Ðề tài hay không đề tài?
Thực tế sáng tác hiện nay đặt cho chúng ta một câu hỏi: đề tài cần thiết hơn hay tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ cần thiết hơn.
Không biết từ bao giờ ở nước ta, tính đề tài được nhấn mạnh quá mức. Có lẽ do quan niệm nghệ thuật là để phục vụ nhân sinh, sau nữa, do nhu cầu phục vụ cách mạng, nên các nghệ sĩ-chiến sĩ đã dốc sức vẽ, viết những "đề tài ưu tiên" như lãnh tụ, công nông binh sinh hoạt..., lao động sản xuất.
Ðiều này gắn với thực tiễn chiến đấu và dựng xây đất nước trong nhiều năm trời. Người nghệ sĩ luôn coi mình là một công dân đầy trách nhiệm. Ðó là một hình ảnh đẹp nhưng chưa đủ, quá nệ vào đề tài phục vụ trực tiếp đã khép nghệ thuật tạo hình vào vòng hiện thực thị giác suốt cho đến tận đầu những năm 90 (của thế kỷ trước).
Thực ra với nghệ thuật phương Ðông, yêu cầu có đề tài là một điều không lạ. Vì thẩm mỹ truyền thống coi nghệ thuật rất tượng trưng, trong thủ pháp ước lệ. Phải mượn một đề tài nào đó để nghệ thuật gá chân, điều đó cũng dễ cho người ta thưởng thức. Các cụ ngày xưa vẽ mai lan cúc trúc, tố nữ, sơn thủy, nhân vật, hoa điểu thảo trùng, truyền thần, tiếu tượng (gần như chân dung). Mấy trăm năm vẫn vậy. Tranh in khắc dân gian thì in đi in lại không biết chán những tranh gà, lợn, cóc, Hứng dừa, Ðánh ghen, Ðám cưới chuột...
Ở phương Tây, cho đến tận thời kỳ Ấn tượng (cuối thế kỷ 19) vẫn lấy phong cảnh làm đề tài chủ đạo. Từ đó về trước cho đến Phục hưng thì phổ biến là các đề tài tôn giáo, lịch sử, sinh hoạt... vẽ cái gì chứ không phải vẽ thế nào luôn luôn là sự chọn lựa của các họa sĩ qua nhiều thời kỳ.
Và từng thời kỳ, sự lựa chọn này có khi đem lại những thành công, đem lại sự tán thưởng của công chúng- nhưng cũng có khi ngược lại. Họa sĩ tài năng ít khi phải đắn đo chọn lựa.
Ở nước ta, những tác phẩm thành công nhất của nền hội họa cách mạng cũng chính là những tác phẩm mang tính đề tài rõ rệt, cho đến bây giờ, sau hàng chục năm và chắc chắn còn nguyên giá trị lâu hơn nữa, những tác phẩm của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm..., vẫn là những tác phẩm hàng đầu, vừa hiện đại, vừa tài hoa, vừa đậm chất hiện thực.
Ðối mặt với đề tài, các họa sĩ Việt Nam ngày nay sinh ra hai thái độ. Một là ứng phó. Các triển lãm phong trào của Hội Mỹ thuật tổ chức gần đây như Triển lãm kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không, Triển lãm hằng năm về các lực lượng vũ trang, Triển lãm Nông nghiệp, nông thôn và người nông dân trong thời kỳ đổi mới...
Phần lớn tranh vẽ mờ nhạt, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Có họa sĩ còn vác cả tranh cũ đi hết triển lãm này đến triển lãm khác. Nhiều họa sĩ có thực tài không hưởng ứng, có lẽ nghe đến chữ đề tài là nỗi sợ ám ảnh từ lâu lại trỗi dậy.
Mặt khác, giải thưởng của những triển lãm tuyên truyền này không cao, không hấp dẫn với các họa sĩ trẻ. Ðó là tình trạng kéo lê thê của nghệ thuật đề tài từ thời bao cấp, không phản ánh được "tinh thần thời đại".
Thái độ thứ hai là việc chạy theo đề tài (của các giải có giá trị cao) mà nhiều người gọi giễu là "săn giải". Hầu hết các giải này do phía nước ngoài tổ chức như giải ASEAN của Philip Morris hoặc Ánh mắt trẻ của Pháp.
Một số họa sĩ trẻ, rất "nhạy cảm" với gu của các loại triển lãm này nên tranh của họ "bám" rất sát "gu" những người chấm giải. Ðiểm mặt những loại tranh "quằn quại" hay tranh "môi trường" thì thấy rõ ngay "chất" của họ. Trên tranh, cảm xúc cá nhân của nghệ sĩ không khớp được với vấn đề xã hội thực tế nó nêu lên. Nên sinh ra kiểu vẽ phịa, playgame với ban giám khảo trên bề mặt tác phẩm.
Xét cho cùng thì cả hai thái độ này đều là thái độ phi nghệ thuật. Vì đề tài của nghệ thuật hiện đại-cái thời không gò bó nghệ thuật vào bất cứ một sự lựa chọn nhất định nào-sinh ra từ chính nhu cầu cuộc sống. Nó sinh ra cả từ bức thiết cá nhân và cái tạng của nghệ sĩ. Cùng vẽ động vật, cây cối, nhưng có người chỉ giỏi vẽ chó, mèo. Có người lại thích vẽ trâu bò, ngựa. Có người thì hoàn hảo ở cây chuối, cây tre. Có người thích vẽ chân dung, người tìm đến các thiếu nữ... Có người lại sôi lên với các vấn nạn xã hội... Nhưng tựu trung, trong nghệ thuật chỉ có hai thái độ, "nhập thế" và "duy mỹ".
Cũng như nghệ thuật bây giờ có nghệ thuật có đề tài và nghệ thuật không đề tài. Ðiều đó giống như cuộc sống có sự vật hữu hình và trạng thái vô hình luôn đi đôi với nhau. Với người nghệ sĩ thái độ ứng xử của họ với đề tài chính là thái độ nghệ thuật.
Nguồn:Báo Nhân dân
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu