"Cô đơn là bản chất của nghệ sỹ"
Luôn bận rộn với các công việc quản lý, lúc nào cũng nhìn thấy ông tất bật cho việc giao ban, họp hành, báo chí... vậy mà khi đến với thơ thấy ông say sưa như thể những vần chữ đang cuốn ông đi. Với gần 30 tác phẩm gồm đủ các thể loại: thơ, truyện thiếu nhi, kịch, kịch bản phim, tuỳ bút, ký, nghiên cứu văn học, nhà thơ Vũ Duy Thông đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam. Ông vẫn tâm niệm "Thơ là cuộc điều trần với chính mình và lời hoà giải với đồng loại".
- Là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung Ương, một trọng trách nặng nề, có phần cứng nhắc, vậy mà ông vẫn có thơ hay đều đặn trên các báo. Ông phân bổ thời gian cho thơ như thế nào?
- Thực ra, khi mới vào nghề thơ bị tranh chấp bởi rất nhiều niêm đam mê khác, nên lúc đó bị báo chí phân thân, bị truyện ngắn phân thân... hay một số nhu cầu nào đó lấn át, nhưng càng ngày mình sẽ bị kết tủa, có thể làm rất nhiều việc, nhưng thơ là máu thịt thì sẽ không bao giờ bị gạt ra khỏi đầu mình được. Trong một con người tiềm ẩn rất nhiều con người khác nhau, có thể là một nhạc sỹ, một nhà thơ, một kịch sỹ, một nhà chính trị, thậm chí là một nhà buôn nó vẫn cùng tồn tại được và không loại trừ nhau. Chỉ một nhà thơ nghiệp dư thì mới nói rằng anh ta lấy đâu ra thời gian để làm thơ. Không nên hỏi một nhà thơ chuyên nghiệp là anh làm thơ vào lúc nào mà nên hỏi rằng tại sao anh lại viết giỏi như thế!
- Một ý tưởng thơ của ông thường bắt đầu như thế nào?
- Tôi rất nghi ngờ những người làm thơ theo dự định, dự định về thời gian, dự định về nội dung, dự định về loại thể... kiểu làm thơ này sẽ cho ra một sản phẩm rất ngô nghê! Có thể trong một cuộc họp, trong một lúc đi đường, một lúc bất chợt nào đó, hay lúc nghoệch ngoạc vài chữ vào bao thuốc lá... nẩy ra một câu thơ, và nếu câu thơ ấy cứ bám riết lấy mình, cứ đeo đuổi lấy mình mà không dứt ra được thì một lúc nào đó nó sẽ thành một bài thơ.
- Có lần ông nói nhà thơ thường có nhu cầu được cô đơn, vậy ông có hay cô đơn không và những lúc cô đơn ông thường làm gì?
- Phải nói nỗi cô đơn chính là bản chất của người nghệ sỹ, bởi vì bao giờ nghệ thuật cũng đòi hỏi đưa ra một sản phẩm phải mới, chưa từng xuất hiện. Phải là một sản phẩm duy nhất, với mọi người và với ca chính mình. Điều đó có thử thách. Nếu một sản phẩm mình đưa ra lạ hoắc mà mọi người không hiểu gì cả, đó là một sự đối thoại trong cô đơn tuyệt đối. Nhà thơ, nhà văn như một cái mỏ có nhiều tầng vỉa, trong giao tiếp xã hội đó là tầng mặt của mình, và muốn tìm đến những vỉa quặng đầu tiên thi phải bóc từng lớp vỏ mặt ấy đi đã và càng bóc sâu hơn càng quý giá. Nhà thơ cần phải sống một lúc bằng tầng mặt và bằng tầng vỉa sâu phía dưới. Có một thực tế là không phải lúc nào những người thân của mình cũng hiểu mình, nhưng nhiều khi mình lại thích sự không hiểu đó, đấy là một thân phận của người nghệ sỹ. Có tất cả mọi người nhưng lại không có ai cả. Có cuộc thám hiểm nào mà lại đông người, hành trình đi đến nghệ thuật là những cuộc thám hiểm vô tận vào thế giới tâm hồn của con người và đã là thám hiểm thì phải ít người, những người có tài năng nhất phải đi đầu, và những người đi đầu thường không biết đến ai cả ngay cả người bên cạnh. Lúc cô đơn, tôi hoà mình vào sáng tạo.
- Thường thì các nhà thơ vẫn đi tìm sự mới lạ trong cảm xúc, gần đây thơ của ông có thấp thoáng một bóng hồng? Phải chăng đấy là nhân vật trữ tình tạo nên cảm xúc mới trong thơ ông?
- Có những nhà thơ viết thơ để tặng riêng một người, nhưng bài thơ ấy ra đời chỉ có giá trị với một người thì nó chẳng của ai cả. Tại sao cứ phải nghĩ rằng phải có một người yêu cụ thể thì mới có thể làm được thơ, tôi nghĩ rằng chính người yêu cụ thể ấy lại không bao giờ đẻ ra thơ ca.
- Có nghĩa là thơ chỉ đi "lừa" người ngoài chứ không đi lừa người nhà?
- Cái "lừa" ấy chính là bản chất của nghệ thuật đấy. Nếu không có sự lừa ấy để viết ra một bài thơ mà ai cũng cảm thấy có bóng dáng mình trong đó có vô số những buổi hẹn hò, vô số những lần nhớ nhung nhưng ai cũng nghĩ rằng đó là một lần cụ thể nào đó mình đang viết về họ, nhưng thực tế lại không có họ, chính điều đó làm cho bài thơ có giá, cái lừa ấy là cái lừa của nghệ thuật.
- Thơ là gì theo cách định nghĩa của ông?
- Xưa nay đã có những định nghĩa kinh điển, rằng thơ là sự trình diễn những con chữ trên một mặt phẳng rỗng, hay thơ là một loại hình văn học mà ở đó tiết kiệm từ ngữ được đạt đến mức tối đa... Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đi tìm một định nghĩa chính xác về thơ. Một thực thể sống động không bao giờ định nghĩa cả. Chúng ta cứ viết, nếu đó là thơ thì sẽ được độc giả gọi là thơ, và ngược lại người ta bảo đây mà là thơ sao, thì có nghĩa đó không phải là thơ.
- Công tác tại Ban tư tưởng, có bao giờ ông nghĩ đến tính tư tưởng trong một bài thơ không?
- Tư tưởng là gì? Nếu nó là những điều tôi nghĩ thì thơ không thể thiếu tính tư tưởng được. Nói một cách triết học thì ý thức về mình là tư tưởng. Còn nếu hiểu rằng tư tưởng là một khuôn thước, một chuẩn mực nào đó để ràng buộc một ý nghĩ con người phải tuân theo để hoà nhập vào một khối cộng đồng, thì thơ không cần những điều đó.
- Thời gian gần đây ông viết nhiều cho thiếu nhi: truyện ngắn, thơ, phim hoạt hình...phải chăng ông đang muốn sống lại thời thơ ấu của mình?
- Không hẳn thế, lý do đơn giản chỉ vì nhà xuất bản Kim Đồng đang cần bản thảo, nhà thơ Định Hải,nhà thơ Tô Hà lại khuyến khích một cách đắc lực, sau đó tôi cảm thấy hứng thú và chăm chút để viết cho trẻ con, tôi đang hoàn thành nốt ba tập phim hoạt hình "Cuộc phiêu lưu của ong vàng". Tuy nhiên để hoà được vào thế giới trẻ thơ thì hồi ức về thời thơ ấu là một điều không thể thiếu trong sáng tác của mình.
- Quan điểm sáng tác của ông? Ông thuộc "tuýp" người nào?
- Tôi thuộc hàng những nhà thơ "ăn ngay", nhà thơ của đám đông, được số đông tung hê (có thể sau đó người ta sẽ lãng quên), nhưng tôi không có một diễn giả đông đúc như một số nhà thơ khác. Tuy nhiên, nhiều khi tôi thích lặng lẽ, trong một bài thơ tôi viết như một lời tự bạch: "Ở góc trời kia tôi tự sáng cho mình/ Đơn độc ngôi sao, ngọn lửa/ Để may ra trong giấc mơ dang dở/ Con chuồn kim đỏ thắm lại bay về". Tôi có một ý nghĩ về tham vọng của con người thế này: chân trời ở đâu? chân trời ở ngay dưới chân mình, đừng nhìn nơi mình sẽ đến, hãy nhìn nơi mình xuất phát để từ đó bay lên.
- Ông có quan tâm đến thơ trẻ không, ông nhận xét gì về họ?
- Nói cho cùng họ không có gì mới cho dù có nhiều cách diễn đạt khác lối thơ truyền thống. Hãy tưởng tượng một búp măng, bóc hết các lớp vỏ, trơ ra cái lõi hoặc không có gì cả hoặc có những điều rất cũ. Tôi dọc hàng nghìn bài thơ của các cây bút trẻ, thấy đôi khi thơ họ giống như một thứ kem bông, to nhưng xốp. Cái lõi để định hình tên tuổi trong các bạn trẻ chưa có, nói như thế này không biết có được không : chợ rất đông nhưng tan phiên chợ rồi thì cũng không còn gì nữa cả. Bên trong khuôn cửa có đã bắt đầu có một thế giới khác, song là gì thì chưa định hình được
- Lời khuyên ông dành cho bạn trẻ là gì, với tư cách một nhà thơ đi trước?
- Đừng đi tìm nhiều thứ quá, đừng đại ngôn, trước hết hãy tìm về chính mình. Đôi khi tôi thấy các bạn làm thơ như một phong trào và có sự ghanh đua nhau. Họ khẳng định mình trước mọi người chứ không phải mình trước mình. Cái còn lại là trong lòng người chứ không phải trên đầu sách.
Tự thuật
Tôi đi rất nhanh
ngày vẫn kịp tàn
Tiếng chuông buông những vầng trăng khoét rỗng
Tôi tìm rất xa
làn mây trắng tử thương
Chớp quất roi kéo trời thấp xuống
Tôi gọi rất to
thuyền vẫn rút cầu
Sào tre khuấy những lời hứa hẹn
Cuộc đời bến tỉnh bến mê
Tôi chầm chậm về em
Sông mất bờ thầm thào biển sóng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt