trẻ, sự dữ dội và dám đề cập những vấn đề dữ dội, gai góc, thậm chí nhiều người tránh né.
Còn nói như Khúc Duy, thì riêng chuyện in thơ ồ ạt như hiện nay thì cũng đủ làm cho người làm thơ phát ngán, họ tự hỏi: thơ đâu mà nhiều vậy, thơ đâu mà dễ dãi vậy? Sao ai cũng làm thơ hết vậy? Khúc Duy cho rằng, cái cần cho những người làm thơ bây giờ là sự so sánh, nếu muốn cách tân đổi mới được thì cần phải có sự so sánh; mà muốn so sánh được thì ít ra cũng cần những bản dịch tốt về thơ đương đại quốc tế, trong xã hội thông tin như bây giờ, từ chối đọc và giao lưu quốc tế thì cũng đồng nghĩa là từ chối sự khẳng định chính mình.
Hiện nay, theo Bùi Chát, thì bạn đọc không theo kịp những cách tân của người làm thơ là bởi họ không được sự chuẩn bị tâm lý, không được học; người làm thơ bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, còn người đọc thì băn khoăn không biết đọc ai. Và khoảng cách giữa người làm thơ và bạn đọc ngày càng cách xa, đây là một khoảng cách không tốt, bởi chỉ với sự theo sát tích cực của bạn đọc mới đủ làm cho người sáng tác đi nhanh và xa hơn.
Còn theo Thanh Xuân thì tính thời trang - chạy theo mode đang thịnh hành trong những người cầm bút, ban đầu là ở tác phong, sự giao tiếp, sau thì đi vào tác phẩm, trong nếp nghĩ. Chính sự chạy theo thời trang này làm cho những tác phẩm cứ hệt hệt nhau, rất ít cá tính, rất ít sự khác biệt cần thiết. Nhưng để thoát ra được tính thời trang là một việc làm không phải dễ, bởi đời sống-công việc và ngay cả giấc mơ của nhiều người hiện nay đã gắn với thời trang (theo nghĩa rộng) rồi.
Nguyễn Vĩnh Nguyên thì cho đó là sự giới hạn quá đáng của những người làm công tác biên tập, họ e dè - thậm chí - tự hạ thước đo chung xuống, từ một truyện ngắn, một bài thơ đến cả một tập, dấu vết cắt xén, “biên tập” là khá rõ. Nó làm cho các tác giả e dè khi nghĩ đến chuyện gởi những tác phẩm tâm huyết nhất của mình để in ấn.
Còn theo Nguyễn Quán, đôi lúc người cầm bút phải trở nên "hèn đi", làm những việc thoả hiệp, không phải mình… chỉ vì việc ấy liên quan đến vấn đề mưu sinh. Đa số các cây bút trong TPHCM hiện nay, ít nhiều đều có liên quan tới báo chí, mà viết báo thì nhiều khi phải thoả hiệp ngòi bút để chạy theo số lượng tin, bài. Nói chung, có quá nhiều việc cho một người cầm bút hiện nay, khi mà văn chương đang mất cái thế, tạm gọi là, danh giá…
Tóm lại, cái thật sự cần cho văn học trẻ hiện nay là một cách nghĩ khác, cởi mở và mới hơn, chấp nhận sự thể nghiệm, chấp nhận sự chung sống của nhiều cá tính khác nhau. Ngoài ra, cũng cần một sân chơi khác, tiện ích và “trực tuyến” hơn, như một trang web chẳng hạn, vì văn học đang cần thêm và thực sự đang có thêm một cách thức tồn tại khác. Một trang web do Hội Nhà văn, báo Văn Nghệ hay một địa chỉ chính quy nào đó tổ chức, với một ban biên tập tiến bộ, dân chủ sẽ giải quyết được khá nhiều vướng mắc về in ấn, chi phí và bạn đọc như hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt