Con người sinh thái, con người tâm linh

04:24 CH @ Thứ Tư - 11 Tháng Hai, 2009

I – Thiên địa nhân hợp nhất – con người là một tiểu vũ trụ

Đây là một triết lý cơ bản, nền tảng của triết cổ phưong Đông có ý nghĩa thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận hết sức sâu sắc, nhưng ít được phân tích sâu, có hệ thống trong các chương trình học tập và nghiên cứu triết học ở nước ta, trong khi đó cả Đông Tây đều đánh giá cao nguyên lý này.

Ngày nay đã có khá nhiều sách báo trong và ngoài nước nói về trường sinh học và tâm linh, chẳng hạn, GS. Hoàng Phương cũng đã có cuốn Con người và trường sinh học, hay Tích hợp văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, hoặc gần đây có cuốn của Hằng Nga – Ngoại cảm, sự thật hay huyền thoại, hoặc Roberto Assagioli với Siêu cá nhân. Vấn đề này đang là vấn đề hóc búa của khoa học và của triết học, tuy đã có một bước nghiên cứu nhưng có vấn đề chưa đủ mức sáng tỏ về mặt thực nghiệm. Tuy vậy, chúng ta cần nghiên cứu, nhận thức từng bước, phân tích ở mức độ có thể. Từ các vấn đề khoa học có thể làm sáng tỏ các khía cạnh triết học của vấn đề con người là tiểu vũ trụ, con người tâm linh.

Theo quan niệm phương Tây cổ điển thì con người là chúa tể muôn loài, thống trị tự nhiên mà giới tự nhiên là một vũ trụ tách rời được cấu tạo từ các nguyên tử nhỏ nhất không thể phân chia được. Con người là một động vật bậc cao, động vật chính trị; con người mà tự nhiên thì sinh ra xác, còn Chúa - "Ý niệm" (Hêghen) sinh ra tinh thần độc lập với nhau một cách nhị nguyên và bài trung, thiên về phương pháp phân tích tìm cái khác nhau giữa các hiện tượng giống nhau. Phương Tây cho rằng con người là một động vật cao nhất trong giới tự nhiên, họ chỉ làm rõ được mặt tiến hóa, nhưng không chú ý làm rõ sự giao cảm giữa con người và vũ trụ về mặt sinh thái, tuy rằng sau này khoa học tự nhiên và sinh học hiện đại đã có trở lại những ý tưởng thời cổ đại và bổ sung phát triển mặt đó. Trong tôn giáo, họ chỉ chú ý mặt sinh thành tinh thần, và con người đứng đối lập với tự nhiên để không chế, thống trị tự nhiên, chứ không phải sự hòa điệu vũ trụ thiên – địa – nhân hợp nhất, vạn vật đồng nhất thể.

Còn phương Đông xưa đã quan niệm thế giới là một vật chất vô hình - vạn vật đồng nhất thể – Đạo, Thiên – Địa – Nhân hợp nhất, con người là tiểu vũ trụ với phương pháp luật phi bài trung, và phương pháp tổng hợp, tìm cái thống nhất, giống nhau của các cái khác nhau.
Con người là tiểu vũ trụ là một quan niệm sâu sắc, ở đó con người là một bộ phận hữu cơ của vũ trụ, sánh ngang với trời đất, đối xứng với trời đất, đồng nhất với vũ trụ, có cùng bản thể - bản thể vật lý - tâm linh, tương đồng, liên thông, hoà điệu với vũ trụ, mà theo quan điểm toàn đồ thì bộ phận cũng là toàn thể, chứa đựng, thể hiện toàn thể. Ngay Đổng Trọng Thư cũng cho rằng Trời sinh ra người, Trời dựa theo cấu tạo của bản thân mà sáng tạo ra người thì cứ lấy người mà xét trời.

1)- Cơ thể Ketheric, tại đây tâm thức thực hiện các quan điểm cao cấp về tri thức (tổng hợp) và hệ thống đức tin;
2)- Cơ thể Thiên, tâm thức biểu hiện cảm xúc cao cấp như tình thương bao la trùm lên mọi sự sống;
3)- Cơ thể Eheric mẫu, tâm thức biểu hiện dạng ý thức cao cấp về sự vật xuyên qua bề ngoài của chúng;
4)- Cơ thể Tinh tú, tâm thức ở đây là vượt qua từng người, mang tính nhân loại;
5)- Cơ thể Tâm thần, ở đây tâm thức biểu hiện tư duy lý tính, phân tích giản đơn;
6)- Cơ thể Cảm xúc, tâm thức biểu hiện những cảm giác như khoái lạc, sợ hãi buồn, giận, lo, vui, tình yêu…;
7)- Cơ thể Vật lý, tâm thức ở đây ở dạng bản năng, phản xạ và điều khiển tự động của các cơ quan nội tạng .

Như vậy, cần hiểu con người trong tổng hòa giữa cái hữu hình và vô hình, không nên coi nhẹ mặt nào, dù rằng hàng ngày chúng ta thường chỉ thấy mặt hữu hình.

Nhưng Thiên - Nhân không chỉ tương đồng, tương cảm mà còn tương dữ, tức là vừa đồng nhất vừa cách biệt, có khi đối lập.

Quan niệm này nói lên sự tác động lẫn nhau giữa trời và người, tất nhiên mang tính chất cảm nhận trực quan, trực giác cả ở Trung Quốc và Việt Nam thời trước dưới ảnh hưởng của tư tưởng Tống Nho. Sự cảm ứng trong quan niệm phương Đông vừa có tính biện chứng duy vật, nhưng cũng có mặt duy tâm (tuỳ theo cách hiểu về Trời như thế nào?). Điều đáng chú ý là Trời có thể gây tác hại hoặc tác lợi cho con người và con người có thể làm cho Trời nổi giận, hoặc mang lại điều lành cho con người. Con người phải thuận với lòng Trời, tuy nói trời cũng thuận theo người thì là chủ quan chủ nghĩa. Nhưng người làm sai lòng trời như việc con người làm suy thoái môi trường, suy thoái hệ sinh thái thì trời trừng trị trả thù con người là đúng như ngày nay ta hiểu bằng khoa sinh thái học. Còn nếu xét thuần tuý về đạo đức chính trị xã hội mà nói rằng do vua, quan độc ác với dân nên trời sinh ra lũ lụt, hạn hán, hoặc vua quan chăn dân, phải đạo với dân thì trời ban phúc cho mưa thuận, gió hòa… là đã tuyệt đối hóa tác động của con người đối với trời một cách không đúng, tuy điều đó có ý nghĩa đạo đức mang tính răn đe nhưng lại bất lực và duy tâm trong các biện pháp phòng chống thiên tai như chỉ cầu Trời khấn Phật (Đàn nam giao ở Huế thời Nguyễn là một điển hình) hoặc chỉ là khuyên can "tự kiểm" về mặt đạo đức của vua quan.

Tác phẫm của GS Nguyễn Hoàng Phương: "Tích hợp văn hóa Đông Tây cho một chiến chiến lược giáo dục tương lai"đã có phân tích khá hệ thống về vấn đề con người là một tiểu vũ trụ nói trên, từ góc độ triết lý phương Đông và các cận khoa học phương Tây, tuy góc độ xem xét chỉ nặng về phương diện khoa học tự nhiên, nhưng rất đáng trân trọng. Tuy vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn nữa cả mặt sinh thái học tự nhiên và sinh thái nhân văn. Đồng thời từ đó hình thành một khái niệm mới tích hợp: con người sinh thái, cùng với khái niệm con người tâm linh làm sâu sắc thêm những phương diện khác, tổng hợp về con người, chứ không chỉ là con người kinh tế, con người xã hội.

Con người ở đây không phải xét ở góc độ chính trị xã hội như trong Nho giáo mà là ở góc độ tự nhiên, góc độ sinh thái, con người là sản phẩm của tự nhiện, hòa điệu với tự nhiên, chịu sự tác động tương sinh, tương đồng, tuơng cảm, tương ứng…với tự nhiên từ những vật chất không chỉ hữu hình mà là vô hình theo kiểu Thiên (nhật, nguyệt, tinh tú) - Địa (phong, thuỷ, hỏa) - Nhân (tinh, khí, thần) hợp nhất, trong đó con người là vạch nối trời và đất, ở đó năng lượng trời và đất giao nhau, hòa điệu trong tuỷ sống con người; đồng thời con người cũng mang lòng tất cả những thuộc tính (vật lý và tâm linh) của vũ trụ (cha mẹ sinh con, trời sinh tính). Con người như thế là một tiểu vũ trụ, tức là con người đối xứng với vũ trụ, một bộ phận của vũ trụ và là một hệ thống mở mà theo quan điểm toàn đồ thì bộ phận mang trong mình cái toàn thể (tiểu ngã và đại ngã).

Con người và con vật có một số cá tính biểu trưng chung (mười hai con giáp); con người và các ngôi sao cũng có những số phận tương đồng, con người (các sao chiếu mệnh) và các sự vật vô cơ hoặc hữu cơ trong thiên nhiên (mộc, hỏa, thổ, kim, thuỷ); con người sống trong môi trường phong thủy (ảnh hưởng của ánh sáng, nước, không khí… đến trạng thái sức khoẻ và tâm lý tốt hoặc xấu của con người - chủ nhân ngôi nhà), môi trường địa linh nhân kiệt, những ảnh hưởng của nguyên khí vũ trụ, cả thông tin và năng lượng theo cách hiểu ngày nay, đến các nhân tài; con người cũng có cấu tạo theo mô hình cấu trúc vũ trụ; không chỉ mội trường tự nhiên và xã hội mà cấu tạo sinh học của con người củng ảnh hưởng tới tâm tính, diện mạo của con người (nhân tướng học); con người là một hệ thống sóng có tôn ti trật tự bao gồm nhiều băng sóng có tần số cao thấp khác nhau, chồng lên nhau, và chúng lại nằm trong một môi trường cũng chứa đầy các băng sóng (cận vật lý), từ đó con người có thể nắm bắt được các năng lượng và thông tin vũ trụ để phát huy những tiềm năng siêu nhiên kỳ lạ (trường sinh học) mà ta chưa biết hết (thần giao cách cảm); con người nhận thức thế giới không chỉ bằng duy lý, lôgích mà cả bằng trực giác, tâm linh; con người và môi trường là một (khoa học Thời châm trong Đông y học), trời đất sinh ra là vì con người (quan điểm vị nhân), đạo người con người theo đạo trời mà làm chủ bản thân.

Ngày nay, với con mắt khoa học hiện đại về môi trường và khoa sinh thái học, di truyền hiện đại… càng thấy rõ triết lý Kinh dịch… phương Đông cổ và khoa học phương Tây hiện đại gặp nhau, bổ sung cho nhau. Rằng con người phải sống hài hòa với thiên nhiên, hòa điệu với bản thể vật lý - sinh học - tâm linh vũ trụ, nếu không con người sẽ bị huỷ diệt.

Với việc khoa học khám phá ra con người tâm linh, chứng minh tính hiện thực của nó qua cơ chế và mô hình 7 cơ thể vô hình, như nói ở trên, cho phép hiểu rõ nguồn gốc sáng tạo của con người trên hành tinh trên cơ sở của các cận khoa học và Kinh dịch là điều vô cùng thú vị. Đi sâu vào tâm thức (cả vô thức và hữu thức, tư tưởng và siêu thức) con người và vũ trụ là xu hướng đi sâu vào bản chất, bản thể con người càng sáng tỏ hơn khi tiếp cận theo phương pháp luận tích hợp, hệ thống.

Tất nhiên, con người sống không chỉ trong môi trường tự nhiên mà còn sống trong môi trường xã hội sinh thái nhân văn, môi trường thực sự thể hiện tính người như thế nào. Môi trường nhân văn và con người hiện nay cũng còn nhiều nghịch lý đang hủy hoại nhân phẩm con người. Con người muốn sống lành mạnh, bền vững, hạnh phúc thì phải sống phù hợp với các qui luật sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội, quy luật của thế giới nội tâm, phát triển được mọi tiềm năng, tiềm lực của mình phục vụ cuộc sống của mình và xã hội.

Con người sinh thái, con người tâm linh là cách nói hiện đại được hiểu trên cái nền tư tưởng con người là tiểu vũ trụ, thiên địa nhân hợp nhất và tư tưởng khoa học tự nhiên hiện đại về sinh thái học, di truyền học. Quan tâm nhiều đến con người xã hội, con người trí tuệ là cần thiết, nhưng coi nhẹ con người sinh thái, con người tâm linh là sai lầm, mà sai lầm này phải trả giá rất đắt.

Thật vậy, phải hiểu các qui luật tự nhiên và tiềm năng tâm linh và nhất là các tiềm năng văn hóa dồi dào của con người, cả những tiềm năng siêu nhiên. Từ đó, phát triển những tiềm năng ấy là một trong những vấn đề có tầm chiến lược sâu xa trong sự tự do và tiến bộ của con người và xã hội. Đây là những vấn đề sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ III, như khoa học vật lý trong các thế kỷ trước, như sự dự báo của một số nhà khoa học tâm linh.

Tóm lại, là con người và vũ trụ có chung nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu sinh học, ảnh hưởng qua lại vừa tương sinh vừa tương khác, vừa tương đồng mà ngày nay đã được khoa học chứng minh hạt nhân hợp lý của nó. Đó là con người sinh thái, con người tâm linh trong chiều sâu bản thể của vũ trụ và nhân sinh.

II- “Sự phát triển siêu cá nhân” – vấn đề con người tâm linh

Cuốn sách Sự phát triển siêu cá nhân của Roberto Assagioli, là tác phẩm trình bày khá sâu sắc về một hiện tượng mới mẻ và phức tạp trên đây dưới góc độ nghiên cứu khoa học mà tôi muốn trình bày cảm nhận của mình về vấn đề con người tâm linh trong tác phẩm này. Đây là tác phẩm được tác giả, người cùng thời với Freud và Jung, nhưng đi xa hơn Jung, viết và giảng dạy từ năm 30 - 70 thế kỷ XX về sau được xuất bản và đã được một số nhà khoa học giới thiệu, đánh giá cao. Đó là tác phẩm ra đời hợp thời trong khi có sự khủng hoảng "thân phận con người". Con người chỉ biết hướng vào thế giới vật chất bên ngoài mà lãng quên thế giới bên trong, cái tâm linh với những cái thiêng liêng, cái cao cả, cái siêu việt, những cái dần dần mất đi và như vậy con người dần dần tự đánh mất mình, đây là điều tệ hại nhất đối với sự tồn tại của con người như nhận xét của chính tác giả. Ông muốn lập lại thế cân bằng của cả mặt hướng ngoại và hướng nội của đời sống con người .

Tác giả coi tâm linh là một tồn tại hiện thực cần nghiên cứu theo phương pháp tâm lý học và chống lại việc khai trừ hiện tượng tâm linh ra khỏi phạm vi nghiên cứu khoa học và giải phóng nó ra khỏi rào chắn của các thiên kiến bị dồn nén trong các tôn giáo, triết học và các hệ tư tưởng thần bí khác nhau, ông đã đề xướng một hướng nghiên cứu thực nghiệmvề nó, phương pháp Tổng hợp tâm lý coi con người là một thực thể sinh học - tâm lý - tâm linh, từ đó tạo ra phương pháp vững chắc để phát triển cá nhân, đúng như Roberto Assagioli (Italia) nhận xét là cái đặc sắc nhất của tác giả, được nhiều người noi theo .

Quả đây là vấn đề thú vị, khó, quan trọng, cần suy nghĩ cả về mặt triết học và mặt tâm lý học, nhưng còn ít được nghiên cứu ở nước ta.

Tác phẩm có 3 phần: 1- Cái siêu thức, 2- Sự thức tỉnh tâm linh, 3- Tính tâm linh trong đời sống hàng ngày; và phần phụ lục. Ông coi con người là một nguyên tử có cấu tạo - tương tác giữa cấu trúc sinh học với cấu trúc tình cảm, tinh thần, tâm linh có tổng số năng lượng xuyên cả vũ trụ, con người là một hành tinh, một vũ trụ vi mô vĩnh viễn sinh thành, như một hệ thống mở với một sự sống vô hạn mà con người phải tự mình khám phá. Vấn đề tâm linh, siêu thức là mạch ngầm trong đời sống tinh thần con người, được xem xét cả ba chiều: chiều văn hóa, chiều khoa học, chiều cá nhân từ chiều sâu đến đời thường trong sự vận động phong phú, sinh động của nó. Đây không phải là vấn đề lý luận thuần túy tư biện mà là vấn đề hiện thực mang tính cách mạng, năng động và sáng tạo như tác giả, nhà nhân văn chủ nghĩa đặc biệt, đã tự đánh giá mà nhiều người đồng tình.

Tác phẩm này có cái đặc biệt là nghiên cứu tâm linh ở tầm khoa học. Cả góc độ văn hóa, góc độ khoa học, góc độ cảm nhận cá nhân, tạo ra "đại giác nội tâm" đối với vấn đề tâm linh, vừa kế thừa trong kho tàng minh triết vừa nghiên cứu thực nghiệm, suy nghĩ cá nhân.

1- Trước hết nói về cái siêu thức. Cái siêu thực trong quan hệ bộ ba với hữu thức và vô thức, trong hữu thức là cái ở giữa, trung tâm, vô thức ở tầng thấp, siêu thức ở tầng cao nhất, như là ba trình độ, ba tính chất, ba trạng thái có khả năng chuyển hóa lẫn nhau, đi lên, đi xuống của một cái tâm lý duy nhất, "trường ý thức", "chúng chỉ là những điều kiện nhất thời của một sự kiện tâm lý". Cái siêu thức là một phương diện mới của con người mà khoa học còn ít được nghiên cứu. Như nhà tâm bệnh học Urban cho rằng có phổ ý thức giống hệt như mắt ta chỉ thấy những bức xạ từ cực đỏ đến tím - trong khi đó thật ra còn có những khu vực tâm lý - tâm linh giống như tia hồng ngoại và tia tử ngoại nữa.

Không chỉ hiện nay mà từ khá lâu có người đã nghiên cứu, hoặc bằng phương pháp hệ thống các sự kiện siêu thức, hoặc điều tra bằng phưong pháp khoa học, hoặc thực nghiệm. Qua đó chỉ ra các đặc trưng của các siêu thức. Có nhiều mức độ từ thấp lên cao, nhưng cao nhất là trực giác, tâm linh, sự thăng hoa của ý thức.

2- Các hoạt động, biểu hiện của cái siêu thức. Con người không chỉ đi sâu khám phá vũ trụ vật lý mênh mông, hay cái vi mô vật lý, hóa học, sinh học (gen), mà cả thế giới tâm lý. Người ta không phát hiện thấy ngoài ý thức có cái vô thức mà còn có cái siêu thức. Ở đây có những phát hiện quan trọng qua nghiên cứu tâm lý học sáng tạo, tìm thấy cả cái tâm lý và cái ngoài tâm lý, siêu tâm lý.

Cái siêu thức xâm nhập xuống cái hữu thức, cái hữu thức thăng hoa lên thành siêu thực, cái vô thức hướng lên cái hữu thức trong những thời điểm lóe sáng, nhập thần, xuất thần. Ở đây xuất hiện năng lực sáng tạo của cái siêu thức trong quá trình cái tinh thần "đầu thai", sinh nở như cơ thể sinh học vậy, một cách thần diệu, mà đúng như Shakespear nhận xét: “Còn nhiều điều nữa ở giữa trời và đất mà tinh thần con người nói chung không chấp nhận”.

3- Hình thành một nhánh khoa học mới: Tâm lý học chiều cao, nghiên cứu quá trình chuyển siêu thức vào cái trường ý thức thông thường với các mô thức: 1- Trực giác; 2-Tưởng tượng; 3- Lóe sáng; 4-Phát hiện; 5- Ngẫu hứng; 6- Sáng tạo; 7- Hiểu và lý giải.

- Trực giác có mức thấp là tri giác, rồi đến trực giác ý tưởng, trực giác trí tuệ, trực giác khoa học hay tôn giáo, trực gíac gắn liền với tình yêu
- Tưởng tượng gắn liền với trực giác, có cái tái hiện giản đơn, có cái tưởng tượng tái hiện, tưởng tượng sáng tạo
- Lóe sáng là đỉnh cao của trực giác nhưng trực giác chỉ thấy một mặt còn lóe sáng là nhận thấy tòan bộ, thống nhất tổng hợp
- Sự phát hiện là lóe sáng nhưng là nhận ra cái chưa biết tiền ẩn
- Ngẫu hứng và sáng tạo. Lóe sáng tạo ra ngẫu hứng, ngẫu hứng tạo ra sáng tạo, sáng tạo là sinh ra cái mới từ trên nền tảng ấy.
- Hiểu và lý giải bằng lý trí.

Trong thế giới loài người có không ít những thiên tài, tài năng trên nhiều lĩnh vực, họ có tiềm năng lớn cần phát huy. Họ là nguyên tố uranium có những phóng xạ mạnh; có những năng lượng khá phong phú với những tình độ cao. Phải biết sử dụng những tiềm năng quý hiếm đó vào lợi ích của con người và loài người.

4- Sự phát triển của cái tâm linh: Tâm linh hay cái siêu thực thường là cái tiềm ẩn trong đời sống tinh thần, do những tác động ngoại cảnh có thể trở nên sống động, trải qua một quá trình lâu dài, khó khăn mà ở đó năng lực tâm linh trước không hoạt động bây giờ trở nên sinh động và sáng tạo đã làm cho sự khủng hoảng, làm rối động thần kinh tâm thần.

Quá trình đó là: 1- Các cuộc khủng hoảng trước sự thức tỉnh tâm linh; 2- các cuộc khủng hoảng do sự thức tỉnh tâm linh sinh ra; 3- những phản ứng tiếp theo sự thức tỉnh tâm linh; các cuộc khủng hoảng gắn liền với các giai đoạn của quá trình biến đổi; 5- đêm tối của tâm linh. Sự diễn biến này có thể dẫn tới các kết quả khác nhau, tích cực hay tiêu cực, có thăng hoa sáng tạo hay không là tuỳ theo khả năng làm chủ bản thân, rèn luyện, thanh lọc ở từng người. Tác giả đã trình bày cụ thể sinh động về vấn đề này.

"Tâm linh là yếu tố siêu việt, ưu việt, thường hằng, tự do, nội tâm, sáng tạo, hài hòa và tổng hợp ở trong tất cả những gì biểu hiện ra về mặt cá nhân cũng như tập thể", với ý nghĩa đó, tâm linh trong cuộc sống hàng ngày, được biểu hiện ra ở những yếu tố sau đây:

- lòng dũng cảm khiến cho người ta vượt qua bản năng bảo tồn thể xác;
- tình thương yêu và tận tuỵ đối với người khác, đối với tổ quốc mình đối với loài người khi vượt qua thói vị kỷ;
- ý thức trách nhiệm;
- ý thức hợp tác, đoàn kết, tính xã hội;
- không vụ lợi, tận tụy và hy sinh bản thân mình;
- ý chí, khả năng tự quyết định, lực chọn, tự chủ, tổng hợp;
- "hiểu biết, tức mở rộng lĩnh vực ý thức của chúng ta tự đồng nhất với những thực thể khác, với những biểu hiện khác của sự sống phổ biến và nhất là hiểu biết sự sống phổ biến này, lĩnh hội ý nghĩa và mục đích của nó thừa nhận một ý chí, một sức mạnh thông minh, sáng suốt, yêu thương từ Vũ trụ đến hướng dẫn sự tiến hóa của sự sống phổ biến và đưa nó tới một mục đích vinh quang".

Điều này chỉ đúng khi hiểu sự thông minh, sáng suốt, ý chí… của thực thể sự sống vũ trụ như là một thuộc tính có năng lực phản ánh cuối cùng thể hiện cao nhất ở năng lực nhận thức cả lôgíc và trực giác của con người có ý thức mà trình độ cao nhất là cái siêu thức trong mối liên hệ với cái vô thức và hữu thức.

Như vậy, là cái siêu thực, tâm linh có nhiều trình độ, mức độ khác nhau, ở từng người cũng khác nhau, có thể là cái thiêng liêng, cái siêu việt, cái cao cả thăng hoa ở mức cao hoặc cũng thể hiện trong cái thường ngày dưới hình thức "cái bình thường".

Có thể hiểu rằng cái siêu thức, cái tâm linh gắn liền với trường vũ trụ, dưới dạng vật lý lượng tử và siêu vật lý, vật lý sự sống của thế giới tâm thần, có năng lượng tâm thần và năng lực tinh thần cao, tinh khiết, tổng hợp khi hoà nhập vào trường ý thức - hữu thức dù từ vô thức trào dâng hay từ trên cao của vũ trụ tâm linh trên hữu thức tràn vào trường hữu thức đó đã lóe sáng nhận thức, trực giác năng động sáng tạo, biểu hiện rõ nhất trong các sáng tác văn học nghệ thuật, tôn giáo, triết học và khoa học của nhiều vĩ nhân trên thế giới, hoặc của cả con người bình thường diễn ra trong những trường hợp hàng ngày nhưng mang ý nghĩa đặc biệt mà các sách báo đã ghi lại cũng được tác giả trình bày thấu đáo trong sách này.

Ở nước ta hiện nay, khác với trước đây, vấn đề tâm linh và trực giác đã được thừa nhận trên nguyên tắc giải thích theo lập trường duy vật biện chứng, nhưng đi sâu nghiên cứu còn khó khăn, nhất khi khá nhiều hiện tượng còn gắn với các hoạt động bói toán, mê tín và tôn giáo. Do vậy, vấn đề là phải nghiên cứu nó một cách khoa học, phê phán có kế thừa các tri thức trên thế giới và trong nước, chứ không nên đố kỵ, mặc cảm vô căn cứ.

III- Con người, trường sinh học và năng lực ngoại cảm

Những năm gần đây ở nước ta và cả trên thế giới vấn đề ngoại cảm đã được sách báo nói tới nhiều. Trên thế giới, việc nghiên cứu về vấn đề này đã được tiến hành ở Anh, Mỹ từ năm 1882, 1885; và trên thế giới đã có Hội nghiên cứu về ngoại cảm, tới năm 1997 đã có 54 tạp chí trong 15 nước nói về ngoại cảm. Nhưng ý kiến cũng còn khác nhau. Tuy vậy là người làm khoa học, chúng ta cần tìm hiểu hiện tượng này. Nhân đọc cuốn sách Ngoại cảm, sự thật hay huyền thoại, do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành, 1996, tôi muốn ghi nhận lại những khía cạnh có ý nghĩa về mặt nhận thức luận.

1-Phát ra năng lượng như khí công cứng, động từ xa, phi thân, phát ra ánh sáng, tia hồng ngoại;
2- Cảm nhận thông tin từ bên ngoài như nhận biết chữ bằng tai, nhìn xuyên suốt sự vật, phát hiện bệnh bằng tay, đọc được ý nghĩ của người khác…

Con người sinh ra đã có công năng siêu nhiên này, năng lực siêu nhiên thông qua các dạng hoạt động của sóng điện từ, sóng siêu thanh, dòng hạt, plasma, tốc độ siêu ánh sáng, từ trường, vật lý lượng tử, kết cấu hao tán. Nhưng trong cơ thể có quá nhiều lực cản làm cho chúng khó truyền đến ý thức. Đây là vấn đề mà các khoa học vật lý truyền thống chưa hiểu được hết nên đang cần môn vật lý mới. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng dự báo rằng trong tương lai sẽ hình thành mô hình y học lượng tử nghiên cứu tuần hoàn nội khí trong con người. Rằng thế giới đang thai nghén cuộc cách mạng lần thứ tư mà hạt nhân là cuộc cách mạng công nghệ sinh học lấy nghiên cứu thể sinh mệnh làm trung tâm. Những phát hiện đột phát mới về nhân thể học sẽ dẫn tới cuộc cách mạng còn sâu sắc hơn thuyết lượng tử và thuyết tương đối .

Cần chú ý là các trường sinh học có 2 dạng: dạng mang thông tin và dạng mang năng lượng. Nhưng sự phân biệt này có tính tương đối, vì nói chung chúng có cả hai mặt: thông tin và năng lượng; có dạng mang thuần tuý một loại thông tin hoặc năng lượng nhưng cũng có dạng bao hàm cả hai. Các năng lực này có những tác dụng kỳ lạ như tay nhúng vào vạc dầu sôi không bỏng, nâng được vật năng, hút được sắt, làm người tàng hình; nhìn xuyên vật cản, nhìn xa hàng vạn vạn dặm, trao đổi thông tin từ xa, chữa bệnh từ xa, mổ từ xa, tay đọc được chữ, tai nghe được chữ, đọc được ý nghĩ người khác; tiên đoán được tương lai… Vậy điều gì tạo ra năng lực phi thường ấy?

Trường hợp một cô bé Bungari tên là Theodora nhìn thấy được sinh vật ngoài hành tinh đi vào nhà bé. Sau khi các bác sĩ xác định là không mắc bệnh lý gì cả, và các nhà khoa học đã giải thích rằng, cô bé có khả năng thần giao cách cảm rất lớn. Cô bé có "giác quan thứ 6", tức tri giác ngoại cảm, giống như máy vô tuyến điện vô cùng nhạy đã có khả năng bắt được thông tin từ xa, thông tin này như sóng điện từ phát ra từ tư duy não người mang hình ảnh để đi đến não người nhận xuyên qua mọi trở ngại. Nhờ thần giao cách cảm, cô bé có thể đi vào không gian không phải ba chiều mà là 4 chiều. Không gian 4 chiều là ngoài không gian ba chiều là chiều cao, chiều rộng, chiều dài, còn bốn chiều là có một chiều vuông góc với ba chiều kia. Giả sử không gian bốn chiều bao bọc không gian ba chiều, muốn đi vào không gian 4 chiều thì đi vào khe hở nơi ngăn cách không gian 4 chiều và 3 chiều thì sẽ đạt tới một khoảng cách vô cùng tận, không phải đi vòng vo. Chúng ta tưởng tượng có một sinh vật sống trên mặt phẳng không gian 2 chiều thì chúng không thể ra khỏi mặt phẳng được, như nếu mặt phẳng 2 chiều bị cong và còn hai điểm trên mặt phẳng trước trùng nhau, khi đó khoảng cách gần bằng không nhưng nếu trên mặt phẳng thì rất xa. Cũng như vậy ta hình dung về không gian 4 chiều như ví dụ trên. Ở đó con người có thể "lách qua khe hở" của chiều thứ tư có thể nhận được thông tin cách hàng trăm triệu năm ánh sáng trong nháy mắt. Từ đó con người có thể tiếp xúc được với hình ảnh từ xa trong khoảng cách gần. Mà thực sự thì không gian chúng ta là bị cong như thuyết tương đối tổng quát cho biết, do đó chỉ có vật lý tương lai tổng quát mới giải thích được hiện tượng trên.

Còn hiện tượng người nhìn xuyên vật cản, thấy được gan ruột người khác là do dòng điện đi vào não người làm cho nó có khả năng tiếp xúc với bức xạ tia hồng ngoại của các bộ phận trong cơ thể, tức là không phải nhìn bằng mắt mà bằng não; người nhìn bằng da, tức là nhìn bằng các giác quan quang học. Rõ ràng là cơ thể sống đã sử dụng trường sinh học để thu nhận và trao đổi thông tin, nghĩa là cơ thể có giác quan thứ 6. Ta biết rằng con vật có khả năng tiếp nhận các thông tin, tín hiệu khác mà các giác quan không tiếp nhận được, ít nhất là theo cách hiểu của chúng ta. Trong cơ thể có khả năng tiếp nhận các tần số siêu cao má các cơ quan lắp ghép vào không chịu tiếp nhận. Cơ thể con người làm một hệ thống tự điều khiển như là trong đó có máy vi tính đang làm việc, bộ óc người biết điều gì diễn ra trong cơ thể, mà trong mỗi tế bào khi có người điều khiển các tia lửa thần bật ra thì máy tính tự điều chỉnh và bệnh tật lùi xa.

Về tư duy và trí nhớ. Người ta biết rằng trí nhớ chỉ là sự tái hiện những gì cái kinh nghiệm đã qua; có trí nhớ chốc lát, có trí nhớ suốt đời. Mô hình tư duy là một quá trình điện qua các hoạt động của sóng điện, Nhưng khả năng trí nhớ của con người vẫn còn nhiều bí ẩn. Còn hiện tượng hào quang là sóng điện từ ở tia hồng ngoại của quang phổ. Các sinh vật có khả năng nhìn thấy hào quang, nhưng con người với mắt thường thì không. Lá cây cũng có hào quang, nếu phần lá bị cắt ta vẫn chụp được hào quang. Đò là plasma sinh học. Tư duy con người truyền từ người này qua người khác có thể cũng là thông qua plasma sinh học này.

Về tiềm thức và nhận thức. Ngày nay chúng ta thấy rằng quá trình suy nghĩ mà con người không nhận thấy được, chính là quá trình hoạt động của tiềm thức. Con người có đặc trưng suy nghĩ cái gì thì thường đi theo một quá trình phát triển lôgích của quá trình suy luận; còn tiềm thức, limh cảm là nhận thức dưới dạng kết luận có sẵn, không cần chứng minh... Tiềm thức ghi vào tế bào và sẽ báo (báo mộng, linh cảm…) cho con người trong những tình huống cần thiết mà không cần qua suy nghĩ.

Theo Bác sĩ thôi miên Bungari Lôganốp, thì "Môi trường xung quanh chúng là kho dự trữ thông tin và năng lượng khổng lồ, đến với chúng ta không chỉ qua ý thức mà còn qua cả vô thức", chúng có thể hoà nhập và đánh thức các tiềm năng trong cơ thể chúng ta.

Vũ trụ, theo Franz Anton Mesmer (1733-1815) Bác sĩ người Áo là được lấp đầy một chất lỏng vô hình - chất lỏng vũ trụ hay gọi là "dung dịch từ", chất lỏng này có thể xuyên qua cơ thể con người và có thể điều khiển được bằng từ trường, ông này đã chế tạo được máy điều khiển trong kỷ thuật thôi miên. Thôi miên thực chất là trạng thái đặc biệt của thần kinh, là sự nghỉ ngơi hoàn toàn của thần kinh và thể chất, mà ở đó người tác động vào tiềm thức người bị thôi miên và điều khiển họ theo ý muốn. Người bị thôi miên chìm đắm trong hư ảo, ta có thể ám thị họ, bắt họ quên, bắt họ nhớ, họ có thể thấy các sự vật không tồn tại, và không thấy các sự vật đang tồn tại.

Tiềm thức con người có thể tự động ghi nhận các thông tin vào của tế bào não (dù thức hay ngủ, đọc đi đọc lại một câu chuyện cho một người đang ngủ sau đó họ có thể đọc lại tương tự như hiện tượng học thuộc lòng vậy) và cũng tự động báo (linh cảm, báo mộng, phản ứng tự động) lại cho ta khi cần thiết một cách không ý thức. Đây là lĩnh vực vô thức, lĩnh vực liên quan tới cơ chế trường sinh học.

Trường sinh học, thần giao cách cảm, sự trao đổi thông tin từ xa có nguyên nhân từ sự hoạt động trao đổi thông tin của con người qua giác quan thứ 6 thông quan chất plasma sinh học, tức ngoài 5 giác quan. Cơ thể con người có cấu tạo đặc biệt mà ở đó các thông tin sinh học trao đổi với nhau, nhận thông tin và phát thông tin một cách vô thức, hình như có máy tính sinh học đang làm việc, bộ óc người hiểu được những gì xảy ra trong cơ thể, trong mỗi tế bào; nhưng ở một trạng thái nào đó lại có sự đồng nhất mà thông tin sinh học mang thông tin có ý thức, tức là sự gặp nhau giữa các dạng thông tin vô thức và có ý thức.

Hiện tượng "truyền tư tưởng" cho người khác ở cách xa chúng ta, không chỉ trên mặt đất mà cả trong không giam vũ trụ, như qua thí nghiệm tháng 2 năm 1971 ở Liên Xô trước đây và ngay cả ở Mỹ nhân chuyến bay lên mặt trăng của phi thuyền Apollo, ở đó bốn nhà khoa học đi truyền mệnh lệnh cho phi công Scott Michell để anh ta tự thi hành và đã thành công.

(Bài đã in trong sách “Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực” (2003) và cuốn “Phương pháp luận duy vật nhân văn, nhận biết và vận dụng”(2005) của tác giả)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người là Tiểu Vũ Trụ

    02/05/2019Nguyễn Tất ThịnhCon Người được hiểu là VŨ TRỤ THU NHỎ, nên tôi viết bài này, từ những điều chúng ta đã hiệu về VŨ TRỤ, để bày tỏ thêm đôi điều về Con Người, cùng cuộc sống của họ…
  • Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn

    29/03/2016GS, TS Nguyễn Ngọc KhaTa chỉ có thể cảm nhận được các hiện tượng "tâm linh" mà không thể suy luận chứng minh cơ chế cụ thể. Do chỉ cảm nhận được các hiện tượng "tâm linh” dưới dạng hoạt động của "logic trực giác xuất thần" nên xoay quanh vấn đề tâm linh người ta đã có nhiều ý kiến ở các góc độ khoa học khác nhau...
  • Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa

    17/09/2014Hà YênTri thức phải giúp chúng ta khám phá ra bản chất của Thế giới xung quanh và bản chất của Tâm linh con người. Vậy mà, từ thế kỷ XVII đến nay, hầu như tất cả mọi người đều cho rằng, Khoa học ngày càng đồng nghĩa với Tri thức, dẫn đến xã hội vô thần, làm cho nền tảng Tôn giáo, tình yêu và lòng trắc ẩn đã bị sai lệch hết sức thảm họa...
  • Chúng ta thoát thai từ đâu?

    07/01/2014"...khó mường tượng, cơ chế gì mà chỉ một mô người chết có thể tung ra một lượng thông tin to lớn về tạo dựng những mô người mới ở một cơ thể khác, tức kích thích sự tái sinh. Rồi chuyện mỗi tế bào người phức tạp đến thế nào cũng khó hình dung... Rõ ràng mọi chuyện đó xảy ra theo một chương trình hoạt động liên tục, chặt chẽ mà so với nó một cái máy tính hiện đại nhất cũng chỉ là cái đồ chơi treo trên cây thông Nôen. Các chương trình đó khu trú ở đâu? Tất nhiên không chỉ trong các gen. Theo dữ kiện vật lý mới thì các chương trình đó được ghi trong năng lượng tế vi, ở phương Đông năng lượng đó gọi là năng lượng của Chúa Trời, và cả ở trong nước cơ thể người . Vậy ai đã lập ra các chương trình tái tạo mô người diệu kỳ đó?..."
  • Tâm Linh…???... Chính là đức tin vậy

    04/02/2009Nguyễn Tất ThịnhNgười khác có thể tin Bạn sẽ có điều không hay, nhưng chính Bạn thì lại có khuynh hướng tin vào những điều, những cách thức có thể nào đó để mình hay hơn hoặc đỡ tồi đi. Bởi vậy Bạn biết sợ, lo xa mà muốn biết trước, cho dù manh nha…Đó là điều kì diệu ! Cho nên bản chất của Đức Tin là ở trong chính Bạn...
  • Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh

    20/01/2009Trần Văn ĐìnhMục đích của cuốn sách nhỏ này là bước đầu gợi mở một mối nối lý thuyết khả dĩ để nhìn nhận thế giới hữu hình và thế giới vô hình thành một thể thống nhất. Khoa học và tôn giáo được xem xét như những hợp phần thúc đẩy nhau phát triển. Điều này dẫn đến những yếu tố lý thuyết hoàn toàn mới, dễ hiểu, mang tính đột phá, có khả năng bao quát các lĩnh vực khoa học và tâm linh, cho phép khảo sát những hiện tượng bí ẩn một cách đa dạng, có hệ thống và mở ra nhiều khả năng hoàn thiện cuộc sống con người.
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...
  • Bàn về Tâm linh và Tâm thức

    12/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTôi muốn khởi đầu cho những bài viết tiếp sau về chủ đề mà bất cứ ai, tạm có thể nói về bản thân là trải nghiệm, cũng ít nhất đôi lần tự đặt câu hỏi. Thực ra, cho dù là Vô thức, ai cũng đang hành trình đến…để thấy được rằng: Có một điều gì đó cựa quậy sống động từ sâu thẳm đời sống tinh thần, một khi Ngộ được, sẽ giải tỏa được kho năng lượng vô hạn của Bản thân…
  • Lý giải nào cho những huyền bí tâm linh

    06/12/2008Hà YênThế giới các hiện tượng huyền bí thuộc phạm trù Tâm linh, vẫn tiếp tục kích thích nhiều công trình nghiên cứu, xuất hiện nhiều trong vòng hai mươi năm trở lại đây. Sự tập hợp trí tuệ ấy, hình thành cái gọi là “Khoa học huyền bí”, mà sức lan tỏa của nó đủ trở thành một bộ phận không nhỏ trong toàn bộ Tri thức của nhân loại.
  • Thế giới tâm linh

    14/01/2008GS, TS. Phạm Đức DươngTạo hóa đã bày đặt cho con người một nghịch lý vĩ đại mà con người từ khi xuất hiện cho đến mãi mai sau, dù thuộc màu da gì, thuộc dân tộc nào và sống bất cứ đâu trên trái đất này đều phải vượt qua nhưng không bao giờ vượt qua được...
  • Thực nghiệm tâm linh

    12/10/2007R.TagoreGiới thiệu hai luận văn tôn giáo - triết học Thực nghiệm tâm linh và Tôn giáo của một nghệ sĩ, chúng tôi muốn bạn đọc, một mặt, tiếp cận được với vấn đề tâm linh nói chung và tâm linh ấn Độ nói riêng đang trở thành một vấn đề "nóng" hiện nay và, mặt khác, qua đó nắm được ngọn nguồn nghệ thuật của Tagore để từ đó có một cách đọc khác về ông. Tagore viết về triết học mà như viết về nghệ thuật, viết một cách nghệ thuật...
  • "Tâm linh"... chẳng siêu hình tý nào!

    23/05/2007Nguyễn Bỉnh QuânCó anh bạn bảo tôi: Người Việt mình không có tâm thức tôn giáo triệt để mà chỉ hay tin các "điềm". Một cụ lão thành, 57 năm tuổi Đảng, sáng ra đi đâu vẫn ngại gặp cô hàng xóm nặng vía. Thấy cô là cụ quay vào chờ một lúc sau mới đi.
  • Tâm linh và mỹ học – nền tảng của văn hóa gia đình

    01/03/2007TS. Nguyễn Đình Đặng Lục – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ban Nội chính TWGia đình đã tạo nên xã hội, mối quan hệ tương tác đó đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất của xã hội loài người. Sự phát triển rực rỡ của nền văn minh nhân loại không phải tự có mà nó được bắt đầu từ chính cuộc sống gia đình. Gia đình truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì trên nền tảng của văn hóa gia đình được hình thành và phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của hai yếu tố: tâm linh và mỹ học...
  • Con người và tâm linh

    27/01/2006Phan QuangTết đến, xuân về. Phần đông gia đình người Việt, trong việc "sắm Tết", hầu như chẳng mấy ai không nghĩ đến dăm bông hoa, vài nén hương lễ gia tiên. Đó là cách hành xử văn hóa thể hiện mối quan hệ truyền thống mang tính dân tộc đối với thế giới tâm linh...
  • Khoa học và tâm linh

    03/12/2005Nguyễn Khánh HảiNhững nhận thức của con người về thế giới xung quanh (vũ trụ, xã hội, v..v..) có thể phân thành hai loại: một loại có thể kiểm nghiệm, chứng minh bằng thực nghiệm, bằng lý trí, bằng lô gích, đó là loại gọi là thuộc lĩnh vực khoa học. Loại thứ hai chỉ có thể nhận thức được bằng trực giác của từng người chứ không thể chứng minh hai năm rõ mười được bằng thực nghiệm hoặc bằng lý trí các vấn đề tâm linh thuộc lĩnh vực này.
  • Tâm linh – bản thể con người

    09/07/2005Nguyễn KiênTrong đời sống con người, thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí và tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, là cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn (hướng thượng), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác