Công bằng với doanh nhân
Ai cũng cần có sự công bằng, doanh nhân cũng vậy. Công bằng với doanh nhân trước hết là thái độ công bằng của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các nhà báo và của toàn xã hội khi đánh giá đúng – sai, cái hay và chưa hay. Một việc làm của một doanh nhân có thể được đánh giá khác nhau, nhưng yếu tố cốt lõi nhất, có tính bản chất nhất là doanh nhân đó có làm lợi cho dân, cho nước không? Hành lang pháp lý có lúc quá mênh mông, có lúc lại quá chật hẹp và thường đi sau đòi hỏi của cuộc sống. Trong bối cảnh đó, doanh nhân “va đập” với hành lang pháp lý là chuyện phải xảy ra. Nếu như sự “va đập” đó mà hiệu quả cuối cùng là vì dân vì nước thì doanh nhân phải được phong là anh hùng. Nếu tròn vo, lúc nào “cũng đúng”, nhưng chẳng đóng góp được gì cho xã hội thì cái đúng của doanh nhân chỉ là con số 0.
Công bằng cũng có nghĩa là đánh giá những tiêu cực của giới doanh nhân một cách chính xác. Ngoài đại đa số doanh nhân đi lên bằng trí tuệ, công sức của mình để làm lợi cho đất nước, thì cũng có không ít doanh nhân lợi dụng cơ chế, móc ngoặc với cán bộ các cơ quan công quyền để rút tiền nhà nước, để lừa đảo tài sản của người khác.
Họ coi Nhà nước là cái giếng chung, mạnh ai thì người đó múc thật lực. Họ không coi việc tìm ra nguồn nước, không coi việc làm ra nước để cái giếng nhà mình đầy, giếng của mọi người cũng đầy, mà chỉ muốn chiếm cái giếng chung thành của riêng. Vì lòng tham, họ bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý. Điều đó quả là tệ hại. Nhiều gương xấu doanh nhân ra toà, vào tù đã chứng minh thực trạng đau xót này.
Còn có những doanh nhân không rời Nhà nước được một bước, vì đó là chỗ dựa duy nhất của họ. Nếu rời ra, họ sẽ không làm được điều gì. Họ không cần quan tâm ISO, không cần biết đến AFTA hay WTO... Vì thế mới có một lớp doanh nhân “ký sinh” hiện vẫn đang tồn tại.
Doanh nhân có đẳng cấp cao, có đẳng cấp thấp. Có doanh nhân sáng giá, có doanh nhân chẳng ra gì. Đó là thực tế. Nhưng có thể tự hào rằng, nhìn chung doanh nhân Việt Nam đang đứng lên cùng đất nước, đã góp phần làm rạng danh đất Việt. Không có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, Việt Nam sẽ không vượt lên hội nhập thực thụ. Bởi vậy, rất cần sự đối xử công bằng với doanh nhân. Chúng ta không thể vì sự tệ hại của một số doanh nhân mà đánh giá thấp cả đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Sự rạch ròi trong đánh giá giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái yếu kém và vững mạnh rất cần cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam tiếp tục bước ra thế giới vốn đầy bão dông như hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015